Thuốc Ciprofloxacin 500 mg: công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Ciprofloxacin là một loại kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đang được sử dụng rộng rãi. Bài chia sẻ của ThS.DS Trương Văn Đạt về giá, công dụng và những điều cần lưu ý khi dùng Ciprofloxacin sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc nhé!
Ciprofloxacin là thuốc gì?
Ciprofloxacin là một loại thuốc kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm fluoroquinolon. Thuốc có khả năng ngăn chặn sự nhân lên của vi khuẩn nên được dùng để điều trị nhiễm khuẩn.
Ciprofloxacin trên thị trường được bào chế theo nhiều dạng và hàm lượng khác nhau:
- Viên nén có hàm lượng 250, 500 và 750 mg.
- Viên nén phóng thích kéo dài (XR) gồm loại 500 và 1000 mg.
- Dạng hỗn dịch gồm loại 250 mg/5 ml và 500 mg/5 ml.
- Dạng tiêm: 200 mg/100 ml, 200 mg/20 ml, 400mg/200 ml, 400 mg/40 ml.
Công dụng của Ciprofloxacin 500 mg
Ciprofloxacin có công dụng điều trị cho các nhiễm khuẩn nặng mà thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng. Ví dụ như:
- Nhiễm trùng da;
- Sốt thương hàn;
- Nhiễm khuẩn bệnh viện;
- Viêm phổi, viêm phế quản;
- Nhiễm trùng xương khớp;
- Viêm ruột do vi khuẩn;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu trên, dưới do vi khuẩn gây ra;
- Tiêu chảy truyền nhiễm do một số vi khuẩn như E. coli , Campylobacter jejuni và Shigella;
- Bệnh than có kèm sốt và giảm số lượng bạch cầu và nhiễm trùng trong ổ bụng;
- Bệnh lậu cổ tử cung và niệu đạo do Neisseria gonorrhoeae;
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn;
- Viêm bàng quang cấp tính không biến chứng.
Tuy nhiên, thuốc Ciprofloxacin sẽ không có tác dụng đối với cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm do virus.
Giá thuốc Ciprofloxacin 500 mg
Giá thuốc Ciprofloxacin 500 mg tùy theo nhà sản xuất và dạng bào chế. Nhìn chung có giá 100.000 – 200.000 ngàn đồng/hộp 100 viên. Tuy nhiên giá này cũng sẽ thay đổi tùy thời điểm.
Cách sử dụng Ciprofloxacin 500 mg
- Ciprofloxacin là thuốc kê đơn nên phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng hay giảm liều. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và hỏi bác sĩ ngay khi có thắc mắc.
- Nên sử dụng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh quên liều hoặc quá liều. Thuốc uống có thể sử dụng cùng hoặc không cùng thức ăn. Thời gian điều trị có thể dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà bạn mắc phải.
- Viên nén và hỗn dịch thường được chia ra uống hai lần một ngày. Riêng khi sử dụng thuốc để trị bệnh lậu thì dạng viên nén và hỗn dịch có thể được dùng như một liều duy nhất.
- Với viên phóng thích kéo dài phải nuốt nguyên viên, không chia nhỏ, nhai hoặc nghiền nát. Viên nén phóng thích kéo dài thường được dùng một lần một ngày.
- Ciprofloxacin dạng hỗn dịch trước khi dùng phải lắc thật kỹ chai trong 15 giây để trộn đều thuốc. Sử dụng dụng cụ chia liều nếu có và uống đúng liều, không nhai các hạt trong hỗn dịch. Đậy nắp hoàn toàn sau mỗi lần sử dụng để tránh nhiễm khuẩn. Tránh truyền nhầm hỗn dịch qua ống truyền thức ăn cho bệnh nhân.
- Nếu triệu chứng nhiễm khuẩn không cải thiện hoặc tệ hơn, hoặc xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc cần gọi bác sĩ để được tư vấn càng sớm càng tốt.
Liều dùng của Ciproxacin 500 mg
Ciprofloxacin dùng cho người lớn
Dạng viên nén hoặc hỗn dịch: liều dùng tối đa cho người trưởng thành là 1,5 g/ngày. Tùy theo đang nhiễm khuẩn mà có liều dùng khác nhau:
- Viêm phổi, nhiễm khuẩn xương, khớp, da và mô mềm, nhiễm khuẩn đường niệu: 500 – 750 mg x 2 lần/ngày, trong 7 ngày. Các trường hợp nặng có thể kéo dài 14 ngày. Riêng nhiễm khuẩn xương có thể dùng kéo dài trong khoảng 4 – 6 tuần.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (đặc biệt tiêu chảy): 500 mg/12 giờ, trong 5 – 7 ngày.
- Nhiễm khuẩn đường sinh dục (bệnh lậu): Liều duy nhất 250 – 500 mg.
- Nhiễm khuẩn đường niệu: 250 – 500 mg/12 giờ, trong 7 – 14 ngày. Có thể kéo dài thời gian điều trị nếu tình trạng nặng.
