YouMed

Thuốc điều trị tim mạch Verospiron (spironolacton): cách dùng và lưu ý khi sử dụng

Dược sĩ PHẠM CHÍ KHANG
Tác giả: Dược sĩ Phạm Chí Khang
Chuyên khoa: Dược

Verospiron là một thuốc điều trị bệnh thường được sử dụng liên quan tới tim mạch, huyết áp. Hãy cùng tìm hiểu về chỉ định, chống chỉ định cũng như tác dụng phụ của thuốc Verospiron (spironolacton) trong bài viết sau của Dược sĩ Phạm Chí Khang.

Thành phần hoạt chất: spironolacton.

Thuốc chứa thành phần tương tự: Aldacton.

Verospiron (spironolactone) là thuốc gì?

Spironolacton là một chất đối kháng cạnh tranh với aldosterone. Thuốc ức chế tác động giữ nước và Na+, tác động thải trừ K+ của aldosterone, nên làm tăng sự thải trừ Na+, Cl-  và làm giảm thải trừ K+ mà còn ức chế bài tiết H+ vào nước tiểu. Kết quả là làm tăng lượng nước tiểu dẫn đến tác động hạ huyết áp.

verospiron 25mg
Thuốc Verospiron (spironolactone)

Công dụng của thuốc Verospiron (spironolacton) là gì?  

Thuốc Verospiron thường được sử dụng để điều trị:

  • Hội chứng thận hư.
  • Phù nề kèm theo suy tim sung huyết.
  • Phù và/hoặc cổ trướng kèm theo xơ gan.
  • Phù do trong một số trường hợp – Nên phối hợp spironolactone với các thuốc lợi tiểu khác.
  • Tăng huyết áp vô căn – Kết hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt trong trường hợp giảm kali huyết.
  • Giảm kali huyết – Phòng ngừa giảm kali huyết ở người bệnh điều trị với digitalis khi không còn lựa chọn điều trị nào khác thay thế.
  • Bệnh cường aldosterone tiên phát – Điều trị ngắn hạn trước phẫu thuật. Có thể điều trị dài hạn với thuốc nếu bệnh nhân không thể hoặc từ chối phẫu thuật.

Ngoài ra, thuốc Verospiron còn có thể được chỉ định trong những trường hợp khác. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin.

Chống chỉ định  

  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị vô niệu, suy thận cấp, suy chức năng thận nặng (tốc độ lọc cầu thận < 10 ml/phút), tăng kali huyết, giảm natri huyết.

Trường hợp nếu cần thiết phải dùng Verospiron thì ngừng cho con bú sữa mẹ và thay bằng các thức ăn khác.

Liều dùng thuốc Verospiron (spironolacton)  

Đối với người lớn

Lợi tiểu khi phù kháng trị do xơ gan, hội chứng thận hư, suy tim sung huyết, đặc biệt nghi ngờ có tăng aldosteron, thường phối hợp với furosemid, các thiazid hoặc các thuốc lợi tiểu tương tự: Liều ban đầu là uống 25 – 200 mg/ngày, chia 2 – 4 lần, dùng ít nhất 5 ngày, liều duy trì là 75 – 400 mg/ngày, chia 2 – 4 lần.

Chống tăng huyết áp: Liều ban đầu uống 50 – 100 mg/ngày, chia 2 – 4 lần, dùng ít nhất 2 tuần; liều duy trì điều chỉnh theo từng người bệnh. Nhưng hiện nay ít được dùng để điều trị tăng huyết áp. Tăng aldosteron tiên phát: 100 – 400 mg/ngày, chia 2 – 4 lần trước khi phẫu thuật. Liều thấp nhất có hiệu quả có thể duy trì trong thời gian dài đối với người bệnh không thể phẫu thuật.

Đối với trẻ em

Lợi tiểu hoặc trị tăng huyết áp, cổ trướng do xơ gan: liều ban đầu uống 1 – 3 mg/kg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 – 4 lần; liều được điều chỉnh sau 5 ngày.

