YouMed

Bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Theo GLOBOCAN (Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu) về ung thư hạch bạch huyết, thống kê năm 2018 cho thấy: có gần 510.000 người mắc mới (chiếm gần 6%); và gần 250.000 người tử vong (chiếm gần 2,6%) trên toàn thế giới. Cũng năm 2018, tại Việt Nam thống kê có hơn 3.500 trường hợp mắc mới (chiếm gần 2,3%); và hơn 2.100 trường hợp tử vong.

Ung thư hạch đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư. U hạch có nhiều dạng bệnh khác nhau, có thể di căn và biểu hiện ở nhiều cơ quan. Bệnh tác động xấu đến khả năng miễn dịch, hoạt động của các cơ quan khác, đe dọa tính mạng người bệnh. Với mong muốn trả lời câu hỏi ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu, hãy đọc bài viết này ngay hôm nay!

Chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết

Sinh thiết thường được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ đó là ung thư hạch. Điều này chỉ việc lấy đi các tế bào khỏi một hạch bạch huyết đang lớn bất thường. Một bác sĩ chuyên khoa huyết học sẽ kiểm tra các tế bào để xác định xem liệu có tế bào ung thư hạch hay không và chúng thuộc loại tế bào nào.

Nếu bác sĩ huyết học phát hiện ra tế bào ung thư hạch, một số xét nghiệm có thể được thực hiện thêm để xác định mức độ di căn của ung thư. Các xét nghiệm này có thể bao gồm chụp X – Quang ngực; xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm các mô hoặc hạch bạch huyết gần đó.

Xét nghiệm hình ảnh học, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT); hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể xác định thêm các khối u hoặc các hạch bạch huyết đang tăng sinh.

Có nhiều loại ung thư hạch và việc biết chính xác loại ung thư mà bạn mắc phải là điều kiện tiên quyết để phát triển một kế hoạch điều trị hiệu quả; cũng như trả lời cho câu hỏi ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu. Nghiên cứu cho thấy rằng có một mẫu sinh thiết được đọc bởi chuyên gia giải phẫu bệnh học mang lại cơ hội chẩn đoán chính xác cao hơn.

Các phương pháp điều trị ung thư hạch bạch huyết

Phương pháp điều trị ung thư hạch nào phù hợp với bạn phụ thuộc vào loại và giai đoạn bệnh; trạng thái sức khỏe và mong muốn của bạn. Mục tiêu của việc điều trị là tiêu diệt càng nhiều tế bào ung thư càng tốt và khiến bệnh thuyên giảm.

Phương pháp điều trị ung thư hạch có thể kể đến là:

  • Giám sát chủ động. Một số loại ung thư hạch tiến triển rất chậm. Bạn và bác sĩ có thể quyết định chờ đợi, để điều trị ung thư hạch khi nó gây ra các dấu hiệu và triệu chứng làm hạn chế các hoạt động hàng ngày của bạn. Cho đến thời điểm đó, bạn có thể sẽ phải thực hiện các xét nghiệm định kỳ để theo dõi tình trạng của mình.
  • Hóa trị liệu. Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh, nhất là như tế bào ung thư. Thuốc thường được dùng qua đường tĩnh mạch, nhưng cũng có thể được dùng dưới dạng viên uống, tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể mà bạn nhận được.
  • Xạ trị. Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và tia proton, để tiêu diệt tế bào ung thư.

Các loại thuốc điều trị ung thư hạch bạch huyết

Phương pháp điều trị cho một trong hai dạng ung thư hạch bạch huyết phụ thuộc vào các tế bào cụ thể nào bị ảnh hưởng và loại ung thư. Ngoài phương pháp sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u; các bác sĩ thường chỉ định thuốc tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc điều trị các triệu chứng ung thư hạch.

ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu
Thuốc hóa trị ung thư

Thuốc hóa trị ung thư hạch Hodgkin

Thuốc hóa trị là thuốc được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để nhắm vào các tế bào ung thư hạch. Những loại thuốc này tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kìm hãm chúng sinh sôi. Thuốc hóa trị có thể điều trị dạng ung thư hạch Hodgkin.