Dạng phóng thích kéo dài khuyến cáo chung là 250 – 750 mg mỗi 12 giờ hoặc 500 – 1000 mg mỗi 24 giờ.
Bệnh nhân bị suy thận
Không cần chỉnh liều ở liều thấp. Nếu dùng thuốc ở liều cao thì bác sĩ sẽ chỉnh liều dựa vào độ thanh thải của bệnh nhân.
Trẻ em và trẻ vị thành niên:
Liều 7,5 – 15 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần. Điều trị trong 1 – 2 tuần, trường hợp nặng có thể kéo dài hơn.
Xử lý quá liều Ciprofloxacin
Xử lý quá liều Ciprofloxacin có thể xem xét các biện pháp sau: gây nôn, rửa dạ dày, gây lợi niệu. Ngoài ra cần theo dõi cẩn thận để điều trị hỗ trợ như truyền bù dịch kịp thời. Trường hợp nặng ngã như ngã quỵ, co giật, khó thở hoặc bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu ngay càng sớm càng tốt.
Xử lý quên liều Ciprofloxacin
- Quên liều đối với Ciprofloxacin dạng viên nén hoặc hỗn dịch dưới 6 giờ: bổ sung ngay khi nhớ ra. Sau đó dùng liều tiếp theo vào thời gian như chỉ định.
- Quên liều với Ciprofloxacin dạng viên nén hoặc hỗn dịch hơn 6 giờ: bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo vào thời gian như chỉ định.
- Quên liều với viên phóng thích kéo dài: dùng liều đó ngay khi nhớ ra.
Lưu ý khi quên liều không được dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Tác dụng phụ của Ciprofloxacin
Các tác dụng phụ có thể xảy ra là buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, ngứa. Tình trạng nghiêm trọng có thể gây khó thở, ho, phát ban, bong tróc da, sốt, phù mặt, tay chân; ngất xỉu hoặc mất ý thức
Ciprofloxacin có dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú không?
Phụ nữ có thai chỉ dùng Ciprofloxacin trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà không có lựa chọn thay thế.
Phụ nữ đang cho con bú không được dùng Ciprofloxacin, nếu buộc phải dùng thì phải ngừng cho con bú. Nguyên nhân do ciproflocaxin có thể tích lại trong sữa và sẽ gây tác hại cho trẻ nếu đạt nồng độ cao.
Tương tác thuốc Ciprofloxacin
Khi dùng chung với Ciprofloxacin có thể gây tương tác với một số thuốc sau:
- Các thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, indomethacin,…): làm tăng tác dụng phụ của Ciprofloxacin.
- Didanosin: làm giảm nồng độ Ciprofloxacin.
- Các chế phẩm có sắt (fumarat, gluconat, sulfat): giảm hấp thu Ciprofloxacin ở ruột.
- Sucralfat: làm giảm hấp thu Ciprofloxacin.
- Theophylin: làm tăng nồng độ theophylin trong huyết thanh.
- Ciprofloxacin và ciclosporin: gây tăng nhất thời creatinin huyết thanh.
- Warfarin: gây hạ prothrombin.
Ciprofloxacin có ảnh hưởng gì đến chế độ ăn của bạn?
Cần đảm bảo uống đủ nước trong khi điều trị với Ciprofloxacin. Hạn chế thực phẩm chứa caffeine (cà phê, trà, nước tăng lực, cola hoặc sô cô la) để tránh bị cảm giác hồi hộp, khó ngủ, tim đập mạnh và lo lắng. Tránh dùng chung thuốc với các sản phẩm sữa hoặc nước trái cây bổ sung canxi.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin
- Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh nên không dùng khi không cần thiết để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh. Điều này có thể khiến tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và khó điều trị nếu nhiễm khuẩn sau này.
- Trước khi dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ các thuốc bạn bị dị ứng; các thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng đang sử dụng; hoặc các thuốc có thể gây tương tác với Ciprofloxacin đã kể trên.
- Thông báo về các bệnh lý nền đang mắc phải, tình trạng thai kỳ nếu có.
- Thận trọng khi lái xe sau khi uống thuốc vì thuốc có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ.
Cách bảo quản Ciprofloxacin
- Giữ thuốc này trong hộp đậy kín và để xa tầm tay trẻ em.
- Viên nén và viên nén phóng thích kéo dài bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng, nhiệt độ quá cao và độ ẩm (không để trong phòng tắm).
- Thuốc dạng hỗn dịch bảo quản trong tủ lạnh (không để ngăn đông) hoặc ở nhiệt độ phòng; đậy kín nắp, dùng không quá 14 ngày.
Qua bài vết trên YouMed đã cung cấp giá, công dụng và cách dùng thuốc Ciprofloxacin cho bạn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ciprofloxacinhttps://medlineplus.gov/druginfo/meds/a688016.html
Ngày tham khảo: 09/10/2021
-
Cipro, Thuốc kháng sinh Cipro XRhttps://www.medicinenet.com/Ciprofloxacin/article.htm
Ngày tham khảo: 09/10/2021