Vắc-xin phòng Covid-19 SPUTNIK V (Gam-COVID-Vac): những thông tin cần nắm rõ
Nội dung bài viết
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, vắc-xin phòng Covid-19 SPUTNIK V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách để phòng chống dịch vào ngày 23/03/2021. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về vắc-xin này thông qua bài viết dưới đây!
Cơ chế tác dụng vắc-xin phòng Covid-19 SPUTNIK V
Vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus. Đây thuộc một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gen. Công nghệ này đã được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya nghiên cứu từ những năm 1953.
Sputnik V được tạo thành từ hai loại vi-rút khác nhau thuộc họ adenovirus là Ad26 và Ad5. Các adenovirus này đã được sửa đổi để chứa gen tạo ra các protein đột biến mang Covid-19. Chúng không thể sinh sản trong cơ thể con người và không gây bệnh. Hai loại adenovirus này được chia thành 2 liều riêng biệt. Cụ thể, Ad26 được sử dụng trong liều đầu tiên và Ad5 được sử dụng trong liều thứ hai để tăng tác dụng của vắc-xin.
Sau khi được tiêm, vắc-xin sẽ đưa gen Covid-19 vào các tế bào trong cơ thể. Các tế bào của cơ thể sẽ sử dụng gen để tạo ra protein đột biến. Hệ thống miễn dịch của người đó sẽ coi protein tăng đột biến này là ngoại lai. Từ đó tạo ra các biện pháp phòng thủ tự nhiên – gồm kháng thể và tế bào T – để chống lại protein này.
Nếu sau đó, người được tiêm chủng tiếp xúc thật sự với vi-rút Covid-19, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra protein đột biến trên vi-rút và chuẩn bị tấn công nó. Các kháng thể và tế bào T có thể làm việc cùng nhau để tiêu diệt vi-rút, ngăn chặn nó xâm nhập vào các tế bào của cơ thể và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Từ đó, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút Covid-19.
Vắc-xin SPUTNIK V có nguồn gốc từ đâu?
Vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển.
Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết thêm, sẽ cấp kinh phí phát triển loại vắc-xin này. Nga cũng đã đưa ra kế hoạch sẽ phối hợp với các nước để có thể sản xuất được 500 triệu liều vắc-xin Sputnik V mỗi năm tại 5 quốc gia.
Sputnik V cũng đã được trình lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đưa vào danh sách được sử dụng khẩn cấp và tiền kiểm định. Việc này giúp đẩy nhanh quá trình cung cấp loại vắc-xin này trên toàn cầu. Tiền kiểm định của WHO được xem là tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, giúp đảm bảo độ an toàn và hiệu quả của một loại vắc-xin.
Cần tiêm mấy mũi vắc-xin SPUTNIK V?
Nhà sản xuất khuyến cáo, cần tiêm đủ 2 mũi Sputnik V để đạt được miễn dịch cho cơ thể:
- Mũi 1 (0,5ml): Chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt vi-rút Ad26 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2.
- Mũi 2 (0,5ml): Chứa (1,0 ± 0,5) x 1011 hạt vi-rút Ad5 của người tái tổ hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2.
Hiệu quả của vắc-xin SPUTNIK V
Nghiên cứu trên gần 14.000 người cho thấy tiêm đủ hai liều giúp giảm 81% nguy cơ nhập viện. Tỷ lệ này là 76% trong việc ngăn ngừa tổn thương phổi nặng nếu có mắc Covid-19. Hiệu quả ở phụ nữ sẽ tốt hơn một chút so với nam giới (84% so với 76%).
Mặc dù nghiên cứu không xác nhận bệnh nhân mắc phải biến thể vi-rút nào, nhưng các cơ quan y tế Nga cho rằng 95% trường hợp mắc Covid-19 là do biến thể Delta vào tháng 7 và tháng 8 – khi nghiên cứu này được triển khai.
Độ an toàn của vắc-xin SPUTNIK V
Vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V bắt đầu đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 từ ngày 11/8/2020. Đã có hơn 16.000 người tình nguyện tham gia thử nghiệm. Những người này được chia làm hai nhóm tham gia thử nghiệm ở 29 trung tâm y tế tại Nga. Cuộc thử nghiệm được diễn ra trong vòng 21 ngày. Nhóm đầu tiên được tiêm vắc-xin Sputnik V, nhóm thứ hai được tiêm giả dược.
Tháng 9/2020, cuộc thử nghiệm đã cho kết quả. Theo đó, chỉ có khoảng 4% người được tiêm vắc-xin có triệu chứng giả cúm trong thời gian ngắn. Các triệu chứng này bao gồm nhức đầu, sốt, mệt mỏi,… Đặc biệt, không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nặng bất thường nào. Đây là kết quả tốt đẹp, vượt mức mong đợi. Điều này giúp khẳng định Sputnik V có độ an toàn cao.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đây là vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế của Nga đã triển khai tiêm loại vắc-xin này trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, cho đến nay vắc-xin Sputnik V đã được trên 50 quốc gia phê duyệt sử dụng.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, Vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %. Riêng đối với những người tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này đạt 91,8%. Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại vi-rút SARS-CoV-2.
Vì vậy, người dân có thể yên tâm khi tiêm ngừa vắc-xin Sputnik V. Khi đến lượt mình, chủ động tiêm để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đối tượng cần thận trọng khi tiêm vắc-xin SPUTNIK V
Theo quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhóm đối tượng cần thận trọng khi tiêm Sputnik V bao gồm:
- Người đã từng bị dị ứng.
- Người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất đi tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: nhiệt độ dưới 35,5°C và trên 37,5 °C. Mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút. Huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế). Nhịp thở trên 25 lần/phút.
Những lưu ý khi tiêm vắc-xin SPUTNIK V
Bạn cần khai thông tin rõ ràng cho nhân viên y tế nơi khám sàng lọc trước tiêm chủng để được chỉ định tiêm vắc-xin hay không.
Sau khi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Spunik V, cần ngồi lại tại vị trí tiêm chủng 30 phút để được theo dõi những phản ứng sau tiêm. Khi về nhà, nên nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tránh làm việc quá sức. Các phản ứng như sốt, đau tại nơi tiêm,… là những triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu gặp tình trạng sốt cao liên tục trên 40oC, phát ban toàn thân, khó thở,… thì lập tức đến cơ sở gần nhất để được xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin về vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik V mà bạn cần biết. Nếu có thắc mắc liên quan đến sức khỏe, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaccine sputnik v (nga): chất lượng kiểm định ngừa Covid trên 90%https://vnvc.vn/sputnik-v/
Ngày tham khảo: 28/08/2021
-
Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19https://thuvienphapluat.vn/van-ban/the-thao-y-te/quyet-dinh-3802-qd-byt-2021-huong-dan-tam-thoi-kham-sang-loc-truoc-tiem-vac-xin-covid19-484168.aspx?v=d
Ngày tham khảo: 28/08/2021
-
Russia’s Sputnik V protects against severe COVID-19 from Delta variant, study showshttps://www.sciencemag.org/news/2021/08/russia-s-sputnik-v-protects-against-severe-covid-19-delta-variant-study-shows
Ngày tham khảo: 28/08/2021