YouMed

Thai to liệu có phải là tốt?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Thai to hơn nhiều so với bình thường là một trong những mối lo ngại của cả mẹ và bé. Hiểu biết về tình trạng này sẽ giúp mẹ biết cách quản lý tốt sức khỏe hơn trong thai kỳ. Điều đó, giúp việc mang thai và sinh đẻ của mẹ trở nên thuận lợi hơn. Hãy cùng Ths. BS Phan Lê Nam tìm hiểu về tình trạng này thông qua bài viết dưới đây!

Thế nào là thai to?

Bình thường, trẻ sinh ra tại Việt Nam có cân nặng trung bình từ 3000 – 3200 gram. Thai được gọi là to khi cân nặng của bé vượt nhiều so với mức trung bình. Hiện nay đa phần các trung tâm y tế đã chấp nhận rằng thai trên 4000 gram là to. Đây là con số được đưa ra bởi Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG). Theo thống kê, có khoảng 9% bé được sinh ra trên toàn thế gới có cân nặng hơn 4000 gram.

Tuy nhiên, thân hình phụ nữ ở nước Việt Nam nhỏ hơn so với các nước Phương Tây. Do vậy, vài quan điểm cho rằng ở Việt Nam, trọng lượng thai trên 3500 gram đã được gọi là to.

Thai to làm cho việc sinh ngã âm đạo trở nên khó khăn hơn ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Ngoài ra bé có nguy cơ chấn thương khi sinh.

thai to
Hình minh họa thai to

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến thai to?

Có nhiều yếu tố liên quan đến sự tăng cân của bé trong lúc mang thai. Những yếu tố này có thể được chia làm 2 nhóm: 

Các nguy cơ không kiểm soát được

  • Tiền sử sinh con to: Thai to sẽ có có nguy cơ hơn khi trước đây bạn đã từng có đứa con trước đó với cân nặng lúc sanh trên 4000 gram.
  • Di truyền: Nếu bản thân cha mẹ trước đây cũng từng được chẩn đoán là con to lúc sanh, cũng gây nguy cơ sinh con to sau này.
  • Giới tính: Bé trai thường nặng hơn so với bé gái. Hầu hết các em bé sinh ra với cân nặng lớn đều là bé trai.
  • Tuổi mẹ: Khi mang thai trên 35 tuổi, có thể tăng khả năng sinh con to.
  • Mang thai quá ngày (Thai già tháng): Thai trong bụng mẹ vượt quá ngày dự sanh nhiều ngày có thể dẫn đến thai to hơn. Tuy nhiên, điều này lại ít gặp trên thực tế.

Các nguy cơ kiểm soát được

  • Mẹ có bệnh tiểu đường: Trường hợp người mẹ từng được chẩn đoán tiểu đường trước khi mang thai, hoặc có đái tháo đường thai kỳ (tình trạng đường huyết cao trong lúc mang thai). Nguy cơ cao sinh con to nếu đường trong máu của người mẹ không kiểm soát tốt.

thai to

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao trước khi mang thai: Nếu mẹ có cân nặng vượt ngưỡng cho phép với chuẩn trước khi mang thai sẽ tăng nguy cơ con to lúc sinh.

thai to

  • Tăng cân quá nhiều khi mang thai: Cũng là yếu tố làm cân nặng thai nhi vượt ngưỡng cho phép.

Biết cách quản lý tốt các nguy cơ kiểm soát được, giúp người mẹ giảm tỉ lệ sinh con to. Trong phần “Nguyên tắc phòng ngừa” sẽ đề cập cụ thể hơn.

Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp ít gặp khác có khả năng dẫn đến sinh con to như: Mẹ có bệnh giang mai (nhau và thai thường to), dị tật thai nhi (não úng thủy, bụng to, bụng cóc, mông có bướu), v.v…

Làm sao để biết được thai có to hay không?

Thực tế việc biết chính xác thai to hay không dựa vào cân nặng lúc sinh của bé (vượt 4000 gr). Tuy nhiên, các biện pháp tầm soát trước sinh vẫn được khuyến khích vì mang lại nhiều lợi ích.

