Nhận biết triệu chứng viêm nha chu và những vấn đề liên quan
Nội dung bài viết
Triệu chứng viêm nha chu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm sẽ tăng nguy cơ mất răng do xương và mô của chân răng bị phá hủy. Vì thế, trong bài viết dưới đây, bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc sẽ giúp bạn nhận biết và phát hiện ra những vấn đề liên quan. Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nhận biết triệu chứng viêm nha chu
Nha chu là thuật ngữ chỉ mô quanh răng, bao gồm: nướu răng, xương ổ răng, dây chằng nha chu…Viêm nha chu là tình trạng mô nha chu bị viêm nhiễm. Bình thường, nướu khỏe mạnh màu hồng nhạt, ôm sát chân răng, do có phần nướu dính và nướu rời. Do đó, biểu hiện của viêm nha chu khá rầm rộ. Sau đây là những dấu hiệu dễ nhận biết của tình trạng này:
- Vôi răng mảng bám bám nhiều là dấu hiệu thường thấy ở những bệnh nhân viêm nha chu.
- Nướu răng màu đỏ sẫm, sưng đau, dễ chảy máu, đôi khi có mủ.
- Nướu răng mềm, không bám chắc vào răng hoặc bị tụt nướu.
- Hơi thở có mùi khó chịu.
- Đau nhức răng, răng nhạy cảm (ê buốt), thậm chí bị lung lay.
- Bàn chải đánh răng đổi màu sang màu hồng.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, rất có thể bạn đang có tình trạng viêm nha chu và cần điều trị ngay.
Xem thêm: Viêm nướu và viêm nha chu: Bạn biết những gì?
Các giai đoạn triệu chứng của viêm nha chu
Viêm nha chu sẽ dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị. Các giai đoạn này sẽ tiến triển theo từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng.
Hình thành tình trạng viêm
Ban đầu, những mảng bám do thức ăn bám trên bề mặt răng. Theo đó, chúng tạo điều kiện cho sự tích tụ của vi khuẩn. Lâu dài, nhiễm trùng hình thành ở nướu gọi là viêm lợi. Lúc này, khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, răng của bạn sẽ dễ bị chảy máu. Ngoài ra, răng ngả màu do mảng bám.
Cần lưu ý rằng vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng nhưng chỉ sinh sôi khi có điều kiện thuận lợi. Đó có thể xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém.
Viêm nha chu sớm
Nếu tình trạng viêm nhiễm không điều trị tốt, sẽ dẫn đến bệnh nha chu sớm. Trong giai đoạn này, nướu có thể bị tụt lại, hay làm lung lay răng và hình thành các túi nhỏ giữa nướu và răng. Các túi này chứa nhiều vi khuẩn. Đồng thời, hệ miễn dịch cơ thể sẽ được kích hoạt, gây sốt, đau nhức.
Viêm nha chu mức vừa
Khi ở tình trạng này, sẽ xảy ra hiện tượng chảy máu chân răng, đau quanh răng và tụt nướu. Răng không còn sự hỗ trợ của khung xương dần giảm sự liên kết với nhau. Tình trạng nhiễm trùng chuyển nặng và kích thích phản ứng viêm nặng hơn.
Viêm nha chu tiến triển
Đây là rối loạn nghiêm trọng nhất. Mô liên kết tại răng giảm đi rõ rệt. Song song đó, nướu, xương và mô bị phá hủy. Vì thế, bạn có thể đau dữ dội khi nhai, hơi thở có mùi rất khó chịu. Đáng lưu ý nhất, viêm nha chu nếu không sử dụng thuốc điều trị kịp thời có thể gây mất răng.
Nguyên nhân gây viêm nha chu
Viêm nha chu do đâu?
