Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt được xác định bằng cách nào?
Nội dung bài viết
Đái tháo nhạt là tình trạng cơ thể tạo ra nhiều nước hơn bình thường. Có hai dạng đái tháo nhạt là đái tháo nhạt trung ương và đái tháo nhạt do thận. Một vài trường hợp, đái tháo nhạt trung ương có thể chỉ xảy ra tạm thời. Triệu chứng bệnh đái tháo nhạt thường là khiến bệnh nhân cảm giác rất khát nước. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu thêm về các dấu hiệu bệnh đái tháo nhạt khác qua bài viết dưới đây.
Bệnh đái tháo nhạt là gì?
Đái tháo nhạt là một bệnh lý hiếm gặp khiến cơ thể người bệnh sản xuất ra nhiều nước tiểu có màu nhạt hoặc không màu và không mùi. Người bình thường sẽ đi tiểu từ 1 – 2 lít mỗi ngày. Tuy nhiên, những người mắc bệnh đái tháo nhạt có thể đi tiểu từ 3 – 20 lít mỗi ngày.
Bệnh đái tháo nhạt khác với bệnh đái tháo đường mặc dù tên gọi tương đồng với nhau. Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt giống với đái tháo đường ở một điểm là khiến người bệnh khát nước nhiều và đi tiểu nhiều.
Về dịch tễ, khoảng 25 000 người mới có một bệnh nhân mắc phải bệnh đái tháo nhạt. Còn đái tháo đường thì phổ biến hơn, theo thống kê có khoảng 100 000 000 người Mỹ mắc bệnh này ở type 1 hoặc type 2.
Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt
Dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt xuất hiện ở từng độ tuổi là khác nhau.
Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt ở người lớn
- Khát dữ dội.
- Đi tiểu hơn 3 lít nước tiểu mỗi ngày (chứng đa niệu).
- Tiểu đêm.
- Nước tiểu nhạt hoặc không màu, không mùi.
- Nồng độ nước tiểu đo được thấp.
- Ưa chuộng đồ uống lạnh.
- Mất nước.
- Mệt mỏi, yếu ớt.
- Đau cơ.
- Cáu kỉnh.
Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt ở trẻ em
- Cáu kỉnh.
- Tăng trưởng chậm.
- Bú kém.
- Giảm cân.
- Sốt.
- Nôn mửa.
- Táo bón.
- Tã ướt, nặng.
Nguyên nhân của bệnh đái tháo nhạt là gì?
Cơ thể tạo ra một hormone gọi là vasopressin (hormone bài niệu hay ADH) trong một phần của não được gọi là vùng dưới đồi. Hormone này thường được dự trữ ở tuyến yên. Vasopressin có vai trò trong việc giữ nước và làm cho nước tiểu cô đặc hơn.
Khi khát nước hoặc mất nước một chút, nồng độ vasopressin sẽ tăng lên. Thận sẽ hấp thu nhiều nước hơn và thải ra nước tiểu cô đặc. Khi nước được cung cấp đủ cho cơ thể, nồng độ vasopressin giảm xuống và nước tiểu thải ra sẽ trong và loãng.
Trường hợp cơ thể không sản xuất đủ vasopressin,tình trạng này được gọi là đái tháo nhạt trung ương. Trường hợp cơ thể sản xuất đủ vasopressin mà vẫn có các triệu chứng bệnh đái tháo nhạt thì được gọi là đái tháo nhạt do thận. Cả hai trường hợp, các dấu hiệu là giống nhau. Thận không thể giữ nước, vì vậy ngay cả khi cơ thể đang mất nước, bệnh nhân vẫn thải ra rất nhiều nước tiểu nhạt.
Các biến chứng có thể xảy ra
Triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt nếu không được phát hiện và điều trị hợp lý có thể dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải. Biến chứng của bệnh này gây ra:
- Khô miệng.
- Thay đổi độ đàn hồi của da, khô da.
- Thiếu nước trầm trọng.
- Mệt mỏi, lừ đừ.
- Chuột rút cơ bắp.
- Nôn mửa.
- Mất cảm giác ngon miệng khi ăn.
- Lịm dần.
Chẩn đoán và điều trị đái tháo nhạt
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ có những câu hỏi liên quan đến thời điểm triệu chứng bệnh đái tháo nhạt xuất hiện và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Một số các xét nghiệm được đưa ra như là:
- Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xem mức độ loãng của nó. Đồng thời lượng glucose trong nước tiểu sẽ được kiểm tra để tránh nhầm lẫn với đái tháo đường. Mẫu nước tiểu phải được lấy trong khoảng thời gian là 24 giờ.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này sẽ đo các chất điện giải và glucose trong máu.
- Thử nghiệm loại bỏ chất lỏng: Phương pháp này đo lường những thay đổi về trọng lượng cơ thể, natri trong máu và nồng độ nước tiểu sau khi bệnh nhân không uống bất cứ thứ gì trong một thời gian.
- Chụp cộng hưởng từ: Đây là xét nghiệm hình ảnh. Hình ảnh sẽ phản ánh rõ nét ề những thay đổi của tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
- Sàng lọc di truyền: Xét nghiệm này sẽ được thực hiện khi các thành viên trong gia đình bạn gặp vấn đề về tạo ra quá nhiều nước tiểu.
Điều trị
Đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp đủ nước cho cơ thể. Sau đó tùy theo từng loại đái tháo nhạt mà bệnh nhân đang mắc phải:
- Đái tháo nhạt trung ương: Bác sĩ sẽ chỉ định desmopressin cho bệnh nhân trong trường hợp này. Desmopressin kiểm soát lượng nước tiểu, duy trì cân bằng lượng chất lỏng và ngăn ngừa mất nước. Nó thường được bào chế ở dạng xịt mũi, viên nén hoặc tiêm.
- Đái tháo đường do thận: Trường hợp này khó điều trị hơn. Nếu nguyên nhân là do thuốc, việc ngưng thuốc là cần thiết. Các loại thuốc khác có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng. Một số loại thuốc đó là: indomethacin, thuốc lợi tiểu hoặc hydrochlorothiazide. Mặc dù thuốc lợi tiểu thường khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn, nhưng trong trường hợp này thuốc lợi tiểu sẽ giúp tạo ra ít nước tiểu hơn.
Đái tháo nhạt không có biến chứng gây suy thận dẫn đến phải lọc máu. Thận vẫn làm công việc chính của nó là lọc máu. Tuy nhiên để tránh rơi vào tình trạng mất nước trầm trọng các triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt, người bệnh cần được theo dõi và quan tâm, đặc biệt là ở những người đã có tiền sử bị bệnh này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diabetes insipidushttps://www.webmd.com/diabetes/guide/what-is-diabetes-insipidus
Ngày tham khảo: 23/06/2021
-
Diabetes insipidushttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes-insipidus/symptoms-causes/syc-20351269
Ngày tham khảo: 23/06/2021