Tinh dầu húng quế: Lợi ích sức khỏe, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Trong thế giới ẩm thực, húng quế (Basil) là nguyên liệu gia vị không quá xa lạ và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, bất ngờ hơn, chiết xuất từ thảo mộc này còn mang đến những lợi ích sức khỏe khác. Dưới đây, bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cũng như cách sử dụng tinh dầu húng quế hiệu quả nhé.
Tổng quan về thực vật húng quế
Húng quế (Basil):
- Tên khoa học: Ocimum basilicum L.;
- Họ thực vật: Chi Ocimum L, Họ Bạc hà (Lamiaceae);
- Theo ghi chép, ban đầu chúng xuất hiện ở Ấn Độ, Châu Á, châu Phi, được xem là loại thảo dược cao quý và thiêng liêng.1
Ngày nay quần thể thực vật đa dạng với khoảng 200 loài với nhiều dạng và giống khác nhau, phân bố khắp thế giới.2
Tại Việt Nam, thực vật này đều có thể làm gia vị ẩm thực hoặc chiết xuất lấy tinh dầu. Với nhiều tên gọi khác nhau như húng quế, húng giổi, húng chó, rau é… Ngoài ra, thảo dược được ưa chuộng bởi mùi hương nồng và hương vị đặc trưng. Chúng là sự bổ sung đầy màu sắc và hương vị cho món ẩm thực khác nhau, đồng thời cung cấp lợi ích sức khỏe đang kể.3
Theo Đông y, húng quế có:3
- Vị cay, tính ấm, quy vào hai kinh Phế, Tâm.
- Công dụng: làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm đau, tan máu ứ…
Tinh dầu húng quế là gì?
Tinh dầu húng quế (Basil essential oil) là sản phẩm được chiết xuất thông qua quá trình chủ yếu là chưng cất hơi nước từ lá, thân và ngọn hoa của loài thảo mộc cùng tên. Thực tế, tùy theo loài, điều kiện sinh trưởng, bảo quản… mà tinh dầu sẽ có sự thay đổi đôi chút về đặc tính. Sau đây là vài đặc tính cơ bản của tinh dầu húng quế:2
- Màu sắc vàng nhạt.
- Cường độ hương thơm: trung bình – mạnh.
- Mô tả hương thơm: Tinh dầu húng quế mang đến mùi thơm cay nồng đặc trưng. Đồng thời, gợi cho ta cảm giác tươi mát của cây cỏ, xen lẫn chút ngọt ngào ấm áp tựa như mùi hồi.
Ứng dụng của tinh dầu này trên thị trường phong phú, có thể kể đến như:2
- Tạo hương vị cho thực phẩm.
- Thành phần trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể: nha khoa, chăm sóc răng miệng, dưỡng da…
- Làm đẹp, hương thơm, nước hoa.
- Trị liệu bằng hương thơm.
Cách bảo quản tinh dầu húng quế
Tương tự như các loại tinh dầu thiên nhiên bay hơi khác, nên lưu trữ chiết xuất húng quế trong:
- Lọ/chai thủy tinh, kín tối màu.
- Đặt vật chứa tại khu vực khô thoáng, thoáng mát, không nên để ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Chú ý tránh xa tầm tay trẻ em cũng như sự tấn công của côn trùng, kiến, mối,…
- Nếu dung dịch bị biến chất về màu sắc và hương thơm, hãy ngừng sử dụng.