Tác nhân làm phát triển viêm nha chu sẽ trả qua nhiều giai đoạn. Nhưng nhìn chung, tình trạng này bắt nguồn từ việc vệ sinh răng miệng. Nếu không làm sạch đúng hay không chải răng ở những vị trí khó tiếp cận, sẽ gây:
Vi khuẩn trong miệng sinh sôi và tạo thành các mảng bám. Nếu không loại bỏ mảng bám ngay, sẽ lắng đọng vi khuẩn và tiết ra những chất khoáng độc hại. Theo thời gian, chất khoáng này chính là vôi răng, đa số bám ở chân răng. Phản ứng miễn dịch của cơ thể lúc này cũng sẽ dữ dội hơn nhiều.
Cứ như vậy, sẽ hình thành túi nha chu, được xem là một khoảng trống giữa nướu và chân răng. Do vậy, sự gắn kết của nướu và răng sẽ giảm đi đáng kể. Đây là một vòng tròn bệnh lý. Khi sự gắn kết trên kém đi, lại tiếp tục là điều kiện cho vi khuẩn kị khí có hại cư trú.
Yếu tố nguy cơ của viêm nha chu
Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác nhân thuận lợi gây viêm nha chu:
- Hút thuốc lá.
- Béo phì – thừa cân.
- Bệnh đái tháo đường type 2.
- Ở phụ nữ, thay đổi nội tiết do kinh nguyệt, mãn kinh hay mang thai.
- Suy giảm miễn dịch do bệnh bạch cầu hay HIV/AIDS.
- Thuốc.
- Dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin C.
Xem thêm: Bạn đã hiểu rõ về giai đoạn tiền mãn kinh?
Chẩn đoán triệu chứng của viêm nha chu và biến chứng
Chẩn đoán viêm nha chu
Tình trạng này sẽ được chẩn đoán dựa trên 3 yếu tố:
- Khám trực tiếp răng miệng để tìm hiểu tình trạng, đo độ sâu túi giữa nướu và răng bằng đầu dò nha khoa. Ở người bình thường, độ sâu túi thường từ 1 đến 3mm. Các túi sâu hơn 4 mm là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu. Nếu sâu hơn 5mm chứng tỏ tình trạng làm sạch răng miệng không tốt.
- Chẩn đoán bằng phim X-quang: đánh giá mức độ tiêu xương
Biến chứng viêm nha chu
Những hậu quả khôn lường khác của tình trạng này là mất răng. Bởi lẽ xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy. Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây sự xâm nhập của vi khuẩn vào hệ mạch máu của mô chân răng. Từ đó, nó có thể gây bệnh toàn cơ thể như:
- Đột quỵ hay bệnh mạch vành.
- Viêm khớp.
- Hen phế quản.
- Thậm chí sinh non hay trẻ sinh thiếu ký.
Xem thêm: Đột quỵ là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phục hồi
Phòng ngừa triệu chứng viêm nha chu
Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng chính sinh hoạt hằng ngày như:
- Vệ sinh răng miệng thật tốt. Đánh răng ít nhất 2 lần. 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, 1 lần vào buổi sáng. Ngoài ra, bạn có thể đánh răng sau các bữa ăn chính.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa florua.
- Khuyến khích dùng chỉ nha khoa hằng ngày, trước khi đánh răng.
- Đến khám cạo vôi răng 6-12 tháng một lần.
- Không hút thuốc.
Xem thêm: Tại sao chúng ta nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride?
Những triệu chứng viêm nha chu hoàn toàn có thể được nhận biết dễ dàng. Từ đó, bạn có thể cải thiện bằng những giải pháp ngay tại nhà. Viêm nha chu sẽ trải qua nhiều giai đoạn và mức nghiêm trọng tiến triển dần. Hi vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn để có một sức khỏe răng miệng tốt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Các thuốc điều trị viêm nha chuhttps://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-viem-nha-chu-169125732.htm
Ngày tham khảo: 13/08/2021
-
Periodontitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/periodontitis/diagnosis-treatment/drc-20354479
Ngày tham khảo: 13/08/2021
-
Gum diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/gum-disease/
Ngày tham khảo: 13/08/2021