Kháng sinh Clamoxyl 250 mg là thuốc gì? Công dụng và lưu ý
Nội dung bài viết
Clamoxyl 250 mg là thuốc gì? Công dụng của thuốc là gì? Khi dùng nên lưu ý điều gì? Hãy cùng phân tích bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Đắc Nhân để hiểu sâu về thuốc Clamoxyl 250 mg nhé!
Hoạt chất: Amoxicillin.
Thuốc có thành phần tương tự: Amomid; Amoxclo; Amoxfap; Amoxipen; Lupimox; Lykamox; Mekomoxin; Midamox; Mocecil; Moxacin; Moxilen;…
Clamoxyl 250 mg là thuốc gì?
Sản phẩm được bào chế dạng bột chứa 250 mg hoạt chất Amoxicillin dưới dạng amoxicillin trihydrat. Clamoxyl 250 mg là sản phẩm của công ty GSK (Anh). Biệt dược Clamoxyl có chứa amoxicillin – là một kháng sinh nhóm beta-lactam. Công dụng của thuốc là ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Từ đó, amoxicillin có khả năng diệt khuẩn.
Thành phần
- Hoạt chất: 250 mg amoxicillin trihydrat.
- Tá dược: Crospovidon, Chất tạo hương, Aspartam, Magnesi stearat, Lactose.
Công dụng của thành phần
Amoxicillin là một aminopenicillin bán tổng hợp thuộc nhóm kháng sinh beta-lactam. Phổ kháng khuẩn của thuốc rộng chống lại nhiều vi khuẩn Gram dương và Gram âm, tác động qua cơ chế ức chế sinh tống hợp mucopeptid ở thành tế bào. Tuy nhiên, amoxicillin lại dễ bị men beta-lactamase phân hủy nên phổ kháng khuẩn sẽ không có tác dụng với các vi khuẩn tạo ra các men này.1 2
Tác dụng của thuốc Clamoxyl 250 mg
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm xoang, viêm tai giữa.
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới do: liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicilinase và H. influenzae.
- Bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng; nhiễm khuẩn đường mật; nhiễm khuẩn da.
- Bệnh lậu, bệnh than, bị nhiễm Chlamydia trachomatis ở đường tiết niệu ở người mang thai.
- Bệnh Lyme ở trẻ em hoặc phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú.
- Viêm dạ dày – ruột, viêm màng trong tim, sốt thương hàn và sốt phó thương hàn.
- Phối hợp với các thuốc khác trong điều trị nhiễm H. pylori ở bệnh nhân loét dạ dày tá tràng.
Cách dùng và liều dùng thuốc Clamoxyl 250 mg
Cách dùng
- Thuốc chỉ được dùng đường uống.
- Vì thuốc không bị ảnh hưởng khả năng hấp thu bởi thức ăn nên có thể uống trước hoặc sau ăn.
- Có thể trộn với sữa, nước hoa quả hoặc uống với nước và uống ngay lập tức sau khi khuấy trộn.
Liều dùng
1. Nhiễm vi khuẩn nhạy cảm ở tai, mũi, họng, da, đường tiết niệu
Người lớn
- Ở mức độ nhẹ và vừa: 250 mg mỗi 8 giờ/lần hoặc 500 mg cách nhau 12 giờ/lần.
- Nhiễm khuẩn nặng: 500 mg cách nhau 8 giờ/lần hoặc 875 mg cách nhau 12 giờ/lần.
Trẻ em
- Mức độ từ nhẹ đến vừa:
20 mg/kg/ngày cách nhau 8 giờ/lần. Hoặc 25 mg/kg/ngày cách nhau 12 giờ/lần.
- Nhiễm khuẩn nặng:
40 mg/kg/ngày cách nhau 8 giờ/lần. Hoặc 45 mg/kg/ngày cách nhau 8 giờ/lần.
2. Nhiễm Helicobacter pylori
Người lớn
- 1 g dùng 2 lần/ ngày, có thể phối hợp với clarithromycin 500 mg x 2 lần/ ngày.
3. Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Người lớn
- Uống một liều duy nhất 2 g và uống 1 giờ trước khi làm thủ thuật.
Trẻ em
- Dùng 1 liều duy nhất là 50 mg/kg (không được vượt hơn liều của người lớn).
- Uống thuốc 1 giờ trước khi làm thủ thuật.
4. Bệnh Lyme
Viêm cơ tim nhẹ (block nhĩ thất độ 1 hoặc độ 2):
- Người lớn: 500 mg – 3 lần/ngày và dùng trong 14 – 21 ngày.
- Trẻ em < 8 tuổi: 50 mg/kg/ngày chia 3 lần uống (liều tối đa là không quá 1,5 g/ngày).
Viêm khớp nhưng không có rối loạn thần kinh do bệnh Lyme:
- Người lớn: 500 mg/lần, dùng 3 lần/ngày trong vòng 28 ngày.
- Trẻ em: 50 mg/kg/ngày chia làm 3 lần dùng (liều tối đa là 1,5 g/ngày).
Liều dùng bên trên chỉ mang tính tham khảo. Nên thăm khám và tư vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Giá của thuốc Clamoxyl 250 mg
Trên thị trường hiện đang bán thuốc Clamoxyl với giá khoảng 65.000 – 80.000 VNĐ cho một hộp 12 gói thuốc bột. Tuy nhiên mức giá có thể khác nhau tùy thuộc vào các chính sách bán hàng hoặc chính sách ưu đãi của nhà cung cấp.
