Thuốc Lincomycin: Những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Thuốc lincomycin là một trong những loại kháng sinh được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn nặng. Vậy thuốc lincomycin được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau của YouMed.
Thuốc chứa thành phần tương tự:
- Dạng tiêm: Atendex, Huonsmycine, Kukje Lincomycin HCl Inj,…
- Dạng viên: Agi-linco, Codulinco, Fabzicocin,…
Lincomycin là thuốc gì?
Dạng thuốc và hàm lượng
- Bột để pha tiêm: Lọ 250 mg, 500 mg (kèm ống dung môi pha tiêm).
- Thuốc tiêm: 300 mg/2 ml, 600 mg/2 ml.
- Viên nén hoặc viên nang: 250 mg, 500 mg
Tính chất
Cơ chế tác dụng
Lincomycin thuộc nhóm kháng sinh nào? Thuốc Lincomycin là kháng sinh thuộc nhóm lincosamid, thuốc cản trở giai đoạn đầu trong tổng hợp protein vi khuẩn. Tác dụng chủ yếu của lincomycin là kìm khuẩn, nhưng ở nồng độ cao có thể diệt khuẩn từ từ đối với các chủng nhạy cảm.
Phổ tác dụng
Thuốc chủ yếu kìm vi khuẩn ưa khí Gram dương và có phổ kháng khuẩn rộng đối với vi khuẩn kỵ khí.
- Có tác dụng với vi khuẩn ưa khí Gram dương (Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus, Bacillus anthracis, Corynebacterium diphtheriae, nhưng không có tác dụng với Enterococcus).
- Phổ rộng đối với vi khuẩn kỵ khí Gram dương (Eubacterium, Propionibacterium, Peptococcus, Peptostreptococcus, Clostridium perfringens và tetani).
- Liều cao có tác dụng với các vi khuẩn kỵ khí Gram âm như Bacteroides spp.
- Thuốc cũng có vài tác dụng với sinh vật đơn bào, đã được dùng trong viêm phổi do Pneumocystis carinii và bệnh nhiễm Toxoplasma.
Kháng thuốc
- Phần lớn các vi khuẩn ưa khí Gram âm kháng lincomycin (Enterobacteriaceae, Neisseria gonorrhoeae, N. meningitidis, Haemophilus influenzae…).
- Một số chủng nhạy cảm khác cũng có thể trở nên kháng thuốc.
- Có sự kháng chéo giữa lincomycin và clindamycin và đôi khi kháng chéo một phần với kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin).
Giá thuốc Lincomycin
Thông tin thuốc Lincomycin 500mg:
- Dạng bào chế: Viên nang.
- Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 10 viên.
- Giá thuốc Lincomycin 500mg: 150.000 VNĐ/hộp.
Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp. Theo đó, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo nguồn gốc thuốc và được bác sĩ/dược sĩ tư vấn cụ thể nhất.
Công dụng của thuốc lincomycin
Thuốc lincomycin được chỉ định trong:
- Nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus ở người dị ứng với penicilin như áp xe gan; nhiễm khuẩn xương do Staphylococcus; nhiễm khuẩn phụ khoa như nhiễm khuẩn ở âm đạo, viêm màng trong tử cung, viêm vùng chậu; viêm màng bụng thứ phát; áp xe phổi; nhiễm khuẩn huyết; mụn nhọt biến chứng và loét do nhiễm khuẩn kỵ khí.
- Nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng penicilin.
- Trường hợp nhiễm khuẩn ở các vị trí khó thấm thuốc như viêm cốt tủy cấp tính và mạn tính, do Bacteroides spp.
Liều lượng và cách dùng thuốc
Liều dùng lincomycin
Liều lincomycin được tính theo lincomycin khan.
Người lớn
- Liều uống thường dùng là 500 mg, 3 – 4 lần/ngày.
- Đường tiêm: Tiêm bắp 600 mg, 1 lần hoặc 2 lần/ngày; hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm liều 0,6 – 1,0 g, 2 lần hoặc 3 lần/ngày.
- Đối với các nhiễm khuẩn nặng, cần truyền tĩnh mạch liều cao hơn, liều tối đa khuyến cáo 8 g/ngày.
Đối với trẻ em và trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên
- Uống 30 – 60 mg/kg/ngày, chia nhiều lần.
- Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch 10 – 20 mg/kg/ngày, chia nhiều lần.
- Lincomycin có thể được cho tiêm dưới kết mạc với liều 75 mg.
Người suy thận
Cần giảm liều thuốc lincomycin với người suy thận nặng. Liều dùng thích hợp bằng 25 – 30% liều bình thường.
Cách dùng lincomycin
Thuốc lincomycin có các dạng uống, tiêm bắp, hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
- Uống: Uống xa bữa ăn, ít nhất 1 – 2 giờ trước hoặc sau khi ăn.