Trong đó, việc đánh giá các yếu tố nguy cơ của mẹ, thăm khám trước sanh, và siêu âm trong thai kì sẽ phối hợp với nhau nhằm ước lượng cân thai. Điều này cho phép đánh giá cân nặng tương đối chính xác trước sinh.

Hội Sản phụ khoa Hoa kỳ (ACOG) đề ra 2 phương pháp chính ước lượng cân nặng thai nhi. Đó là đánh giá dựa vào “vòng bụng và chiều cao tử cung”. Ngoài ra còn có kỹ năng khám bụng của bác sỹ còn được gọi là thủ thuật Leopond.

Siêu âm giúp tiên đoán trọng lượng thai nhi chỉ đạt khoảng 50%. Tuy nhiên, nó lại là phương tiện tốt để loại trừ các yếu tố khác làm bụng to hơn bình thường như: đa thai, đa ối, dị dạng, não úng thủy, ngôi mông, v.v.

Tiên lượng khi sinh con to qua ngã âm đạo?

Lưu ý, hậu quả được nêu ra trong bài viết nhằm chỉ để cung cấp thông tin.

Nếu quá trình sinh đẻ của bạn được thực hiện tại các cơ sở sản phụ khoa uy tín, bác sỹ sẽ đưa ra giải pháp phù hợp nhất nhằm giảm tối thiểu các hậu quả được nêu.

Tiên lượng ở người mẹ

  • Rách đường sinh dục: Thai lọt xuống từ ổ bụng ra bên ngoài qua ngã âm đạo. Con to sẽ làm rách các thành ngã âm đạo như: âm hộ, cổ tử cung,…
  • Chảy máu nhiều sau sinh (băng huyết sau sinh): Để đẩy con to ra được, cơ tử cung phải làm việc quá mức, làm đờ tử cung sau sanh. Tình trạng này gây chảy máu quá mức cho phép. Đòi hỏi phải được xử trí tích cực và kịp thời để cầm được máu.
  • Vỡ tử cung: Phụ nữ đã từng đẻ mổ hoặc có phẫu thuật liên quan đến tử cung, tạo sẹo tử cung. Khi mang thai mà em bé quá to sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ tử cung do nứt đường sẹo mổ. Lúc này việc mổ bắt con khẩn cấp được cân nhắc để đảm bảo tinh mạng cho mẹ và con.
  • Nhiễm trùng sau sinh: Vì có nhiều tổn thương trên người mẹ hơn khi sinh con to, nên thời gian hồi phục dài hơn. Điều này làm tăng cơ hội vi khuẩn xâm nhập, do vậy làm nhiễm trùng vết thương.

Tiên lượng ở trẻ

  • Chấn thương ở đầu: Trong quá trình chuyển dạ, tử cung tạo cơn gò đẩy thai xuống. Với con to, quá trình bị trì trệ, tạo áp lực trên đầu bé. Áp lực càng cao nhưng không lọt được tăng nguy cơ chấn thương sọ não cho trẻ.
  • Trẻ bị ngạt: Thường vị trí kẹt lại là ở vai, làm ngừng quá trình sổ ra của trẻ. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, trẻ sẽ bị ngạt do thiếu oxy.
  • Các chấn thương khác: tổn thương thần kinh ở cánh tay, gãy xương đòn, gãy xương cánh tay,…

Nguyên tắc phòng ngừa

Trên thực tế, thai to là không thể ngăn ngừa hoàn toàn vì còn phụ thuộc vào những yếu tố không kiểm soát được như đã đề cập. Ngoài ra, mẹ mang thai lớn vẫn có thể gặp mặc dù không có yếu tố nguy cơ nào.

Tuy nhiên, người mẹ vẫn có thể giảm tỉ lệ sinh con to bằng cách kiểm soát “các yếu tố nguy cơ sinh con to nhưng thay đổi được”.

Quản lý bệnh tiểu đường

Kiểm soát đường huyết tốt giảm nguy cơ sinh con to
Kiểm soát đường huyết tốt giảm nguy cơ sinh con to

Theo một nghiên cứu cho thấy, nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được chẩn đoán và kiểm soát, nguy cơ thai to có thể lên tới 20%. Ngoài ra, đường huyết cao trong thai kỳ còn gây ra các tác động xấu khác. Ví dụ tăng khả năng sẩy thai, sanh non, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, đa ối (ối nhiều).

