Thuốc Sandostatin (octreotide) và những điều cần biết.
Nội dung bài viết
Thuốc Sandostatin (octreotide) là một loại thuốc tiêm bao gồm nhiều dạng hàm lượng khác nhau như: 50 mcg/ 1 mL, 100 mcg/ 1 mL, 500 mcg/ 1 mL được chỉ định trong các trường hợp nào? Cần đặc biệt lưu ý gì trong quá trình sử dụng? Hãy cùng Youmed phân tích thật kỹ bài viết dưới đây để tìm hiểu Sandostatin là thuốc gì nhé!
Tên thành phần hoạt chất: Octreotide acetate.
Tên biệt dược tương tự: DBL Octreotide, Asoct, ..
1. Sandostatin là thuốc gì và được chỉ định trong các trường hợp nào?
Sandostatin có hoạt chất là octreotide một hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ somatostatin. Chúng hoạt động bằng cách ức chế ảnh hưởng của một số hormone như hormone tăng trưởng. Lợi thế của Sandostatin hơn somatostatin là mạnh hơn và tác dụng kéo dài hơn.
Sandostatin được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Thông thường, hormone tăng trưởng kiểm soát sự phát triển của các mô, cơ quan và xương. Do đó, Sandostatin làm giảm rõ rệt các triệu chứng của bệnh to đầu chi bao gồm: đau đầu, ra mồ hôi nhiều, tê bàn tay và bàn chân, mệt mỏi và đau khớp.
- Giảm các triệu chứng liên quan đến một số khối u của đường tiêu hóa: đỏ bừng mặt, tiêu chảy, huyết áp thấp, phát ban và giảm cân.
- Ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật của tuyến tụy: áp xe ở bụng, viêm tụy tuyến
- Giúp cầm máu từ các tĩnh mạch thực quản bị vỡ trong bệnh nhân bị xơ gan (bệnh gan mạn tính).
- Điều trị các khối u tuyến yên sản xuất quá nhiều hormone kích thích tuyến giáp. Quá nhiều hormon kích thích tuyến giáp sẽ dẫn đến cường giáp.
2. Vậy những đối tượng nào không được sử dụng Sandostatin?
Nếu bạn dị ứng với octreotide hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
3. Bạn nên dùng thuốc Sandostatin như thế nào để đảm bảo hiệu quả của thuốc?
- Tiêm dưới da, thường là 2-3 lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc cùng 1 thời điểm trong ngày để tránh quên. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà thuốc có thể được bác sĩ tiêm vào tĩnh mạch.
- Nếu bác sĩ hướng dẫn bạn tự tiêm thuốc này dưới da, hãy tìm hiểu tất cả các hướng dẫn sử dụng từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Tìm hiểu cách làm thế nào để lưu trữ và loại bỏ kim và các vật tư y tế một cách an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy hỏi bác sĩ.
- Trước khi sử dụng, kiểm tra trực quan sản phẩm xem có xuất hiện hạt hoặc bị đổi màu hay không. Trước khi tiêm, làm sạch vị trí tiêm bằng cồn sát khuẩn. Thay đổi vị trí của vị trí tiêm mỗi lần để tránh các khu vực có vấn đề dưới da.
- Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn và khả năng đáp ứng với điều trị.
- Sử dụng thuốc thường xuyên để có được lợi ích cao nhất từ thuốc.
- Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng không cải thiện hoặc nếu nó trở nên tồi tệ hơn.
4. Những tác động không mong muốn trong quá trình dùng thuốc Sandostatin là gì?
Để hiểu rõ hơn về thuốc Sandostatin là gì, bạn phải đặc biệt quan tâm chú ý đến tác dụng phụ của thuốc:
- Gây rối loạn tiêu hóa như: nôn, buồn nôn, đau bụng dữ dội, đau nhiều ở vùng bụng phía trên lan ra sau lưng hoặc gây ra táo bón nặng; tiêu chảy, đầy hơi;
- Xuất hiện tình trạng nhịp tim đập chậm hoặc không đều hoặc nhịp tim nhanh;
- Đường huyết cao do đó làm bệnh nhân khát nước, uống nhiều nên đi tiểu nhiều, nhanh đói, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, khô da, mờ mắt và sụt cân;
- Ngược lại, trường hợp gây ra đường huyết thấp, bệnh nhân sẽ nhức đầu, đổ mồ hôi, lú lẫn, khó chịu, đói, chóng mặt, nhịp tim nhanh, hoặc cảm giác bồn chồn;
- Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, khô da, đau khớp hoặc cứng khớp, đau cơ hay yếu cơ, giọng nói trở nên khàn, nhạy cảm hơn với nhiệt độ lạnh, tăng cân. Điều này do hoạt động quá mức của tuyến giáp.
- Đau khi tiêm thuốc.
5. Các tương tác thuốc cần lưu ý trong quá trình sử dụng Sandostatin là gì?
- Hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu gần đây bạn đã, đang hoặc có thể sẽ dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Sandostatin nếu dùng chung như cimetidine, cyclosporin, bromocriptine, quinidine và terfenadine.
