Thở miệng: Những điều cần biết để phòng tránh hậu quả
Nội dung bài viết
Hầu hết mọi người đều không nghĩ đến việc hằng ngày chúng ta thở như thế nào. Thông thường, chúng ta đều nghĩ ai cũng thở bằng mũi. Tuy nhiên, một số người lại không hoàn toàn thở bằng mũi. Họ thực hiện một động tác kèm theo đó là thở miệng. Những trường hợp này có phải bệnh lý nguy hiểm không. Cùng tìm hiểu thông tin về triệu chứng thở miệng qua bài viết của bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng miệng để thở thì đó hoàn toàn là dấu hiệu không tốt. Lúc này, bạn cần phải thăm khám và có những bài tập hỗ trợ để việc thở mũi dễ dàng hơn.
1. Khi nào thì thở bằng miệng là tốt ?
Hơi thở cung cấp cho cơ thể bạn lượng oxy cần thiết để tồn tại. Nó cũng cho phép bạn giải phóng carbon dioxide và chất thải. Chúng ta có hai đường dẫn khí đến phổi là mũi và miệng. Những người khỏe mạnh sử dụng cả mũi và miệng để thở.
Hít thở bằng miệng chỉ trở nên cần thiết khi bạn bị nghẹt mũi do dị ứng hoặc cảm lạnh. Ngoài ra, khi bạn tập thể dục mệt, thở bằng miệng có thể giúp lấy oxy đến cơ bắp nhanh hơn. Mặc dù vậy, việc thở bằng miệng mọi lúc, kể cả khi bạn ngủ, có thể dẫn đến các vấn đề không tốt.
Ở trẻ em, thở bằng miệng có thể gây ra xô lệch răng, biến dạng khuôn mặt hoặc tăng trưởng kém. Ở người lớn, thở bằng miệng mạn tính có thể gây ra hôi miệng và bệnh về nướu. Nó cũng có thể làm nặng thêm triệu chứng của các bệnh khác.
2. Những ưu điểm của việc thở bằng mũi là gì?
Thông thường, chúng ta không chú ý đến sự quan trọng của mũi cho đến khi bị cảm lạnh. Mũi bị nghẹt có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ngon và hoạt động chung của bạn.
Mũi tạo ra oxit nitric, giúp cải thiện khả năng hấp thụ oxy của phổi. Oxit nitric làm tăng khả năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nó làm giãn cơ trơn trên thành mạch máu giúp mạch giãn ra. Đây cũng là thành phần giúp chống nấm, kháng vi rút, chống ký sinh trùng và kháng khuẩn. Điều này giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Ưu điểm của thở mũi:
- Mũi hoạt động như một bộ lọc và giữ lại các hạt nhỏ trong không khí.
- Bổ sung độ ẩm cho không khí hít vào để ngăn ngừa sự khô ở phổi và ống phế quản.
- Mũi làm nóng không khí đến nhiệt độ cơ thể trước khi đến phổi.
- Thở bằng mũi tạo thêm sức cản cho dòng không khí. Điều này làm tăng sự hấp thu oxy bằng cách duy trì độ đàn hồi của phổi.
3. Làm thế nào để biết bạn đang thở bằng miệng?
Bạn có thể không nhận ra rằng mình đang thở bằng miệng thay vì mũi, đặc biệt là trong khi đang ngủ. Những người thở bằng miệng vào ban đêm có thể có các triệu chứng sau:
- Ngáy.
- Khô miệng.
- Hôi miệng (chứng hôi miệng).
- Khàn tiếng.
- Thức dậy mệt mỏi và cáu kỉnh.
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Chứng sương mù trí não (hội chứng này bao gồm giảm khả năng ghi nhớ, tập trung và hay nhầm lẫn).
- Quầng thâm dưới mắt.
4. Các triệu chứng thở miệng ở trẻ em
Đối với cha mẹ, điều quan trọng là tìm kiếm dấu hiệu thở bằng miệng ở trẻ. Một đứa trẻ có thể không truyền đạt được các triệu chứng bé có. Giống như người lớn, trẻ em thở bằng miệng sẽ ngáy vào ban đêm và có hành động há miệng thở khi ngủ. Trẻ thở bằng miệng trong cả ngày cũng có thể có các triệu chứng sau:
- Tốc độ tăng trưởng chậm hơn bình thường.
- Cáu gắt nhiều.
- Khóc vào ban đêm.
- Amidan lớn.
- Môi khô, nứt nẻ.
