Lợi ích không ngờ của tinh dầu hoa oải hương (lavender)
Nội dung bài viết
Tinh dầu oải hương là một trong những loại tinh dầu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Cách đây hơn 2500 năm, hoa oải hương đã được biết đến và sử dụng rộng rãi. Không chỉ được nhiều người biết đến với mùi hương dễ chịu, tinh dầu hoa oải hương còn có các công dụng về làm đẹp và cả sức khỏe. Qua bài viết của bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Vũ Bảo Duy sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công dụng và cách sử dụng tinh dầu oải hương.
Tinh dầu Oải hương là gì?
Tinh dầu oải hương được chiết xuất từ hoa và một phần thân của cây oải hương (tên khoa học là: Lavandula angustifolia). Đây là hai vị trí tạo ra dầu chất lượng cao nhất và số lượng nhiều nhất.1
Tinh dầu thường được sản xuất bằng phương pháp chưng cất hơi nước. Tinh dầu này được cho là có tác dụng chống viêm, chống nấm, hỗ trợ làm giảm triệu chứng trầm cảm, khử trùng, kháng khuẩn. Bên cạnh đó, đã có nghiên cứu chỉ ra tinh dầu lavender còn có tác dụng hỗ trợ chống co thắt, giảm đau, giải độc, hạ huyết áp và an thần.1
Thành phần hóa học
Các thành phần chính của Tinh dầu oải hương bao gồm:
Linalool, Linalyl Acetate, Camphor, 1,8-Cineole, Lavandulyl Acetate, Terpinene-4-ol và beta-Caryophyllene.
Trong tinh dầu còn chứa một hàm lượng long não. Hàm lượng này trong tinh dầu càng thấp, mùi hương mang lại sẽ ngọt ngào hơn.
Tinh dầu oải hương có tác dụng gì?
Cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giảm lo âu
Đã có không ít nghiên cứu chỉ ra những tác động của tinh dầu hoa oải hương đối với tâm trạng và tình trạng căng thẳng, lo âu của con người.1
Một số nghiên cứu được công bố trên tạp chí Physiology & Behavior năm 2005 đã thử nghiệm tác dụng giảm lo lắng của tinh dầu oải hương ở nhóm 200 người. Kết quả thu được, tinh dầu hoa oải hương có thể giúp họ giảm bớt tình trạng lo lắng và khiến tâm trạng tốt hơn.2
Ngoài ra, một nghiên khác được công bố trên Tạp chí Complementary Therapies in Clinical Practice vào năm 2012 chỉ ra rằng liệu pháp hương thơm dựa trên tinh dầu oải hương có thể giúp xoa dịu lo lắng ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh hoặc trầm cảm khi mang thai.3
Còn có một số bằng chứng cho thấy uống dầu hoa oải hương có thể giúp giảm lo lắng, căng thẳng. Những nghiên cứu này được công khai vào năm 2012 trên Tạp chí Y tế Phytomedicine.4
Cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ điều trị mất ngủ
Tinh dầu hoa oải hương có thể làm giảm rối loạn giấc ngủ, cải thiện chất lượng và thời gian ngủ, chống mất ngủ và cải thiện sức khỏe.1
Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí Y học Journal of Complementary and Alternative Medicine cho thấy sự kết hợp giữa các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ và liệu pháp tinh dầu oải hương đã giúp sinh viên đại học có giấc ngủ ngon hơn so với việc chỉ vệ sinh giấc ngủ.5
Một nghiên cứu khác vào năm 2018 được công bố trên tạp chí Holistic Nutrition Practice đã xác nhận tác dụng của hoa oải hương trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi.6
Điều trị bỏng, lành vết thương và kháng khuẩn
Tinh dầu hoa oải hương tác dụng làm tăng tốc độ chữa lành vết bỏng, vết cắt, vết xước và vết thương là do đặc tính kháng khuẩn, đẩy nhanh sự hình thành mô hạt và đẩy nhanh tổng hợp collagen.7 8
Chống oxy hóa
Khi cơ thể bạn ăn uống kém, tiếp xúc với nhiều độc tố, sẽ sản sinh ra càng nhiều gốc tự do. Các enzyme chống oxy hóa – đặc biệt là glutathione, catalase và superoxide dismutase (SOD) có tác dụng ngăn chặn các gốc tự do gây hại.8
Một nghiên cứu cho thấy, tinh dầu oải hương có tác dụng làm tăng hoạt động của các enzyme chống oxy hóa trên, do đó giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa.9
Công dụng của tinh dầu hoa oải hương đối với làn da
1. Tinh dầu lavender trị mụn
Với đặc tính diệt khuẩn, tinh dầu oải hương được xem là một trong những thành phần trị mụn phổ biến. Khi bôi tinh dầu này lên da, các lỗ chân lông sẽ được thông thoáng và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.10
Để sử dụng tinh dầu oải hương trị mụn, bạn có thể pha chung với dầu nền và bôi lên da sau khi rửa mặt. Tinh dầu này cũng có thể được sử dụng như một loại nước hoa hồng.10
2. Làm dịu vết chàm và da khô
Tinh dầu hoa oải hương cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh vẩy nến, chàm da hoặc cải thiện tình trạng da bị khô quá mức. Nó có khả năng làm sạch da của bạn và giảm mẩn đỏ và kích ứng.10
Để sử dụng loại tinh dầu này cho bệnh chàm, hãy trộn với một lượng dầu cây trà theo tỷ lệ 1:1, cùng với 2 thìa cà phê dầu dừa. Bạn có thể sử dụng nó hàng ngày.10
3. Làm mờ vết thâm
Dầu hoa oải hương có thể giúp làm đều màu da , ngăn ngừa da bị xỉn màu và đồi mồi.10
Tinh dầu hoa oải hương còn có khả năng hỗ trợ làm giảm vết thâm và mẩn đỏ. Nếu bạn bị tăng sắc tố da, bạn cũng có thể xem xét sử dụng tinh dầu hoa oải hương.10
4. Giảm nếp nhăn
