YouMed

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có an toàn không?

bác sĩ nguyễn ngọc mai
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Chuyên khoa: Nhi

Khi trẻ ngủ, tư thế tốt nhất vẫn là cho bé nằm ngửa. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ chia sẻ với bố mẹ những nguy cơ tiềm tàng khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng hoặc sấp. Bố mẹ cũng sẽ biết ở độ tuổi nào trẻ có thể nằm nghiêng hoặc sấp. Hãy cùng tìm hiểu ngay bố mẹ nhé!

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có sao không?

Trẻ sơ sinh luôn được khuyên là nên nằm ngửa. Đây là tư thế an toàn nhất cho trẻ khi ngủ. Trên thực tế, trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ dẫn đến nhiều nguy cơ cho trẻ. Trong đó, điển hình là các rủi ro sau:

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh1 2

Đây là tình trạng trẻ dưới 1 tuổi đột ngột tử vong mà không rõ nguyên nhân. Hội chứng này thường xảy ra khi trẻ đang ngủ. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, rủi ro sẽ tăng lên nếu:

  • Trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp, ngủ với giường có bề mặt quá mềm hoặc thời tiết quá nóng khi ngủ.
  • Người mẹ hút thuốc lá, uống rượu hoặc uống thuốc trước hoặc sau khi em bé chào đời. Vì thế đừng hút thuốc ở bất cứ đâu gần con. Ngay cả khi bạn ở bên ngoài.
  • Gia đình có anh/chị ruột đã mất vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Trẻ sinh non hoặc là con trai.

Khả năng xảy ra cao nhất là trong 3 tháng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào cho đến khi bé được 1 tuổi.

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có nguy cơ vẹo cổ1

Vẹo cổ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ từ 0 tới 6 tháng tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở bé trai và gái gần như là bằng nhau. Tình trạng này có thể bị gây ra do tư thế ngủ nghiêng một bên của trẻ.

Biểu hiện của trẻ bị vẹo cổ là thường có khuynh hướng nghiêng cổ về một bên, đồng thời mặt xoay về bên đối diện. Một số trường hợp nhẹ hơn, trẻ sẽ gặp khó khăn khi xoay mặt về phía bên bị vẹo. Trong trường hợp bú mẹ, trẻ có thể chỉ thích bú một bên, vì khi xoay về bên ngược lại trẻ sẽ cảm thấy khó chịu.

Thậm chí, vẹo cổ cũng có thể ảnh hướng đến tư thế ngủ về sau của trẻ. Trẻ có thể sẽ thích ngủ nghiêng cố định một bên hơn.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện vẹo cổ, mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ. Chứng vẹo cổ có thể điều trị được qua các bài tập kéo, giãn cổ. Khi được bác sĩ hướng dẫn, mẹ vẫn có thể thực hành các bài tập tại nhà.

Ngoài ra, dù trẻ thường xuyên nghiêng một bên, mẹ vẫn cần để trẻ nằm tư thế ngửa khi ngủ.

Biên tập bởi: YouMed

Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có thể ngăn ngừa sặc sữa không?

Một số người mẹ lo lắng rằng việc trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa có thể bị trào ngược, nôn ói, làm cho trẻ bị sặc. Điều này dấy lên câu hỏi, vậy trẻ sơ sinh có nên nằm nghiêng không? Họ nghĩ rằng khi nằm nghiêng, dịch từ trong miệng dễ chảy ra, giúp trẻ không bị sặc.

Tuy nhiên, thật ra, việc cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng để ngăn sặc sữa là không có bằng chứng. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng: Tư thế nằm ngửa thậm chí lại có thể làm giảm nguy cơ sặc sữa, ngạt thở cho trẻ.

Khi nằm ngửa, trẻ sẽ thở dễ dàng hơn. Nếu bị trào ngược sữa từ dạ dày lên, trẻ sẽ tự động tạo phản xạ ho hoặc nuốt, kể cả khi ngủ. Phản xạ này sẽ giúp trẻ không bị ngạt thở khi sữa trào ngược lên họng.2

Nằm ngửa có thể làm giảm nguy cơ ngạt thở cho trẻ
Nằm ngửa có thể làm giảm nguy cơ ngạt thở cho trẻ

Khi nào nên để trẻ sơ sinh nằm nghiêng?

