Trào ngược bàng quang niệu quản: Nguyên nhân, nguy cơ và biến chứng
Nội dung bài viết
Trào ngược bàng quan niệu quản nguyên phát thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Rối loạn này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các tổn thương thận.
Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?
Là tình trạng xuất hiện dòng chảy bất thường của nước tiểu từ bàng quang ngược lên niệu quản, cấu trúc nối thận với bàng quang. Thông thường, nước tiểu chảy từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và sẽ không có chiều chảy ngược lại.
Trẻ em có thể bị trào ngược bang quang niệu quản nguyên phát. Điều trị tình trạng này bao gồm thuốc hoặc phẫu thuật, nhằm mục đích ngăn ngừa tổn thương thận.
>> Tìm hiểu thêm Bàng quang: Cấu tạo và chức năng
Triệu chứng trào ngược bàng quang niệu quản
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra ở những người mắc bệnh này. Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải lúc nào cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng rầm rộ.
Những dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Tiểu gấp. Tình trạng không kìm được, phải đi tiểu ngay lập tức.
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Tiểu lắt nhắt. Lượng nước tiểu mỗi lần đi rất ít, và đi tiểu rất nhiều lần.
- Nước tiểu đục.
- Sốt.
- Đau bụng hoặc đau hạ sườn.
Nhiễm trùng tiểu thường khó chẩn đoán ở trẻ em. Trẻ có thể có các dấu hiệu và triệu chứng không đặc hiệu.
Các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tiểu cũng có thể bao gồm:
- Sốt không rõ nguyên nhân.
- Chán ăn.
- Quấy khóc.
Khi trẻ lớn hơn, nếu không được điều trị có thể dẫn đến:
- Tiểu dầm.
- Táo bón hoặc mất kiểm soát nhu động ruột.
- Huyết áp cao.
- Xuất hiện protein trong nước tiểu.
Bệnh có thể được phát hiện trước sinh bằng siêu âm. Hình ảnh thận được ở thai là thận ứ nước một hoặc cả hai bên. Điều này là do sự trào ngược của nước tiểu vào thận.
Nguyên nhân
Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Mỗi bộ phân trong hệ thống phối hợp cùng nhau với vai trò loại bỏ các chất thừa thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu.
Niệu quản là các ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Bàng quang là nơi lưu trữ nước tiểu đến khi nước tiểu thoát ra khỏi cơ thể qua một ống khác gọi là niệu đạo trong quá trình đi tiểu.
Bệnh có thể chia thành hai loại, nguyên phát và thứ phát:
Trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát:
Trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát được sinh ra với một khiếm khuyết ở van. Van này thường ngăn nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản. Trào ngược bang quang niệu quản nguyên phát phổ biến hơn.
Khi trẻ lớn hơn, niệu quản thẳng và dài hơn, có thể cải thiện chức năng của van và cuối cùng điều chỉnh tình trạng trào ngược. Loại trào ngược nguyên phát này có xu hướng xảy ra trong gia đình. Điều này cho thấy nó có thể do di truyền, nhưng nguyên nhân chính xác của khiếm khuyết vẫn chưa được biết rõ.
Trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát:
Nguyên nhân của dạng trào ngược này thường là do bàng quang không thể làm rỗng như bình thường. Tình trạng này xảy ra có thể do tắc nghẽn hay yếu cơ bàng quang hoặc do tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc làm rỗng bàng quang bình thường.
Các yếu tố nguy cơ gây trào ngược bàng quang niệu quản
Bao gồm:
- Rối loạn chức năng bàng quang và ruột. Trẻ bị rối loạn chức năng bàng quang – ruột thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, có thể góp phần gây nguy cơ mắc bệnh cao.
- Chủng tộc. Trẻ chủng tộc da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Giới tính. Nhìn chung, trẻ gái có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn nhiều so với trẻ trai. Tuy nhiên, tình trạng này lại xuất hiện ở trẻ sơ sinh nam nhiều hơn nữ.
- Tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh cao hơn trẻ lớn.
- Tiền sử gia đình. Trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát có xu hướng gia đình. Trẻ em có cha hoặc mẹ mắc bệnh này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Biến chứng
Tổn thương thận là mối quan tâm hàng đầu khi bị trào ngược bàng quang niệu quản. Tình trạng trào ngược càng nặng thì khả năng gây biến chứng càng nghiêm trọng.
Các biến chứng có thể bao gồm:
- Sẹo thận. Nhiễm trùng tiểu không được điều trị có thể dẫn đến sẹo thận, là tổn thương vĩnh viễn đối với nhu mô thận. Sẹo lan rộng có thể dẫn đến huyết áp cao và suy thận.
- Huyết áp cao. Bởi vì thận loại bỏ chất thải khỏi máu, tổn thương thận và kết quả là tích tụ chất thải có thể làm tăng huyết áp.
- Suy thận. Sẹo thận có thể làm mất chức năng lọc của thận. Điều này có thể dẫn đến suy thận, có thể xảy ra nhanh chóng (suy thận cấp) hoặc có thể phát triển theo thời gian (bệnh thận mãn tính).
Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Nếu không được điều trị và cải thiện sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu như bạn có những dấu hiệu nghi ngờ tình trạng này, hãy đến khám bác sĩ để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vesicoureteral refluxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vesicoureteral-reflux/symptoms-causes/syc-20378819
Ngày tham khảo: 17/09/2020