Bạn biết gì về thuốc điều trị lo âu Grandaxin (tofisopam)?
Nội dung bài viết
Grandaxin (tofisopam) là một thuốc giải lo âu, có các đặc tính khác với các thuốc cùng tác dụng cổ điển. Hãy cùng Youmed tìm hiểu về cách sử dụng thuốc Grandaxin (tofisopam).
Thành phần hoạt chất chính: tofisopam.
Grandaxin (tofisopam) là thuốc gì?
Tofisopam là dẫn xuất 2, 3 – benzodiazepin (2, 3 – BZD). Tofisopam khác với các 1, 4 – benzodiazepin (1, 4 – BZD) cổ điển không chỉ về cấu trúc mà còn đặc tính dược lý và lâm sàng. Đây là một thuốc giải lo âu nhưng không gây an thần, buồn ngủ, không gây giãn cơ và chống co giật. Tofisopam không làm suy giảm tâm thần vận động hay trí tuệ.
Trái với các BZD khác, tofisopam có đăc tính kích thích nhẹ, giúp điều chỉnh các triệu chứng thực vật trong bệnh lý rối loạn lo âu. Tofisopam có độc tính rất thấp, tác dụng phụ nhẹ. Tofisopam không gây lệ thuộc thuốc về cả tâm thần hay thể chất.
Chỉ định của Grandaxin (tofisopam)
Tofisopam được chứng minh hiệu quả trên các bệnh lý/triệu chứng lâm sàng sau:
- Lo âu, trầm cảm ở tuổi già.
- Rối loạn thần kinh thực vật.
- Điều trị triệu chứng chứng đau thắt ngực giả.
- Bệnh nội khoa – giảm lo âu đi kèm với các bệnh lý nội khoa.
- Phụ khoa – điều trị rối loạn tâm thần và thực vật trong hội chứng mãn kinh.
- Hội chứng cai rượu – thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng thực vật và sự kích thích trong các tình trạng tiền mê sảng hay mê sảng.
- Có thể dùng viên nén Grandaxin khi các thuốc làm giãn cơ bị chống chỉ định, như trong bệnh nhược cơ năng, bệnh cơ, và teo cơ do thần kinh.
- Rối loạn tâm thần nhẹ – như lo âu nhẹ đến trung bình, stress, thiếu động lực, kém hoạt động, lãnh đạm, mệt mỏi, suy nhược thần kinh (neurasthenia), suy giảm tình dục (sexual neurasthenia), trầm cảm.
Hướng dẫn dùng thuốc
Liều thông thường ở người lớn: 1 đến 2 viên nén, ngày 1 đến 3 lần (tổng cộng 50 mg đến 300 mg mỗi ngày). Nếu thỉnh thoảng mới dùng thì có thể uống 1-2 viên.
Trường hợp quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần tới liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên để uống liều tiếp theo như bình thường.
Xem thêm: Công dụng của thuốc bổ não Ginkgo Biloba
Trường hợp không nên sử dụng Grandaxin (tofisopam)
- Suy hô hấp mất bù.
- Bệnh sử có bị hôn mê.
- Bệnh sử có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ.
- Quá mẫn với hoạt chất hay các thành phần khác của thuốc, hay với bất kỳ benzodiazepin nào khác.
Lưu ý khi dùng
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không dùng thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ và khi có cho con bú.
- Suy hô hấp: Thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân có suy hô hấp mạn tính không mất bù, hay trong bệnh sử có suy hô hấp cấp.
- Người cao tuổi. suy giảm chức năng: Rất thận trọng khi dùng cho bệnh nhân cao tuổi, trí tuệ chậm phát triển và người bị suy chức năng thận và/hoặc gan, vì những người này dễ bị tác dụng phụ hơn những bệnh nhân khác.
- Vấn đề thần kinh: Không nên dùng thuốc trong các trường hợp loạn tâm thần mạn tính cũng như trong các tình trạng sợ hay ám ảnh. Dùng thuốc trong những trường hợp này có thể làm tăng nguy cơ tự tử và có thái độ gây hấn. Do đó không nên dùng đơn thuần Grandaxin trong trường hợp trầm cảm và trầm cảm có đi kèm với lo âu.
- Tổn thương não: Thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân bị thương tổn thực thể não (như xơ cứng động mạch), điều trị với Grandaxin có thể gây co giật ở bệnh nhân bị chứng động kinh, không dùng thuốc này cho những bệnh nhân bị glaucom góc đóng.
Tương tác thuốc khi sử dụng thuốc Grandaxin
- Digoxin: tofisopam có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương.
- Warfarin: các benzodiazepin có thể ảnh hưởng đến tác dụng chống đông máu của warfarin.
- Disulfiram: điều trị lâu dài với thuốc này có thể ức chế chuyển hoá của tofisopam.
- Thuốc kháng axit: có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của tofisopam.
- Thuốc tránh thai dạng uống: có thể ức chế sự chuyển hoá của tofisopam.
- Rượu: tofisopam giảm tác dụng làm suy hệ thần kinh trung ương của rượu.
- Thuốc làm suy hệ thần kinh trung ương (như thuốc giảm đau, thuốc mê, chống trầm cảm, kháng histamin H1, an thần gây ngủ, trị loạn tâm thần): phối hợp Grandaxin với các thuốc này sẽ làm tăng tác dụng của cả hai (như tác dụng an thần, làm suy hô hấp).
- Chất gây cảm ứng men gan (rượu, nicotin, barbiturat, thuốc trị động kinh): các thuốc này có thể làm tăng chuyển hóa của tofisopam. Việc này có thể dẫn đến nồng độ trong huyết tương lẫn tác dụng điều trị của thuốc giảm.
- Một số thuốc trị nấm (ketoconazol, itraconazol): các thuốc này có thể ức chế sự chuyển hóa của tofisopam tại gan, có thể dẫn đến nồng độ thuốc trong huyết tương tăng.
- Thuốc trị tăng huyết áp (clonidin, chất đối kháng kênh canxi): các thuốc này có thể làm tăng tác dụng của tofisopam.
Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc
Các phản ứng phụ thường là nhẹ và thoáng qua, đa số xuất hiện khi dùng liều cao.
- Hệ tiêu hóa: ăn mất ngon, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn, khô miệng. Đôi khi có thể xảy ra vàng da do ứ mật.
- Tác dụng có liên quan đến hệ thần kinh trung ương: nhức đầu, cảm giác căng thẳng, mất ngủ, kích thích, kích động. Đôi khi có thể lẫn lộn và có thể gây co giật ở bệnh nhân bị động kinh.
- Da: ngoại ban, ngoại ban dạng tinh hồng nhiệt, ngứa.
- Hệ cơ xương: căng cơ, đau cơ.
- Hệ hô hấp: suy hô hấp.
Bạn hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Cách bảo quản thuốc
Để thuốc nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Thuốc Grandaxin (tofisopam) giá bao nhiêu?
Giá bán tham khảo tại nhà thuốc khoảng 8.560đ/viên. (Giá có thể thay đổi tùy theo thời điểm)
Xem thêm: Thuốc bổ não Giloba cải thiện tuần hoàn máu não, tăng cường trí nhớ.
Việc sử dụng thuốc Grandaxin (tofisopam) cần có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Hy vọng bài viết đã cung cấp phần nào những thông tin cần thiết của thuốc Grandaxin để bạn có thể sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pharmacologic effects of tofizopam (Grandaxin)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8100112
Ngày tham khảo: 08/04/2020