YouMed

Trẻ nhỏ, ti vi và máy móc kỹ thuật số

Bác sĩ NGUYỄN ĐOÀN TRỌNG NHÂN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Chuyên khoa: Đa khoa

Truyền hình (TV) có mặt tốt riêng giúp trẻ giải trí và giáo dục. TV có thể mở ra những thế giới mới cho trẻ em. TV cho những đứa trẻ cơ hội đi du lịch khắp thế giới cũng như tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau. Truyền thống giúp trẻ tiếp xúc với những ý tưởng mà chúng chưa bao giờ gặp.

Các chương trình tích cực có thể tác động đến người xem để thay đổi họ sang lối sống tích cực. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra: Trẻ em có khả năng tiếp thu những điều từ TV mà cha mẹ không muốn chúng học…

 Trẻ em thường rất thích xem ti vi
Trẻ em thường rất thích xem ti vi

1. Mối liên hệ giữa trẻ em và các công cụ điện tử nghe nhìn hiện đại là gì?

Từ năm 2010, rất nhiều nghiên cứu ở Mỹ đã tìm hiểu về sự ảnh hưởng của TV đối với trẻ em.

Trung bình, trẻ em từ 2-5 tuổi dành 32 giờ một tuần trước TV. Bao gồm xem TV, DVD (đầu đĩa) và chơi game trên TV.

Trẻ em từ 6-11 tuổi dành khoảng 28 giờ một tuần trước TV. Phần lớn (97%) là xem các trường trình truyền hình trực tiếp.

71% trẻ em từ 8- đến 18 tuổi có TV trong phòng ngủ. Điều này có lẽ ít có ở Việt Nam.

Nhiều cha mẹ ủng hộ việc con xem TV. Trẻ em đôi khi làm phiền công việc của người lớn. Việc chạy theo cuộc sống mưu sinh có thể làm bậc cha mẹ không quan tâm gần gũi với con. Cũng như để bắt trẻ ăn dặm, cha mẹ phải để màn hình điện thoại, TV để thu hút tầm nhìn của trẻ.

 Ti vi mang lại ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực cho trẻ
Ti vi mang lại ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực cho trẻ

Và một số sự ảnh hưởng dễ thấy:

Việc xem TV có thể thay thế các hoạt động trong cuộc sống của con bạn mà bạn muốn chúng làm, chẳng hạn:

  • Chơi với bạn bè
  • Hoạt động thể chất (thể thao, bơi lội, đá banh…)
  • Tận hưởng không khí trong lành
  • Đọc sách
  • Làm bài tập về nhà
  • Làm việc vặt

Những đứa trẻ dành nhiều thời gian xem TV (kể cả có hay không có bố mẹ và anh chị em xem cùng) sẽ dành ít thời gian hơn để trò chuyện, giao tiếp với các thành viên còn lại trong gia đình.

Trẻ em xem ti vi sẽ có ít thời gian giao tiếp với mọi người
Trẻ em xem ti vi sẽ có ít thời gian giao tiếp với mọi người

Việc xem TV quá mức có thể góp phần làm:

  • Trẻ bị điểm kém
  • Trẻ có vấn đề về giấc ngủ
  • Hành vi bất thường
  • Béo phì

Các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu đến trẻ em. Trung bình, mỗi trẻ em có thể nhìn thấy hàng chục ngàn quảng cáo truyền hình mỗi năm. Trong số các quảng cảo này đã bao gồm nhiều quảng cáo cho thực phẩm ăn nhẹ và đồ uống không lành mạnh.

2. Màn hình điện thoại, TV ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ như thế nào?

Với các chương trình truyền hình, và thậm chí là một kênh truyền hình riêng biệt được thiết kế dành riêng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới hai tuổi có nên hay không trở thành một câu hỏi được đặc biệt quan tâm.

 Xem ti vi quá nhiều có thể khiến trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý
Xem ti vi quá nhiều có thể khiến trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý

Thực sự có nhiều nguồn thông tin cho rằng, xem ti vi, màn hình điện thoại quá nhiều có khả năng làm xuất hiện tình trạng trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).

Hội chứng tăng động giảm chú ý có các đặc điểm như tên gọi của nó:

  • Giảm tập trung : Trẻ không thể tập trung, không tổ chức, kỷ luật cũng như thường suy nghĩ bâng quơ (mơ giữa ban ngày).
  • Tăng động: Trẻ luôn luôn di động, đi lại, không thể ngồi 1 chỗ kèm theo nói không ngừng.
  • Hấp tấp, bốc đồng: Trẻ có thể hành động hoặc nói mà không suy nghĩ gì.
  • Và thông thường, trẻ mắc phải ADHD có biểu hiện phối hợp các dấu hiệu trên.

