Cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh tại nhà như thế nào?
Nội dung bài viết
Táo bón là một trong những biểu hiện thường gặp ở mọi độ tuổi. Vì thế trẻ sơ sinh cũng không ngoại lệ. Táo bón ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện khi bé bắt đầu ăn thức ăn đặc. Đứa trẻ bị táo bón thường sẽ có biểu hiện cong người và khóc khi rặn phân. Ngoài ra, số lần đi cầu của trẻ cũng ít hơn so với bình thường. Hầu hết cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh ít cần sử dụng đến thuốc. Bởi vì tình trạng này có thể được giải quyết qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng. Hoặc đôi khi sẽ cần dùng một số thuốc nhuận tràng. Mời quý phụ huynh cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu cách trị ở trẻ sơ sinh qua bài viết ngay sau đây.
Trên thực tế, táo bón ở trẻ vẫn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu các phương pháp điều trị tại nhà không giải quyết được tình trạng này. Mẹ sẽ cần đưa bé đến thăm khám bác sỹ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Thói quen đi tiêu bình thường ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Ở tuần đầu tiên sau khi sinh, hầu hết trẻ sơ sinh thường sẽ ra phân mềm hoặc lỏng khoảng 4 lần một ngày. Trên thực tế, trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ có số lần ra phân nhiều hơn so với trẻ dùng sữa công thức.
Trong 3 tháng tuổi đầu tiên, trẻ được nuôi sữa mẹ trung bình đi tiêu khoảng 3 lần một ngày. Tuy nhiên, tần số này không xảy ra ở tất cả các trẻ. Có những trẻ sẽ ra phân sau mỗi lần bú nữa. Mặt khác lại có những trẻ đi tiêu chỉ một lần một ngày. Ngoài ra, trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ thường rất hiếm bị táo bón.
Hầu hết những trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa công thức sẽ đi tiêu trung bình khoảng 2 – 4 lần một ngày. Tuy nhiên, số lần đi tiêu còn phụ thuộc vào loại sữa công thức cho bé uống. Những loại sữa như sữa đậu nành, sữa bò công thức có thể dẫn đến việc đi tiêu của bé trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, những loại sẽ công thức có chứa một phần hoặc hoàn toàn chứa đạm thủy phân – Loại sữa được khuyên sử dụng cho những đứa trẻ nhạy cảm hoặc bị dị ứng với sữa bò – Lại giúp cho phân mềm và trẻ dễ đi tiêu hơn.
Thói quen đi tiêu bất thường ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Trẻ khi bị táo bón sẽ khó đi phân ra ngoài. Một số đặc điểm khiến cho mẹ nghĩ rằng trẻ đang bị táo bón, bao gồm:
- Trong những lần đi tiêu trẻ hay có tư thế cong mông, cong chân về phía bụng và khóc.
- Số lần ra phân ít hơn so với thường ngày. Ví dụ trẻ chỉ đi 1 đến 2 lần một ngày. Trong khi đó trước đây trẻ có thói quen ra phân 3 đến 4 lần mỗi ngày.
Mẹ có thể lo lắng và nghĩ rằng trẻ đang bị táo bón khi thấy bé có biểu hiện căng thẳng ở mỗi lần đi tiêu. Khi căng thẳng trẻ thường biểu hiện mặt đỏ bừng lên. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp điều này là do trẻ sơ sinh thường chưa thể phối hợp được các cơ hậu môn để tạo động tác rặn và tống phân ra ngoài. Lúc này, mẹ có thể giúp bé bằng cách tạo tư thế cong ở hông và chân về phía bụng. Ở tư thế này sẽ giúp các cơ chậu của trẻ được thư giãn và việc tống phân trở nên dễ dàng hơn.
Trẻ sơ sinh thường không được gọi là bị táo bón khi cơ thể và mặt tỏ vẻ căng thẳng chỉ trong vài phút ở mỗi lần đi tiêu.
Cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh tại nhà như thế nào?
Với trẻ sơ sinh bị táo bón, mẹ có thể áp dụng những biện pháp điều trị tại nhà. Những biện pháp này sẽ có tác dụng trong 24 giờ. Vì thế, nếu sau 24 giờ bé vẫn chưa đi tiêu hoặc khiến mẹ vẫn lo lắng. Hãy nên đến phòng khám hoặc bệnh viện Nhi uy tín để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Điều đặc biệt quan trọng, mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám và điều trị ở các bệnh viện Nhi khoa uy tín mà không cần qua các biện pháp điều trị tại nhà, khi:
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi bị táo bón.
- Trẻ có kèm theo đau, khóc dữ dội hoặc có ra máu khi đi tiêu, hoặc nôn thường xuyên.
