YouMed

Thiên hoa phấn có công dụng gì?

Bác sĩ TRẦN KIM ANH
Tác giả: Bác sĩ Trần Kim Anh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Thiên hoa phấn là vị thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ lâu, vị thuốc này nổi tiếng với tác dụng thanh nhiệt, trị viêm, nóng sốt. Bài viết sẽ giúp các bạn tìm hiểu công dụng, cách dùng của Thiên hoa phấn.

1. Giới thiệu về Thiên hoa phấn

Thiên hoa phấn có tên gọi khác là Qua lâu căn, Rễ Dưa trời, Rễ Dưa núi… Tên khoa học là Trichosanthes kirilowii Maxim. hoặc Trichosanthes japonica Reget.. Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Thiên hoa phấn là rễ củ của cây Qua lâu. Rễ hình trụ không đều, dài 8-16 cm, đường kính 1,5 – 5,5 cm. Bên ngoài màu vàng trắng hoặc xanh vàng  hơi nâu với các nếp nhăn theo chiều dọc. Sẹo rễ con và các mao mạch trong lõi hơi lõm ngang. Một số ít vỏ ngoài màu vàng nâu. Rễ đặc cứng, bẻ gãy có màu trắng hoặc hơi vàng, có bột, gỗ màu vàng, xếp tỏa tròn trên bề mặt cắt ngang và vân chạy chiều dọc. Không mùi, vị hơi đắng.

Người ta thu hoạch rễ qua lâu vào mùa đông, tốt nhất là sau khi thu hái quả được ít ngày. Rễ đào về, cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt thành từng đoạn, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc. Sau đó, phơi khô hoặc sấy khô, rồi xông diêm sinh để bảo quản.

Thiên hoa phấn
Thiên hoa phấn

2. Thiên hoa phấn chứa những chất gì?

Nhiều nghiên cứu đã xác định trong Thiên hoa phấn có chứa các thành phần hóa học như: trichosanthin, karasurin A, B, C, T 33, các saponin gồm cucurbitacin B, cucurbitacin D,  và các polysaccharid gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose.

3. Thiên hoa phấn có công dụng gì?

Thiên hoa phấn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Trong dân gian, vị thuốc này dùng để chữa nóng sốt, các chứng nhiệt, miệng khô khát nước, hoàng đản, đau vú, lở ngứa, sưng tấy.

Liều dùng hàng ngày: 8 – 16 g dưới dạng thuốc sắc hoặc thái mỏng, giã nát, ngâm nước, lọc lấy bột, dùng mỗi lần 4 – 8 g.

Chú ý, phụ nữ có thai, tiêu chảy không nên dùng vị thuốc này.

4. Các nghiên cứu về Thiên hoa phấn

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Thiên hoa phấn có tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được chứng minh:

4.1. Tác dụng chống ung thư

Trichosanthin có trong vị thuốc, là chất được biết đến và có nhiều nghiên cứu nhất. Các nghiên cứu cho thấy chất này có tác dụng chống lại nhiều dòng tế bào ung thư.

Ngoài ra, cucurbitacin D và acid bryonolic từ vị thuốc này cũng có tác dụng chống ung thư bằng cách gây chết tế bào trong nghiên cứu trong ống nghiệm.

4.2. Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Lectin được chiết xuất từ Thiên hoa phấn cũng cho thấy tác dụng hạ đường huyết trên chuột đái tháo đường phụ thuộc insulin.

Ngoài ra, các polysacharid gồm glycose, galactose, fructose, manose, xylose cũng được chứng minh có tác dụng hạ đường huyết.

Vị thuốc này còn cho thấy vai trò trong việc giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.

4.3. Hỗ trợ hạ lipid máu

Nghiên cứu sử dụng phối hợp các vị thuốc Nhân sâm, Đại hoàng, Thiên hoa phấn có thể làm chậm quá trình xơ vữa động mạch bằng cách giảm tình trạng rối loạn lipid máu. Đặc biệt, giảm trigliceride và LDL-C. Đồng thời, giảm cytokine để chống viêm và cải thiện chức năng nội mô và ức chế sự phát triển cơ trơn.

4.4. Hỗ trợ điều trị viêm gan

Từ lâu, Thiên hoa phấn đã được dùng để điều trị viêm gan B ở Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy, dịch chiết từ vị thuốc này làm giảm biểu hiện của kháng nguyên bề mặt (HBsAg) và kháng nguyên lõi viêm gan B (HBeAg) trong tế bào.

Tìm hiểu thêm về Viêm gan qua bài viết Viêm gan mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị.

4.5. Tác dụng sẩy thai

Trichosanthin có tác dụng gây sẩy thai trong việc điều trị các trường hợp mang thai ngoài tử cung hay các trường hợp có sẹo mổ lấy thai cần chấm dứt thai kì.

Ngoài ra, một số protein có trong Thiên hoa phấn có thể gây sẩy thai.

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh vị thuốc này có tác dụng kháng virus, bảo vệ tế bào thần kinh, chống suy thận cấp.

Bài viết đã tóm tắt một số công dụng của vị thuốc Thiên hoa phấn. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam (Bộ mới) Tập 2

  2. Xie W et al. (2011), “Diabetes is an inflammatory disease: evidence from traditional Chinese medicines”, Diabetes Obes Metab, 13(4), tr. 289-301

  3. Xin C et al. (2014), “Chemicel Constituents of the Roots of Trichosanthes kirilowii. Chemistry of Natural Compounds”

  4. Wen D et al. (2015), “Effect of Radix Trichosanthis and Trichosanthin on Hepatitis B Virus in HepG2.2.15 Cells”, J Nanosci Nanotechnol, 15(3):2094-8

  5. Seo CS et al. (2015), "Trichosanthes kirilowii ameliorates cisplatin-induced nephrotoxicity in both in vitro and in vivo", Nat Pros Res

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người