Trám răng xong có được ăn không và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Trám răng xong có được ăn không là câu hỏi nhiều người quan tâm. Sau bao lâu thì có thể ăn được? Trám răng xong nên ăn và kiêng đồ ăn gì và cần lưu ý những gì? Hãy cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm lời giải đáp các thắc mắc trên qua bài viết sau đây nhé.
Trám răng xong có ăn được ngay không?
Trám răng là một trong những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí để điều trị sâu răng. Bác sĩ sẽ loại bỏ các ổ sâu và sử dụng các vật liệu trám răng để đắp vào vị trí ổ sâu. Với mục đích phục hồi chức năng và hình dạng của răng sâu.
“Trám răng xong có ăn được không?”. Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi thực hiện trám răng. Thời điểm này vết trám còn mới, chưa bám chắc chắn vào răng. Vì thế nhiều người lo lắng khi ăn uống có thể ảnh hưởng đến miếng trám. Thông thường, việc có được ăn ngay hay không phụ thuộc nhiều vào vật liệu trám răng.
Nếu cần kiêng cử bác sĩ sẽ chủ động nhắc nhở bệnh nhân, giúp miếng trám trên răng ít bị tác động cơ học, nhanh ổn định hơn. Ngoài ra, trong quá trình trám răng có thể bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê. Sau khi kết thúc trám răng, thuốc tê có thể vẫn còn tác dụng. Thuốc có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc ăn và nhai đúng cách. Từ đó dễ gây tổn thương đến các bộ phận như nướu, má, môi do cắn nhầm.1 2
Bao lâu sau trám răng có thể ăn?
Vậy cụ thể là sau khi trám răng bao nhiêu giờ, bạn có thể ăn được. Một câu hỏi khá đơn giản, nhưng câu trả lời lại khá phức tạp. Nó chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ đông cứng của chất được sử dụng để trám răng. Do đó, đối với từng loại vật liệu trám răng khác nhau, thời gian kiêng ăn sẽ khác nhau.2
1. Đối với trám bằng vật liệu composite
Miếng trám composite sau khi được bác sĩ chiếu đèn lên răng, nó sẽ cứng lại ngay lập tức. Cũng chính vì vật liệu trám composite đông cứng rất nhanh, nên bạn không phải lo việc miếng trám có thể rớt ra. Việc bạn ăn uống ngay sau khi trám răng cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Tuy nhiên, tình trạng sưng và đau quanh răng đối với những vết trám quá to và sát lợi vẫn sẽ gây khó khăn trong việc nhai thức ăn của bạn. Do đó, để tạo điều kiện phục hồi tối đa cho răng. Các nha sĩ thường khuyên bệnh nhân nên đợi ít nhất hai giờ trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau khi trám răng.2
2. Đối với trám bằng vật liệu amalgam
So với vật liệu composite thì khi trám bằng amalgam, miếng trám cần nhiều thời gian hơn để cứng lại. Đó là lý do tại sao nha sĩ khuyên bệnh nhân trong vòng 24h, nên tránh nhai đồ ăn phía miếng trám được đặt. Bởi vì miếng trám có thể chịu tác động nhiều từ thức ăn và lực nhai, có thể dẫn đến bể hoặc không thể phục hình lại.2
Trám răng xong nên ăn gì?
Để vết trám ít bị ảnh hưởng nhất có thể. Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống nhẹ nhàng, ít nhất là trong 24 đến 48 giờ tiếp theo sau khi trám răng. Mục đích là để giảm lực tác động lên răng. Trong thời gian đợi răng phục hồi hoàn toàn, bạn có thể ăn món ăn mềm như cháo, thịt xay, canh hoặc súp yêu thích – bất cứ thứ gì mềm và không cần nhai đều được. Lưu ý, không nên ăn khi thức ăn còn quá nóng.
Những lưu ý sau khi trám răng
Sau khi trám răng xong, mọi người đều cảm thấy ê buốt, đau, sưng nướu và răng nhạy cảm hơn. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn giảm sự khó chịu:1 2
1. Những điều nên làm sau khi trám răng
- Nên cắn nhẹ nhàng và nhai kỹ. Hàm của bạn sẽ tạo ra một lực lớn khi cắn. Vì vậy việc cắn mạnh sau khi trám răng có thể dẫn đến đau răng vừa trám. Không nên cắn thức ăn quá mạnh và cần nhai kĩ đồ ăn ở phía răng không trám.