Các gốc tự do là một trong những nguyên nhân gây ra các nếp nhăn trên khuôn mặt. Trong khi đó, tinh dầu hoa oải hương có thành phần là các chống oxy hóa, giúp bảo vệ bạn khỏi các gốc tự do.10
Để sử dụng dầu oải hương cho các nếp nhăn, hãy trộn vài giọt tinh dầu này với dầu dừa. Hỗn hợp có thể được sử dụng như một loại kem dưỡng ẩm một hoặc hai lần một ngày.10
Lưu ý khi sử dụng tinh dầu hoa oải hương
Những rủi ro có thể gặp phải
1. U tuyến vú trước tuổi dậy thì
Một nghiên cứu năm 2007 báo cáo rằng việc sử dụng các sản phẩm tinh dầu oải hương tại chỗ nhiều lần có thể gây ra chứng nữ hóa tuyến vú trước tuổi dậy thì, đây là một tình trạng hiếm gặp gây ra sự phát triển ngực ở các bé trai.7
2. Kích ứng da
Tinh dầu oải hương có thể gây kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng ở một số người. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn, nôn mửa hoặc đau đầu sau khi sử dụng hoa oải hương, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức.1
Những đối tượng cần lưu ý
Những người có các tình trạng sức khỏe sau đây nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ: Ung thư, dị ứng, bệnh liên quan đến hormone, động kinh, các bệnh lý về tim mạch, phụ nữ mang thai.
Tương tác thuốc
Tinh dầu oải hương có thể làm tăng tác dụng các loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm gây tác dụng quá mức, vì thế nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ
Lưu ý, kiêng kỵ
Không nuốt trực tiếp tinh dầu hoa oải hương vì dễ gây co thắt đường ruột, buồn nôn và các triệu chứng khác.1
Cách sử dụng tinh dầu hoa oải hương
Nước hoa tự nhiên
Tinh dầu hoa oải hương được xem như một loại nước hoa thiên nhiên, không chứa hóa chất độc hại. Tuy nhiên, bạn nên thử nghiệm một mảng nhỏ và chờ xem cơ thể có phản ứng dị ứng sau 24 tiếng hay không.
Bạn có thể pha loãng dầu trong nước hoặc với dầu nền để có mùi hương nhẹ nhàng hơn.
Máy xông tinh dầu trong phòng
Pha vài giọt tinh dầu với nước và đặt vào máy xông tinh dầu.
Mùi hương tỏa ra có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và thư giãn, ngoài ra còn giúp xua đuổi côn trùng như muỗi.
Son dưỡng môi làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên
Tinh dầu hoa oải hương rất tốt để chữa lành môi khô, nứt nẻ .
Thêm một vài giọt dầu oải hương, dầu dừa hoặc một loại dầu nền khác và sau đó thoa lên môi.
Dưỡng tóc
Nguyên liệu:
- 6–8 giọt tinh dầu oải hương.
- 4 giọt tinh dầu hương thảo.
- 2 muỗng cà phê giấm táo.
- 1–11/2 ounce nước tinh khiết hoặc nước cất.
- chai xịt thủy tinh nhỏ.
- phễu nhỏ.
Cách sử dụng:
- Đặt tinh dầu hoa oải hương và tinh dầu hương thảo vào chai thủy tinh.
- Thêm giấm táo và nước.
- Đậy nắp chai thật chặt và lắc đều.
- Xịt lên tóc sau khi tắm và trước khi chải tóc.
Có thể thấy tinh dầu hoa oải hương là một trong số các loại tinh dầu phổ biến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người biết thêm các thông tin bổ ích mà tinh dầu oải hương mang lại.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The Health Benefits of Lavender Essential Oilhttps://www.verywellmind.com/lavender-for-less-anxiety-3571767
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
Ambient odors of orange and lavender reduce anxiety and improve mood in a dental officehttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0031938405002660?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
The effects of clinical aromatherapy for anxiety and depression in the high risk postpartum woman – A pilot studyhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1744388112000400?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
Is lavender an anxiolytic drug? A systematic review of randomised clinical trialshttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711312000529?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
Effect of Inhaled Lavender and Sleep Hygiene on Self-Reported Sleep Issues: A Randomized Controlled Trialhttps://www.liebertpub.com/doi/10.1089/acm.2014.0327
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
The Effect of Aromatherapy on Sleep Quality of Elderly People Residing in a Nursing Homehttps://journals.lww.com/hnpjournal/Abstract/2018/01000/The_Effect_of_Aromatherapy_on_Sleep_Quality_of.3.aspx
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
Health Benefits of Lavender Essential Oilhttps://www.webmd.com/diet/health-benefits-lavender-essential-oil#1
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
The In Vitro Antimicrobial Activity of Lavandula angustifolia Essential Oil in Combination with Other Aroma-Therapeutic Oilshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23737850
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
Neuroprotective effects of inhaled lavender oil on scopolamine-induced dementia via anti-oxidative activities in ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23351960
Ngày tham khảo: 18/05/2022
-
How to Improve the Health of Your Skin with Lavender Oilhttps://www.healthline.com/health/lavender-oil-for-skin
Ngày tham khảo: 18/05/2022