Hoạt chất thường gặp trong tinh dầu húng quế
Những thành phần chính được tìm thấy của tinh dầu húng quế gồm:2
- Linalool, metyl chavicol, citral, 1,8-cineole, long não, thymol, metyl cinnamat;
- Eugenol, metyl eugenol, metyl isoeugenol, elemicine…
Thế nhưng, tùy theo đặc tính của từng giống loài, khí hậu, môi trường sống… mà sẽ khác nhau đôi chút về thành phần hóa học, cũng như vài đặc tính của sản phẩm. Chẳng hạn như:
- Húng quế Châu Âu: linalool và methyl chavicol là thành phần chính của dầu.2
- Loại khác được trồng ở Bắc Phi, Nga, Đông Âu và các vùng của Châu Á có thành phần chính là eugenol.2
- Húng quế Việt Nam có chứa thành phần dồi dào là methyl chavicol.3
Lợi ích nổi bật từ tinh dầu húng quế
Giảm căng thẳng
Tinh dầu húng quế là một trong sự lựa chọn yêu thích trong liệu pháp hương thơm. Đặc biệt nhờ tác dụng thư giãn và cung cấp nguồn năng lượng tích cực khi tiếp xúc mà chúng có thể được sử dụng để làm giảm căng thẳng thần kinh. Ngoài ra những tình trạng như mệt mỏi, u uất, đau nửa đầu,… cũng sẽ cải thiện đáng kể.4
Thậm chí, ở thí nghiệm trên động vật, khi được so sánh với thuốc diazepam, hay nhóm thuốc chống trầm cảm, chiết xuất này sẽ thu được kết quả tích cực tương tự, trong việc khiến mọi người thư giãn, dịu thần kinh, ít lo lắng…5 6
Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra, tinh dầu húng quế có khả năng hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc căng thẳng mạn tính.7 8
Cải thiện trí nhớ
Một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh loại tinh dầu này có khả năng cải thiện trí nhớ, hỗ trợ giảm suy giảm trí nhớ do căng thẳng hoặc lão hóa gây ra.9 10
Giảm đau và viêm khớp
Nhờ các thành phần nổi trội gồm linalool, eugenol, citronellol… tinh dầu húng quế có thể giúp chống lại chứng đau, viêm trong cơ thể. Hơn thế, đặc tính chống viêm và chống oxy hóa giúp chiết xuất hỗ trợ hạn chế tình trạng viêm khớp, đau cơ do xơ hóa…1 5
Để ứng dụng điều này, hãy chọn tinh dầu là nguyên liệu trong hỗn hợp dầu massage, xoa bóp của bạn cùng với dầu nền yêu thích. Thông qua những thao tác massage, xoa bóp… giúp tăng tuần hoàn lưu thông đến tế bào, “dẫn lối” hoạt chất thẩm thấu sâu vào bên trong, thư giãn cơ xương khớp…
Chống oxy hóa và kháng khuẩn
Húng quế là một trong những loại thảo mộc được biết đến là có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh do chứa axit phenolic và các hợp chất thơm.11
Riêng về khả năng kháng khuẩn của chiết xuất thực vật này đang được tích cực nghiên cứu. Bước đầu thí nghiệm cho kết quả khả quan với một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm.2
Ngoài ra, các thành phần quan trọng khác được xác định trong tinh dầu với bằng chứng về các hoạt động sinh học chống oxy hóa và kháng khuẩn đa dạng. Có thể kể đến:11
- α-pinene.
- eugenol.
- humulene.
Tinh dầu húng quế và sức khỏe làn da
Tinh dầu húng quế có thể được ứng dụng trong các sản phẩm bôi ngoài da hoặc dầu massge da. Theo đó, chúng sẽ mang lại tác động tích cực như tăng cường độ bóng và cải thiện làn da của bạn. Ngoài ra, chiết xuất từ tinh dầu thiên nhiên này còn được sử dụng để điều trị các triệu chứng của mụn trứng cá và các bệnh nhiễm trùng da khác.12
Hỗ trợ phòng bệnh lý tim mạch
Trong tinh dầu này có chứa chất eugenol, có thể giúp ngăn chặn hoạt động kênh canxi, giảm huyết áp.13
Ngoài ra, húng quế cũng có chất magie, hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu, thông qua khả năng thư giãn mạch máu và các cơ.1
Các nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra, tinh dầu húng quế có thể hỗ trợ cải thiện đường huyết trong máu lúc đói, cholesterol và chất béo trung tính.14 15 16
Xua đuổi côn trùng
Chiết xuất từ húng quế được báo cáo có các hoạt chất hiệu quả trong ngăn ngừa và xua đuổi muỗi, côn trùng đốt, ruồi nhà… Do đó, khi lan tỏa tinh chất thiên nhiên này trong không khí có thể giảm thiểu số lượng côn trùng xâm phạm không gian sống của bạn.2
Gợi ý một số cách thức sử dụng tinh dầu húng quế
Dùng máy xông hoặc máy khuếch tán nhằm lan tỏa tinh dầu húng quế trong không khí. Chúng sẽ hoạt động như liệu pháp hương thơm giúp an thần, thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng…
Dùng vài giọt tinh dầu húng quế pha trộn với dầu nền như dầu dừa, dầu jojoba,… để massage, xoa bóp vào khu vực bị đau nhức, căng cơ…
Nhỏ vài giọt tinh dầu tại các vị trí mà bạn muốn lưu hương như gối, túi thơm, quần áo…
Xu hướng mới trong việc phối hợp tinh dầu húng quế với các chiết xuất thực vật khác được ưa chuộng và nhận được sự yêu thích. Gợi ý kết hợp như:
- Tinh dầu cam Bergamot.
