YouMed

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải xử trí như thế nào?

bác sĩ nguyễn ngọc mai
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Chuyên khoa: Nhi

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là một vấn đề xuất hiện khá phổ biến. Như chúng ta đã biết, hệ hô hấp của trẻ sơ sinh rất non yếu. Chính vì vậy, những bất thường về hô hấp rất dễ xảy ra. Trong số đó có triệu chứng nghẹt mũi. Vậy bé sơ sinh bị nghẹt mũi là do nguyên nhân nào? Phải xử trí ra sao cho thật an toàn với độ tuổi của trẻ? Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Không phải bất kỳ nguyên nhân nào cũng có biểu hiện rõ ràng. Thông thường, bố mẹ sẽ rất lo lắng khi thấy trẻ nghẹt mũi. Bởi vì họ sợ không biết trẻ có thở được hay không, không biết thuốc điều trị nào phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là tình trạng tắc nghẽn khoang mũi do dịch nhầy. Dịch này sẽ tăng tiết và làm hẹp đường thở khiến cho việc hít thở của bé trở nên khó khăn hơn. Trẻ sơ sinh vốn chưa biết tự thở bằng miệng nên khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ rất khó chịu. Trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, không muốn bú sữa mẹ.

Một cơ chế thường gặp nữa gây nên tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh đó là do tình trạng viêm nhiễm. Tình trạng này sẽ làm phù nề niêm mạc, phù nề mạch máu ở mũi làm cho mũi bị nghẹt. Đây cũng là cơ chế gây nghẹt mũi thường gặp ở trẻ lớn và người lớn.

Những nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Những nguyên nhân của tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bao gồm:

Bệnh cảm lạnh, cảm cúm

Trẻ mới sinh có hệ miễn dịch rất yếu. Vì vậy, việc trẻ tiếp xúc với không khí bên ngoài sẽ tạo điều kiện cho các virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Trong khi cơ chế bảo vệ của hệ hô hấp ở trẻ sơ sinh chưa được hoàn chỉnh. Một số virus gây nên bệnh cảm ở trẻ sơ sinh bao gồm: cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus,…

Hít thở không khí khô thường xuyên

Việc hít thở thường xuyên không khí khô, có độ ẩm thấp rất dễ làm trẻ bị nghẹt mũi. Nguyên nhân là do hệ hô hấp phản ứng lại với không khí khô bằng cách tăng tiết dịch. Dịch nhầy tăng tiết gây bít tắc mũi và dẫn đến nghẹt mũi.

Trẻ bị dị ứng

Một số dị nguyên như phấn hoa, bụi bặm, không khí ô nhiễm,… sẽ kích thích quá trình dị ứng ở trẻ. Phản ứng dị ứng sẽ làm phù nề niêm mạc mũi, tăng tiết dịch nhầy và gây nghẹt mũi.

Trẻ hít phải mùi lạ

Một số mùi lạ như khói thuốc lá, nước hoa, nước xả vải,… sẽ kích thích quá trình phản ứng ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên khi hít phải những mùi lạ sẽ có phản ứng lại. Và một trong những phản ứng đó là tăng tiết dịch nhầy gây nên nghẹt mũi.

Trẻ phản ứng với mùi lạ
Trẻ phản ứng với mùi lạ

Bị viêm đường hô hấp trên

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm đường hô hấp trên. Các tác nhân như vi khuẩn, virus, nước ối,… xâm nhập sẽ dẫn đến viêm mũi. Song song với tình trạng viêm mũi là triệu chứng nghẹt mũi sẽ xuất hiện.

Dị vật trong mũi

Trẻ sơ sinh có thể đưa bất kỳ vật lạ vào trong mũi. Nếu bố mẹ không phát hiện thì tình trạng tắc mũi, nghẹt mũi và chảy máu mũi sẽ xảy ra và rất nguy hiểm.

Những triệu chứng kèm theo

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể kèm theo những triệu chứng sau đây:

  • Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi.
  • Khó thở, thở khò khè.
  • Chảy nước mắt.
  • Chảy máu mũi.
  • Sốt, lừ đừ, bỏ bú.
  • Mẫn đỏ, mày đay, phù quanh cánh mũi hoặc toàn thân.
  • Ho khan, ho có đàm.
  • Đôi khi tím tái do khó thở trong những trường hợp nặng.

Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

1. Làm sạch mũi của bé

Đầu tiên, bố mẹ nên làm sạch mũi của trẻ bằng cách lấy hết chất nhầy trong mũi. Bạn có thể dùng bông gòn sạch thấm chút nước ấm rồi chấm và lau sạch mũi cho trẻ một cách nhẹ nhàng.

Làm sạch mũi cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Làm sạch mũi cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

2. Nhỏ mũi của trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý

Đây là cách điều trị trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường được áp dụng nhiều nhất. Vì cách làm này rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Bạn chỉ cần đặt bé nằm ngửa, sau đó nhỏ nước muối sinh lý vào mỗi bên lỗ mũi của trẻ. Mỗi lần chỉ nên nhỏ từ 1 đến 2 giọt. Tránh nhỏ quá nhiều sẽ khiến trẻ bị sặc.