Sẽ rất nguy hiểm khi bạn để trẻ sơ sinh nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Bởi vì trẻ còn quá nhỏ, chúng không thể tự xoay chuyển đầu và cơ thể, đặc biệt khi bị ngạt thở.

Khoảng từ 3 đến 4 tháng tuổi, nhiều trẻ bắt đầu cố gắng lật người. Lúc này, cổ và đầu bé đã cứng cáp hơn, trẻ mới có thể có động tác tự giữ đầu ngửa lên. Lúc trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể lăn người, biết lật nằm sấp và ngửa.

Khi trẻ đã biết lật, mẹ không cần thiết trở mình cho trẻ khi bé đang nằm nghiêng hoặc sấp lúc ngủ. Bởi vì trẻ đã có thể tự lật ngửa được khi cảm thấy khó chịu, dù đang ngủ. Tuy nhiên, khi đặt bé nằm ngủ, mẹ vẫn cần để trẻ nằm ở tư thế ngửa.1

Lúc trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể lăn người, biết lật nằm sấp và ngửa
Lúc trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ sẽ có thể lăn người, biết lật nằm sấp và ngửa

Một số lời khuyên để trẻ ngủ an toàn hơn

Sau đây là một số lời khuyên có thể giúp trẻ an toàn hơn khi ngủ, kể cả khi trẻ tự lật nằm sấp khi ngủ:1 2

  • Trẻ và mẹ nên ngủ chung phòng: Để bé vào chiếc nôi gần giường mẹ sẽ giúp mẹ dễ quan sát trẻ hơn. Tuy nhiên cần đảm bảo không để chăn, gối hoặc bất cứ thứ gì ở giường có thể rơi hoặc lấn vào nơi trẻ đang ngủ.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá cần tránh xa khỏi phòng ngủ và xung quanh trẻ.
  • Không sử dụng chăn, mền nặng.
  • Ngăn ngừa nhiệt độ xung quanh trẻ quá nóng: Trẻ không cần quá nhiều chăn, mền và khăn quấn như mẹ nghĩ. Hãy để trẻ mặc quần áo thoáng mát khi ngủ hoặc chỉ với một tấm khăn ủ mỏng thay vì quần áo dày nặng hoặc nhiều lớp.
  • Sử dụng tấm ủ quấn: Hãy đảm bảo rằng tấm vải quấn chỉ hơi chặt ở ngực nhưng lỏng ở hông và đầu gối. Tuy nhiên, chỉ sử dụng tấm vải quấn trước khi trẻ bắt đầu tập lật. Điều này có nghĩa là khi trẻ bắt đầu tự lật hoặc nghiêng người nằm ngủ, mẹ sẽ cần ngưng sử dụng tấm quấn này.
  • Đảm bảo nôi ngủ của trẻ trống và sạch sẽ: Trẻ chỉ cần nên ngủ với một cái nôi có đệm. Mẹ không nên đặt bất cứ đồ gì khác vào nôi như đồ chơi, chăn mền, gối…
Khi trẻ bắt đầu tự lật, hoặc nghiêng người nằm ngủ, mẹ sẽ cần ngưng sử dụng tấm quấn này
Khi trẻ bắt đầu tự lật, hoặc nghiêng người nằm ngủ, mẹ sẽ cần ngưng sử dụng tấm quấn này

Có nên cho trẻ nằm chung giường với mẹ?

Một số người mẹ thường để trẻ sơ sinh ngủ chung giường với mình. Cách làm này vẫn còn gây tranh cãi. Ở một số nơi vẫn còn đang áp dụng. Tuy nhiên, ở Mỹ, hầu hết các chuyên gia Nhi khoa đều khuyên rằng việc cho trẻ nằm chung giường với mẹ là không nên. Đặc biệt là với trẻ dưới 4 tháng tuổi, điều này sẽ làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.1 2

Nếu mẹ muốn nằm chung giường với trẻ thì cần lưu ý các điều kiện sau:

  • Chỉ nằm chung giường với trẻ khi đang cho trẻ bú.
  • Tuyệt đối không nằm chung giường với trẻ sinh non.
  • Không ngủ chung giường với đối tượng có thói quen hút thuốc lá hay có tình trạng say rượu hoặc đang bệnh, suy yếu cơ thể.
  • Đặt em bé nằm ngửa.
  • Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, thoáng mát, không mặc nhiều lớp.
  • Để trẻ ngủ ở một bề mặt an toàn. Có nghĩa là không sử dụng ghế dài hoặc giường quá mềm, chỗ ngủ không có chăn và gối xung quanh.

