Tiêu chảy khi đi du lịch có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Tiêu chảy du lịch là căn bệnh phổ biến nhất có thể trải nghiệm khi đi du lịch. Tiêu chảy du lịch thường là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chảy có thể gây những hậu quả nặng nề như mất nước… Điều trị chủ yếu cần bù dịch đầy đủ và nghỉ ngơi. Điều quan trọng là cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy khi đi du lịch. Sau đây, hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này nhé.
Tổng quan bệnh tiêu chảy khi đi du lịch
Tiêu chảy khi đi du lịch là một vấn đề hay gặp với triệu chứng là đau bụng âm ỉ và tiêu phân lỏng. Nguyên nhân thường do ăn uống thực phẩm kém vệ sinh. Do đó khi đi du lịch bạn nên cẩn thận về những gì bạn ăn hay uống. Nếu bị tiêu chảy du lịch, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, chuẩn bị sẵn thuốc luôn có ích cho bạn, đặc biệt là khi bạn bị tiêu chảy kéo dài nhiều ngày.
Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy du lịch thường bắt đầu đột ngột trong chuyến du lịch hoặc khi mới trở về nhà. Hầu hết các trường hợp cải thiện trong vòng 1 – 2 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể mắc nhiều đợt tiêu chảy du lịch trong một chuyến đi.
Các dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh tiêu chảy du lịch gồm:
- Đi tiêu nhiều hơn 3 lần một ngày.
- Cảm giác cần phải đi tiêu gấp khó kiềm.
- Đau bụng.
- Buồn nôn.
- Ói mửa.
- Sốt.
Khi nào bạn nên đi khám?
Tiêu chảy du lịch thường tự khỏi sau vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể kéo dài hơn và nặng hơn nhiễm một số loại vi khuẩn độc lực cao. Trong trường hợp này, có thể bạn phải uống một số thuốc để giảm tiêu chảy.
Đối với người trưởng thành, bạn nên đi khám khi:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày.
- Mất nước.
- Đau bụng dữ dội.
- Tiêu phân có máu hoặc phân đen.
- Sốt cao hơn 39°C (102°F).
Ở trẻ em, bạn nên cẩn trọng hơn. Nếu có bất kì dấu hiệu nào dưới đây bạn cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Nôn ói kéo dài.
- Sốt cao 39°C hoặc hơn.
- Tiêu phân có máu hoặc tiêu chảy mức độ nặng.
- Khô miệng hoặc trẻ khóc nhưng không có nước mắt.
- Trẻ có dấu hiệu li bì, ngủ gà hay lay gọi không đáp ứng.
- Giảm thể tích nước tiểu, thấy trẻ ít cần thay tã hơn so với thường ngày.
Nguyên nhân tiêu chảy khi du lịch
Tiêu chảy khi du lịch có thể xuất phát từ sự những căng thẳng do di chuyển hoặc do thay đổi trong chế độ ăn uống. Thường tiêu chảy xảy ra sau khi khách du lịch ăn hay uống phải thực phẩm nhiễm bẩn. Đôi khi chúng ta tự hỏi tại sao người địa phương cũng ăn vậy nhưng không bị? Điều này có thể là do cơ thể người bản địa có thể đã có miễn dịch với những tác nhân gây bệnh.
Yếu tố nguy cơ tiêu chảy
Mỗi năm hàng triệu du khách quốc tế mắc tiêu chảy. Những nơi có nguy cơ cao gây ra tiêu chảy du lịch bao gồm các nước đang phát triển như Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á…
Ngoài ra, một số đối tượng cũng có nguy cơ mắc cao hơn gồm:
- Người lớn trẻ tuổi: Khách du lịch trẻ tuổi có xu hướng mắc tiêu chảy nhiều hơn. Một số lí giải là người trẻ thường chưa có miễn dịch trước hoặc là người trẻ thường thích du lịch mạo hiểm hơn và ít cẩn trọng trong ăn uống.
- Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Những người bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh viêm ruột: Họ có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn và nguy cơ diễn tiến bệnh nặng hơn thông thường.
- Những người dùng thuốc chẹn acid hoặc thuốc kháng acid: Axit trong dạ dày giúp tiêu diệt vi sinh vật. Do đó, việc giảm acid dạ dày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển
- Những người đi du lịch trong những mùa nhất định: Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy du lịch thường thay đổi theo mùa tùy theo từng vùng. Ví dụ, rủi ro cao nhất ở Nam Á trong những tháng nóng trước mùa mưa.
Các biến chứng của tiêu chảy khi đi du lịch gồm những gì?
Khi bị tiêu chảy, người bệnh dễ bị mất nước, muối và các chất khoáng. Trẻ em, người suy giảm miễn dịch hoặc người già có nguy cơ mất nước nặng hơn.
Mất nước có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Chúng bao gồm suy đa tạng, sốc hay hôn mê. Các dấu hiệu của mất nước gồm khô miệng, khát, thiểu hay vô niệu, yếu cơ.
Ngoài ra các dấu hiệu do biến chứng bệnh tiêu chảy gồm:
- Phân có máu.
- Nôn mửa liên tục.
- Đau bụng dữ dội khắp bụng.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy khi đi du lịch
1. Quy luật chung: Ăn chín uống sôi
Hãy nhớ rằng những lời khuyên này:
- Không mua thực phẩm từ các cửa hàng ven đường.
- Tránh sữa và sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng, kể cả kem.
- Hạn chế thịt, cá và tôm cua sống hoặc nấu chưa chín.
- Tránh những thực phẩm được giữ ở nhiệt độ phòng, như nước sốt hay đồ ăn buffet.
- Ăn thức ăn nấu chín và nóng.
- Ăn trái cây và rau quả mà có thể gọt vỏ, chẳng hạn như chuối, cam và quả bơ. Tránh xa các món salad và trái cây không cần lột vỏ, chẳng hạn như nho và dâu.
2. Không uống những loại nước sau
- Tránh dùng nước chưa tiệt trùng từ vòi, giếng hay suối. Nếu cần phải uống nước, đun sôi 5 đến 10 phút.
- Tránh các loại nước đá hoặc nước trái cây được làm từ nước máy.
- Cẩn thận với trái cây sơ chế sẵn.
- Không bơi trong nước có thể đã bị ô nhiễm.
- Giữ kín miệng trong khi tắm.
- Hãy uống thức uống đóng hộp hoặc đóng chai. Luôn đảm bảo chúng vẫn còn niêm phong kín.
- Sử dụng nước đóng chai để đánh răng.
- Sử dụng nước đóng chai, đun sôi để pha sữa bột trẻ em.
- Đặt hàng đồ uống nóng, chẳng hạn như cà phê hoặc trà.
- Nếu không thể mua nước đóng chai, đun sôi, hãy mang một số thiết bị cầm tay để lọc nước. Hãy cân nhắc dùng một dụng cụ có bộ lọc có thể lọc các vi sinh vật nhỏ hoặc khử trùng hóa học nước bằng i-ốt hay chlorine.
3. Thực hiện thêm những lời khuyên sau:
- Hãy chắc rằng đĩa và muỗng nĩa được vệ sinh sạch sẽ và khô ráo trước khi sử dụng.
- Rửa tay thường xuyên và trước khi ăn. Có thể cân nhắc dùng nước rửa tay chứa cồn 60 độ để làm sạch tay trước khi ăn.
- Giữ trẻ em tránh cho tay hay đồ vật vào miệng. Nếu có thể, hạn chế cho trẻ bò trên sàn nhà bẩn.
