Cùng bác sĩ tìm hiểu về bệnh u lympho hodgkin
Nội dung bài viết
Ung thư hạch bạch huyết (ung thư hạch / u lympho) là loại bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh huyết học ác tính ở người lớn. Theo GS.TS Mai Trọng Khoa – Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tỷ lệ mắc u lympho ở nước ta theo tuổi là 5,2/100.000 dân. Tỉ suất mắc bệnh tập trung ở các nhóm tuổi: 35 – 40; 50 – 55; tuổi trung bình 50 – 60 tuổi.
U lympho ác tính được phân thành hai nhóm lớn: không Hodgkin (thường gặp, chiếm 5/6 tổng số ca); và Hodgkin (chiếm 1/6 tổng số ca). Tuy nhiên, với bệnh u lympho Hodgkin thì tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 80% nếu được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
U lympho Hodgkin là gì?
U lympho Hodgkin là một loại ung thư máu được bắt đầu từ hệ thống bạch huyết. Hệ thống bạch huyết giúp hệ thống miễn dịch loại bỏ chất thải và chống lại nhiễm trùng. U lympho Hodgkin còn được gọi là bệnh Hodgkin (HD) hay ung thư hạch Hodgkin, u hạch Hodgkin.
U lympho Hodgkin bắt nguồn từ các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ bạn khỏi vi trùng cũng như sự nhiễm trùng. Những tế bào bạch cầu này được gọi là tế bào lympho. Ở những người bị u hạch, những tế bào này phát triển bất thường và lan tràn ra ngoài hệ thống bạch huyết. Khi bệnh tiến triển, nó sẽ khiến cho cơ thể bạn khó chống lại sự nhiễm trùng hơn.
U lympho Hodgkin có thể là bệnh Hodgkin cổ điển hoặc u lympho Hodgkin ưu thế dạng nốt (NLPHL). Phân loại u lympho Hodgkin nào dựa trên cơ sở: loại tế bào nào liên quan đến bệnh của bạn; và hành vi của chúng.
Nguyên nhân của u lympho Hodgkin
Nguyên nhân chính của u lympho Hodgkin vẫn chưa được trả lời đầy đủ. Căn bệnh này đã được cho là có liên quan đến đột biến hoặc thay đổi DNA; cũng như virus Epstein-Barr (EBV), gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
Dấu hiệu của u lympho hodgkin
Triệu chứng phổ biến nhất của u lympho Hodgkin là sưng hạch bạch huyết, hình thành một khối u dưới da. Khối u này thường không đau. Nó có thể hình thành ở một hoặc nhiều vị trí, bao gồm:
- Ở bên cổ
- Ở nách
- Quanh háng
Các triệu chứng khác của u lympho Hodgkin bao gồm:
- Đổ mồ hôi về đêm
- Ngứa da
- Sốt
- Mệt mỏi
- Sụt cân ngoài ý muốn
- Ho dai dẳng, khó thở, đau ngực
- Đau các hạch bạch huyết sau khi uống rượu
- Lá lách to
Hãy gọi cho bác sĩ của bạn ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Chúng vẫn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Nhưng điều quan trọng là bạn cần phải được chẩn đoán loại trừ nguyên nhân do u lympho Hodgkin.
Chẩn đoán u lympho hodgkin
Đểchẩn đoán u lympho Hodgkin, bác sĩ sẽ hỏi bạn về bệnh sử cá nhân và gia đình của bạn. Sau đó, có thể yêu cầu bạn trải qua các xét nghiệm và thủ thuật, bao gồm:
Khám sức khỏe
Bác sĩ sẽ kiểm tra các hạch bạch huyết bị sưng, bao gồm: ở cổ; dưới cánh tay và bẹn; cũng như lá lách hoặc gan bị sưng.
Xét nghiệm máu
Một mẫu máu của bạn sẽ được lấy và kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem có bất kỳ bằng chứng nào trong máu của bạn cho thấy khả năng bạn mắc bệnh ung thư hay không.
Các xét nghiệm hình ảnh học
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh học để tìm các dấu vết của ung thư hạch Hodgkin ở các vùng khác trên cơ thể bạn. Các xét nghiệm có thể bao gồm chụp X – quang, CT và PET – CT (chụp cắt lớp xạ positron).
Sinh thiết hạch bạch huyết
Bác sĩ có thể đề nghị một thủ tục sinh thiết hạch bạch huyết. Đây là thủ thuật loại bỏ một hạch bạch huyết để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Bạn sẽ được chẩn đoán ung thư hạch Hodgkin cổ điển nếu các tế bào bất thường được gọi là tế bào Reed-Sternberg được tìm thấy trong hạch bạch huyết.
Sinh thiết tủy xương:
Thủ thuật chọc hút và sinh thiết tủy xương bao gồm việc đưa một cây kim vào xương hông của bạn để lấy đi một mẫu tủy xương. Mẫu này được phân tích để tìm tế bào ung thư hạch Hodgkin.
Các xét nghiệm và quy trình khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào trường hợp bệnh của bạn.
Các phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị ung thư hạch Hodgkin nào phù hợp với bạn tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và mong muốn của bạn. Mục tiêu của việc điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và giúp thuyên giảm bệnh.
