YouMed

Tiền sản giật: Mối đe dọa cho mẹ bầu và em bé

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Tiền sản giật là một trong các tình trạng tăng huyết áp thai kì.  Đây là bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng vì gây ra nhiều biến chứng lên cả mẹ và bé. Những biến chứng này có thể rất nguy hiểm – thậm chí là đe dọa tính mạng. Để chuẩn bị tốt hơn cho thai kì, cha mẹ cần biết thêm các thông tin về tiền sản giật cũng như các triệu chứng của bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về tiền sản giật, triệu chứng và biến chứng của bệnh.

Tình trạng tăng huyết áp thai kì

Tiền sản giật là bệnh lý xảy ra trong thai kì, với các đặc điểm chính là tăng huyết áp và dấu hiệu tổn thương cơ quan khác. Các cơ quan thường bị tổn thương là gan, thận, não và mắt. Triệu chứng tiền sản giật thường bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 20 ở những thai phụ huyết áp trước đó bình thường.

Những rối loạn tăng huyết áp trong thai kì được phân thành 4 loại. Tiền sản giật là một trong 4 tình trạng đó. Những loại khác là:

  • Tăng huyết áp thai kì. Những phụ nữ này có tăng huyết áp trong thai kì nhưng chưa có tiểu đạm và chưa có các dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác. Tăng huyết áp thai kì có thể dẫn đến tiền sản giật.
  • Tăng huyết áp mạn. Bệnh lý tăng huyết áp đã có từ trước khi mang thai hoặc phát hiện trước tuần thứ 20 của thai kì. 
  • Tiền sản giật ghép trên nền tăng huyết áp mạn. Tình trạng này xảy ra ở những phụ nữ đã được chẩn đoán tăng huyết áp từ trước. Và trong khi mang thai, tăng huyết áp nặng hơn, có đạm trong nước tiểu hoặc có những biến chứng lên các cơ quan khác. 

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí là nguy kịch – cho cả mẹ và bé. Phát hiện sớm các triệu chứng là cách tốt nhất để giảm thiểu các biến chứng này.1

Tại sao mẹ bầu bị tiền sản giật?

Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật liên quan đến nhiều yếu tố. Nhiều chuyên gia tin rằng hội chứng này bắt nguồn từ bánh nhau. Bánh nhau là cơ quan bám vào tử cung mẹ, từ đó cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Ở những tuần đầu của thai kì, những mạch máu mới sẽ phát triển, liên kết với mạch máu của người mẹ để sự trao đổi máu diễn ra hiệu quả.

Ở những phụ nữ mắc bệnh, những mạch máu này dường như không phát triển không đầy đủ và phù hợp. Chúng bị hẹp hơn những mạch máu bình thường. Do đó, lượng máu qua những mạch máu này không đủ để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai. Để đáp ứng với tình trạng thiếu hụt oxy , bánh nhau tiết ra nhiều yếu tố (sFlt-1 và sEng). Những yếu tố này gây ra sự rối loạn chức năng mạch máu ở người mẹ, gây tổn thương đa cơ quan.

Nguyên nhân của những bất thường bánh nhau này có thể là:

  • Dòng máu đến tử cung người mẹ không đủ.
  • Mạch máu bị tổn thương: viêm, hóa chất.
  • Vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch.
  • Yếu tố di truyền.1
Nguyên nhân mẹ bầu bị tiền sản giật
Hình ảnh mô phỏng nguyên nhân mẹ bầu bị tiền sản giật

Triệu chứng của tiền sản giật

Tiền sản giật đôi khi tiến triển mà không có triệu chứng nào. Tăng huyết áp có thể tiến triển chậm, hay đột ngột. Trong nhiều trường hợp, tăng huyết áp là dấu hiệu đầu tiên. Do đó, theo dõi huyết áp là rất cần thiết trong khám và chăm sóc thai kì trước sinh. 

Những triệu chứng và dấu hiệu khác bao gồm:

  • Có đạm trong nước tiểu (tiểu đạm) hay các dấu hiệu khác của tổn thương thận.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Thay đổi tầm nhìn, bao gồm mất tầm nhìn tạm thời, nhìn mờ hay nhạy cảm ánh sáng.
  • Đau bụng, thường ngay dưới sườn bên phải (hạ sườn phải).
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Giảm lượng nước tiểu, tiểu ít hay không có nước tiểu.
  • Giảm số lượng tiểu cầu trong kết quả phân tích tế bào máu.
  • Suy chức năng gan.
  • Khó thở, do phù phổi cấp.
  • Đột ngột tăng cân và phù – đặc biệt phù tay chân và mặt – có thể xảy ra trong tiền sản giật.

Những triệu chứng này cũng xảy ra trong nhiều thai kì bình thường khác. Do đó nếu lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ ngay.1

Những triệu chứng của tiền sản giật
Phù chân, protein trong nước tiểu,… là những triệu chứng của tiền sản giật

Các triệu chứng thường xảy ra khi nào?