Dung dịch nước muối sinh lý dùng để nhỏ mũi
Dung dịch nước muối sinh lý dùng để nhỏ mũi

Nước muối sinh lý NaCl 0,9% có tác dụng rất tốt, giúp loại bỏ dịch nhầy, làm sạch đường hô hấp trên và giúp trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên, bố mẹ không nên lạm dụng nước muối sinh lý vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ. Bạn cũng không nên tự pha nước muối và nhỏ mũi cho trẻ nhé. Vì nước muối bạn pha không đảm bảo đúng nồng độ và rất dễ gây tổn thương niêm mạc mũi của bé.

3. Hút mũi cho trẻ

Đây là một trong những cách điều trị trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi rất phổ biến. Hút mũi là cách làm đơn giản giúp loại bỏ dịch nhầy và làm sạch mũi cho bé. Trước khi hút mũi, các mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý để làm loãng dịch nhầy. Nhờ vậy, việc hút dịch nhầy sẽ dễ dàng hơn.

Bạn cần lưu ý là phải vệ sinh dụng cụ hút mũi một cách sạch sẽ. Vì dụng cụ bị ô nhiễm sẽ gây ra viêm nhiễm đường hô hấp trên. Từ đó, tình trạng nghẹt mũi sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Hút mũi cho trẻ sơ sinh
Hút mũi cho trẻ sơ sinh

Bố mẹ cũng không nên lạm dụng phương pháp hút mũi cho bé. Chỉ nên hút 2 đến 3 lần trong ngày. Bởi vì hút mũi quá nhiều lần có thể gây kích ứng niêm mạc mũi của trẻ. Từ đó dẫn đến tình trạng sung huyết niêm mạc và nghẹt mũi tái diễn.

4. Day cánh mũi của trẻ

Động tác day cánh mũi sẽ giúp cho trẻ dễ thở và giảm bớt cảm giác khó chịu. Cụ thể, bạn hãy dùng ngón tay vuốt dọc 2 bên sống mũi của trẻ một cách nhẹ nhàng. Động tác này nên được thực hiện sau khi bạn đã nhỏ nước muối sinh lý.

5. Kê cao đầu khi trẻ ngủ

Tuy là cách làm đơn giản nhưng hiệu quả lại rất cao. Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, bạn hãy dùng một chiếc khăn mềm để nâng cao đầu cho bé trong lúc ngủ. Tư thế ngủ cao đầu sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy, giảm phù nề niêm mạc. Từ đó giúp giảm nghẹt mũi.

6. Tăng độ ẩm không khí trong phòng

Nếu không khí trong phòng quá khô, các mẹ hãy tăng độ ẩm. Đặc biệt là những tháng ngày khô nóng hoặc lạnh khô, thời gian có độ ẩm thấp. Bạn có thể tăng độ ẩm trong phòng bằng các máy phun sương, phun tinh dầu, quạt phun sương,…

7. Đưa trẻ đi khám bệnh

Trong một số trường hợp sau đây:

  • Trẻ nghẹt mũi kéo dài.
  • Nghẹt mũi tái đi tái lại thường xuyên.
  • Trẻ ho nhiều, ho có đàm.
  • Khó thở, tím tái.
  • Bỏ bú hoặc bú kém.
  • Có sốt kèm theo.

Bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để trẻ được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời. Nếu có dị vật thì các bác sĩ cũng có thể gắp dị vật ra khỏi đường hô hấp của bé.

Đưa trẻ đi khám khi cần thiết
Đưa trẻ đi khám khi cần thiết

Một vài điều bố mẹ cần lưu ý

Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, bố mẹ cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Bố mẹ không nên dùng miệng để hút mũi của bé. Bởi vì hành động này sẽ làm nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào mũi của trẻ. Từ đó phát sinh nhiều bệnh lý phức tạp khác.
  • Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh.
  • Các mẹ không nên áp dụng các mẹo dân gian mà chưa được khoa học kiểm chứng.
  • Không nên kiêng tắm cho trẻ. Bởi vì nếu kiêng tắm, vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi và phát triển mạnh hơn. Vì thế, các bác sĩ khuyên mẹ hãy tắm nước ấm cho trẻ. Nên tắm nhanh và chọn những nơi kín gió.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là vấn đề rất thường gặp và hướng xử trí cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chủ quan, không tự ý áp dụng những phương pháp chưa được chứng minh là có hiệu quả. Đồng thời hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế trong những tình huống khẩn cấp!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How to Treat Nasal and Chest Congestion in a Newbornhttps://www.healthline.com/health/newborn-congestion

    Ngày tham khảo: 17/06/2020

  2. What to Do For Your Baby's Stuffy Nosehttps://www.uhhospitals.org/Healthy-at-UH/articles/2019/01/what-to-do-for-a-babys-stuffy-nose

    Ngày tham khảo: 17/06/2020

  3. How to Help a Baby With Congestionhttps://www.verywellfamily.com/simple-solutions-for-a-newborn-stuffy-nose-284370

    Ngày tham khảo: 17/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người