- Có vấn đề về tập trung khi ở trường. Trẻ em có vấn đề tập trung ở trường thường bị chẩn đoán nhầm với rối loạn thiếu tập trung (ADD) hoặc hiếu động thái quá.
- Ngủ ngày.
- Thở bằng miệng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến việc phát âm.
5. Nguyên nhân
Nguyên nhân cơ bản của hầu hết các trường hợp là do đường thở mũi bị tắc nghẽn (tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần). Nếu mũi của bạn bị chặn, cơ thể sẽ tự huy động nguồn duy nhất khác có thể cung cấp oxy là miệng .
Có nhiều nguyên nhân khiến mũi bị tắc, bao gồm:
- Nghẹt mũi do dị ứng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang.
- Amidan lớn.
- Vách ngăn rộng, lệch.
- Polyp mũi hoặc sự phát triển lành tính của mô trong niêm mạc mũi.
- Mở rộng ngách mũi.
- Thay đổi hình dạng của mũi.
- Thay đổi hình dạng và kích thước của hàm.
- Khối u (hiếm).
Một số người phát triển thói quen thở bằng miệng thay vì mũi ngay cả sau khi nghẹt mũi. Một số người bị ngưng thở khi ngủ có thể có thói quen ngủ với miệng mở là để đáp ứng nhu cầu oxy.
Căng thẳng và lo lắng cũng có thể khiến một người thở bằng miệng thay vì mũi. Stress kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm dẫn đến thở nông, nhanh và bất thường.
6. Các yếu tố nguy cơ gây thở miệng là gì?
Bất cứ ai cũng có thể phát triển thói quen thở bằng miệng. Một số điều kiện làm tăng nguy cơ thở miệng gồm:
- Các dị ứng mãn tính.
- Sốt.
- Nhiễm trùng xoang mạn tính hoặc tái phát.
- Hen suyễn.
- Căng thẳng và lo lắng mạn tính.
7. Việc chẩn đoán như thế nào?
Không có thử nghiệm duy nhất nào cho việc chẩn đoán thở miệng. Bác sĩ có thể chẩn đoán thở bằng miệng khi khám thực thể bằng việc quan sát mũi hoặc khi khám tìm lý do gây nghẹt mũi kéo dài. Bác sĩ có thể đặt câu hỏi về giấc ngủ, ngáy, các vấn đề về xoang và khó thở.
Nha sĩ có thể chẩn đoán thở miệng trong khi khám răng định kỳ, nếu bạn bị hôi miệng, sâu răng thường xuyên hoặc bệnh nướu răng. Nếu nha sĩ hoặc bác sĩ khám thấy sưng amidan, polyp mũi và các tình trạng khác, họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để đánh giá thêm.
8. Thở miệng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác không?
Thở bằng miệng sẽ khiến miệng và môi rất khô. Miệng khô nghĩa là nước bọt không thể rửa trôi vi khuẩn. Điều này có thể dẫn đến: hôi miệng, các bệnh nha chu chẳng hạn như viêm nướu và sâu răng, viêm họng và tai.
Thở miệng có thể dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp. Điều này liên quan đến cao huyết áp và suy tim.
Các nghiên cứu cho thấy thở bằng miệng cũng có thể làm giảm chức năng phổi. Điều này đồng thời làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người mắc bệnh hen suyễn.
Ở trẻ em, thở bằng miệng có thể dẫn đến những bất thường về thể chất và nhận thức. Trẻ em không được điều trị có thể phát triển với:
- Khuôn mặt dài và hẹp.
- Miệng hẹp.
- Cười hở nướu.
- Sai lệch khớp cắn, bao gồm cả cắn chìa và răng chen chúc.
- Tư thế lưng gù.
- Khó khăn trong việc phát âm và ăn uống.
Ngoài ra, những đứa trẻ thở bằng miệng thường không ngủ ngon vào ban đêm. Giấc ngủ kém có thể dẫn đến tăng trưởng kém, trình độ học vấn kém, không có khả năng tập trung, rối loạn giấc ngủ.
9. Thở bằng miệng được điều trị như thế nào?
Việc điều trị thở miệng còn phụ thuộc vào nguyên nhân.
9.1. Sử dụng thuốc
Thuốc có thể điều trị nghẹt mũi do cảm lạnh và dị ứng. Những loại thuốc này bao gồm: thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine theo toa hoặc thuốc xịt mũi steroid không cần kê đơn.
9.2. Thay đổi tư thế ngủ
Việc đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa sang nằm nghiêng sẽ giúp bạn dùng ít lực hơn để thở. Điều này giúp cho thở mũi dễ dàng hơn. Khi ngủ bạn cũng nên đặt một gối kê dưới đầu nâng lên 30 – 60 độ. Điều này giúp hàm dưới đóng lại khi ngủ.