Những biện pháp sau đây chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ trên 4 tháng tuổi bị táo bón:
Cho trẻ uống nước trái cây
Ở những trẻ tối thiểu 4 tháng tuổi, nước ép trái cây có hiệu quả trong điều trị táo bón. Các loại nước ép có lợi cho trẻ bao gồm: Nước ép quả mận, táo hoặc lê. Những loại nước ép này có chứa sorbitol, một chất tạo ngọt có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Đối với các loại nước ép hoa quả khác sẽ không hữu hiệu bằng.
Mẹ nên cho con uống từ 60 đến 120 ml nước ép nguyên chất mỗi ngày cho trẻ từ 4 đến 8 tháng tuổi. Ở những trẻ lớn hơn, từ 8 đến 12 tháng tuổi, sẽ cần sử dụng 180ml nước ép mỗi ngày. Tuy nhiên, nước ép nên ngưng sử dụng khi trẻ đã hết táo bón. Không nên sử dụng nước ép mỗi ngày hơn 1 đến 2 tuần. Bởi vì nạp quá nhiều nước trái cây cũng sẽ không tốt cho dinh dưỡng và sự phát triển tối ưu của trẻ.
Tăng lượng chất xơ trong thức ăn
Táo bón ở trẻ sơ sinh thường bắt đầu khi bé bắt đầu ăn thức ăn đặc. Vì thế mẹ hãy thay thế bột dặm ngũ cốc lúa mạch (barley cereal) cho bé thay vì cháo xay nhuyễn. Mẹ cũng có thể thêm lượng củ quả giàu chất xơ xay nhuyễn vào phần ăn của bé. Các loại rau củ giàu chất xơ bao gồm: Khoai lang, các loại đậu, đậu Hà Lan, bông cải xanh, hoặc rau bina. Ngoài ra, mẹ vẫn có thể trộn nước ép trái cây (táo, mận, lê) vào ngũ cốc cho bé ăn. Hoặc cho trái cây và rau vào xay nhuyễn.
Sữa công thức có hàm lượng sắt có gây táo bón cho trẻ?
Một số mẹ nghĩ rằng lượng sắt trong sữa công thức có thể gây ra táo bón cho trẻ. Trên thực tế, lượng sắt trong sữa công thức là thấp và không đủ để gây ra táo bón cho trẻ. Vì thế, thay vì đổi từ loại sữa đang dùng sang loại sữa ít hàm lượng sắt hơn để giảm táo bón ở trẻ là không hiệu quả.
Một số trẻ táo bón khi công thức sữa không phù hợp với cơ địa của trẻ. Nếu mẹ muốn thay đổi công thức sữa khác cho trẻ, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ.
Tuy nhiên, với những trẻ có bổ sung giọt siro sắt, đôi khi gây ra tình trạng táo bón. Vì thế, ở trẻ có sử dụng giọt sắt có thể cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc phương pháp điều trị bổ sung để phòng ngừa táo bón. Lúc này, mẹ cần nên tham khảo ý kiến bác sỹ chế độ ăn phù hợp cho trẻ.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Các trường hợp cần thăm khám bác sĩ, bao gồm:
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi bị táo bón.
- Có kèm theo đau, khóc dữ dội hoặc có ra máu khi đi tiêu.
- Kèm theo nôn thường xuyên.
- Trẻ vẫn táo bón khi áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà.
- Mẹ lo lắng nhiều về tình trạng táo bón của trẻ.
Khi đến thăm khám bác sĩ. Để hiểu rõ về tình trạng của trẻ, bác sỹ sẽ hỏi mẹ một số câu hỏi như:
- Trẻ táo bón bắt đầu từ khi nào?
- Trẻ biểu hiện như thế nào khi đi tiêu?
- Có kèm theo các triệu chứng như nôn ói, chảy máu khi đi tiêu không?
- Còn bú mẹ hay sữa công thức, bột ăn dặm, chế độ dinh dưỡng như thế nào?
- Bác sĩ có thể hỏi thêm mẹ về mức độ cứng của phân.
Nếu cần thiết, bác sỹ sẽ khám sức khỏe của bé và có thể khám trực tràng. Hầu hết những trẻ táo bón đều không yêu cầu cần các xét nghiệm bệnh phẩm như máu hoặc cần chụp Xquang.
Cách trị táo bón ở trẻ sơ sinh hầu hết không cần dùng đến thuốc. Bởi vì tình trạng táo bón có thể được giải quyết khi thay đổi chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên các biện pháp tại nhà chỉ áp dụng cho trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên và không kèm theo các triệu chứng nào khác ngoài táo bón. Ở những trường hợp khác như trẻ dưới 4 tháng tuổi, trẻ có các biểu hiện bất thường như chảy máu âm đạo, thường xuyên buồn nôn, nôn,… Mẹ cần đưa bé đế trung tâm y tế để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.