Tê bì tay chân có thể đã mắc bệnh gì?
Nội dung bài viết
Tê bì tay chân là một triệu chứng tương đối phổ biến. Nếu bỗng dưng xuất hiện cảm giác này thường xuyên, chắc hẳn chúng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, triệu chứng này cũng có thể báo hiệu một số tình trạng cần lưu ý. Bài viết sau của Bác sĩ Đinh Gia Khánh sẽ nói rõ hơn về vấn đề này, cũng như cách xử lý phù hợp nhé.
Biểu hiện của tê bì tay chân cụ thể là như thế nào?
Thông thường là cảm giác tê rần ở các đầu chi, dễ thấy nhất là ngón tay. Cảm giác châm chích hoặc thậm chí có thể kèm theo giảm cảm giác nhận biết thông thường.
Bên cạnh đó, điều cần chú ý là các triệu chứng khác quan trọng kèm theo. Những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm bao gồm:
- Yếu cơ, mất thăng bằng.
- Đau nhức cơ thể như cổ, gáy, vai, hông, đùi, mông,…
- Thay đổi màu sắc da vùng tê bì: tái nhạt hoặc tím đỏ,…
- Tri giác lẫn lộn, mất đi sự minh mẫn bình thường.
Xem thêm: Đau nền ngón tay do thoái hóa
Triệu chứng tê bì tay chân có thể do bệnh gì, có thật sự nguy hiểm?
Như đã nói, đây là một biểu hiện có thể do nguyên nhân đơn giản cho đến báo hiệu một tình trạng cần điều trị sớm. Quan trọng là nhận diện mức độ và dấu hiệu đi kèm, nhất là người lớn tuổi. Các nguyên nhân “thủ phạm” nổi bật có thể:
1. Bệnh lý thần kinh – cột sống
Đây là nhóm nguyên nhân tương đối phổ biến, đặc biệt là đối tượng người lớn, lao động nhiều. Gồm nhiều có các bệnh lý kinh điển mà nhắc đến thì chúng ta đều cảm thấy rất đỗi quen thuộc như thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống (thường gọi là gai cột sống)…
Chúng xuất hiện theo thời gian và sự tổn hại của cấu trúc xương. Dẫn đến cấu trúc bình thường bị thay đổi, chèn ép các rễ, các dây thần kinh và gây ra triệu chứng trên. Khi người bệnh đau nhức cổ vai, đau nhức tay chân và tê rần dọc lên trên thì cần đi khám ngay nhé.
Các bác sĩ nội thần kinh, cơ xương khớp hay chỉnh hình là những người chúng ta có thể tham vấn. Các phương tiện hình ảnh, trong đó chụp cộng hưởng từ là một trong những chìa khoá “vàng” trong nhóm này.
2. Bệnh lý viêm rễ – viêm dây thần kinh
Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng viêm tại rễ hoặc dây thần kinh. Bao gồm:
2.1. Nhiễm trùng, nhiễm siêu vi
Một số vi khuẩn có thể gây viêm rễ, viêm dây thần kinh.
2.2. Bệnh lý tự miễn
Các bệnh lý có thể tạo ra kháng thể, thay vì chúng tấn công các vật ngoại lai, chúng lại tấn công các cấu trúc của hệ thống thần kinh ngoại biên trong cơ thể và gây ra tê bì tay chân. Biểu hiện của tình trạng này rất thay đổi và không nên chủ quan. Trường hợp tổn thương gây liệt cơ hô hấp là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất.
Khi tê bì kèm với sốt, yếu cơ hay đau khớp,… Hãy tìm đến bác sĩ nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
2.3. Bệnh lý mãn tính, nội tiết – chuyển hoá
Nhiều loại bệnh khác nhau có thể gây triệu chứng tê bì tay chân do thay đổi hoạt động của hệ nội tiết và sự vận hành bình thường của hệ thống điện giải trong cơ thể:
- Đái tháo đường: nguyên nhân rất thường gặp.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Suy thận.
- Gout,…
Khi đang mắc, đang điều trị bệnh lý trên mà xuất hiện tê bì, hãy tìm đến bác sĩ điều trị của mình để có tư vấn hợp lí nhất nhé.
3. Bệnh lý mạch máu
Khi có những bất thường làm giảm lượng máu nuôi đến cấu trúc ở xa cơ thể và dây thần kinh thì triệu chứng tê bì có thể gặp:
- Xơ vữa mạch máu.
- Hẹp động mạch, dị dạng động mạch.
- Huyết khối mạch máu.
4. Thiếu hụt vi chất
Nổi bật bao gồm có hạ canxi máu, thiếu vitamin B12… thường đi kèm trong bệnh lý mạn tính khác. Những bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày, ruột có nguy cao hơn trong bệnh lý này. Bệnh nhân có thể bị thiếu máu kèm theo.
Việc thiếu hụt vi chất có thể gặp nhiều ở những người lạm dụng thuốc lá và đặc biệt là nghiện rượu.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Một điều quan trọng không được bỏ quên đó là các thuốc và chất bệnh nhân đang sử dụng. Rất nhiều loại thuốc có thể gây triệu chứng tê bì tay chân mà rất khó phân biệt. Do đó, khi đi khám bệnh, bệnh nhân và người nhà cần nêu rõ với bác sĩ thăm khám cho mình tất cả các loại thuốc mình đang sử dụng, bao gồm cả thuốc bắc, thuốc nam, thuốc gia truyền.
Thậm chí là các thuốc mình đã sử dụng trong thời gian trước đó. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc nhận diện nguyên nhân của triệu chứng tê bì nói trên.
6. Tác động của yếu tố ngoại cảnh
Chúng ta đã lược qua các nguyên nhân có phần “đáng sợ” phải không nào! Nhưng thực tế, bên cạnh đó các nguyên nhân sinh lý thông thường cũng là những “tội đồ” gây nên triệu chứng tê bì tay chân khó chịu này. Các điều kiện của môi trường có thể gồm:
- Thay đổi thời tiết.
- Căng thẳng, lo âu, cãi vã.
- Tư thế ngủ, học tập, làm việc không phù hợp.
- Mang quần áo, dày dép quá chật,…
Triệu chứng tê bì tay chân là một trong những biểu hiện phổ biến thường gặp. Nguyên nhân của bệnh có thể từ đơn giản do ngoại cảnh cho đến phức tạp bởi các bệnh tự miễn hay thần kinh. Việc chú ý đặc điểm của triệu chứng, các biểu hiện kèm theo là vô cùng quan trọng trong việc nhận diện sớm bệnh để có những xử lý kịp thời.