- Tiêm: Có thể tiêm bắp sâu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch và được thực hiện bởi người có chuyên môn y tế. Không được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Chống chỉ định của thuốc lincomycin
Chống chỉ định dùng thuốc lincomycin trong các trường hợp:
- Mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
- Người bệnh đặt catheter tĩnh mạch trung ương.
Thận trọng khi sử dụng thuốc
Thận trọng khi dùng lincomycin cho:
- Người có bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt có tiền sử viêm đại tràng. Nữ giới và người cao tuổi có thể dễ bị tiêu chảy nặng hoặc viêm đại tràng giả mạc.
- Người bị dị ứng, người bị suy gan hoặc suy thận nặng: Cần được điều chỉnh liều phù hợp.
- Khi dùng thuốc có tác dụng chẹn thần kinh – cơ, vì lincomycin cũng có tác dụng này (thuốc chống tiêu chảy như loperamid, thuốc phiện làm nặng thêm viêm đại tràng do làm chậm bài tiết độc tố).
Đối với người điều trị lâu dài bằng lincomycin và trẻ nhỏ, cần theo dõi định kỳ chức năng gan và huyết học. Chưa xác định an toàn và hiệu lực của lincomycin đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi.
Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc lincomycin là trên đường tiêu hóa, chủ yếu là tiêu chảy. Cụ thể:
Thường gặp
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đôi khi do Clostridium difficile phát triển quá nhiều.
Ít gặp
- Da: Mày đay, phát ban.
- Các tác dụng khác: Phản ứng tại chỗ sau tiêm bắp, viêm tĩnh mạch huyết khối sau tiêm tĩnh mạch.
Hiếm gặp
- Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
- Máu: Giảm bạch cầu trung tính (có thể phục hồi).
- Tiêu hóa: Viêm đại tràng màng giả (do độc tố giải phóng từ sự phát triển quá mức Clostridium difficile), viêm thực quản khi dùng đường uống.
- Gan: Tăng enzym gan (phục hồi được), như tăng transaminase.
Hướng dẫn cách xử trí phản ứng có hại của thuốc
Tiêu chảy nặng xảy ra sau khi điều trị bằng lincomycin có thể liên quan đến viêm đại tràng màng giả do Clostridium difficile. Người cao tuổi có nguy cơ cao. Có thể điều trị bằng metronidazol hoặc vancomycin qua chỉ định của bác sĩ.
Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn bạn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Tương tác với thuốc lincomycin
- Aminoglycosid: Độ an toàn chưa được đánh giá khi phối hợp.
- Kaolin: Kaolin làm ruột giảm hấp thu lincomycin, nếu phải dùng, nên uống lincomycin 2 giờ sau khi dùng kaolin.
- Thuốc tránh thai đường uống: Tác dụng thuốc tránh thai uống có thể bị ức chế hoặc giảm do rối loạn vi khuẩn đường ruột làm chẹn chu kỳ ruột – gan.
- Thuốc chẹn thần kinh – cơ: Thận trọng khi phối hợp vì lincomycin có tính chất tương tự.
- Erythromycin: Do tính đối kháng với lincomycin, không được phối hợp.
- Thức ăn và natri cyclamat (chất làm ngọt): giảm mạnh sự hấp thu lincomycin.
Quá liều
Nếu có bất cứ một tác dụng không mong muốn nào xảy ra khi dùng quá liều, nên ngưng dùng thuốc và đến bệnh viện gần nhất để được xử trí.
Phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
Thuốc lincomycin qua được nhau thai và đạt khoảng 25% nồng độ huyết thanh mẹ ở dây rốn. Chưa có nghiên cứu có kiểm soát đầy đủ về sử dụng thuốc cho người mang thai, lincomycin chỉ nên sử dụng cho người mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Thuốc lincomycin tiết được qua sữa mẹ, cân nhắc giữa việc dùng thuốc hoặc cho con bú vì tiềm năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng cho trẻ bú mẹ. Cần tránh cho con bú khi đang điều trị bằng lincomycin.
Cách bảo quản thuốc lincomycin
- Các viên nén và viên nang lincomycin được bảo quản trong lọ kín, ở nhiệt độ có kiểm soát 15oC- 30oC.
- Tránh ánh sáng.
- Thuốc tiêm lincomycin được đóng thành liều đơn hoặc đa trong các lọ, tốt nhất là bằng thủy tinh loại 1.
- Tránh xa tầm tay của trẻ em.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
Thuốc incomycin là một kháng sinh được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn nặng. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc lincomycin. Nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược thư Quốc gia Việt Nam II, “LINCOMYCIN HYDROCLORID”, trang 905-906
-
Lincomycinhttps://www.drugs.com/mtm/lincomycin.html
Ngày tham khảo: 26/05/2020