Táo nhân: Thuốc hay cho người mất ngủ
Nội dung bài viết
Trong Đông Y có một vị thuốc hay cho bệnh nhân mất ngủ là Táo nhân hay Toan táo nhân. Tuy nhiên, ít người biết rằng, vị thuốc này có nguồn gốc từ trái táo chua mà chúng ta vẫn ăn, tên gọi là Táo ta. Táo nhân được lấy từ hạt phía trong hạch của quả táo, sau đó bào chế phù hợp để thành vị thuốc. Toan táo nhân có công dụng an thần, trị các chứng mất ngủ, hay ra mồ hôi, người phiền muộn, hay hồi hộp.
1. Mô tả
Táo nhân có nguồn gốc từ cây Táo ta hay còn gọi là cây Táo chua có tên khoa học là Ziziphus mauritiana Lamk., thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Được trồng khắp nơi ở nước ta để lấy quả ăn.
1.1. Cây Táo ta
Cây táo ta là một cây nhỏ, có gai, cành thõng xuống. Người ta còn gọi là táo xanh. Lá hình bầu dục ngắn hoặc hơi thon dài. Mặt trên lá xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông, mép có răng cưa. Có 3 gân dọc theo chiếu lá.
Hoa trắng, mọc thành xim ở kẽ lá. Quả hạch có vỏ quả ngoài nhẵn, màu vàng xanh, vỏ quả giữa dày, vị ngọt, hạch cứng xù xì. Đập hạch ra sẽ được nhân hạt táo, phơi khô gọi là táo nhân.
1.2. Vị thuốc Táo nhân
Hạt hình cầu hay hình trứng dẹt có một đầu hơi nhọn. Một mặt gần như phẳng, một mặt khum hình thấu kính. Ở đầu nhọn có rốn hạt hơi lõm xuống, màu nâu thẫm. Mặt ngoài màu nâu đỏ hay nâu vàng, đôi khi có màu nâu thẫm. Chất mềm, dễ cắt ngang.
2. Thu hái và bào chế
2.1. Thu hái
Thu hoạch quả chín từ cuối mùa thu đến đầu mùa đông, loại bỏ thịt quả, lấy hạch cứng rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, xay bỏ vỏ hạch cứng, sàng lấy hạt, phơi hoặc sấy khô.
2.2. Bào chế
Toan táo nhân: Loại bỏ vỏ hạch cứng sót lại, khi dùng giã nát.
Toan táo nhân sao: Lấy toan táo nhân sạch, sao nhỏ lửa đến khi phồng lên và hơi thẫm màu. Khi dùng giã nát.
3. Thành phần hoá học
Hạt Táo ta chứa các thành phần hóa học hoạt tính sinh học khác nhau, như flavonoid, saponin, alkaloids và terpen. Việc xác định nhanh chóng các thành phần hóa học trong hạt Táo ta đã đạt được thành công. Kết quả là, 60 thành phần cũ đã được xác định và 53 thành phần mới được tìm thấy. Trong số đó có hoạt chất quan trọng là Jujuboside A.
4. Tác dụng dược lý
- Jujuboside A ngăn ngừa rối loạn mất ngủ gây ra sự kích thích tế bào thần kinh vùng đồi thị và suy giảm trí nhớ ở chuột.
- Jujuboside A cải thiện sự thiếu hụt nhận thức trong bệnh Alzheimer.
- Hoạt chất Jujuboside A một tác nhân bảo vệ thần kinh từ Táo nhân cải thiện các rối loạn hành vi của mô hình chuột mất trí nhớ.
- Trên thực nghiệm động vật, Táo nhân phối hợp dùng với Ngũ vị tử có tác dụng chống choáng do phỏng và giảm phù nề vùng phỏng
5. Công dụng, liều dùng
5.1. Công dụng
Dưỡng Tâm Can, an thần, cầm mồ hôi.
Chủ trị: Tim đập hồi hộp, mất ngủ, ngủ mê, cơ thể hư nhược do ra nhiều mồ hôi, khát nước.
5.2. Liều dùng
Ngày dùng từ 9g đến 15g. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.
6. Bài thuốc kinh nghiệm
6.1. Mất ngủ, thần kinh suy nhược
Toan táo nhân (sao đen) 6g, Phục linh 5g, Xuyên khung 3g, Tri mẫu 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.
6.2. Ra mồ hôi trộm
Sao đen Táo nhân 20g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g tán bột, uống với nước cơm hoặc sắc uống.
6.3. Hay quên, ăn uống kém, mỏi mệt
Táo nhân (sao) 16g, Viễn chí (chích), Xương bồ đều 8g, Đảng sâm, Phục linh đều 12g. Sắc uống hoặc tán bột, uống với nước cơm.
7. Kiêng kỵ
- Theo sách Bản Thảo Kinh Sơ: Phàm kinh Can, Đởm và Tỳ có thực nhiệt thì không dùng.
- Theo sách Đắc Phối Bản Thảo: Những người can vượng, phiền táo, mất ngủ do Can cường không dùng.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Toan táo nhân không dùng cùng với Phòng kỷ.
- Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách: Người có thực tà, uất hỏa không được dùng.
Toan táo nhân có công dụng dưỡng Tâm Can, an thần, cầm mồ hôi, trị mất ngủ, tim hồi hộp, người ra mồ hôi nhiều, khát nước. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!