Hóa trị liệu
Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng thuốc. Chúng ta sẽ sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư hạch. Thuốc hóa trị lưu chuyển trong máu của bạn và có thể đến gần như tất cả các vùng trên cơ thể bạn.
Hóa trị thường được kết hợp với xạ trị ở những người bị ung thư hạch Hodgkin loại cổ điển giai đoạn đầu. Xạ trị thường được thực hiện sau khi hóa trị. Trong ung thư hạch Hodgkin tiến triển, hóa trị có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị.
Thuốc hóa trị có thể được dùng ở dạng viên hoặc truyền qua tĩnh mạch cánh tay, hoặc đôi khi sử dụng cả hai phương thức. Một số sự kết hợp các loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị u lympho Hodgkin.
Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại thuốc bạn dùng. Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và rụng tóc. Các biến chứng lâu dài nghiêm trọng có thể xảy ra, chẳng hạn như: tổn thương tim; tổn thương phổi; các vấn đề về khả năng sinh sản và các bệnh ung thư khác, ví dụ là bệnh bạch cầu.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với ung thư hạch Hodgkin cổ điển, xạ trị thường được sử dụng sau khi hóa trị. Những người mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin dạng nốt chiếm ưu thế ở giai đoạn đầu có thể được xạ trị đơn liệu pháp.
Trong quá trình xạ trị, bạn được chuẩn bị cho nằm trên bàn và rồi một cỗ máy lớn di chuyển xung quanh bạn, hướng các chùm tia năng lượng đến các điểm cụ thể trên cơ thể bạn. Bức xạ có thể nhắm vào các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và khu vực lân cận của các hạch, nơi bệnh có thể tiến triển đến. Thời gian điều trị tia xạ khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Với một kế hoạch điều trị điển hình, chuyên viên y tế có thể yêu cầu bạn đến bệnh viện hoặc phòng khám năm ngày một tuần trong vài tuần. Mỗi lần khám, bạn phải trải qua một đợt xạ trị kéo dài 30 phút.
Xạ trị có thể gây mẩn đỏ da và rụng tóc tại vị trí chiếu xạ. Nhiều người có thể cảm thấy mệt mỏi trong quá trình xạ trị. Những rủi ro có thể xuất hiện bao gồm: bệnh tim; đột quỵ; các vấn đề về tuyến giáp; vô sinh và các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú hoặc ung thư phổi.
Cấy ghép tủy xương
Ghép tủy xương, còn được gọi là ghép tế bào gốc. Đây là một phương pháp điều trị để thay thế tủy xương bị bệnh của bạn bằng các tế bào gốc khỏe mạnh giúp bạn phát triển tủy xương mới. Ghép tủy xương có thể là một lựa chọn nếu bệnh u lympho Hodgkin tái phát mặc dù đã được điều trị.
Trong quá trình cấy ghép tủy xương, các tế bào gốc từ máu của chính bạn sẽ được lấy ra, đông lạnh và lưu trữ để sử dụng sau này. Tiếp theo bạn được hóa trị và xạ trị liều cao để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Cuối cùng, tế bào gốc của bạn được rã đông và tiêm vào cơ thể của bạn qua tĩnh mạch. Các tế bào gốc giúp tân tạo cho bạn tủy xương khỏe mạnh.
Tuy nhiên, những người trải qua cấy ghép tủy xương có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Điều trị bằng thuốc khác
Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị u lympho Hodgkin bao gồm:
- Các loại thuốc nhắm mục tiêu: nhằm tác động tập trung vào những điểm yếu nhất định trong tế bào ung thư của bạn
- Liệu pháp miễn dịch: hoạt động để kích hoạt hệ thống miễn dịch của chính bạn để tiêu diệt các tế bào hạch ung thư.
Nếu các phương pháp điều trị khác không có tác dụng hoặc nếu ung thư hạch Hodgkin của bạn tái phát, các tế bào hạch ung thư của bạn có thể được phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm đột biến gen. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng một loại thuốc nhắm vào các đột biến cụ thể có trong tế bào hạch ung thư của bạn.
Liệu pháp nhắm mục tiêu là một lĩnh vực nghiên cứu đang mang lại nhiều tích cực. Nhiều loại thuốc trị liệu nhắm mục tiêu mới đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
Bệnh u lympho được xem là căn bệnh khó để điều trị khỏi trong thực hành lâm sàng. Bởi đa phần người bệnh thường không biết mình có bệnh, không biết các dấu hiệu bệnh để phòng tránh và kiểm tra kịp thời. Chỉ đến khi có dấu hiệu biến chứng mới đến gặp bác sĩ, thì mọi chuyện gần như đã an bài, đánh mất đi thời điểm “vàng” để khống chế và điều trị bệnh hiệu quả. Vì vậy hãy lưu tâm và chia sẻ kiến thức bổ ích này đến với mọi người ngay hôm nay!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.healthline.com/health/hodgkins-lymphoma#outlook
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hodgkins-lymphoma/symptoms-causes/syc-20352646
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hodgkins-lymphoma/diagnosis-treatment/drc-20352650
- https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/con-so-giat-minh-ve-nguoi-tu-vong-do-ung-thu-hach