Để kiểm soát đường huyết tốt bạn hãy thăm khám tiền sản ngay khi biết mình có thai. Bác sỹ sẽ đánh giá sức khỏe, tiền sử bản thân. Test thử đường cho mẹ thường sẽ được thực hiện ở tuần thứ 24. Việc này là cực kỳ cần thiết để chẩn đoán bạn có mắc tiểu đường thai kỳ hay không? Đặc biệc là nếu bạn đã từng có tiền sử tiểu đường thai kỳ.

Việc thử test đường sớm hơn bình thường (trước 24 tuần) sẽ được thực hiện nếu bạn có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ hơn những người khác. Ngoài ra, bác sỹ cũng sẽ tư vấn liệu pháp điều trị và chế độ ăn phù hợp để giữ mức đường huyết ổn định cho cơ thể.

Kiểm soát chỉ số khổi cơ thể (BMI) trước khi mang thai

Kiểm soát cân nặng trước khi mang thai
Kiểm soát cân nặng trước khi mang thai

Chỉ số khối cơ thể người mẹ cao hơn mức bình thường cũng có khả năng sinh con to.

Để tránh tình trạng này, nếu bạn có ý định mang thai, nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn khiêng và hoạt động thể lực phù hợp. Việc thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn kiêng tốt không chỉ giúp bạn giảm cân nặng, tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho cả thai kì. 

Tăng cân lành mạnh khi mang thai

Tăng cân lành mạnh khi mang thai 
Tăng cân lành mạnh khi mang thai

Tăng cân nhiều trong lúc mang thai cũng là yếu tố thúc đẩy gây sinh con to.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn sẽ tăng khoảng 10 – 12,5 kg trong thai kỳ. Việc quản lý cân nặng sẽ bắt đầu vào tháng thứ tư thai kỳ. Kể từ tháng thứ tư, trung bình mỗi tháng bạn sẽ tăng khoảng 1,5 – 2 kg.

WHO cũng khuyến cáo rằng bạn nên kiểm tra cân nặng định kỳ và tham khảo ý kiến bác sỹ nếu cân nặng tăng ít hơn 1kg hoặc tăng hơn 3 kg mỗi tháng. Tăng cân quá ít hoặc quá nhiều đều ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và em bé. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn và con bạn nhận đủ năng lượng là tốt nhất. Hãy nhớ rằng, ăn đủ cho cả hai chứ không phải là ăn nhiều gấp hai lần bình thường. Vậy nên, đừng ăn quá nhiều, nhất là đồ ăn ngọt và có nhiều chất béo.

Tuy nhiên, ăn kiêng để giảm cân cũng là một khuyến cáo không nên làm. Vì đây không phải là thời điểm tốt để thực hiện điều đó. Nếu tăng cân không đủ, thai sẽ chậm phát triển, trẻ nhẹ cân lúc sinh. Khi sinh ra trẻ không được khỏe mạnh như những bé bình thường khác.

Ngoài ra, khám thai định kỳ và đến các cơ sở sản phụ khoa uy tín để sinh đẻ là điều vô cùng cần thiết. Vì bác sĩ sẽ biết cách đánh giá cân nặng thai nhi. Từ đó lựa chọn phương pháp sinh cũng như có những xử trí phù hợp, đặc biệt là trong trường hợp cần can thiệp cấp cứu. Hy vọng bài viết của Ths.BS Phan Lê Nam sẽ có ích cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Fetal macrosomiahttps://www.uptodate.com/contents/fetal-macrosomia

    Ngày tham khảo: 31/03/2020

  2. ACOG Issues Guidelines on Fetal Macrosomiahttps://www.aafp.org/afp/2001/0701/p169.html

    Ngày tham khảo: 31/03/2020

  3. Healthy Eating during Pregnancy and Breastfeedinghttp://www.euro.who.int/__data/assets/pdf_file/0020/120296/E73182.pdf

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người