Thuốc bôi bảy màu Silkron trị bệnh ngoài da
Nội dung bài viết
Silkron là một thuốc bôi thường được sử dụng trong các bệnh lý về da. Vậy có phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng Silkron hay không? Bạn hãy cùng Youmed tìm hiểu dưới đây nhé!
Thành phần hoạt chất: Betamethason, clotrimazol, gentamicin.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Dipolac, Gentri-sone.
1. Silkron là thuốc gì?
Silkron là thuốc có thành phần chứa ba hoạt chất với ba tác dụng khác nhau bao gồm:
- Betamethason: là một chất tổng hợp của prednisolon, thuộc nhóm corticosteroid, có tác dụng kháng viêm thông qua nhiều cơ chế nên có tác dụng ức chế phản ứng dị ứng của cơ thể. Betamethason dùng tại chỗ có tác dụng trong điều trị các bệnh về da nhờ tác dụng chống ngứa, kháng viêm và co mạch.
- Clotrimazol: là một chất kháng nấm phổ rộng thuộc họ Imidazol, dùng để trị các bệnh nấm ngoài da. Clotrimazol tác dụng bằng cách ức chế tổng hợp một chất cần thiết ở màng tế bào nấm, từ đó ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của nấm.
- Gentamicin: là một kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh aminoglycosid. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hình thành protein cho tế bào nên có tác dụng diệt khuẩn.
2. Trường hợp dùng thuốc Silkron
Thuốc được sử dụng trong các trường hợp da như:
- Nhiễm nấm
- Nhiễm khuẩn
- Bệnh ngoài da do dị ứng như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã, chàm, hăm, viêm da tróc vẩy và viêm da thần kinh.
3. Cách dùng thuốc Silkron
Rửa sạch da và lau khô. Thoa một lượng vừa đủ lên lên vùng da cần xoa ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
4. Trường hợp không dùng thuốc Silkron
Những trường hợp sau không nên sử dụng thuốc Silkron:
- Vùng da vết thương hở, màng nhầy
- Eczema tai ngoài có thủng màng nhĩ
- Loét da hoặc phỏng ở mức độ 2 trở lên
- Viêm da quanh miệng, mụn nói chung và mụn trứng cá
- Có tiền sử mẫn cảm với thành phần của thuốc hoặc các chất cùng nhóm với hoạt chất
- Nhiễm trùng da do nhiễm khuẩn một số loại vi khuẩn như lao, giang mai,…; nhiễm giun tròn; nhiễm virus (giời leo, thủy đậu,..) và kí sinh trùng (ghẻ ngứa, chí rận…)
Thuốc Silkron không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và nên thận trọng khi sử dụng thuốc với phụ nữ cho con bú.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Silkron
Corticosteroid dùng tại chỗ có thể gây hội chứng Cushing, tăng đường huyết, tiểu đường, loãng xương ở một số bệnh nhân. Vì thế, đối với một số người dùng thuốc trên vùng da diện rộng hoặc trong tình trạng băng kín phải được kiểm tra thường xuyên nồng độ corticoid trong máu, corticoid tự do trong nước tiểu hoặc ACTH. Đồng thời tránh sử dụng thuốc lâu dài đặc biệt với các trường hợp băng kín.
Hiện chưa có báo cáo về việc thuốc Silkron có thể gây tương tác với thuốc khác.
6. Tác dụng phụ của thuốc Silkron
- Suy thận, giảm thính lực
- Nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn (đặc biệt là khi dùng băng ép)
- Các vấn đề về da như viêm nang lông, nổi nhọt, kích ứng da, cảm giác châm chích, kích thích da, cảm giác bỏng rát, phát ban, đỏ da, nóng bừng, ngứa, khô da, viêm da có mủ, viêm da tiếp xúc dị ứng, đổ mồ hôi, vết thương trầm trọng hơn, loét, mụn mủ, viêm da quanh miệng, rậm lông, tăng sắc tố da
7. Cách bảo quản thuốc Silkron
Tuýp thuốc nên được bảo quản trong bao bì kín, nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30oC.
Giá bán tham khảo tại nhà thuốc khoảng 22.000/tuýp.
Thuốc Silkron sử dụng trong các trường hợp viêm da dị ứng, da nhiễm nấm, nhiễm trùng. Tuy nhiên bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc điều trị mà nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán đúng bệnh và có chỉ định thích hợp. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về thuốc bảy màu Silkron.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Silkron