Trạch tả: Vị thuốc y học dân tộc thải độc cho thận
Nội dung bài viết
Đông y sử dụng hệ thống lí luận tạng phủ để điều trị, trong đó quan trọng nhất là Ngũ tạng gồm: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Trong năm tạng, Thận được xem là tạng đóng vai trò “tiên thiên”, quyết định trực tiếp đến sức sống toàn thân. Tạng Thận này có liên quan mật thiết đến hệ tiết niệu của y học hiện đại. Trong vô số kinh nghiệm sử dụng dược liệu của bộ môn y học dân tộc, có tồn tại một vị thuốc chuyên dùng để thanh nhiệt lợi thấp cho Thận, hiểu nôm na là một vị thuốc chuyên dùng để thải độc Thận, gọi là Trạch tả.
Giới thiệu về Trạch tả
Trạch tả còn có tên gọi khác là cây mã đề nước.
Tên khoa học Alisma plantago-aquatica L. var. orientalis Samuelson.
Họ khoa học: Trạch tả (Alismataceae).
Cái tên Trạch tả xuất phát từ tác dụng thông lợi tiểu tiện rất mạnh của nó, như tát cạn nước đầm ao (trạch: ao, đầm; tả: tát cạn).
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây này mọc hoang tại những nơi ẩm ướt ở nước ta rất nhiều như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện được trồng ở nhiều tỉnh như Hà nam, Thái Bình, Hà Nội, Hoà Bình,… Ngoài ra cũng được trồng như một loại cây kiểng trong bể cá hay sân vườn ở các hộ gia đình ở khắp nơi trên cả nước.
Mô tả toàn cây Trạch tả
Cây trạch tả mọc ở ao và ruộng, cao 0,3-1m. Thân rễ trắng, hình cầu hay hình con quay, thành cụm, lá mọc ở gốc hình trướng thuôn, hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại hình tim. Hoa hợp thành tán có cuống dài đều, lưỡng tính có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trăng hơi hồng, nhị nhiều lá noãn rời nhau, xếp xoắn ốc; quả bế.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng
Thân rễ khô (Rhizoma Alismatis) – nên chọn phần thân to, chắc, có màu trắng vàng, nhiều bột.
Thu hái và sơ chế Trạch tả
Mùa đông đào cả cây, cắt bỏ phần lá, thân, rễ tơ, sau đó đem rửa sạch rồi sấy khô.
Bào chế
Có hai phương pháp bào chế thường dùng là:
Trạch tả
Ngâm với nước cho thấm (khoảng 8 phần), vớt ra, đem phơi cho khô.
Diêm Trạch tả
Phun nước muối lên miếng dược liệu để làm ẩm (tỉ lệ: 50 kg dùng 750 gam muối). Sau đó đem sao qua nồi rồi đun ở lửa nhỏ cho đến khi bên ngoài chuyển thành màu vàng thì có thể lấy ra phơi khô (theo Dược Tài Học).
Thành phần hóa học của Trạch tả
Các nhà khoa học chỉ mới phân tích thấy được tinh dầu, chất nhựa 7%, chất protid và 23% chất bột. Thành phần hoạt chất chưa rõ.
Dược điển Triều Tiên quy định: Độ ẩm dưới 15%, tro dưới 7%, tro không tan trong HCl dưới 2%, cao rượu trên 7%.
Nghiên cứu dược lý
Trong chuyên san của Viện nghiên cứu tiền Bắc Bình có báo cáo: Bắt đầu tiêm Kali Nitrat cho thỏ để gây viêm thận đưa đến hiện tượng ứ đọng urea và cholesterol trong máu, sau đó tiêm trạch tả. Kết quả là lượng urea và cholesterol trong máu giảm xuống.
Cho người mạnh khoẻ, uống nước sắc từ dược liệu thấy lượng nước tiểu, lượng urea và lượng natri bài tiết đều tăng lên.
Công dụng và liều dùng
Trạch tả vị ngọt nhạt hơi mặn, tính lạnh. Có hai công dụng chủ yếu: Tả hỏa ở hai kinh Can Thận và Trục thủy ở Bàng quang Tam tiêu. Trên lâm sàng chủ yếu kết hợp với các vị thuốc lợi niệu trừ thấp và thanh nhiệt.
Trong những thang thuốc bổ Thận, thường người ta cũng dùng kèm một lượng ít trạch tả để phòng thuốc bổ gây nê trệ mà sinh thấp nhiệt dẫn đến sản sinh ra nhiệt tà.
Chủ yếu làm thuốc thông tiểu chữa bệnh thủy thũng trong bệnh viêm thận. Ngày dùng từ 10-30 g dưới dạng thuốc sắc hoặc dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Có người nói là có thể chữa bệnh sỏi thận và lợi sữa.
Vị thuốc có Trạch tả
Chữa thuỷ thũng
Trạch tả 40 g, Bạch truật 40 g, tán nhỏ, mỗi lần uống 10-12 g. Dùng nước sắc Phục linh để chiêu thuốc. Khi phối hợp với Bạch truật có thể chữa chứng chi ẩm và đình ẩm ở trong Vị dẫn đến đầu mắt choáng váng.
Phục linh trạch tả thang
Trạch tả 6 g, Phục linh 6 g, Bạch truật 4 g, Cam thảo 2 g, Quế chi 2 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày. Cũng chữa bệnh thuỷ thũng.
Kiêng kỵ
Người âm hư không có thấp nhiệt và Thận hư mắt tối xầm không được dùng.
Theo Đông Y, Trạch tả có tác dụng lợi tiểu, kiện vị, thanh nhiệt, giảm béo, tiêu thủng, trừ thấp. Thuốc có thể dùng dưới dạng sắc hoặc tán thành bột và vo viên. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để được dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học - Bộ Y tế.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học Hà Nội.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf
- Tiêu Thụ Đức (2019). Cẩm nang Đông dược. NXB Hồng Đức.