Thuốc hóa trị thường được sử dụng bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để đạt kết quả tối ưu. Các bác sĩ thực hiện dẫn thuốc thông qua đường tĩnh mạch (IV). Các đường truyền tĩnh mạch đặc biệt được gọi là “port” hoặc “port-a-cath” được sử dụng để truyền các loại thuốc này. Cổng đổ thuốc được mở bên trong một tĩnh mạch lớn, thường là ở ngực. Điều này giúp phòng tránh tổn thương tĩnh mạch do tác dụng mạnh của thuốc.

Có ba phác đồ hóa trị chủ yếu cho bệnh ung thư hạch Hodgkin:

ABVD bao gồm các loại thuốc sau:

  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Bleomycin (Blenoxane)
  • Vinblastine (Velban)
  • Dacarbazine (DTIC-Dome)

BEACOPP bao gồm các loại thuốc sau:

  • Bleomycin (Blenoxane)
  • Etoposide (Etopophos, Toposar, VePesid, VP-16)
  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Cyclophosphamide (Cytoxan)
  • Vincristine (Oncovin)
  • Procarbazine (Matulane)
  • Prednisone (Rayos, Prednisone Intensol)

Stanford V bao gồm các loại thuốc sau:

  • Mechlorethamine (Mustargen)
  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Vinblastine (Velban)
  • Vincristine (Oncovin)
  • Bleomycin (Blenoxane)
  • Etoposide (Etopophos, Toposar, VePesid, VP-16)
  • Prednisone (Rayos, Prednisone Intensol)

Các bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ Stanford V cho những người bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối. Các bác sĩ có nhiều khả năng sẽ chỉ định phác đồ ABVD cho các giai đoạn sớm hơn.

Thuốc hóa trị ung thư hạch không Hodgkin

Các bác sĩ cũng kê đơn thuốc hóa trị để điều trị ung thư hạch không Hodgkin (NHL). Tương tự như các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư hạch Hodgkin, các dược sĩ có thể kết hợp nhiều loại thuốc hóa trị với nhau. Các loại thuốc này được chia thành sáu nhóm. Các bác sĩ chọn một loại thuốc dựa trên loại và giai đoạn ung thư hạch bạch huyết.

Tác nhân alkyl hóa:

Những loại thuốc này ngăn không cho tế bào tái tạo bằng cách phá hủy DNA. Mặc dù hiệu quả nhưng chúng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh leukemia. Những ví dụ là:

  • Cyclophosphamide (Cytotoxan)
  • Chlorambucil (Leukeran)
  • Bendamustine (Treanda)
  • Ifosfamide (Ifex)

Corticosteroid

Corticosteroid tiêu diệt các tế bào ung thư; ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và có thể giúp giảm buồn nôn. Ví dụ về các loại thuốc này là:

  • Prednisone (Rayos, Prednisone Intensol)
  • Dexamethasone (Decadron)

Thuốc Platinum

Thuốc Platinum hoạt động tương tự như các chất alkyl hóa, nhưng chúng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. Ví dụ về các loại thuốc này bao gồm:

  • Carboplatin (Paraplatin)
  • Cisplatin (Platinol)
  • Oxaliplatin (Eloxatin)

Các chất đồng dạng với Purine

Các chất đồng dạng với Purine làm giảm sự trao đổi chất của tế bào để ngăn các tế bào ung thư tái sản xuất và phân chia. Các ví dụ:

  • Cladribine (2-CdA, Leustatin)
  • Fludarabine (Fludera)
  • Pentostatin (Nipent)

Chất chống chuyển hóa

Những loại thuốc này ngăn cản DNA và RNA nhân lên và giết chết các tế bào ung thư. Những ví dụ bao gồm:

  • Capecitabine (Xeloda)
  • Cytarabine (ara-C)
  • Gemcitabine (Gemzar)
  • Methotrexate (Trexall)
  • Pralatrexate (Folotyn)

Thuốc bổ trợ

Các loại thuốc bổ trợ được sử dụng để điều trị ung thư hạch bạch huyết trong một  trường hợp không điển hình. Bao gồm:

  • Bleomycin (Blenoxane)
  • Doxorubicin (Adriamycin)
  • Etoposide (Etopophos, Toposar, VePesid, VP-16)
  • Mitoxantone (Novantrone)
  • Vincristine (Oncovin)

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), CHOP là một phác đồ hóa trị u hạch không Hodgkin thông dụng. Dược sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc sau:

  • Cyclophosphamide (Cytotxan)
  • Doxorubicin (hydroxydoxorubicin)
  • Vincristine (Oncovin)
  • Prednisone (Rayos, Prednisone Intensol)

Các bác sĩ có thể bổ sung thêm Rituximab (Rituxan) vào phác đồ này, được gọi là R-CHOP.

Theo Hiệp hội Bệnh bạch cầu & Lymphoma (LLS), phác đồ R-CHOP điều trị các dạng u hạch không Hodgkin tích cực hơn. Phương pháp này có thể chữa khỏi u hạch không Hodgkin ở một số người.

Sự kết hợp của Cyclophosphamide, Vincristine và Prednisone (CVP) là một lựa chọn khác.

Thuốc miễn dịch điều trị ung thư hạch không Hodgkin

Liệu pháp miễn dịch có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư ở những người bị u hạch không Hodgkin. Ngoài việc chống ung thư, các loại thuốc miễn dịch có thể hạn chế một số tác dụng phụ của hóa trị, thường gặp là buồn nôn và mệt mỏi.

Những loại thuốc này thường được gọi là những tên lửa dẫn đường. Chúng nhắm đến mục tiêu cụ thể ở các tế bào ung thư. Các loại thuốc hóa trị khác có thể gây hại cho các tế bào khỏe mạnh có tốc độ nhân lên nhanh chóng, chẳng hạn như tế bào tóc.

Thuốc miễn dịch điều trị u hạch không Hodgkin bao gồm:

  • Các chất điều biến miễn dịch, bao gồm thalidomide (Thalomid) và lenalidomide (Revlimid)
  • Kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như rituximab (Rituxan)
  • Chất ức chế proteasome, chẳng hạn như bortezomib (Velcade)
  • Phương pháp điều trị phân tử nhỏ, chẳng hạn như panobinostat (Farydak)

Bác sĩ có thể kê đơn các phương pháp này hoặc các phương pháp điều trị khác, tùy thuộc vào loại u hạch không Hodgkin của người đó.

Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?

Theo Hiệp hội Bệnh bạch cầu & Ung thư hạch, ung thư hạch Hodgkin là một bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi cao. Tỷ lệ sống sót của cả u hạch không Hodgkin (NHL) và u hạch Hodgkin phụ thuộc vào mức độ di căn của các tế bào ung thư và loại ung thư.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tỷ lệ sống sót sau 5 năm tổng thể của bệnh nhân NHL là 70% và tỷ lệ sống sót sau 10 năm là 60%.

Tỷ lệ sống sót đối với ung thư hạch Hodgkin phụ thuộc vào giai đoạn của nó. Tỷ lệ sống sót sau năm năm cho giai đoạn 1 là 90 phần trăm; trong khi tỷ lệ sống sót sau năm năm cho giai đoạn 4 là 65 phần trăm.

ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu
Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu?

Ung thư hạch bạch huyết là một bệnh lý huyết học ác tính có khả năng đe dọa đến hệ miễn dịch, hoạt động bình thường của các cơ quan khác. Từ đó, đe dọa lên tính mạng của người bệnh. Bệnh có tỉ lệ mắc cao nhưng tỉ lệ phát hiện sớm ở giai đoạn điều trị “vàng” còn thấp. Để xoay chuyển được tình thế này chúng ta cần tích cực chia sẻ thông tin để gây dựng nhận thức cộng đồng về ung thư hạch bạch huyết.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/lymphoma
  2. https://www.healthline.com/health/lymphoma/drugs
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lymphoma/symptoms-causes/syc-20352638
  4. https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/con-so-giat-minh-ve-nguoi-tu-vong-do-ung-thu-hach

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người