Chanh: Loại quả quen và những điều không phải ai cũng biết
Nội dung bài viết
Chanh có nhiều vitamin C, chất xơ và hợp chất thực vật có lợi. Những chất dinh dưỡng này đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Cụ thể, chúng có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và sức khỏe hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, liệu chanh có tác hại gì không nếu dùng quá nhiều? Hãy cùng YouMed tìm hiểu về lợi ích sức khỏe cũng như tác dụng phụ của chanh nhé!
1. Giới thiệu chung về chanh
Chanh là một trong những loại quả có múi phổ biến nhất thế giới. Quả chanh có vị rất chua và thường không thể ăn một mình hoặc cả quả. Nhưng chúng ta có thể thưởng thức theo nhiều cách, ví dụ như ép lấy nước uống hoặc để tạo vị chua cho món ăn, cắt thành lát để trang trí trong bữa ăn.
Là một nguồn cung cấp vitamin C và chất xơ tuyệt vời, chanh cũng chứa nhiều hợp chất thực vật, khoáng chất và tinh dầu. Loại trái cây vị chua này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và sỏi thận.
2. Giá trị dinh dưỡng
2.1. Thông tin dinh dưỡng chung
Chanh chứa rất ít chất béo và protein. Chúng bao gồm chủ yếu là carbonhydrat (10%) và nước (88-89%). Một quả chanh trung bình chỉ cung cấp khoảng 20 calo. Trong 100 gram quả tươi đã gọt vỏ chứa:
- Carbonhydrat: 9,3 g
- Đạm: 1,1 g
- Đường: 2,5 g
- Chất xơ: 2,8 g
- Chất béo: 0,3 g
2.2. Carbonhydrat
Chanh chứa khoảng 10% carbonhydrat, chủ yếu là chất xơ hòa tan pectin và các đường đơn như glucose, fructose và sucrose. Chất xơ quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Pectin có thể giúp giảm đường trong máu do làm chậm tiêu hóa đường và tinh bột.
2.3. Vitamin và khoáng chất
Chanh rất giàu vitamin C cũng như kali và vitamin B6:
- Vitamin C. Là vitamin thiết yếu và là chất chống oxy hóa, quan trọng cho hệ miễn dịch và làn da.
- Kali. Chế độ ăn giàu kali có thể làm giảm huyết áp và tác động tích cực đến tim mạch.
- Vitamin B6. Vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa tạo năng lượng.
2.4. Các hợp chất thực vật khác
Các hợp chất thực vật là các chất có hoạt tính sinh học được tìm thấy trong thực vật tự nhiên, có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Chanh có chứa acid citric, hesperidin, diosmin, eriocitrin và d-limonene có thể có tác dụng hữu ích đối với bệnh ung thư, bệnh tim mạch và viêm nhiễm. Cụ thể:
- Acid citric. Axit hữu cơ dồi dào nhất trong chanh, có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận.
- Hesperidin. Chất chống oxy hóa này giúp bền thành mạch và ngăn xơ vữa động mạch.
- Diosmin. Một chất chống oxy hóa giúp cải thiện trương lực cơ, giảm viêm mãn tính mạch máu.
- Eriocitrin. Chất chống oxy hóa được tìm thấy trong vỏ chanh và nước ép.
- D-limonene. Được tìm thấy chủ yếu trong vỏ, d-limonene là thành phần chính của tinh dầu và tạo hương thơm đặc trưng của chanh. Chất này có thể làm giảm chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày.
Nhiều hợp chất thực vật trong quả lại có hàm lượng thấp trong nước chanh. Do đó, dùng cả quả mới có được lợi ích tối đa.
3. Lợi ích sức khỏe của chanh
3.1. Là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào
Các loại trái cây có múi như chanh chứa nhiều vitamin C – một chất chống oxy hóa chính bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây hại. Chanh là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Một quả chanh cung cấp khoảng 51% lượng vitamin C cần tiêu thụ hàng ngày.
Có thể bạn đã biết vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng đề kháng, giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường. Thậm chí vitamin C còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp…
3.2. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu cho thấy ăn trái cây và rau quả giàu vitamin C như chanh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, chất xơ và các hợp chất thực vật trong chanh, như hesperidin và diosmin, cũng có thể làm giảm đáng kể một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.
Nghiên cứu cho thấy ăn 24g chất xơ từ cam quýt hàng ngày trong một tháng làm giảm tổng mức cholesterol trong máu. Tinh dầu trong chanh có thể bảo vệ LDL-cholesterol (xấu) khỏi bị oxy hóa.
3.3. Chanh giúp kiểm soát cân nặng
Chanh hoặc nước chanh muối thường được quảng cáo là có tác dụng giảm cân với một số giả thuyết như sau:
- Giả thuyết 1: chanh chứa chất xơ hòa tan pectin sẽ giãn nở trong dạ dày, tạo cảm giác no lâu hơn. Tuy nhiên, không có nhiều người ăn được cả quả. Trong nước chanh thì không chứa pectin. Vì vậy, uống nước chanh sẽ không tạo cảm giác no.
- Giả thuyết 2: uống nước chanh nóng sẽ giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, nước nóng có thể tạm thời đốt cháy calo. Vì vậy, đó có thể là do nước giúp giảm cân – không phải chanh.
- Giả thuyết 3: các hợp chất thực vật có thể giúp giảm cân. Trong một nghiên cứu, những con chuột vừa được vỗ béo vừa được cho uống polyphenol chiết xuất từ vỏ chanh sẽ ít tăng cân và mỡ hơn những con không uống. Tuy nhiên, tác dụng ở người chưa được biết rõ.
3.4. Acid citric trong chanh có thể ngừa sỏi thận
Sỏi thận được hình thành khi các cặn kết tinh và tích tụ trong thận. Sỏi thận khá phổ biến và dễ bị tái lại nếu bạn đã mắc phải chúng. Acid citric trong chanh có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách làm tăng thể tích và pH nước tiểu. Chỉ cần 125 ml nước chanh mỗi ngày có thể cung cấp đủ acid citric ngăn ngừa hình thành sỏi ở người đã mắc bệnh.
Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho rằng chanh không có tác dụng này. Cần thêm nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai.
3.5. Phòng chống thiếu máu
Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân khá phổ biến và thường gặp ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Tình trạng này xảy ra khi bạn không nhận đủ sắt từ thực phẩm. Cơ thể ta hấp thụ sắt từ thịt, gà và cá rất dễ, nhưng sắt từ thực vật thì lại khó hấp thu hơn.
Chanh chứa một lượng nhỏ sắt. Nhưng quan trọng hơn, vitamin C và acid citric trong chanh tạo điều kiện giúp hấp thụ sắt từ thực vật tốt hơn. Từ đó có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
3.6. Giảm nguy cơ ung thư
Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, trong đó có trái cây thuộc họ cam quýt, có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật chứng minh các hợp chất thực vật trong chanh, như limonene và naringenin, có thể ngừa ung thư.
Một nghiên cứu khác sử dụng bột quýt có chứa beta-cryptoxanthin và hesperidin (cũng có trong chanh) có thể ngăn chặn các khối u ác tính ở lưỡi, phổi và ruột kết của loài gặm nhấm. Tuy nhiên, nghiên cứu đã sử dụng lượng chất rất lớn so lượng có thể ăn và cũng chưa có nghiên cứu trên người.
3.7. Chanh cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Chanh chứa khoảng 10% carbonhydrat, chủ yếu ở dạng chất xơ hòa tan pectin và đường đơn. Chất xơ hòa tan có thể cải thiện sức khỏe đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Điều này có thể làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, để có được những lợi ích của chất xơ là phải ăn cả quả chứ không chỉ lấy nước ép, và điều này là không phải dễ!
Ngoài ra, một số người uống nước chanh ấm mỗi sáng như một loại thuốc nhuận tràng ngăn ngừa táo bón. Chúng thúc đẩy nhu động hệ tiêu hóa và vị chua kích thích sự thèm ăn, mau đói. Bên cạnh đó, các hoạt chất trong chanh có thể giúp bạn tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và giúp ngăn ngừa sự tích tụ của độc tố.
3.8. Làm hơi thở thơm tho
Bạn đã bao giờ chà chanh lên tay để khử mùi tỏi hoặc một số mùi nặng khác chưa? Phương pháp dân gian tương tự cũng có thể áp dụng cho chứng hôi miệng do ăn thức ăn có mùi nặng như tỏi, hành hoặc cá. Chanh có thể giảm hôi miệng do vi khuẩn gây ra. Bạn có thể tránh hôi miệng bằng cách uống một cốc nước chanh vào mỗi sáng sớm và sau ăn. Chanh được cho là kích thích tiết nước bọt và ngăn ngừa khô miệng.
Xem thêm: Cùng tìm hiểu những loại tinh dầu giúp bạn ngủ ngon
3.9. Hỗ trợ sức khỏe da
Vitamin C trong chanh có thể giúp giảm nếp nhăn trên da, da khô do lão hóa và tổn thương do ánh nắng mặt trời. Nếu da của bạn bị mất độ ẩm, nó sẽ trở nên khô và dễ bị nhăn. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, uống nước cam quýt giúp ngăn ngừa sự phát triển của nếp nhăn ở chuột.
4. Cách pha nước chanh ngon và giữ được dinh dưỡng
Nhiều người uống nước chanh nóng hoặc lạnh sáng sớm và trong ngày. Hương thơm từ tinh dầu có thể làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Khi pha nước chanh, bạn hãy dùng chanh tươi hữu cơ thay vì loại đóng hộp hoặc pha sẵn trong chai. Tăng thêm hương vị hoặc tăng cường sức khỏe bằng cách thêm:
- Một vài lá bạc hà.
- Một thìa mật ong nguyên chất.
- Một vài lát gừng tươi.
- Một chút quế.
- Rắc ít nghệ.
- Một ít đường.
Cách tốt nhất là nấu siro đường trước, sau đó trộn với nước cốt chanh để tránh tình trạng đường chìm xuống đáy. Tỷ lệ sẽ khác nhau tùy thuộc vào sở thích ngọt và đậm của bạn.
Nguyên liệu:
- 1 cốc đường cát trắng (có thể giảm còn 3/4 cốc nếu bạn muốn ít ngọt hơn) hoặc 1 cốc mật ong.
- 1 cốc nước (để làm siro).
- Chanh.
- 2 đến 3 cốc nước lạnh (để pha loãng).
Cách làm:
1. Làm siro. Đun sôi đường và nước. Khuấy đều để đường tan hoàn toàn rồi tắt bếp. Để có vị chanh đậm đà hơn, hãy nạo vỏ từ một quả chanh tươi và thêm vào siro lúc vừa mới nhấc ra. Ngâm trong vài phút và lọc bỏ vỏ. Nếu siro dư có thể để lạnh sử dụng từ từ. Ngoài đường, nhiều người thích dùng siro mật ong. Hòa tan mật ong và nước với 2 phần bằng nhau trong nồi, đun ở lửa vừa và cao.
2. Ép nước cốt chanh. Nếu quá dư chanh, bạn có thể làm sẵn đá viên chanh bằng cách cho nước cốt vào khay đá và để đông. Lúc dùng chỉ cần thả một vài viên vào cốc nước lạnh hoặc nóng nếu cần.
3. Pha nước uống: Cho nước chanh và siro vào ly. Thêm 2 đến 3 cốc nước lạnh tùy sờ thích và nếm thử, gia giảm bằng nước cốt chanh và siro có sẵn.
4. Thưởng thức: bạn có thể để lạnh trong tủ và dùng sau đó 30 đến 40 phút. Có thể dùng ngay với đá. Hãy thêm vài lát chanh, dưa chuột hoặc ít lá bạc hà để món uống hấp dẫn hơn.
5. Tác dụng phụ của chanh khi dùng quá nhiều
Mặc dù nó có những lợi ích, nhưng nếu bạn uống quá nhiều nước chanh cũng có thể xảy ra tác dụng phụ
5.1. Có thể gây cháy nắng
Chanh thường được dung nạp tốt, nhưng trái cây họ cam quýt cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng. Chúng cũng có thể gây dị ứng do tiếp xúc và kích ứng da ở người bị viêm da. Một số nghiên cứu cho thấy, ra nắng sau khi thoa nước chanh lên da có thể gây ra mụn nước và đốm đen. Tình trạng này được gọi là viêm da và là một dạng bỏng nắng nặng.
Thủ phạm được cho là do psoralens có mặt trong hầu hết các loại trái cây họ cam quýt. Chất này tương tác với ánh sáng mặt trời gây bỏng và tăng nguy cơ ung thư da. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn.
5.2. Có thể làm mòn men răng
Uống quá nhiều nước chanh có thể dẫn đến quá trình khử khoáng có tính acid của men răng. Nước chanh có tác dụng ăn mòn răng tương tự như nước ngọt. Tất cả đều có tính acid như nhau. Đánh răng ngay sau khi uống nước chanh và dùng ống hút có thể giúp ngăn mòn men răng.
5.3. Chanh có thể làm trầm trọng các vết loét miệng
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng acid citric có thể gây loét miệng và làm trầm trọng thêm vết loét hiện có. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn không dùng bất kỳ loại trái cây có múi nào nếu bị lở loét cho đến khi lành hẳn.
5.3. Có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng
Một số nghiên cứu cho rằng trái cây họ cam quýt có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc trào ngược acid dạ dày, nhất là khi uống nước chanh lúc bụng đói. Tuy nhiên, khía cạnh này có nhiều thông tin trái chiều.
Có bằng chứng cho thấy nước chanh có thể vừa giảm đau vừa giảm triệu chứng ợ chua. Nếu bạn có các triệu chứng ợ chua, tốt nhất nên đến bác sĩ kiểm tra.
5.5. Có thể gây ra chứng đau nửa đầu
Có một số nghiên cứu cho rằng trái cây họ cam quýt có thể gây ra chứng đau nửa đầu do phản ứng dị ứng. Và thủ phạm được cho là chất tyramin trong trái cây họ cam quýt.
6. Có thể gây đi tiểu thường xuyên
Chưa có nghiên cứu chứng minh rằng uống nhiều nước chanh gây đi tiểu nhiều. Nếu bạn gặp phải trường hợp tương tự, có thể là do nước chứ không do chanh. Tuy nhiên, một số người tin rằng trái cây có tính acid như chanh có thể có tác dụng lợi tiểu do làm tăng lượng nước tiểu và gây kích thích bàng quang. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra quá mức, mất nước và điện giải quá nhiều sẽ gây hậu quả không tốt.
7. Gây dư sắt
Nước chanh cũng được cho là có thể gây ra hàm lượng sắt dư thừa trong máu. Có thể là do vitamin C làm tăng hấp thụ sắt, nhưng điều này chỉ được phát hiện là giúp chữa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
8. Gây buồn nôn, nôn
Người ta cũng tin rằng nước chanh có thể gây buồn nôn hoặc nôn do hàm lượng vitamin C cao. Các lý thuyết cho rằng do cơ thể đào thải lượng vitamin C dư thừa gây ra.
6. Chanh có tương tác với thuốc không?
Mặc dù chanh không tương tác nghiêm trọng với bất kỳ loại thuốc nào, nhưng đã có tương tác của các loại trái cây họ cam quýt khác (nước ép bưởi) với thuốc (như thuốc chẹn kênh canxi điều trị tăng huyết áp). Nước cam quýt có thể làm tăng tính khả dụng sinh học của thuốc. Một nghiên cứu của Nhật Bản khuyến cáo nên tránh uống nước cam quýt khi đang dùng thuốc.
Chanh chứa một lượng lớn vitamin C, chất xơ hòa tan và các hợp chất thực vật mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Chúng có thể giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, thiếu máu, sỏi thận, các vấn đề tiêu hóa và ung thư. Chanh không chỉ là một loại trái cây rất tốt cho sức khỏe mà còn có mùi vị đặc trưng, dễ chịu khiến chúng trở thành một thực phẩm tuyệt vời cho đồ ăn và thức uống.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Lemons 101: Nutrition Facts and Health Benefitshttps://www.healthline.com/nutrition/foods/lemons
Ngày tham khảo: 30/10/2020
-
6 Evidence-Based Health Benefits of Lemonshttps://www.healthline.com/nutrition/6-lemon-health-benefits
Ngày tham khảo: 30/10/2020
-
7 Ways Your Body Benefits from Lemon Waterhttps://www.healthline.com/health/food-nutrition/benefits-of-lemon-water
Ngày tham khảo: 30/10/2020
-
Perfect Lemonadehttps://www.simplyrecipes.com/recipes/perfect_lemonade/
Ngày tham khảo: 30/10/2020
-
6 Side Effects Of Drinking Too Much Lemon Waterhttps://www.stylecraze.com/articles/serious-side-effects-of-lemon/
Ngày tham khảo: 30/10/2020