YouMed

Cùng tìm hiểu những triệu chứng cường giáp

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Cường giáp là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là người từ 20 – 40 tuổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về những triệu chứng cường giáp cũng như một số cách chữa trị hiệu quả qua bài viết dưới đây. 

Cường giáp là bệnh gì?

Tuyến giáp là tuyến quan trọng có nhiệm vụ sản xuất các hormone để hỗ trợ cho các hoạt động sống của cơ thể. Nhờ các hormone T3 và T4 tiết ra từ tuyến giáp, cơ thể có thể:

  • Tăng hoạt động của tế bào, tăng chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết, tăng chuyển hóa lipid giúp tạo năng lượng cho cơ thể.
  • Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho các cơ quan.
  • Tăng hoạt động của hệ thần kinh và não bộ.
  • Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.

Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, các hormone sẽ được tăng cường sản xuất. Tình trạng dư thừa hormone sẽ khiến bạn khó chịu và gây nên nhiều vấn đề sức khỏe. Đây được gọi là bệnh cường giáp. Để phòng ngừa những tác hại về sau, bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt. Do đó, việc hiểu rõ về bệnh cũng như nhận biết những triệu chứng cường giáp là rất cần thiết.

triệu chứng cường giáp
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức

Triệu chứng cường giáp

Để ngăn ngừa những hậu quả về sau, việc nhận ra các dấu hiệu của bệnh và điều trị sớm là điều tất yếu. Các triệu chứng cường giáp có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột. Những biểu hiện của bệnh thường không quá nghiêm trọng. Song ở vài trường hợp, bệnh có thể diễn ra trầm trọng hơn và gây  ảnh hưởng tới cuộc sống.

Đánh trống ngực

Cường giáp thường khiến tim đập nhanh, mạnh, đôi khi dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc rung nhĩ. Người bệnh vì vậy cũng cảm thấy khó thở hoặc đau ngực.

Sợ nóng, ra nhiều mồ hôi

Tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm tăng chuyển hóa của cơ thể. Do đó, thân nhiệt của người mắc bệnh thường cao hơn bình thường. Người bị cường giáp luôn cảm thấy nóng nực, dễ ra mồ hôi dù không vận động. Lâu dần người bệnh sẽ mang tâm lý sợ nóng.

Tiêu chảy

Các chuyển hóa của cơ thể tăng kéo theo hoạt động của hệ bài tiết. Nếu gặp hiện tượng tiêu chảy trong thời gian dài, bạn có thể đã bị cường giáp.

Run tay

Cường giáp thường gây chứng run tay ở tần số nhanh và biên độ nhỏ. Một số vị trí khác như lưỡi, môi, đầu hoặc chân cũng có hiện tượng này.

Xuất hiện bướu ở cổ

Bệnh nhân cường giáp thường có tuyến giáp phình to như cục bướu ở cổ. Bướu thường không có các biểu hiện viêm như sưng nóng hoặc đỏ. Bạn sẽ cảm thấy mềm khi sờ vào bướu.

Sụt cân

Do quá trình trao đổi chất xảy ra nhanh hơn bình thường, người mắc cường giáp dễ bị sụt cân. Dù chế độ ăn không thay đổi, bệnh nhân có thể sụt vài kí lô gram trong 1 tháng.

Rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi

Cường giáp có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Người bị bệnh thường gặp khó khăn khi ngủ, ngủ không yên hoặc không sâu. Đồng thời, bạn dễ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng vận động.

triệu chứng cường giáp
Người cường giáp thường có tuyến giáp sưng to và có hình dạng như bướu cổ

Những biến chứng của cường giáp

Sau khi hiểu về các triệu chứng cường giáp, nhiều người thường đặt câu hỏi: “Liệu bệnh có nguy hiểm không?”. Dưới đây là các biến chứng mà bệnh nhân mắc bệnh có thể gặp phải:

  • Các vấn đề trên tim mạch như nhịp tim nhanh hoặc sung huyết.
  • Xương giòn và dễ gãy.
  • Các vấn đề về mắt như bệnh lồi mắt, đỏ hoặc sưng mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể mất thị lực vĩnh viễn.
  • Da mẩn đỏ hoặc sưng tấy ở cẳng chân hoặc bàn chân.
  • Nhiễm độc tuyến giáp, là nguyên nhân gây sốt cao, mạch nhanh hoặc thậm chí mê sảng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh

80 – 90% trường hợp cường giáp bắt nguồn từ bệnh Graves hay bệnh bướu độc lan tỏa. Nguyên nhân cường giáp là do tuyến giáp bị tấn công nên sẽ tiết ra nhiều hormones để bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, cường giáp còn có thể xảy ra do các yếu tố khác như:

  • Viêm tuyến giáp: cường giáp là hệ quả của sự phá hủy tuyến giáp và giải phóng hormone dự trữ.
  • Bướu độc: là một khối u tiết ra hormone tuyến giáp.
  • Sử dụng các thuốc kháng giáp.
  • Ăn quá nhiều iod.

Cách điều trị bệnh cường giáp

Khi có các triệu chứng cường giáp, bạn nên thực hiện các xét nghiệm cường giáp để được chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị cường giáp phù hợp. Hiện tại, y học có 4 phương pháp chủ yếu, bao gồm:

  • Dùng thuốc kháng giáp.
  • Dùng iod phóng xạ.
  • Phẫu thuật.
triệu chứng cường giáp
Bệnh nhân cường giáp sẽ được bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên tình trạng bệnh

Dùng thuốc kháng giáp

Thuốc kháng giáp dùng trong điều trị cường giáp được chia thành 2 nhóm chính: thuốc kháng giáp tổng hợp và các chế phẩm chứa iod. Các thuốc này có tác dụng ngăn tuyến giáp tiết ra các hormone. Triệu chứng bệnh thường giảm dần trong vài tháng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, việc điều trị sẽ kéo dài khoảng vài năm.

Thuốc kháng giáp có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân cần được xét nghiệm chức năng gan trước khi bắt đầu dùng thuốc.

Dùng iod phóng xạ

Phóng xạ iod được dùng để tiêu hủy tuyến giáp. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân trên 21 tuổi hoặc những bệnh nhân nhỏ tuổi nhưng không kiểm soát được bệnh khi dùng thuốc. Ngoài ra, không nên dùng iod phóng xạ cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú do có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bướu giáp quá lớn.
  • Bị tái phát cường giáp sau 1 liệu trình thuốc kháng giáp.
  • Không thể dung nạp thuốc kháng giáp hoặc từ chối dùng iod phóng xạ.
  • Người trẻ tuổi có bướu độc hoặc bướu đa nhân.

Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và chỉ để lại 2-3g ở mỗi thùy. Nếu bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật hoặc dùng phóng xạ trước đó, phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.

Cường giáp là bệnh lý hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết sớm những triệu chứng cường giáp là cách để phòng bệnh hiệu quả. Song bạn vẫn nên đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.nhs.uk/conditions/overactive-thyroid-hyperthyroidism/symptoms/
  2. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/overactive-thyroid-hyperthyroidism

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người