Có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ để phòng ngừa hội chứng đầu phẳng?

Một số mẹ đã từng nghe rằng việc để cho trẻ nằm ngửa hoặc chỉ nằm một vị trí duy nhất sẽ gây ra tình trạng đầu phẳng. Trong y khoa còn gọi là hội chứng đầu phẳng. Trẻ mắc hội chứng đầu phẳng khi phía sau hoặc bên cạnh đầu của trẻ có dạng mặt phẳng.

Khi cho trẻ nằm ngửa, thực tế tư thế này sẽ gây ra tình trạng đầu phẳng. Bởi vì hộp sọ ở trẻ sơ sinh vẫn còn mềm. Mẹ hãy hiểu rằng hộp sọ không thể cứng được vì đầu trẻ cần đi qua khung chậu của mẹ khi sinh. Ngoài ra, cơ ở cổ trẻ cũng còn rất yếu. Vì thế, khi để trẻ ở một ví trí sẽ gây ra đầu phẳng.

Tuy nhiên, một tin vui cho mẹ là tình trạng đầu phẳng của trẻ sẽ tự hồi phục. Thường là từ 4 tháng tuổi, khi trẻ đã bắt đầu biết lật.1

Phòng ngừa tình trạng đầu phẳng

Để trẻ nằm ở tư thế ngửa khi nằm hoặc ngủ. Mẹ sẽ thấy rằng trẻ thường hay vẹo cổ về hướng có vật gì đó gây chú ý cho trẻ hơn là chỉ ngắm nhìn trên tường. Để trẻ không ngoẹo cổ và đầu một bên khi ngủ, mẹ không nên để bất cứ thứ gì như đồ chơi hay vật có màu sắc sáng ở trong nôi ngủ của trẻ.

Thay đổi không gian ngủ cho trẻ: Khi đặt trẻ nằm ngủ ở nôi, nếu hôm nay mẹ cho trẻ nằm ở đầu nôi thì hôm sau mẹ nên đổi trẻ ở tư thế ngược lại. Điều này sẽ giúp trẻ quay đầu nhìn theo mọi hướng, giúp đầu bé linh hoạt hơn. Mẹ nên thay đổi vị trí ngủ hướng thuận hoặc hướng ngược lại thường xuyên qua ngày.

Cho trẻ ở tư thế nằm sấp, có quan sát chặt chẽ: Khi để trẻ ở tư thế nằm sấp lúc bé còn đang tỉnh, mẹ cần đảm bảo quan sát trẻ thật chặt chẽ. Ở tư thế nằm sấp khoảng 30 – 40 phút/ngày sẽ phòng ngừa đầu phẳng. Tư thế còn giúp cho sự phát triển và khỏe hơn ở cổ, tay và phần cơ thân trên của trẻ.

Điều cốt lõi mẹ cần nhớ

Cho bé nằm ngủ nghiêng một bên hoặc sấp sẽ rất dễ có nguy cơ gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Thực tế, chứng đầu phẳng là vô hại cho trẻ và sẽ tự phục hồi được khi trẻ biết lật. Ngoài ra, vẫn có nhiều cách để phòng ngừa đầu phẳng cho trẻ như: thay đổi vị trí nằm ngủ, cho trẻ nằm sấp với điều kiện trẻ tỉnh và được quan sát chặt chẽ bởi mẹ…

Xem thêm: Bác sĩ giải đáp có nên cho trẻ sơ sinh nằm võng không?

Hi vọng bài viết trên đã giúp ba mẹ biết được có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng. Tư thế an toàn nhất cho trẻ vẫn là tư thế nằm ngửa. Nếu trẻ đã biết lật và tự ý lật sấp trong lúc ngủ, việc đánh thức trẻ dậy để đổi tư thế là không cần thiết. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần đặt trẻ nằm ngửa khi bắt đầu cho trẻ ngủ. Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, mỏng, giữ nôi ngủ sạch sẽ, không chứa đồ chơi hoặc mền gối trong nôi. Những điều đơn giản này sẽ đảm bảo trẻ sơ sinh có một giấc ngủ an toàn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Is Side Sleeping Safe for My Baby?https://www.healthline.com/health/baby-sleeping-on-side

    Ngày tham khảo: 30/04/2021

  2. Baby sleeping on side: Risks and changing positionshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/baby-sleeping-on-side

    Ngày tham khảo: 30/04/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người