- Tinh dầu hoa oải hương (Lavender).
- Tinh dầu chanh (lemon).
- Tinh dầu hoàng đàn (cedarwood).
- Tinh dầu hương thảo (rosemary).
Lưu ý gì khi sử dụng tinh dầu húng quế?
Dù thực vật húng quế là loại rau gia vị quen thuộc, nhưng tinh dầu nguyên chất từ chúng được khuyến cáo không uống trực tiếp. Đồng thời luôn khuyến khích pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi sử dụng để hạn chế rủi ro kích ứng.
Tương tự như hầu hết tinh dầu thiên nhiên bay hơi, một số đối tượng sau nên hạn chế tiếp xúc với tinh dầu húng quế, bởi những nghiên cứu trên họ vẫn còn hạn chế.
- Trẻ nhỏ.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Dị ứng với bất kỳ thành phần có trong tinh dầu húng quế.
Nếu chưa từng sử dụng sản phẩm từ húng quế, khuyến cáo kiểm tra thử trên vùng da nhỏ trước. Chú ý tránh xa vùng da nhạy cảm như mắt, niêm mạc, vùng tai trong, vùng da không lành lặn.
Nếu gặp phản ứng bất lợi như nôn ói, nổi mề đay, chóng mặt… cần ngưng sử dụng ngay và đến cơ sở y tế để được đánh giá sức khỏe cẩn thận.
Mặc dù, tinh dầu húng quế mang đến đa dạng lợi ích đối với sức khỏe con người. Thế nhưng, chiết xuất thực vật này chỉ là liệu pháp bổ trợ, không thay thế hoàn toàn bất kỳ phương pháp trị liệu hoặc đơn thuốc. Nếu bạn muốn sử dụng tinh dầu húng quế với mục đích trị bệnh hãy cân nhắc tham khảo thêm ý kiến từ những chuyên gia y tế nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Basil: Nutrition, Health Benefits, Uses and Morehttps://www.webmd.com/diet/health-benefits-basil#1
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Chemical composition and antimicrobial activity of the essential oil of Ocimum basilicum L. (sweet basil) from Western Ghats of North West Karnataka, Indiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4264302/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006). Phần 1, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang 1011.
-
Evaluation of anxiolytic and sedative effect of essential oil and hydroalcoholic extract of Ocimum basilicum L. and chemical composition of its essential oilhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4698864/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Basil, Sweet (Ocimum basilicum) Essential Oilhttps://www.healthline.com/nutrition/basil
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Tulsi - Ocimum sanctum: A herb for all reasonshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4296439/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
The antidepressant-like effect of Ocimum basilicum in an animal model of depressionhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28800278/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Can Ocimum basilicum relieve chronic unpredictable mild stress-induced depression in mice?https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28823898/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Ocimum basilicum improve chronic stress-induced neurodegenerative changes in mice hippocampushttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29356981/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
The effects of green Ocimum basilicum hydroalcoholic extract on retention and retrieval of memory in micehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23661866/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Phytochemical Constituents and Antioxidant Activity of Sweet Basil (Ocimum basilicum L.) Essential Oil on Ground Beef from Boran and Nguni Cattlehttps://doi.org/10.1155/2019/2628747
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Commercial Essential Oils as Potential Antimicrobials to Treat Skin Diseaseshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5435909/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Antihypertensive effects of Ocimum basilicum L. (OBL) on blood pressure in renovascular hypertensive ratshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20448636/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Ocimum basilicum extract exhibits antidiabetic effects via inhibition of hepatic glucose mobilization and carbohydrate metabolizing enzymeshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28163956/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Hypoglycemic effect of basil (Ocimum basilicum) aqueous extract is mediated through inhibition of α-glucosidase and α-amylase activities: an in vitro studyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21636683/
Ngày tham khảo: 12/07/2022
-
Hypolipidaemic activity of aqueous Ocimum basilicum extract in acute hyperlipidaemia induced by triton WR-1339 in rats and its antioxidant propertyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17006976/
Ngày tham khảo: 12/07/2022