Hội chứng tiêu chảy do sử dụng kháng sinh: Nguyên nhân do đâu?
Nội dung bài viết
Kháng sinh là loại thuốc đang được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng kháng sinh là tiêu chảy. Nếu bạn gặp vấn đề về hệ tiêu hóa của mình khi sử dụng kháng sinh, bài viết dưới đây của Bác sĩ Đào Thị Thu Hương để hiểu rõ hơn về hội chứng tiêu chảy do kháng sinh.
Hội chứng tiêu chảy do sử dụng kháng sinh
Khi bạn đi tiêu lỏng trên 3 lần/ngày sau khi sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Khi đó, có thể bạn đang mắc hội chứng tiêu chảy do thuốc kháng sinh. Thông thường, tiêu chảy do kháng sinh không gây nhiều tác hại.
Các biểu hiện thường nhẹ và cũng không cần điều trị. Tiêu chảy thường tự giới hạn sau vài ngày khi bạn ngưng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có biểu hiện nặng. Những trường hợp này cần được ngưng hoặc chuyển đổi kháng sinh.
Nguyên nhân gây ra
Lý do kháng sinh gây ra tiêu chảy và các triệu chứng liên quan vẫn chưa được hiểu rõ. Lý giải nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là thuốc kháng sinh làm rối loạn cân bằng giữa vi khuẩn tốt và vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa của bạn.
Hầu hết tất cả các loại kháng sinh đều có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy. Tuy nhiên, một số kháng sinh thường gây ra nhất, bao gồm:
- Cephalosporin, như cefdinir và cefpodoxime.
- Penicillin, như amoxicillin và ampicillin.
Nhiễm C. difficile. Khi kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong hệ tiêu hóa của bạn, vi khuẩn C. difficile có thể nhanh chóng phát triển vượt ngoài khả năng kiểm soát. C. difficile tạo ra độc tố tấn công vào niêm mạc ruột và gây ra các triệu chứng. Các kháng sinh có liên quan đến nhiễm C. difficile bao gồm fluoroquinolones, cephalosporin, penicillin và clindamycin.
Những dấu hiệu và triệu chứng
Trong đa số trường hợp, tiêu chảy do kháng sinh thường có biểu hiện nhẹ, như:
- Tiêu phân lỏng.
- Tăng nhu động ruột.
Tiêu chảy do kháng sinh đa số sẽ biểu hiện khoảng 1 tuần sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chảy và các triệu chứng khác không xuất hiện sau nhiều ngày hoặc có thể nhiều tuần sau khi bạn kết thúc liệu trình điều trị kháng sinh. Xem thêm: Tiêu chảy cấp: Nguy cơ đến từ thói quen ăn uống.
Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp tiêu chảy do kháng sinh có biểu hiện nặng. Nhiễm Clostridium difficile là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tiêu chảy nặng. Ngoài biểu hiện tiêu lỏng và đi tiêu thường xuyên, nhiễm C. difficile có thể gây ra:
- Đau bụng dưới.
- Sốt nhẹ.
- Buồn nôn.
- Ăn mất ngon.
Thời điểm nào bạn cần đi khám?
Hãy đi khám ngay khi bạn có những biểu hiện nặng của tiêu chảy do kháng sinh. Những dấu hiệu này thường không đặc hiệu và bạn cần được thăm khám và làm một số xét nghiệm để xác định được nguyên nhân.
Yếu tố nguy cơ và những biến chứng liên quan
1. Các yếu tố nguy cơ
Tiêu chảy do kháng sinh có thể xảy ra với bất kỳ ai sử dụng kháng sinh. Nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu bạn có những yếu tố dưới dây:
- Đã từng bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh trong quá khứ.
- Đã sử dụng kháng sinh trong khoảng thời gian dài.
- Đang sử dụng nhiều hơn một kháng sinh.
2. Những biến chứng do tiêu chảy
Biến chứng thường gặp nhất của bất kỳ thể tiêu chảy nào là mất nước và điện giải. Mất nước đủ nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng của bạn. Các triệu chứng và dấu hiệu do mất nước bao gồm khát nước nhiều, tiểu ít và khô miệng.
Xem thêm: Không nên ăn gì khi đang bị tiêu chảy?