Nhưng hiện nay bằng chứng cho việc trẻ nhỏ xem ti vi, màn hình điện thoại nhiều gây ra hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ là không rõ ràng.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ dưới 3 tuổi xem ti vi, màn hình điện thoại nhiều sẽ bị giảm khả năng nhận thức. Có nghĩa là chậm hiểu hơn so với các trẻ khác. Tuy nhiên, đối với trẻ 3 – 5 tuổi thì kết quả lại khác, tiếp xúc các thiết bị hiện đại giúp trẻ có khả năng đọc nhanh hơn!

Quan điểm của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP):

Với phương châm “thà giết lầm hơn bỏ sót”. AAP tuyên bố mọi yếu tố có khả năng làm ảnh hưởng đến trẻ khi chưa chứng minh được lợi ích hoặc loại bỏ các yếu tố gây hại thì không nên thực hiện.

3. Chương trình ti vi, màn hình điện thoại và xu hướng bạo lực ở trẻ liên quan như thế nào?

Các chương trình bạo lực trên ti vi không tốt cho trẻ
Các chương trình bạo lực trên ti vi không tốt cho trẻ

Theo AAP, Bằng chứng nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng bạo lực trên các phương tiện truyền thông có thể góp phần vào hành vi hung hăng, nhạy cảm với bạo lực, ác mộng và sợ bị xâm hại ở trẻ. Xem các chương trình bạo lực cũng có liên quan đến việc có ít sự đồng cảm, vị tha hơn với những người xung quanh khác.

4. Các chương trình ti vi, màn ảnh có thể làm trẻ sợ hoặc tổn thương tâm lý của trẻ không?

 Bố mẹ nên kiểm soát các chương trình bé xem
Bố mẹ nên kiểm soát các chương trình bé xem

Các chương trình giả tưởng trên ti vi có thể làm trẻ em xem thế giới xung quanh trở thành một nơi đáng sợ. Và càng đáng sợ hơn nữa khi chúng dùng bạo lực và các hành xử không văn minh khác trên TV để đáp trả các vấn đề trong cuộc sống thực.

Các triệu chứng sợ hãi hoặc buồn bã sau khi xem những câu chuyện trên TV có thể bao gồm:

  • Ác mộng.
  • Cảm giác lo lắng, sợ ở một mình.
  • Tránh né khỏi bạn bè và bỏ học.

Trẻ nhỏ không phân biệt được hiện thật và giả tưởng!!!.

Những nỗi sợ do TV có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ ở trẻ em. Những thứ trông đáng sợ như quái vật có thể làm trẻ sợ hãi. Điều này đặc biệt đúng ở những đứa trẻ từ hai đến bảy tuổi. Việc ba mẹ giải thích với chúng  rằng những hình ảnh không có thật không giúp ích gì vì trẻ em dưới tám tuổi không thể phân biệt được sự khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế.

Nhiều đứa trẻ tiếp xúc với những bộ phim kinh dị đã hối tiếc rằng chúng bị ám ảnh bởi những hình ảnh từ xưa.

Trẻ em từ 8-12 tuổi xem các cảnh bạo lực thường sợ hãi rằng chúng có thể là nạn nhân của bạo lực hoặc thảm họa tự nhiên. Các mối đe dọa bạo lực được hiển thị trên TV có thể khiến trẻ em ở độ tuổi đi học (8-12) cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

Xem thêm: Dạy trẻ cách đối phó với những cơn tức giận thường ngày

5. Sự ảnh hưởng của phương tiện truyền thông lên thành tích học tập của trẻ như thế nào?

Xem TV có thể làm giảm các hoạt động mà theo như nghiên cứu có thể giúp tăng cường thành tích học tập của trẻ, như:

  • Đọc sách
  • Làm bài tập về nhà
  • Theo đuổi sở thích
  • Ngủ đủ giấc

Một nghiên cứu cho thấy tác dụng gây hại của TV đối với quá trình học tập của trẻ là lâu dài.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng xem TV khi còn nhỏ ảnh hưởng đến thành tích giáo dục ở tuổi 26. Xem nhiều TV hơn ở thời thơ ấu làm tăng cơ hội bỏ học và giảm cơ hội tốt nghiệp đại học.

6. Một số vấn đề khác ở trẻ xem ti vi, màn hình điện thoại quá nhiều:

Cân nặng:

Trẻ xem Tivi, phương tiện truyền thông quá nhiều dễ tăng cân, béo phì. Có thể là vì trong quá trình xem trẻ ít vận động, cũng như ăn mà không có cảm giác no do quá tập trung.

Xem thêm: Béo phì ở trẻ em: Những nhiều bố mẹ hiện đại cần biết!

 Các chương trình giả tưởng có thể ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc của trẻ
Các chương trình giả tưởng có thể ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc của trẻ

Hành vi:

Trẻ có thể bắt chước các hành động nguy hiểm trên tivi. Việc hành động, bắt chước siêu nhân hay các động tác võ thuật nguy hiểm là thường gặp. Điều này có thể gây ra các tai nạn chấn thương không đáng có.