9.3. Băng dính cho sống mũi
Biện pháp này cũng có thể giúp cho bệnh nhân thở mũi dễ dàng. Một băng dính cứng được gắn trên sống mũi giúp giãn mũi. Băng dính giúp giảm sức cản của luồng khí và bạn sẽ thở dễ dàng hơn qua mũi.
9.4. Băng dính miệng
Dùng băng dính miệng cũng giúp bạn hạn chế được việc thở miệng.
9.5. Băng cằm đầu
Dùng để nâng hàm dưới lên, giúp ngăn thở miệng khi ngủ.
9.6. Liệu pháp áp suất không khí dương liên tục (CPAP)
Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bác sĩ có thể sẽ cho bạn đeo một thiết bị mặt nạ vào ban đêm. Nó được gọi là liệu pháp áp suất không khí dương liên tục (CPAP). Thiết bị CPAP đưa không khí vào mũi và miệng của bạn thông qua mặt nạ. Áp lực của không khí giữ cho đường thở của bạn không bị tắc nghẽn.
9.7. Phẫu thuật cắt amidan
Ở trẻ em, phẫu thuật cắt amidan sưng có thể điều trị thở bằng miệng. Nha sĩ cũng có thể khuyên con bạn đeo một thiết bị được thiết kế để mở rộng vòm miệng, mở thông xoang và đường mũi.
>> Tìm hiểu thêm: Cắt Amidan có đau không? Có cần nằm lại bệnh viện sau khi cắt amidan?
9.8. Chỉnh nha
Niềng răng và các phương pháp chỉnh nha khác cũng có thể giúp điều trị nguyên nhân cơ bản của việc thở bằng miệng.
10. Triển vọng của việc điều trị thở bằng miệng ở trẻ em
Điều trị sớm ở trẻ em có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của khuôn mặt và răng miệng. Trẻ em được phẫu thuật hoặc can thiệp để giảm thở bằng miệng cho thấy sự cải thiện về năng lượng, hành vi, kết quả học tập và tăng trưởng.Thở bằng miệng không được điều trị có thể dẫn đến sâu răng và bệnh nướu.
Giấc ngủ kém do thở bằng miệng cũng có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ và khiến căng thẳng trầm trọng hơn.
11. Cách phòng ngừa
Thở miệng mạn tính do hình dạng của khuôn mặt hoặc mũi có thể được khắc phục. Ngoài ra, có những hành động bạn có thể thực hiện để ngăn chặn việc thở bằng miệng thành thói quen. Mẹo để ngăn ngừa thở bằng miệng bao gồm:
- Sử dụng sương muối trong các chuyến bay dài hoặc du lịch trên biển.
- Sử dụng nước muối mũi và thuốc xịt mũi, thông mũi hoặc thuốc giảm dị ứng khi có dấu hiệu đầu tiên của dị ứng hoặc cảm lạnh.
- Nằm ngửa, ngẩng cao đầu để mở đường thở và thúc đẩy thở mũi.
- Giữ cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ và không có chất gây dị ứng.
- Lắp đặt các bộ lọc không khí trong hệ thống nhiệt và điều hòa không khí để ngăn chặn sự lây lan của các chất gây dị ứng trong nhà.
- Có ý thức tập thở bằng mũi trong ngày để giúp hình thành thói quen thở mũi.
- Bạn có thể tham gia tập yoga hoặc thiền nếu đang gặp căng thẳng hay lo lắng. Yoga có lợi cho những người thở bằng miệng do căng thẳng vì nó tập trung vào việc hít thở sâu qua mũi. Yoga phục hồi được thiết kế để kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và thúc đẩy thở sâu chậm hơn qua mũi.
Thở miệng là tình trạng hoàn toàn có thể điều trị tốt. Do đó, mọi người không nên ngần ngại trong việc thăm khám bác sĩ. Việc điều trị sớm sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng lâu dài, ngay cả thay đổi phát triển xương hàm.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What's wrong with breathing through the mouth?https://www.medicalnewstoday.com/articles/319487
Ngày tham khảo: 09/05/2020
-
Mouth Breathing: Symptoms, Complications, and Treatmentshttps://www.healthline.com/health/mouth-breathing
Ngày tham khảo: 09/05/2020
-
How to stop mouth breathing?https://www.wikihow.com/Stop-Mouth-Breathing
Ngày tham khảo: 09/05/2020