Ung thư tinh hoàn: Các phương pháp điều trị và tác dụng phụ
Nội dung bài viết
Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi. Tuy nhiên, đây lại là loại ung thư có tiên lượng tốt. Nhiều bệnh nhân lo lắng về việc điều trị ung thư tinh hoàn gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Cùng hiểu thêm về các cách điều trị bệnh lý này qua bài viết sau của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn
Chúng ta đã biết rằng phương pháp luôn được áp dụng đầu tiên trong điều trị ung thư tinh hoàn là cắt bỏ bẹn triệt để. Thủ thuật cắt bỏ tinh hoàn giúp tách khối u ra khỏi cơ thể. Đồng thời đem mô cắt được đi quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện bản chất lành – ác và các đặc tính khác của khối u.
Dựa vào bản chất của khối u và các kết quả siêu âm, xét nghiệm máu, chụp CT, X-Quang đã thực hiện. Bác sĩ sẽ thảo luận cùng bệnh nhân và chỉ định các phương pháp điều trị tiếp theo. Bao gồm: hóa trị, xạ trị hoặc chỉ theo dõi, giám sát.
Các phương pháp điều trị có tác dụng phụ như thế nào?
1. Các vấn đề về khả năng sinh sản
Ung thư tinh hoàn thường xảy ra ở đàn ông trẻ tuổi, có con hoặc chưa có con. Điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm hoặc ngừng sản xuất tinh trùng. Dẫn tới vô sinh.
Vì những lý do không được hiểu rõ, có tới 50% nam giới bị ung thư tinh hoàn có số lượng tinh trùng thấp ngay cả trước khi điều trị.
Những người đàn ông chuẩn bị điều trị bệnh trên nên cân nhắc lưu trữ tinh trùng để sử dụng trong tương lai. Các mẫu tinh dịch sẽ được lấy và bảo quản trong môi trường lạnh vẫn có khả năng được “làm sống lại” và hồi phục năng lực sinh sản.
Mẫu tinh dịch nên được thu thập trong cơ sở y tế sau khi thủ dâm. Hoặc có thể được phép lấy mẫu tại nhà trong hộp đựng vô trùng hoặc bao cao su không có hóa chất.
Việc thu thập tinh dịch nên được bắt đầu trước khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, trước khi hóa trị hoặc xạ trị. Điều này cho phép các tinh trùng khỏe mạnh nhất được lưu trữ.
2. Khuyến cáo
Ngay cả những người đàn ông có số lượng tinh trùng rất thấp (trước khi điều trị ung thư) cũng được khuyến khích lưu trữ tinh trùng. Tiêm tinh trùng vào buồng trứng (ICSI) là một loại điều trị vô sinh đòi hỏi số lượng ít tinh trùng.
Những người đàn ông không thể lưu trữ tinh trùng trước khi điều trị vẫn có khả năng làm cha sau khi điều trị. Tùy thuộc vào loại và số lượng điều trị được sử dụng.
3. Tác dụng phụ của hóa trị liệu
Có một số tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra khi hóa trị liệu ung thư tinh hoàn. Bao gồm tác dụng phụ cấp tính (xảy ra trong và ngay sau khi điều trị) và biến chứng lâu dài.
4. Tác dụng phụ ngắn hạn
Đàn ông trải qua hóa trị liệu có thể có tác dụng phụ như: mệt mỏi, rụng tóc và buồn nôn hoặc nôn.
- Buồn nôn có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị bằng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Tóc sẽ mọc lại sau khi điều trị kết thúc.
- Số lượng tế bào máu thấp có thể xảy ra trong vài tuần đầu tiên của hóa trị liệu. Điều này có thể dẫn tới tăng nguy cơ nhiễm trùng và các hệ quả khác.
5. Biến chứng lâu dài
Hóa trị có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở một số hệ thống cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt là khi được kết hợp và khi cần nhiều chu kỳ hóa trị.
Loại và mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này phụ thuộc vào loại và liều hóa trị. Các vấn đề phổ biến nhất bao gồm:
- Tổn thương thận.
- Tổn thương dây thần kinh. Gây ra cảm giác đau ở tay và chân hoặc giảm thính lực.
- Tổn thương mạch máu trong tim. Có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này thường xảy ra nhiều năm sau khi hoàn thành điều trị.
- Sẹo phổi.
Một nguy cơ lâu dài nghiêm trọng khác của điều trị ung thư tinh hoàn là sự phát triển của ung thư thứ hai. Đây không phải là sự di căn của ung thư tinh hoàn mà là một loại ung thư mới phát triển trong máu hoặc các cơ quan tạo máu.
6. Bóc tách hạch sau phúc mạc
Tác dụng phụ phổ biến nhất của bóc tách hạch sau phúc mạc (RPLND) là giảm hoặc không có tinh dịch khi xuất tinh. Những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật với RPLND thần kinh đã làm giảm tỷ lệ mắc phải vấn đề này.
Đối với những người đàn ông đã giảm hoặc không có tinh dịch khi xuất tinh, điều trị vô sinh có thể được áp dụng.
7. Tác dụng phụ của xạ trị
Trong quá trình xạ trị, mệt mỏi là tình trạng phổ biến nhưng thường không gây suy nhược. Các tác dụng không mong muốn khác có thể bao gồm:
- Tác dụng tiêu hóa. Bao gồm: buồn nôn, nôn, tăng số lần đi cầu và làm rỗng dạ dày nhanh chóng,…
- Thuốc chống buồn nôn có thể được sử dụng để kiểm soát buồn nôn và nôn.
- Ức chế tủy xương có thể xảy ra (gây thiếu máu) nhưng thường nhẹ.
- Sạm da nhẹ ở vùng da được chiếu xạ xảy ra trong vài tuần sau xạ trị và có thể hồi phục sau khi xạ trị kết thúc.
Ung thư tinh hoàn được điều trị bằng cách cắt bỏ tinh hoàn và khối u. Có thể kèm theo hóa trị, xạ trị hoặc chỉ theo dõi định kỳ. Phương pháp cắt bỏ tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh. Chính vì thế, bệnh nhân được khuyên là nên trữ lạnh tinh trùng trước khi điều trị.
Hóa trị và xạ trị gây ra các hậu quả không mong muốn khác nhau. Có loại tác dụng phụ cấp tính và loại biến chứng lâu dài. Hãy thảo luận với bác sĩ về các tác dụng phụ này và chuẩn bị cho mình tốt nhất về cả thể chất và tinh thần trên chặng hành trình này, bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patient education: Testicular cancer (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/testicular-cancer-beyond-the-basics
Ngày tham khảo: 14/10/2019