Hút thuốc lá:

Trẻ em xem tivi, màn hình điện thoại nhiều có khả năng hút thuốc lá cao. Lý giải cho điều này, người ta thấy rằng, các cảnh hút thuốc lá trên phương tiện truyền thông là rất thường gặp. Việc bắt chước các hành động sai trái ở người lớn hoặc thần tượng thường xảy ra ở trẻ.

Giới tính:

Xem các phương tiện truyền thông quá nhiều làm tăng nguy cơ quan hệ tình dục vị thành niên. Việc giáo dục giới tính là rất thiếu khuyết ở các nước châu Á. Và nước ta là một ví dụ điển hình. Sự ngại ngùng khi nói về vấn đề tế nhị như tình dục của bậc cha mẹ làm trẻ bị mù mờ về quan điểm tình dục của bản thân.

TV hay các phương tiện truyền thông cung cấp các thông tin về tình dục thường phiến diện, có hại. Dẫn đến các hành vi lệch lạc về giới tính hoàn toàn có thể xảy ra.

Xem thêm: Dậy thì sớm: Dấu hiệu nhận biết

7. Các bậc cha mẹ nên làm gì bây giờ?

 Bố mẹ nên chọn chương trình cho con xem
Bố mẹ nên chọn chương trình cho con xem

Chương trình ti vi

  • Chọn chương trình cho con bạn xem
  • Luôn lên kế hoạch cho những gì con bạn sẽ xem. Đừng bật một thiết bị xem ngẫu nhiên
  • Đưa ra lựa chọn giữa 2 chương trình mà bạn nghĩ là phù hợp và cho trẻ chọn
  • Giới hạn thời gian trẻ đối diện màn hình xuống còn 1 hoặc 2 giờ mỗi ngày đối với trẻ lớn hơn 2 tuổi

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem phương tiện kỹ thuật số. 

  • Xem các chương trình này cùng với con của bạn. Cùng nhau nói những gì đã xảy ra trong chương trình. Nói về những gì tốt hay xấu về chương trình. Nói về sự khác biệt giữa thực tế và giả tạo.
  • Tắt TV hoặc thiết bị khác khi chiếu các chương trình mà bạn tin rằng con bạn không nên xem.
  • Đừng cho rằng tất cả các phim hoạt hình đều được chấp nhận và phù hợp. Nhiều phim hoạt hình chứa yếu tố bạo lực. Điều này cũng tương tự với một số chương trình gameshow hiện tại.

Gần gũi với con

  • Hãy là một tấm gương tốt cho con bạn bằng cách không xem quá nhiều TV hoặc phương tiện kỹ thuật số. Giới hạn thời gian xem điện thoại, ti vi của riêng bạn.
  • Cùng trẻ tham gia vào các hoạt động khác, đặc biệt là đọc sách. Đọc cho con của bạn.
  • Khuyến khích chơi và tập thể dục cho con của bạn. Lên kế hoạch cho các hoạt động vui chơi khác cho con bạn, hãy để bé có nhiều lựa chọn thay vì chú tâm vào màn hình.

Giới hạn thời gian trẻ xem ti vi, điện thoại như một phần thưởng!!!.

Thay vào đó, hãy thử thưởng cho bé một chuyến đi đến công viên. Cũng như lễ hội, sân chơi hoặc đến thăm nhà của người thân hoặc bạn bè cũng hợp lý.

  • Đừng cho phép bé xem ti vi, điện thoại trong bữa ăn.

8. Kết luận:

Ti vi và các phương tiện kỹ thuật số nói chung là những thành tựu của nền văn minh hiện đại. Chúng mang lại các lợi ích rất rõ ràng, làm con người dễ dàng kết nối với nhau cũng như với nguồn thông tin kiến thức khổng lồ của loài người.

Tuy nhiên, đi kèm với mặt lợi bao giờ cũng có mặt hại. Các phương tiện truyền thông này có thể làm trẻ gặp nhiều vấn đề trong quá trình phát triển. Những sự ảnh hưởng lên phát triển não bộ, thể chất, tâm lý đã được nghiên cứu khá rõ ràng.

Do đó, hãy trưởng thành cùng trẻ. Hãy để trẻ có được tình thương ấm áp của gia đình, giúp trẻ hiểu được sự quan trọng của đọc sách, theo đuổi đam mê và rèn luyện thể chất bạn nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Children and Media Tips from the American Academy of Pediatrics, AAP 5/1/2018.
  • Time Well Spent? Relating Television Use to Children’s Free-Time Activities, AAP, Pediatrics February 2006, 117 (2) e181-e191
  • Is Television Viewing Associated With Social Isolation? Roles of Exposure Time, Viewing Context, and Violent Content, Arch Pediatrics Adolesc Med . 2006 Apr;160(4):387-92.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người