Cách dùng thuốc Verospiron (spironolacton)  

Dùng theo đường uống. Nên uống thuốc Verospiron sau bữa ăn. Không nên nghiền, làm vỡ hoặc nhai thuốc dạng viên nén/viên nang, nên nuốt toàn bộ viên thuốc với một ly nước.

Lưu ý khi dùng thuốc Verospiron (spironolacton)   

  • Suy thận và tăng kali máu: có thể bị tăng urê máu thoáng qua và nhiễm toan tăng clo huyết có thể hồi phục. Vì thế, cần lưu ý đối với người rối loạn chức năng gan, thận và người cao tuổi. Đồng thời kiểm tra thường xuyên chất điện giải trong huyết thanh và chức năng thận.
  • Đái tháo đường: Đặc biệt khi có biến chứng thận do đái tháo đường. Vì nguy cơ tăng kali huyết có thể xuất hiện ở những người bệnh này.
  • Bệnh di truyền hiếm gặp: không dung nạp galactose, thiếu hụt men lactase hoăc kém hấp thu glucose-galactose, không nên dùng thuốc này.

Tác dụng phụ của thuốc Verospiron (spironolacton)  

Việc dùng Verospiron lâu dài có thể gây tăng kali huyết, giảm natri huyết, hạ huyết áp, mềm xương, chứng vú to ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt, rậm lông tóc ở phụ nữ, căng tức vú ở phụ nữ.

Các tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn như:

  • Rụng tóc.
  • Da biến đổi giống bệnh lupus.
  • Ban sần hoặc ban đỏ, mày đay.
  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương (thất điều, buồn ngủ, nhức đầu).
  • Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chảy máu dạ dày, loét dạ dày, đau dạ dày, viêm gan).

Mặc dù những tác dụng phụ này thường mất đi khi ngưng thuốc. Tuy nhiên bạn nên thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Tương tác thuốc  

  • Mitotan (tác dụng của mitotan giảm).
  • Salicylat (làm giảm tác dụng lợi tiểu).
  • Các thuốc lợi tiểu khác (tăng lợi tiểu).
  • Amoni clorid (nguy cơ toan huyết tăng).
  • Neomycin (làm giảm hấp thu spironolacton).
  • Carbenoxolon (làm giảm hiệu quả của carbenoxolon).
  • Fludrocortison (tăng thải trừ kali một cách bất thường).
  • Thuốc chống tăng huyết áp (tăng tác dụng hạ huyết áp).
  • Kali và các thuốc lợi tiểu giữ kali khác (nguy cơ tăng kali huyết).
  • Thuốc chống viêm không steroid NSAID (nguy cơ tăng kali huyết).
  • Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin (nguy cơ tăng kali huyết).
  • Các dẫn xuất coumarin (các tác dụng của những dẫn xuất này giảm).
  • Triptorelin, buserelin, gonadorelin (các tác dụng của những thuốc này tăng).
  • Digoxin (thời gian bán thải của digitalis tăng, nguy cơ nhiễm độc digoxin tăng).

Nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?  

Trường hợp xuất hiện một số triệu chứng sau: 

  • Buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn tâm thần.
  • Chóng mặt.
  • Tiêu chảy.

Nếu xuất hiện các trường hợp trên, gọi ngay trung tâm y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Cách bảo quản

Để thuốc nơi khô ráo tránh ánh sáng trực tiếp nhiệt độ không quá 30oC.

Để xa tầm tay trẻ em. 

Giá thuốc Verospiron (spironolacton) bao nhiêu tiền?  

  • Verospiron 25mg chứa 1 vỉ 20 viên nén/ hộp có giá khoảng 70.000 VNĐ.
  • Verospiron 50mg chứa 3 vỉ, vỉ gồm 10 viên/ hộp có giá 135.000 VNĐ

Giá cả sẽ có sự chênh lệch khi mua tại những nơi khác nhau.

Verospiron là một thuốc điều trị bệnh tim mạch. Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch. Khi sử dụng cần tuân thủ liệu trình trị liệu. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào cần báo ngay cho bác sĩ biết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Verospiron 25mghttps://drugbank.vn/thuoc/Verospiron-25mg&VN-16485-13

    Ngày tham khảo: 06/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người