Thạch hộc: Loài hoa lan làm thuốc quý
Nội dung bài viết
Ngày xưa, Trung Hoa có 9 loại thảo dược quý hiếm, gọi là “Đại tiên thảo Trung Hoa”, gồm có: Thạch hộc rỉ sắt, Thiên sơn tuyết liên, Tam trạng nhân sâm, Đông trùng hạ thảo, Bách niên thủ ô, Hoa giáp phục linh, Đại mạc tùng dung, Thân sơn linh chi và Chân châu đáy biển. Trong đó, Thạch hộc đứng đầu trong 9 vị “Đại tiên thảo”, là vị thuốc quý giúp tư âm bổ thận. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ cho bạn những hiểu biết về thảo dược quý này.
1. Đặc điểm vị thuốc Thạch hộc
Thạch hộc (Herba Dendrobii) là loại hoa lan, mà mọi người hay gọi là lan Thạch hộc. Thật ra, nó là tên chung của nhiều loại phong lan, như: Thạch hộc tía (Thiết bì thạch hộc), Thạch hộc lưu tô, Thạch hộc cầu hoa, Thạch hộc cổ chùy, Kim thoa thạch hộc… Trong đó, Thạch hộc tía và Kim thoa thạch hộc là 2 cái tên mà mọi người nghe nhiều nhất dùng để làm thuốc.
Sở dĩ nó được đặt cho cái tên Thạch hộc là do loại cây này thường mọc ra từ trong các kẽ đá. Ngoài ra, có một cách giải thích khác cho tên gọi này, YouMed cũng xin nêu ra ở đây để bạn đọc tham khảo. “Thạch” là đơn vị đo lường xưa, thường dùng để đo lường số lượng gạo tiêu thụ trong 1 năm. “Hộc” cũng là đơn vị đo lường gạo 1 người dùng trong 1 ngày. Do đó, gọi tên Thạch hộc liệu có phải ý chỉ sự quý giá của vị thuốc này, tương đương với số lượng gạo rất lớn chăng?
1.1. Mô tả
Thạch hộc là loại cây sống phụ sinh trên thân cây gỗ hoặc những vách đá. Chúng thường mọc thành cụm. Cây trưởng thành cao khoảng 30 – 50cm.
Thân cây hơi dẹt, có những rãnh dài dọc thân, phần thân dưới mỏng nhỏ hơn phần trên. Trên thân có những đốt dài khoảng 2,5 – 3cm, có vân dọc. Thạch hộc có nhiều loại, tùy loại mà thân có màu khác nhau. Như Thạch hộc tía thân có màu tím, Kim thạch hộc thân màu vàng, một số loại Thạch hộc khác thân thường có màu xanh…
Lá dài khoảng 12cm, rộng khoảng 2 – 3cm, có hình thuôn dài, mọc so le tạo thành 2 dãy đều 2 bên thân. Trên mặt lá có 5 gân dọc và hầu như không có cuống. Đầu lá hơi cuộn lại thành hình cái móng.
Hoa có 2 – 4 cánh hình bầu dục, hoặc nhọn cuộn thành phễu, mọc ở kẽ lá. Thường hoa có màu sắc đa dạng tùy loại Thạch hộc, nhưng trong họng hoa sẽ xuất hiện các chấm màu tím. Loại hoa này không mọc riêng lẻ mà sẽ mọc thành chùm trên các cuống dài.
Quả nang hình hơi thoi, sẽ tự nở ra khi khô. Trong quả có rất nhiều hạt nhỏ như bụi phấn.
Mùa hoa vào khoảng tháng 2 – 4, mùa quả từ tháng 4 đến tháng 6.
1.2. Phân bố
Loại cây này thường mọc hoang ở vùng rừng có độ cao 1.000 – 3.400 m so với mực nước biển. Cây sống phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng. Trong điều kiện môi trường tự nhiên độ ẩm 70%, nhiệt độ không khí bình quân năm 12 – 18°C, lượng mưa 900 – 1.500 mm. Loại này thường tập trung sống ở phần dốc núi râm mát, độ ẩm cao và vách núi đá.
Thạch hộc phân bố nhiều ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanmar và nhiều nước nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Ở Việt Nam, cây thấy nhiều ở rừng núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Gia Lai, Lâm Ðồng.
2. Bộ phận Thạch hộc dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
2.1. Bộ phận dùng
Người ta dùng thân và cành của cây để làm thuốc.
2.2. Thu hái
Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa đông. Thường sau khi trồng 1 – 2 năm là có thể thu hoạch.
Khi hái, dùng kéo cắt phần trên gốc, chỉ cắt lấy thân già, giữ lại thân non để phát triển tiếp. Cắt từ phần trên của bộ rễ, để lại ít nhất 2 đốt để năm sau cây tiếp tục đâm chồi nảy lộc.
2.3. Chế biến
Có 3 cách sơ chế Thạch hộc làm thuốc: Chế biến khô, tươi, chế biến phong đấu.
Chế biến tươi: Thân cành tươi dùng trực tiếp làm thuốc.
Chế biến khô, có 2 cách:
- Cách 1: Luộc bằng nước sôi: Cây tươi ngắt hết rễ và lá, ngâm nước vài ngày để lá và màng thối rữa, sau đó dùng bàn chải quét hết màng mỏng của bẹ. Dùng nước hấp khô, sau khi hong khô dùng rơm buộc lại rồi tiếp tục hong khô, nhưng không để lửa quá mạnh. Sau khi khô, phun chút nước sôi rồi xếp thành từng lớp phủ rơm. Khi thân cây chuyển sang màu vàng ươm lại đem hong khô.
