Ung thư tinh hoàn: Phát hiện, thăm khám và điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi, nhưng may mắn thay, lại là loại ung thư có tiên lượng tốt. Việc thăm khám ngay lập tức khi sờ thấy khối u hoặc có cảm giác đau thường xuyên xuất hiện ở tinh hoàn giúp sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Trong bài viết sau của Bác sĩ Phan Văn Giáo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các thông tin cơ bản về ung thư tinh hoàn: phát hiện, thăm khám và điều trị.
Bệnh ung thư tinh hoàn là gì?
Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Tinh hoàn là các tuyến sinh sản nam nằm trong bìu. Da bìu là một bao da lỏng lẻo chứa tinh hoàn và treo trực tiếp bên dưới dương vật.
Đây là loại ung thư phổ biến nhất phát sinh ở nam giới trẻ tuổi. May mắn thay, nó đã trở thành một trong những bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất. Hơn 95 phần trăm tất cả đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn sống sót sau căn bệnh của họ.
Tham khảo tại thêm: Ung thư tinh hoàn: Các phương pháp điều trị và tác dụng phụ
Ung thư tinh hoàn được phát hiện như thế nào?
Đối với hầu hết nam giới, triệu chứng đầu tiên của ung thư tinh hoàn là một khối u không đau hoặc sưng ở bìu. Một số đàn ông cũng cảm thấy đau âm ỉ hoặc cảm giác nặng nề ở bụng thấp, hoặc xung quanh hậu môn hoặc bìu. Đau là triệu chứng đầu tiên ở khoảng 10% nam giới.
Cần làm xét nghiệm gì khi nghi ngờ mắc bệnh ung thư tinh hoàn?
Những người đàn ông phát hiện một khối u trong tinh hoàn nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu nghi ngờ ung thư tinh hoàn, một số xét nghiệm có thể được yêu cầu:
- Siêu âm tinh hoàn: Đây là xét nghiệm hình ảnh sử dụng sóng âm để đo kích thước, hình dạng của tinh hoàn. Siêu âm còn cho biết đặc điểm của tinh hoàn và khối như mật độ, tính rắn hay lỏng, khối lượng ước tính… Ung thư tinh hoàn thường là một khối rắn mọc ra từ bên trong tinh hoàn. Thông thường, siêu âm có giá trị mạnh mẽ để chẩn đoán ung thư tinh hoàn.
- Xét nghiệm máu – Các chất được tạo ra bởi khối ung thư ở tinh hoàn (được gọi là dấu ấn khối u) có thể tìm được đo trong máu. Ba dấu ấn quan trọng nhất được gọi là: Alpha fetoprotein (AFP), Beta goradotropin màng đệm ở người (beta-hCG), Lactate dehydrogenase (LDH). Mức độ cao của các dấu hiệu khối u này gợi ý đến ung thư tinh hoàn và có thể giúp xác định loại ung thư tinh hoàn cụ thể hiện có.
- Chụp cắt lớp vi tính – Hầu hết nam giới nghi ngờ bị ung thư tinh hoàn sẽ được chỉ định chụp CT (đọc là “chụp xi – ti”) vùng bụng và xương chậu. Chụp X-quang hoặc CT ngực cũng thường được thực hiện kèm theo.
- Cắt bỏ tinh hoàn – Cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán ung thư tinh hoàn là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Thủ thuật này được gọi là cắt bỏ bẹn triệt để, vừa để điều trị vừa để chẩn đoán.
Điều trị ung thư tinh hoàn như thế nào?
Điều trị cả u tinh hoàn thường bao gồm phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị ảnh hưởng; phẫu thuật này được gọi là cắt bỏ bẹn triệt để. Sau khi cắt bỏ tinh hoàn, nhu cầu điều trị thêm hóa trị và xạ trị phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn ung thư và tiên lượng nhằm cải thiện tỷ lệ khỏi bệnh.
1. Phẫu thuật cắt bẹn cấp tính
Cắt bỏ bẹn cấp tính là cần thiết để chẩn đoán xác định và là bước đầu tiên trong điều trị. Trong quá trình phẫu thuật, toàn bộ tinh hoàn thường được cắt bỏ để tránh nguy cơ lan rộng khối u trong bìu. Mô từ tinh hoàn sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem xét bản chất lành – ác.
Nếu bạn đã cắt bỏ một trong hai tinh hoàn, bạn có thể cấy tinh hoàn nhân tạo (giả) để giữ dáng vẻ bình thường.
2. Hóa trị là phương pháp điều trị bổ sung của ung thư tinh hoàn
Đây là phương pháp đề cập đến việc sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Hóa trị nhắm vào các tế bào đang phát triển, can thiệp vào khả năng phân chia hoặc nhân lên của chúng. Bởi vì hầu hết các tế bào bình thường của một người trưởng thành không tích cực phát triển, chúng không bị ảnh hưởng bởi hóa trị như các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, các tế bào trong tủy xương (nơi sản sinh ra các tế bào máu), nang lông và niêm mạc của đường tiêu hóa đều phát triển nên thường cũng bị hóa chất này tấn công. Tác dụng của hóa trị liệu đối với những mô này và các mô bình thường khác gây ra tác dụng phụ trong quá trình điều trị, bao gồm rụng tóc, buồn nôn, thiếu máu, nhiễm trùng và chảy máu.
Hầu hết các loại thuốc được tiêm tĩnh mạch (IV) chứ không phải bằng đường uống. Chúng thường không được thực hiện hàng ngày mà là định kỳ. Một chu kỳ hóa trị là khoảng thời gian cần thiết sau truyền thuốc để cơ thể phục hồi. Ví dụ, một chế độ hóa trị điển hình có thể bao gồm truyền thuốc trong một giờ, ba tuần một lần. Thời gian ba tuần này là một chu kỳ trị liệu.
3. Điều trị ung thư tinh hoàn bằng cách xạ trị
Xạ trị là phương pháp dùng tia X năng lượng cao chiếu vào khối u để làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của nó. Tia X năng lượng cao làm hư hỏng các tế bào. Không giống như các tế bào bình thường, các tế bào ung thư không thể sửa chữa thiệt hại do tiếp xúc với tia X, đặc biệt là khi bức xạ được chiếu trong vài ngày.
Điều này ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển hơn nữa và cuối cùng khiến chúng chết.
4. Giám sát và theo dõi định kỳ
Trong một số trường hợp, nam giới bị ung thư tinh hoàn giai đoạn I (phát hiện sớm), khối u nhỏ không cần điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Tuy nhiên, những người đàn ông này cần phải theo dõi thường xuyên để theo dõi các dấu hiệu tái phát nhằm phát hiện sớm nhất có thể và xử trí kịp thời.
Ung thư tinh hoàn tuy là loại ung thư có tiên lượng tốt nhưng rất cần được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các xét nghiệm hiệu quả bao gồm siêu âm, xét nghiệm máu, chụp CT và cắt bỏ tinh hoàn để sinh thiết. Điều trị triệt để ung thư tinh hoàn bao gồm cắt bỏ tinh hoàn, có thể kèm theo hóa trị và xạ trị trong trường hợp cần thiết. Nhiều trường hợp phát hiện sớm chỉ cần theo dõi giám sát sau phẫu thuật.
Nam giới hãy thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của mình để sớm phát hiện, thăm khám, và điều trị kịp thời bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patient education: Testicular cancer (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/testicular-cancer-beyond-the-basics
Ngày tham khảo: 21/10/2019