- Đang dùng thuốc để kiểm soát huyết áp (thuốc chẹn beta hoặc thuốc chặn calci), báo ngay cho bác sĩ.
- Nếu bạn đang mắc đái tháo đường, bác sĩ có thể cần điều chỉnh liều insulin mà bạn đang dùng.
6. Những điều gì cần lưu ý khi dùng thuốc?
Những trường hợp bệnh nhân cần lưu ý và thận trọng
Nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng Sandostatin:
- Nếu đang có sỏi mật hoặc đã có trước đây; nói với bác sĩ vì sử dụng kéo dài Sandostatin có thể dẫn đến hình thành sỏi mật.
- Trường hợp lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp khi Sandostatin được sử dụng để điều trị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.
- Kiểm tra vitamin B12 theo định kỳ.
Làm xét nghiệm và kiểm tra
Nếu điều trị bằng Sandostatin trong một thời gian dài, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra chức năng tuyến giáp theo định kỳ.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng gan của bạn.
Đối với đối tượng lái xe và vận hành máy móc
Sandostatin không có hoặc ít ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.
Tuy nhiên, một số tác dụng phụ bạn có thể gặp trong khi sử dụng Sandostatin, chẳng hạn như đau đầu và mệt mỏi, có thể làm giảm khả năng lái xe và sử dụng máy móc một cách an toàn.
7. Phụ nữ mang thai và cho con bú cho dùng Sandostatin được không?
- Trường hợp đang mang thai hoặc cho con bú hoặc bạn nghĩ rằng mình có thể đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh con, hãy trao đổi với bác sĩ để được cho lời khuyên trước khi dùng thuốc này.
- Sandostatin chỉ nên được sử dụng trong khi mang thai nếu thực sự cần thiết.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng phương pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình điều trị.
- Không cho con bú trong khi sử dụng Sandostatin.
8. Xử lý khi dùng quá liều Sandostatin
Dùng quá liều không gây đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng của quá liều: nhịp tim không đều, huyết áp thấp, ngừng tim, giảm cung oxy lên não, đau dạ dày nghiêm trọng, da và mắt vàng, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, yếu, mệt mỏi, thiếu năng lượng, giảm cân, khó chịu và nồng độ acid lactic cao trong máu.
Nếu bạn nghĩ rằng mình đã dùng quá liều và gặp các triệu chứng như vậy, hãy gọi ngay cho bác sĩ.
9. Trường hợp quên liều phải xử trí như thế nào?
Dùng một liều ngay khi nhớ, sau đó tiếp tục như bình thường. Sẽ không nguy hại nếu quên một liều, nhưng có thể xuất hiện lại các triệu chứng tạm thời cho đến khi quay về với thời gian dùng thuốc.
Không tiêm liều Sandostatin gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Nếu ngừng sử dụng Sandostatin
Khi ngừng điều trị bằng Sandostatin, các triệu chứng của bạn có thể quay trở lại. Do đó, đừng tự ý ngưng việc sử dụng Sandostatin trừ khi bác sĩ nói với bạn.
Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về việc sử dụng thuốc này, hãy hỏi bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ để hiểu rõ hơn.
10. Cách bảo quản thuốc Sandostatin
- Để xa tầm tay của trẻ em.
- Bảo quản trong bao bì để tránh ánh sáng và giữ trong tủ lạnh (2°C – 8°C).
- Các ống (50, 100 và 500 mcg/ 1ml) có thể được lưu trữ < 30°C trong tối đa 2 tuần.
- Sau khi mở ống phải dùng ngay.
- Sử dụng ngay dung dịch pha loãng sau khi chuẩn bị.
- Không sử dụng thuốc này sau ngày hết hạn được ghi trên nhãn và thùng. Ngày hết hạn là ngày cuối cùng của tháng đó.
- Không sử dụng thuốc này nếu phát hiện có xuất hiện các hạt có thể thấy bằng mắt thường hoặc có sự thay đổi màu sắc.
- Đừng vứt bỏ bất kỳ loại thuốc nào thông qua nước thải hoặc chất thải gia đình. Hỏi dược sĩ cách xử trí thuốc để góp phần bảo vệ môi trường.
Vậy là chúng ta đã biết Sandostatin là thuốc gì rồi đúng không? Đây một thuốc biệt dược chứa octreotide được dùng theo đường tiêm. Trong quá trình dùng, thuốc có thể gây ra các triệu chứng không mong muốn như gây đau nơi tiêm, gây nôn, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu… có thể làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn. Do đó, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào bất thường hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
SANDOSTATIN®https://www.medicines.org.uk/emc/files/pil.7822.pdf
Ngày tham khảo: 22/11/2019
-
Sandostatin Vialhttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-8527/sandostatin-injection/details#images
Ngày tham khảo: 22/11/2019