- Cách 2: Hấp nóng: Sau khi làm sạch, đặt cây vào nồi có cát rồi đun nóng đảo đi đảo lại. Khi thấy bẹ lá khô, lấy ra đặt vào mâm gỗ rồi bó lại. Loại bỏ bẹ lá rồi dùng nước rửa hết bùn, cắt đem phơi khô đến đêm và sáng hôm sau đảo đi đảo lại vài lần. Thân chuyển sang màu vàng ươm lại được làm khô tiếp.
Chế biến phong đấu: Sau khi rửa sạch như trên, ngắt hết lá và màng bẹ cắt thành đoạn dài 10cm cho vào nồi, phủ tro giữ nhiệt ở 80°C. Sau khi khô nhuyễn dùng tay bện thành rợ, rồi cho vào nồi ở nhiệt độ 50°C. Phần thân cây còn giữ được rễ tơ và ngọn thân gọi là phượng vỹ, có độ dài vừa phải được chế biến thành phong đấu, còn gọi là “Long đầu phượng vỹ” là tuyệt phẩm của Thạch hộc rỉ sắt dùng làm thuốc. Chú ý không đun quá lửa để ảnh hưởng đến chất lượng.
2.4. Bảo quản
Giữ vị thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc, tránh ánh nắng trực tiếp.
3. Thành phần hóa học
Trong Thạch hộc chứa polysaccharide, alkaloid, các acid amin, nhiều chất khoáng kali, canxi, magie, mangan, đồng, titan và nhiều nguyên tố vi lượng.
Ngoài ra, trong thân cây Thạch hộc tía còn có những hợp chất đặc thù như phenanthryn, bibenzyl , keton, ester và các chất nhầy, hợp chất amidon.
Thân Thạch hộc có dầu bay hơi, trong đó có chất manool của hợp chất ditecpen chiếm hơn 50%.
4. Tác dụng dược lý
Có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau nhẹ (trích Yếu văn kiện Nghiên cứu Trung dược, Nhà xuất bản Khoa học 1965, trang 129).
Trên động vật thực nghiệm, nước sắc Thạch hộc làm tăng tiết dịch vị, trợ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột và thông tiện, nhưng liều cao thì tác dụng ngược lại làm tê liệt cơ ruột. Nồng độ thuốc thấp có tác dụng hưng phấn tá tràng cô lập của thỏ, nồng độ cao thì có tác dụng ức chế.
Trên động vật thực nghiệm, Thạch hộc có tác dụng làm tăng đường huyết ở mức độ trung bình. Lượng cao Thạch hộc có thể ức chế hô hấp, tim, hạ huyết áp.
5. Công dụng của vị thuốc Thạch hộc
Thạch hộc có vị ngọt, hơi mặn, tính hơi hạn. Đó là vị thuốc bổ phần âm trong cơ thể. Khi phần âm bị thiếu hụt, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như: người nóng, khô khan, họng khô, hai gò má đỏ, ho khan, nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, sốt về chiều…
Khi phần âm trong cơ thể thiếu hụt, sẽ đưa đến rất nhiều chứng bệnh. Thạch hộc sẽ góp phần điều trị những chứng bệnh đó:
- Chữa hư lao, bồi bổ cho những người gầy còm ốm yếu do nóng quá, ho khan, nóng sốt.
- Ích tinh, chữa di tinh, mộng tinh.
- Chữa viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Chữa viêm nha chu, chữa đau răng do nhiệt bốc.
- Điều trị suy nhược thần kinh, đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, khó ngủ.
- Chữa viêm dạ dày do bị nhiệt.
- Điều trị nóng trong người, nhức trong xương, khô khát.
6. Liều dùng
Dùng 6 – 15g/ngày.
7. Một số bài thuốc sử dụng Thạch hộc
7.1. Bài thuốc điều trị suy nhược thần kinh, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó ngủ
Thạch hộc 12g, Mạch môn 12g, Kỷ tử 12g, Sa sâm 12g, Hạ khô thảo 12g, Mẫu lệ 12g, Câu đằng 12g, Cúc hoa 8g, Trạch tả 8g, Địa cốt bì 8g, Táo nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
7.2. Bài thuốc trị di tinh, mộng tinh
Thạch hộc 12g, Kim anh 12g, Mạch môn 12g, Sa sâm 12g, Liên nhục 12g, Khiếm thực 12g, Quy bản 8g. Sắc uống.
7.3. Bài thuốc trị viêm bàng quang mạn tính
Thạch hộc 12g, Sa sâm 12g, Ngưu tất 12g, Thục địa 12g, vỏ Núc nác 12g, Kim ngân hoa 20g, Mã đề 16g, Tỳ giải 16g. Sắc uống.
8. Lưu ý
- Thạch hộc cần nấu trước khi phối hợp các dược liệu khác vào dạng thuốc sắc.
- Không dùng thạch hộc cho những người mới bị bệnh do sốt gây ra.
Thạch hộc là vị thuốc quý, tuy nhiên để sử dụng hiệu quả và tránh tác dụng phụ, quý độc giả cần có sự thăm khám và kê đơn của thầy thuốc, chứ không nên tự ý sử dụng. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của bạn ở các bài viết kế tiếp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đông y sỹ Hạnh Lâm, Nguyễn Văn Minh. Dược tinh chỉ Nam.
- Bài giảng Đông y. Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội.