Suy tuyến yên: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Suy tuyến yên là bệnh lý tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý phức tạp và gia tăng nguy cơ tử vong nếu mắc phải. Người bệnh có thể không có triệu chứng, hoặc chỉ có một vài biểu hiện bất thường nhưng lại không đặc hiệu. Đây chính là nguyên nhân khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Nhận biết những triệu chứng của bệnh, và nguyên tắc điều trị cơ bản có vai trò quan trọng, giúp người bệnh đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về suy tuyến yên, nguyên nhân gây bệnh và những lựa chọn điều trị hiện có. Hãy cùng Bác sĩ Trần Kiều Hoanh tìm hiểu ngay!
Suy tuyến yên là bệnh gì?
Định nghĩa
Tuyến yên là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu, với khối lượng khoảng 0.5 g nằm ở nền sọ. Mặc dù kích thước nhỏ, tuyến yên sản xuất các hormone điều hòa hầu hết hoạt động trong cơ thể.
Tuyến yên tiết nhiều hormone quan trọng, giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục… Các hormone này chịu trách nhiệm cho:
- Kiểm soát huyết áp và điều hòa thể tích dịch.
- Thúc đẩy sự phát triển tinh trùng ở nam giới và nang trứng ở nữ giới.
- Hỗ trợ quá trình tăng trưởng, dậy thì và sinh sản ở phụ nữ.
- Giúp mẹ bầu tiết sữa khi mang thai và co thắt tử cung khi sinh nở.
- Điều hòa sự tiết hormone ở tuyến giáp.
Bệnh lý suy tuyến yên là hậu quả của tình trạng giảm sản xuất của một hoặc nhiều hormone của tuyến yên. Khi nồng độ các hormone nằm dưới mức cho phép, chức năng của các cơ quan cũng bị ảnh hưởng. Tùy theo thể trạng bệnh nhân mà các ảnh hưởng này có thể nghiêm trọng, diễn tiến đột ngột hoặc từ từ.
Phân loại
Suy về số lượng:
- Suy tuyến yên toàn bộ khi thiếu hụt ≥ 2 loại hormone.
- Thiếu đơn độc 1 loại hormone.
Suy về chức năng:
- Suy yên 1 phần.
- Suy yên toàn bộ.
Thông thường, hormone hướng sinh dục và hormone tăng trưởng thường bị ảnh hưởng nhiều hơn so với hormon hướng thượng thận và hướng tuyến giáp.
Nguyên nhân gây suy tuyến yên
Nguyên nhân suy tuyến yên khá đa dạng. Nhưng chủ yếu là do các yếu tố tác động lên tuyến yên. Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:1
1. Khối u
- Khối u lớn ở tuyến yên. Đây là nguyên nhân gây suy yên thường gặp nhất ở người lớn.
- U sọ hầu. Khối u vùng hạ đồi – tuyến yên thường gặp nhất ở trẻ em.
- Các khối u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương như: u màng não, u nguyên sống, u thần kinh thị, u dạng biểu bì…
- U di căn. Đặc biệt là từ carcinoma vú, phổi, đại tràng và tiền liệt tuyến.
- Bất thường cấu trúc: thoát vị vùng nền đại não và trên yên, hội chứng hố yên rỗng, phình mạch cạnh hố yên.
Xem thêm: Bệnh u tuyến yên có phải là ung thư?
2. Nhồi máu tuyến yên
- Hội chứng Sheehan: thiếu máu tuyến yên do băng huyết sau sanh. Triệu chứng khởi đầu của hội chứng Sheehan có thể là không tiết sữa sau sanh, không có kinh nguyệt lại sau sinh, cuối cùng là vô kinh thứ phát.
- Đột quỵ tuyến yên: là một cấp cứu nội tiết. Có thể nghi ngờ đột quỵ tuyến yên khi đột ngột đau đầu dữ dội, nhìn mờ, thậm chí có thể trụy mạch gây tử vong.
3. Thâm nhiễm tuyến yên
Suy tuyến yên có thể là giai đoạn mở đầu cho các bệnh sau :
- Bệnh Sarcoidosis: là một bệnh lý viêm. Biểu hiện bằng tổn thương u hạt không hoại tử ở một hoặc nhiều cơ quan. Trong đó, nếu ảnh hưởng đến tuyến yên có thể biểu hiện suy thùy trước tuyến yên, đái tháo nhạt, rối loạn về mắt.
- Bệnh Hemochromatosis: do ứ sắt (có thể do bẩm sinh di truyền hoặc quá tải sắt do truyền máu ở bệnh nhân Thalassaemia). Suy tuyến yên thường là biểu hiện đầu tiên của tình trạng quá tải sắt, thường gặp nhất là suy sinh dục. Do đó, cần khảo sát chuyển hóa của sắt ở bất kỳ bệnh nhân nam bị sinh dục không rõ nguyên nhân.
- Bệnh tổ chức bào X (mô bào): sự xâm nhiễm ở nhiều cơ quan do một loại tổ chức bào biệt hóa, trong đó có vùng hạ đồi – tuyến yên.
4. Chấn thương
Chấn thương nặng ở đầu có thể gây tổn thương thùy trước, cuống tuyến yên và vùng hạ đồi.
5. Miễn dịch
- Tuyến yên bị thâm nhiễm bởi các tế bào lympho, tương bào do cơ chế tự miễn, dẫn đến sự phá hủy của tế bào thùy trước.
- Thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hay sau sanh.
- Trên hình ảnh học có thể thấy hình ảnh như một khối u vùng hố yên làm rối loạn thị trường.
- Cần nghĩ đến nguyên tự miễn làm suy tuyến yên ở phụ nữ có tuyến yên lớn; suy thùy trước tuyến yên lúc có thai, hoặc ngay sau sinh. Khoảng 50% trường hợp có bệnh tự miễn tuyến khác kèm theo (có thể có tự kháng thể kháng tuyến yên dương tính).
6. Do thầy thuốc
Các tình huống gây suy tuyến yên liên quan đến thầy thuốc như phẫu thuật vùng tuyến yên, xạ trị vùng đầu cổ. Cần chú ý theo dõi, tầm soát suy tuyến yên nếu bạn đã từng trải qua cuộc phẫu thuật hay xạ trị như vậy. Vì triệu chứng thường diễn tiến âm thầm.
7. Nhiễm trùng
Các bệnh lý nhiễm trùng như lao, giang mai, nấm, HIV cũng có thể gây suy tuyến yên. Tuy nhiên, ngày nay nhờ những điều trị đặc hiệu như kháng sinh, kháng nấm; mà những bệnh lý này ít gặp và cũng ít gây những biến chứng nặng nề hơn.
8. Vô căn
Ở một số bệnh nhân suy tuyến yên, không tìm thấy một nguyên nhân rõ ràng. Bệnh cảnh này thường có tính gia đình (liên quan nhiễm sắc thể giới tính X hoặc nhiễm sắc thể thường), hố yên có thể nhỏ, rộng hoặc bình thường.
Thiếu đơn độc một hormon
Tuyến yên tiết ra nhiều loại hormon quan trọng cho hoạt động hàng ngày của cơ thể. Nhiều trường hợp chỉ gặp thiếu đơn độc một loại hormon tuyến yên. Hormon thiếu có thể là:
- Thiếu hormon tăng trưởng – GH.
- Thiếu hormon hướng thượng thận – ACTH.
- Thiếu hormon hướng sinh dục – FSH và LH.
- Thiếu hormon kích thích tuyến giáp – TSH.
- Thiếu prolactin: thường là chỉ điểm của tình trạng tổn thương tuyến yên nghiêm trọng.
Triệu chứng suy tuyến yên
Diễn tiến các triệu chứng suy tuyến yên thường từ từ, tiến triển dần theo thời gian nên dễ bị bỏ qua. Có thể có các dấu hiệu đáng chú ý như xanh tái, nhưng không thiếu máu, rụng lông, mệt mỏi, sợ lạnh, thờ ơ và giảm ham muốn tình dục. Thường gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.
Triệu chứng người bệnh thường than phiền2
Triệu chứng sẽ tùy theo nguyên nhân gây suy tuyến yên, bao gồm:
Thiếu hormon tăng trưởng – GH
- Ở trẻ em, có thể có hạ đường huyết lúc đói và giảm dần tốc độ tăng trưởng sau 6 – 12 tháng tuổi.
- Cần lưu ý rằng thiếu hormone tăng trưởng cũng có thể gặp ở những trẻ em thiếu thốn tình cảm, và có thể phục hồi khi được chăm sóc tốt.
- Ở người lớn, biểu hiện rất khó phát hiện.
Thiếu hormon hướng thượng thận – ACTH
- Các triệu chứng thường mơ hồ: cảm giác mệt mỏi, huyết áp thấp, rối loạn tiêu hóa.
- Thể trạng thường gầy.
- Dấu hiệu quan trọng cần để ý là mất sắc tố da ở những vùng có sắc tố tự nhiên như quần vú, vùng bộ phận sinh dục.
Thiếu hormon hướng sinh dục – FSH và LH
Tùy theo là nam giới hay nữ giới mà biểu hiện có thể khác nhau:
- Nữ giới: vô kinh sau khi từng có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, thiểu kinh, bầu vú teo nhỏ, teo bộ phận sinh dục ngoài, lãnh cảm. Lưu ý rằng, chán ăn tâm lý, mập phì quá mức, thiếu máu hồng cầu hình liềm, đái tháo đường không kiểm soát, suy dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
- Nam giới: tinh hoàn nhỏ đi, râu thưa, bất lực.
- Một hội chứng đặc biệt là hội chứng Kallmann. Biểu hiện bằng không nhận biết được mùi, giọng nói không trầm, tay chân dài ra ở nam và rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
Thiếu hormon kích thích tuyến giáp – TSH
Các triệu chứng bao gồm:
- Sợ lạnh, thờ ơ, chậm chạp, hay quên, khàn giọng, táo bón.
- Da khô, hố nách khô nhẵn không ra mồ hôi, da thô nhám, bong vảy.
- Nhịp tim chậm, mặt tròn, nhiều nếp nhăn, môi dày, lưỡi to.
Thiếu Prolactin
Triệu chứng duy nhất có thể gặp là không có sữa sau khi sinh.
Triệu chứng bác sĩ thăm khám khi nghi ngờ suy tuyến yên là gì?2
- Cơ thể không gầy, có thể hơi mập.
- Da mịn, nhợt nhạt, nhẵn, với nhiều nếp nhăn nhỏ quanh mắt, miệng.
- Lông sinh dục thưa/mất.
- Bộ phận sinh dục teo.
- Huyết áp thấp, nhịp tim chậm.
- Giảm sức cơ, phản xạ gân xương giảm trong các trường hợp nặng.
- Các bất thường về thần kinh mắt như nhìn mờ, nhìn đôi, giới hạn tầm nhìn trong một vài trường hợp.
Các triệu chứng lâm sàng của suy tuyến yên thường không đặc hiệu. Ở đa số các trường hợp, những biểu hiện của suy tuyến yên chỉ xuất hiện khi bệnh diễn tiến nặng. Do đó, người bệnh thường không nhận ra bản thân đã mắc bệnh.
Các bác sĩ khuyên bạn nên chú ý đến sức khỏe của bản thân. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xét nghiệm suy tuyến yên.
Chẩn đoán bệnh suy tuyến yên
Chẩn đoán xác định suy tuyến yên đòi hỏi những xét nghiệm đặc hiệu. Bên cạnh những xét nghiệm máu cơ bản ban đầu, có thể bạn cần thực hiện những nghiệm pháp chuyên biệt để chẩn đoán chính xác suy tuyến yên. Từ đó giúp có định hướng điều trị hiệu quả.2
Chẩn đoán thiếu hormon tăng trưởng
- Một dấu hiệu gợi ý là đường huyết thấp lúc đói.
- IGF-1 thấp so với ngưỡng giá trị bình thường theo tuổi và giới tính là xét nghiệm đầu tay, nhưng chưa đủ để chẩn đoán xác định.
- Chẩn đoán xác định bằng nghiệm pháp động (nghiệm pháp gắng sức, nghiệm pháp hạ đường huyết với insulin, nghiệm pháp kích thích bằng glucagon), ghi nhận GH đáp ứng dưới mức bình thường.
Chẩn đoán thiếu hormon hướng thượng thận
- Xét nghiệm cortisol máu buổi sáng thấp hơn bình thường là xét nghiệm đầu tay.
- Chẩn đoán xác định bằng nghiệm pháp động (nghiệm pháp bằng metyrapone, nghiệm pháp hạ đường huyết bằng insulin, nghiệm pháp kích thích bằng Glucagon, nghiệm pháp kích thích bằng gynacthen), ghi nhận cortisol đáp ứng dưới mức bình thường.
Chẩn đoán thiếu hormon hướng sinh dục
- Nam: testosterone thấp, FSH và LH thấp hoặc bình thường. Có thể đếm số lượng tinh trùng nếu muốn có con.
- Nữ: estradiol thấp, FSH và LH thấp hoặc bình thường.
- Nghiệm pháp động để chẩn đoán xác định thường không cần thiết.
Chẩn đoán thiếu hormon kích thích tuyến giáp
- Kết quả xét nghiệm hormon giáp (fT4) thấp, TSH bình thường hoặc thấp thường đủ để chẩn đoán suy giáp do nguyên nhân trung ương.
- Nghiệm pháp kích thích bằng TRH được dùng để xác định nguyên nhân suy giáp, là do bệnh lý tại tuyến yên hay vùng hạ đồi.
Chẩn đoán thiếu prolactin
Kết quả xét nghiệm prolactin thấp hơn giá trị bình thường theo giới thường, đủ để chẩn đoán thiếu prolactin.
Điều trị suy tuyến yên
Việc điều trị phải căn cứ vào sự thiếu hụt loại hormon nào cũng như mức độ thiếu hụt ra sao. Đối với việc bổ sung hormon giáp và hormon thượng thận, việc điều trị thay thế là vĩnh viễn. Vì nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng có thể xảy ra nếu bạn ngừng điều trị.2 3
Điều trị bệnh lý nguyên nhân
Các khối u phải phẫu thuật nếu có chỉ định, có thể cân nhắc bổ sung xạ trị nếu cần thiết. Tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tiên lượng rất dè dặt nếu là các khối u của vùng hạ đồi.
Các bệnh lý nhiễm trùng cần được điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh.
Bổ sung hormon thiếu hụt
Mục tiêu điều trị là đạt được giá trị bình thường của các hormone, khôi phục tình trạng sinh lý bình thường càng gần càng tốt và khôi phục các triệu chứng.
Bạn cần có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Bao gồm ảnh hưởng của suy tuyến yên đến cuộc sống hàng ngày, và cách thay đổi điều trị trong thời gian mắc bệnh, phẫu thuật…
Bổ sung hormone tăng trưởng theo chỉ định của bác sĩ, nhằm mục đích cải thiện phân bố cấu trúc cơ thể (tăng tỉ lệ cơ, giảm tỉ lệ mỡ), tăng cường sức cơ, cải thiện lipid máu và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc bao gồm đau đầu, đau cơ, rối loạn nhịp tim, phù.
Bổ sung hormon sinh dục
Đối với người nữ thì estrogen cần thiết để duy trì các đặc tính sinh dục, đề phòng loãng xương, tăng cảm giác thoải mái. Bổ sung estrogen đơn thuần hoặc phối hợp với progesterone có thể được chỉ định ở phụ nữ chưa mãn kinh.
Đối với nam giới thì testosterone giúp phục hồi ham muốn tình dục, cải thiện rối loạn cương dương, tăng cường sức mạnh cơ bắp, đề phòng loãng xương và đem lại cảm giác hưng phấn. Bổ sung testosterone (dưới dạng tiêm bắp, miếng dán hoặc dạng gel) có thể được cân nhắc khi có chỉ định.
Bổ sung hormon giáp
Levothyroxin là điều trị đầu tay và cần điều trị suốt đời. Thuốc cần được uống trước ăn sáng 60 phút hoặc 3 giờ sau bữa ăn cuối cùng, không dùng cùng lúc với các thuốc khác như cholestyramin, PPI, sắt, calci, sucralfate, nhôm hydroxit… hoặc các thực phẩm như đậu nành, chất xơ…
Lưu ý, nếu có kèm suy thượng thận thì bù hormone thượng thận trước khi bù hormone giáp.
Bổ sung hormon thượng thận
Hydrocortisone là thuốc đầu tay được lựa chọn với liều trung bình 15 – 25 mg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
Nếu không có hydrocortisone hoặc cảm thấy khó khăn với việc uống thuốc nhiều lần trong ngày, có thể thay thế bằng prednisolone 5 – 7,5 mg/ngày uống 1 – 2 lần một ngày.
Tương tự như hormon giáp, đặc biệt lưu ý hormon thượng thận cần được bổ sung suốt đời. Vì nếu ngưng thuốc đột ngột sẽ có nguy cơ rơi vào biến chứng nguy hiểm tính mạng là suy thượng thận cấp.
Phòng ngừa suy thượng thận cấp là điều đặc biệt quan trọng cần được quan tâm, khi bạn dùng hormon thượng thận kéo dài:
- Nếu bệnh nhẹ thì tăng gấp 2 – 3 lần liều hàng ngày, giảm trở lại liều thường ngày sau 2 – 3 ngày nếu ổn định. Đảm bảo có đủ thuốc khi cần tăng gấp đôi liều trong ít nhất 7 ngày.
- Nếu nôn ói, tiêu chảy kéo dài, trong quá trình chuẩn bị cho nội soi đại tràng, hoặc trong trường hợp chấn thương, phẫu thuật cấp; cần đến ngay cơ sở y tế vì cần dùng hydrocortisone đường tĩnh mạch.
- Nên có thẻ nhận diện bệnh hoặc vòng đeo tay có ghi thông tin bệnh đem theo bên mình. Thông tin ghi rõ loại thuốc và liều thuốc đang sử dụng, thông tin liên hệ khi cần thiết.
Lưu ý khi có chỉ định dùng thuốc
Người bệnh thường phải dùng thuốc trong thời gian dài, có khi suốt đời. Do đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng thuốc phù hợp. Bệnh nhân nên ghi nhớ những nguyên tắc sau đây khi dùng thuốc:
- Dùng thuốc đúng giờ và đúng liều, không tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng thêm thuốc khác.
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn có sự thay đổi về cân nặng hoặc gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Đôi khi, bạn sẽ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu thì nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ.
- Thường xuyên tái khám định kỳ.
- Trong vài trường hợp, bạn có thể phải học cách tăng liều thuốc khi bị chấn thương.
Người bệnh cần lưu ý gì khi gặp bác sĩ?
Gần như không có biện pháp phòng ngừa suy tuyến yên. Điều quan trọng là người bệnh cần lưu ý những triệu chứng của suy tuyến yên, và đi khám bác sĩ khi nghi ngờ. Bệnh nhân nên liên lạc với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết khi cần điều trị và theo dõi suy tuyến yên.
Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng khởi phát đột ngột, hoặc kết hợp với đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác, lú lẫn hoặc tụt huyết áp.
Khi đặt lịch khám, người bệnh có thể liên lạc trước để được tư vấn cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.
Viết ra tất cả triệu chứng và những thay đổi bạn đang gặp phải. Ngay cả khi các triệu chứng có vẻ không liên quan với nhau.
Viết ra thông tin cá nhân chính. Bao gồm những biến động trong cuộc sống gần đây, hoặc sự thay đổi trong khả năng gắng sức. Ví dụ: leo cầu thang, tập thể dục hay sinh hoạt cá nhân…
Lập danh sách các thông tin về tình trạng sức khỏe. Bao gồm các phẫu thuật gần đây, các loại thuốc đang sử dụng và bất kỳ tình trạng nào khác mà bạn đang điều trị. Bên cạnh đó, ghi nhận các chấn thương ở vùng đầu trước đây, nếu có u của bạn hoặc các biến cố xảy ra thời thơ ấu.
Người bệnh nên đi cùng với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Người thân có thể giúp bạn ghi nhớ những thông tin bác sĩ cung cấp cho bạn.
Viết ra những câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ. Từ đó có thể tận dụng tối đa khoảng thời gian đi khám bác sĩ. Đối với suy tuyến yên, một số câu hỏi cơ bản có thể hỏi bác sĩ bao gồm:
- Nguyên nhân gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
- Ngoài nguyên nhân có thể xảy ra nhất, còn có nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi không? Và nguyên nhân đó có thể là gì?
- Tôi cần thực hiện những xét nghiệm gì?
- Tình trạng này là tạm thời hay lâu dài?
- Phương pháp điều trị nào tôi nên sử dụng?
- Tôi sẽ cần dùng thuốc trong bao lâu?
- Bác sĩ sẽ theo dõi hiệu quả điều trị của tôi như thế nào?
- Tôi có một vài bệnh lý khác. Tôi nên điều trị nhiều bệnh lý cùng lúc này như thế nào?
- Có những hạn chế nào tôi cần tuân theo không?
- Có loại thuốc nào có thể thay thế cho thuốc mà bác sĩ kê đơn không?
- Bác sĩ có tờ hướng dẫn nào về tình trang bệnh và sử dụng thuốc mà tôi có thể mang về không? Bác sĩ có thể giới thiệu cho tối trang web cung cấp thông tin về bệnh không?
Điều quan trọng là đừng ngần ngại hỏi bác sĩ bất cứ thắc mắc nào của bạn.
Tóm lại, suy tuyến yên là một bệnh lý không gặp thường xuyên, nhưng rất phức tạp và nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị. Chẩn đoán suy tuyến yên cần những thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết, và cần một vài xét nghiệm cũng như nghiệm pháp động để xác lập chẩn đoán xác định. Do đó, bạn cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa khi có yếu tố hoặc triệu chứng nghi ngờ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- David G. Gardner Dolores M. Shoback (2017), "Greenspan’s Basic and Clinical Endocrinology", McGraw Hill Medical, pp. 123 - 129.
- Mai Thế Trạch - Nguyễn Thy Khuê (2003). Nội tiết học đại cương. Nhà xuất bản Y học TP.Hồ Chí Minh. Trang 98 - 107.
-
Aetiology, diagnosis, and management of hypopituitarism in adult lifehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2585697/
Ngày tham khảo: 26/08/2022