Xem thêm: Bấm huyệt chữa tiêu chảy và những thông tin cần thiết
Điều trị tiêu chảy khi đi du lịch
1. Bù dịch
Mất nước là một biến chứng thường gặp nhất của tiêu chảy. Tốt nhất bạn nên dùng ORS. ORS vừa bù nước và điện giải do tiêu chảy vừa cung cấp thêm glucose (đường) để tăng hấp thu đường ruột. Bạn có thể mua ORS (dạng muối hoặc chai nước) ở các hiệu thuốc địa phương.
Nếu các sản phẩm này không có sẵn, có thể chuẩn bị các giải pháp bù dịch trong trường hợp khẩn cấp bằng cách:
- 1 / 2 muỗng cà phê muối.
- 1 / 2 muỗng cà phê baking soda.
- 2 muỗng canh đường hoặc bột gạo
- 1L nước sạch
Có thể uống với số lượng nhỏ trong suốt cả ngày nếu tình trạng mất nước vẫn còn. Uống từng lượng nhỏ làm giảm khả năng nôn. Trẻ đang bú mẹ có thể uống nhưng ưu tiên vẫn nên cho trẻ bú theo nhu cầu. Nếu các triệu chứng mất nước không cải thiện, bạn nên đi khám ngay. Uống bù nước này chỉ dành cho sử dụng ngắn hạn khẩn cấp.
2. Dùng một số loại thuốc sau:
Bởi vì tiêu chảy du lịch có xu hướng tự khỏi, nhưng trong thời gian chờ lui bệnh bạn nên ăn uống cẩn thận hơn. Một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng như
- Giảm nhu động ruột: Trong đó bao gồm loperamide và thuốc có chứa diphenoxylate giảm co thắt cơ trong đường tiêu hóa. Nhờ vậy làm chậm thời gian vận chuyển của hệ thống tiêu hóa và cho phép thêm thời gian để hấp thụ nước lòng ruột. Thuốc này không nên dùng cho trẻ sơ sinh hoặc những người có sốt hoặc tiêu chảy ra máu. Bởi vì nó có thể làm giảm khả năng thải các loại vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, không sử dụng chúng nếu có triệu chứng kéo dài hơn 48 giờ.
- Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol): Thuốc trên có thể làm giảm tần số đi phân và rút ngắn thời gian bệnh. Tuy nhiên, nó không được khuyến cáo cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc dị ứng với aspirin.
- Thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh nếu bạn đi tiêu hơn 4 lần/ngày hay tình trạng bệnh nặng (tiêu phân nhầy, máu).
Để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để chuẩn bị sẵn một số thuốc điều trị nếu bị tiêu chảy nặng.
3. Khi bị tiêu chảy lúc đang đi du lịch, bạn cần lưu ý thêm:
Nếu bị tiêu chảy du lịch, tránh sử dụng các sản phẩm có chứa sữa, café vì chúng là tình trạng mất nước nặng hơn. Nhưng vẫn luôn ghi nhớ việc uống đủ nước.
Uống nước trái cây đóng hộp, trà nhạt, súp… hay đồ uống thể thao để bù dịch. Sau khi tiêu chảy cải thiện, hãy thử một chế độ ăn uống dễ tiêu rồi tăng dần lên. Chẳng hạn như bánh muối, ngũ cốc không đường, chuối, táo… Sau khi bạn khỏe lại, bạn có thể ăn uống lại như bình thường.
Tiêu chảy khi đi du lịch và một vấn đề hay gặp và có thể tự khỏi. Tuy vậy, bệnh vẫn có nguy cơ diễn tiến nặng. Một số dấu hiệu bạn cần lưu ý như nôn ói dữ dội, phân có máu, đau dữ dội khắp bụng. Bạn cần lưu ý các dấu hiệu nặng và đi khám khi cần thiết nhé. Chỉ cần một vài lưu ý nhỏ, chuyến du lịch của bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn đấy nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Traveler's diarrheahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/travelers-diarrhea/symptoms-causes/syc-20352182
Ngày tham khảo: 11/09/2020