Tiền sản giật thường xảy ra vào tuần thứ 20 của thai kì, khi khối lượng bánh nhau đủ lớn. Đôi khi, các trệu chứng có thể xảy ra trước tuần 20, nhưng rất hiếm. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng thường xảy ra từ tuần thứ 34 của thai kì.

Ở một số ít trường hợp, tiền sản giật có thể xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Những dấu hiệu này có thể tự hết nhưng cũng có thể kéo dài đến 12 tuần sau khi sinh. Do đó cần theo dõi huyết áp và các dấu hiệu khác sau khi sinh, đặc biệt ở những phụ nữ bị tiền sản giật trước sanh hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ.2

Ảnh hưởng đến mẹ và bé

Như đã giải thích trên, tiền sản giật liên quan đến bất thường bánh nhau. Những mạch máu bánh nhau bị hẹp nên chúng không nhận đủ máu từ mẹ, khiến thai nhi chậm phát triển trong tử cung. Hậu quả là em bé sanh ra nhẹ cân hơn bình thường. Không những vậy, nó còn là nguyên nhân gây sanh non. Những đứa trẻ sanh quá non có thể dẫn đến các biến chứng khác như chậm phát triển trí tuệ và thể lực, các vấn đề về phổi, tai và mắt.

Biến chứng đối với người mẹ

  • Đột quỵ.
  • Co giật.
  • Phù phổi cấp (phổi chứa đầy dịch khiến người mẹ không thở được).
  • Suy chức năng thận.
  • Suy chức năng gan.
  • Ảnh hưởng đến mắt.
  • Băng huyết sau sinh.2

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí là nguy kịch – cho cả mẹ và bé. Triệu chứng xuất hiện càng sớm và càng nặng bao nhiêu thì nguy cơ cho mẹ và bé tăng lên bấy nhiêu.

Biến chứng nguy hiểm khác1

Hạn chế sự phát triển của bào thai

Tiền sản giật ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến nhau thai. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, em bé của bạn có thể không nhận đủ lượng máu, oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Từ đó, thai nhi sẽ tăng trưởng chậm, nhẹ cân.

Sinh non

Nếu mẹ bầu bị tiền sản giật nặng, việc mổ lấy thai sớm sẽ được chỉ định để bảo vệ mạng sống của mẹ và bé. Khi đó, trẻ sinh non có gặp các vấn đề về hô hấp và những bệnh lý khác.

tiền sản giật
Sinh non là một trong những biến chứng nguy hiểm

Nhau bong non

Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau bong non, một tình trạng mà nhau thai tách khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. 

Hội chứng HELLP

HELLP – viết tắt của hội chứng tán huyết (phá hủy các tế bào hồng cầu), tăng men gan và khiến số lượng tiểu cầu thấp. Đây là một dạng tiền sản giật nặng và có nguy cơ gây hại đến tính mạng mẹ và bé. Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu và đau bụng trên bên phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì nó gây tổn thương một số hệ thống cơ quan. 

Sản giật

Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật – về cơ bản là tiền sản giật cộng với co giật – có thể phát triển. Rất khó dự đoán sự phát triển của sản giật. Thông thường, không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo để dự đoán sản giật. 

Khi nào mẹ bầu nên đi khám ngay?

Mẹ bầu nên lập tức đến phòng cấp cứu ngay nếu có bất kì triệu chứng nào sau đây:

  • Huyết áp cao hơn 140/90mmHg (chỉ cần 1 trong 2 chỉ số bất thường).
  • Đau bụng, đặc biệt là đau bụng vùng gan: dưới xương sườn bên phải.
  • Đau đầu nhiều.
  • Tiểu ít hơn ngày thường.
  • Nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, thấy dấu ruồi bay hay bất kì thay đổi thị giác nào.
  • Đột ngột phù ở tay chân và mặt.
  • Đột ngột tăng cân trong 1 hay 2 ngày.3

Cần chú ý là đôi khi tiền sản giật xảy ra mà không có bất kì triệu chứng nào. Do đó, mẹ bầu cần thiết khám thai thường xuyên để được kiểm tra huyết áp và đạm niệu cũng như sức khỏe của em bé.

Tiền sản giật là hội chứng bao gồm tăng huyết áp và tiểu đạm hoặc tổn thương các cơ quan khác. Nếu không được điều trị, hội chứng này có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng – thậm chí là nguy kịch – cho cả mẹ và bé.  Do đó, mẹ bầu cần chú ý khám thai định kì, kiểm tra huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm tăng huyết áp. Đến phòng cấp cứu ngay nếu thấy có những dấu hiệu bất thường như đau đầu, nhìn mờ, đau bụng hạ sườn phải,…

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Preeclampsia: Symtoms and Causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745

    Ngày tham khảo: 14/11/2019

  2. Preeclampsia and Eclampsiahttps://www.webmd.com/baby/preeclampsia-eclampsia

    Ngày tham khảo: 14/11/2019

  3. Preeclampsia: Diagnosis and Treatmenthttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/diagnosis-treatment/drc-20355751 

    Ngày tham khảo: 14/11/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người