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tiêu chảy do kháng sinh, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số thông tin về sức khỏe của bạn, tiền sử y khoa, bao gồm cả việc từng điều trị kháng sinh trong khoảng thời gian gần đây.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn nhiễm C. difficile, mẫu phân của bạn có thể được xét nghiệm.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị tiêu chảy do kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Phương pháp điều trị với tiêu chảy do kháng sinh mức độ nhẹ. Nếu bạn bị tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm sau vài ngày ngưng điều trị kháng sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên ngưng kháng sinh cho đến khi giảm tiêu chảy.
Điều trị đối với trường hợp tiêu chảy do nhiễm C. difficile. Nếu bạn bị nhiễm C. difficile, bác sĩ sẽ đổi sang loại kháng sinh nhằm diệt loại vi khuẩn này. Và có thể bạn sẽ được yêu cầu ngưng sử dụng thuốc ức chế axit dạ dày. Đối với những trường hợp này, triệu chứng tiêu chảy có thể tái diễn và cần điều trị lại.
1. Điều trị tại nhà
- Uống đủ nước: Để ngăn mất nước do tiêu chảy, bạn cần phải uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất. Đối với những trường hợp nặng, bạn cần uống nước pha với muối và đường. Hãy thử sử dụng nước trái cây ít đường nếu bạn không muốn uống quá nhiều nước lọc. Tránh sử dụng đồ uống chứa nhiều đường hay đồ uống có cồn, caffeine như cà phê hay trà. Những đồ uống này có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bạn.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tiêu chảy: Hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng dung dịch bù nước bằng đường như Oresol, để bù nước và điện giải cho trẻ.
- Cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và đồ ăn cay.
2. Một số phương pháp khác
Ngoài ra, hãy thử hỏi về các thuốc có tác dụng giảm tiêu chảy. Trong một số trường hợp tiêu chảy do kháng sinh mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc chống tiêu chảy, chẳng hạn như Loperamid (Imodium A-D). Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các thuốc này. Vì chúng có thể ngăn cản việc đào thải chất độc của cơ thể bạn. Và có thể gây ra những biến chứng nặng.
Một số chuyên gia có thể khuyên bạn sử dụng một số chế phẩm gọi là Probiotics. Sử dụng các chế phẩm này có thể giúp bạn cân bằng lại hệ vi sinh trong đường ruột. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự đồng thuận về lợi ích của Probiotic với các triệu chứng tiêu chảy. Việc sử dụng men vi sinh thường không gây hại, trừ khi bạn có vấn đề về hệ miễn dịch.
Biện pháp phòng ngừa
Để ngăn ngừa tiêu chảy do kháng sinh, bạn có thể thử một số cách sau:
- Sử dụng kháng sinh chỉ khi nào thực sự cần thiết. Đừng sử dụng kháng sinh trừ khi bác sĩ nói với bạn rằng điều đó cần thiết. Kháng sinh chỉ có tác dụng trên những bệnh do vi khuẩn gây ra. Chúng không có hiệu quả đối với vi rút, như cảm lạnh và cúm.
- Nhắc nhở những người chăm sóc và đến thăm bạn rửa tay thường xuyên. Nếu bạn đang nằm viện, hãy yêu cầu mọi người rửa tay bằng dung dịch cồn trước và sau khi thăm bạn, để giảm nguy cơ lây lan.
- Hãy nói với bác sĩ nếu bạn từng bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh trước đó. Từng bị tiêu chảy do kháng sinh có thể tăng nguy cơ bị hội chứng này lần nữa. Bác sĩ có thể chỉ định loại kháng sinh khác cho bạn.
Kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến và bạn có thể dễ dàng mua ở các quầy thuốc. Vì lý do đó mà những vấn đề liên quan đến việc sử dụng kháng sinh trở nên phổ biến. Và để hạn chế hội chứng tiêu chảy do kháng sinh và những vấn đề khác liên quan đến kháng sinh, hãy đi khám bệnh nếu bạn có vấn đề về sức khỏe và hạn chế việc mua thuốc không được kê đơn bởi bác sĩ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Antibiotic-associated diarrheahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antibiotic-associated-diarrhea/symptoms-causes/syc-20352231
Ngày tham khảo: 28/08/2020