Tác dụng phụ của thuốc Clamoxyl 250 mg
- Tăng nhẹ men gan.
- Ban đỏ, nổi mề đay.
- Xuất hiện ngoại ban (thường sau 7 ngày điều trị).
- Liên quan đến các rối loạn về máu (giảm bạch cầu).
- Kích động, vật vã, lo lắng, mất ngủ, lú lẫn, thay đổi ứng xử và/hoặc chóng mặt.
- Buồn nôn, nôn, đau thượng vị, tiêu chảy ở người lớn (thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi nhiều hơn).
- Viêm đại tràng có màng giả do Clostridium difficile; viêm tiểu – đại tràng cấp với triệu chứng đau bụng và đi ngoài ra máu, không liên quan đến C. difficile.
Tương tác của thuốc Clamoxyl 250 mg
Một số loại thuốc sau đây sẽ gây tương tác với Clamoxyl:
- Warfarin: theo dõi cẩn thận thời gian prothrombin hoặc INR khi bắt đầu hoặc ngưng dùng amoxicillin.
- Nifedipin.
- Alopurinol: gây tăng khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng trên da.
- Probenecid: làm giảm bài tiết amoxicillin qua ống thận.
- Methotrexat.
- Vắc xin thương hàn.
- Thuốc tránh thai dạng uống: amoxxicillin làm giảm tái hấp thu oestrogen và giảm hiệu quả của các thuốc tránh thai kết hợp dạng uống.
- Acid fusidic, cloramphenicol, tetracyclin: có thể cản trở hiệu quả diệt khuẩn của amoxicillin.
Chống chỉ định của Clamoxyl 250 mg
Không nên cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các kháng sinh beta-lactam sử dụng (nhóm penicillin và cephalosporin).
Không được dùng cho trường hợp dị ứng với amoxicillin hoặc bất cứ thành phần nào trong tá dược của thuốc.
Thận trọng với phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ mang thai2
Hiện chưa có đầy đủ chứng cứ cho thấy mức độ an toàn của thuốc trên đối tượng này. Đồng thời chưa có bằng chứng nào cho thấy tác động có hại cho thai nhi khi dùng amoxicillin cho phụ nữ mang thai.
Amoxicillin được chọn điều trị nhiễm Chlamydia và điều trị bệnh than ngoài da hoặc đề phòng khi tiếp xúc với Bacillus anthracis ở phụ nữ đang mang thai.
Phụ nữ cho con bú2
Amoxicillin bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên lượng thuốc trong sữa rất ít và an toàn cho trẻ sơ sinh ở liều thường dùng.
Vì thuốc an toàn nên có thể dùng amoxicillin cho phụ nữ thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, cần phải theo dõi một cách cẩn thận khi dùng.
Xử trí khi dùng quá liều Clamoxyl
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Thận (tiểu ra tinh thể).
- Rối loạn tiêu hóa.
Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu. Tuy nhiên, có thể loại amoxicillin bằng biện pháp thẩm phân máu.
Nên điều trị triệu chứng trước và đặc biệt là cần chú ý cân bằng nước với điện giải vì thuốc có thể gây tiêu chảy.
Xử trí khi quên một liều thuốc Clamoxyl 250 mg
- Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
- Nếu liều quên gần sát với liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng lại theo đúng lịch trình.
- Tuyệt đối không được dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Lưu ý khi dùng thuốc Clamoxyl
- Thuốc có thể gây kết tinh và gây tiểu ít.
- Bệnh nhân bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn có nguy cơ phát ban cao.
- Kiểm tra chỉ số huyết học, chức năng gan, thận định kỳ trong suốt quá trình điều trị dài ngày với thuốc.
- Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng ở những bệnh nhân đã từng bị dị ứng với amoxicillin.
- Dùng liều cao Atarax cho người suy thận hoặc người đã từng bị co giật, động kinh có thể gây co giật (hiếm khi xảy ra). Do đó, cần phải hiệu chỉnh liều cho phù hợp.
- Nên hỏi bệnh nhân thật cẩn thận về các phản ứng quá mẫn trước đó với kháng sinh nhóm penicillin hoặc cephalosporin trước khi bắt đầu điều trị với amoxicillin.
Cách bảo quản thuốc
- Nhiệt độ bảo quản thuốc tốt nhất là ≤ 25 ºC.
- Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và trẻ nhỏ.
- Không để thuốc ở nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc ở những nơi ẩm ướt.
- Không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng. Nên xử lí thuốc không dùng nữa thật cẩn thận trước khi đưa ra ngoài môi trường.
Thuốc Clamoxyl 250 mg được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Vì đây là kháng sinh nên người bệnh có thể trải qua các tác dụng phụ như tiêu chảy, phát ban… Hãy luôn theo dõi bản thân, nếu có bất kì triệu chứng bất thường hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ xử trí nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Thuốc Clamoxyl (amoxycillin)https://drugbank.vn/thuoc/Clamoxyl-250mg&VN-18308-14
Ngày tham khảo: 04/10/2022
-
Dược thư quốc gia Việt Nam: Amoxicillinhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=188
Ngày tham khảo: 04/10/2022