- Răng của chúng ta dễ nhạy cảm với nhiệt độ. Do đó, không khí lạnh cũng có thể gây cảm giác ê buốt cho răng. Bằng cách ngậm miệng, ta sẽ giảm nguy cơ không khí lạnh xâm nhập vào miệng. Từ đó giảm được cảm giác khó chịu.
- Đánh răng sau khi trám răng. Bạn có thể nghĩ rằng bạn nên tránh đánh răng, ít nhất trong một hoặc hai ngày, sau khi trám răng. Điều này là hoàn toàn không đúng. Trên thực tế, bạn nên đánh răng bình thường sau khi can thiệp trám răng. Tuy nhiên, bạn phải lưu ý không dùng lực quá mạnh khi vệ sinh răng. Vì nó có thể gây mài mòn răng cũng như miếng trám – và có thể dẫn đến ê buốt răng và sâu răng hơn. Đánh răng là điều quan trọng để ngăn ngừa sâu răng khi ăn đồ ăn có đường.
2. Những điều cần tránh sau khi trám răng
- Tránh những loại thức ăn cứng. Như nhai kẹo cứng, các loại hạt, nước đá và các thức ăn cứng khác có thể gây đau do tạo áp lực quá nhiều lên răng. Khi nhai, cắn thức ăn cứng cũng có thể đánh bật lớp trám amalgam, vì nó chưa kịp đông đặc lại.
- Tránh thức ăn dính như xôi. Ăn thức ăn dính quá sớm sau khi trám răng có thể làm mất tác dụng của miếng trám mới. Đồ ăn dính thường sẽ tác động lên vật liệu trám amalgam nhiều hơn vật liệu trám composite.
- Tránh thức ăn có đường. Thực phẩm và đồ uống có đường không chỉ có khả năng gây nhạy cảm mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn xung quanh miếng trám mới của bạn.
- Tránh thức ăn và đồ uống quá nóng và quá lạnh. Răng vừa trám xong rất nhạy cảm, vì thế đối với những đồ ăn nóng hay lạnh quá sẽ làm bạn ê buốt răng, rất khó chịu.
- Hạn chế các loại nước uống có màu như cà phê và thuốc. Vì chúng sẽ làm miếng trám bị xỉn màu, đổi màu, không giống với màu ban đầu.
Chăm sóc răng miệng sau khi trám
Vết trám trên răng về lâu sẽ dần bị mài mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, bạn cần hiểu được tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh răng miệng. Bạn nên đặt lịch định kỳ với bác sĩ để được chăm sóc răng thường xuyên và làm sạch chuyên sâu.
Bên cạnh đó, sử dụng kem đánh răng có chứa fluor, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày. Nếu bạn nghi ngờ rằng miếng trám bị nứt hoặc bị “rò rỉ” (khi các mặt của miếng trám không khít với răng, điều này cho phép các mảnh đồ ăn nhỏ và nước bọt thấm xuống giữa miếng trám và răng, có thể dẫn đến tách miếng trám ra). Hãy đến gặp bác sĩ của bạn, họ sẽ chụp X-quang để đánh giá chi tiết tình hình răng và có biện pháp xử lý phù hợp.1
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc trám răng xong có được ăn không. Đồng thời là những kiến thức thú vị, để bạn đọc hiểu thêm về việc chăm sóc răng miệng sau khi trám răng. Nếu muốn hiểu rõ hơn về tình hình răng miệng của mình, bạn nên thường xuyên kiểm tra răng miệng tại các phòng khám nha khoa uy tín. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dental Health and Tooth Fillingshttps://www.webmd.com/oral-health/guide/dental-health-fillings
Ngày tham khảo: 04/02/2023
-
How Long Before You Can Eat After a Filling?https://www.healthline.com/health/can-you-eat-after-a-filling#eating-tips
Ngày tham khảo: 04/02/2023