Vaccine: Vũ khí cốt lõi để chống lại bệnh tật
Nội dung bài viết
Ngày nay, cả thế giới phải công nhận cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Thành tựu y học này đã giúp nhân loại tránh khỏi cái chết do những đại dịch hoành hành từ thế kỷ 17 trở về trước. Tiêm chủng được áp dụng cho cả người lớn và trẻ em. Hầu như ai cũng hiểu rằng chỉ cần một mũi tiêm, cơ thể chúng ta sẽ được miễn nhiễm với nhiều căn bệnh quái ác không thuốc chữa.
1. Vaccine là gì?
Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn bộ hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự). Mục đích dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, từ đó tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.
Tiêm vaccine là đưa kháng nguyên từ mầm bệnh để kích thích hệ miễn dịch và phát triển miễn dịch đặc hiệu chống lại mầm bệnh mà không gây ra bệnh liên quan đến mầm bệnh.
2. Lịch sử hình thành
Louis Pasteur được thế giới công nhận là cha đẻ của vaccine. Song thực tế, người đầu tiên đặt nền móng cho tiêm chủng là Edward Jenner. Ông là bác sĩ danh dự trong hội Hoàng gia London, Anh.
Bằng chứng của việc thực hành tiêm chủng có từ nhiều trăm năm trước là các nhà sư Ấn Độ đã uống nọc rắn tạo miễn dịch. Khi ấy, cơ thể không bị chết sau khi rắn cắn. Người Trung Quốc đã bôi dịch mụn trên da của người bị bệnh đậu mùa để gây miễn dịch chống lại bệnh đậu.
Năm 1796, châu Âu chìm trong đại dịch đậu mùa. Lúc này, không ai có khái niệm về virus. Năm 1798, khi bác sĩ Edward Jenner công bố kết quả thí nghiệm đặt nền móng cho việc tiêm chủng thì người ta mới hình dung là có các “mầm bệnh” gây nên sự truyền nhiễm.
Kế thừa nền tảng khoa học mà Edward Jenner để lại từ cuối thế kỷ 18 và thế kỷ 19, Louis Pasteur, người Pháp, đã phát minh ra nhiều loại vaccine. Một số mốc đáng chú ý:
- 1897 – 1904: vaccine phòng bệnh tả và vaccine phòng bệnh than.
- 1950s: vaccine phòng bệnh dịch hạch và vaccine phòng bệnh lao Bacillis-Calmette-Guerin (BCG).
- 1948: vaccine phòng bệnh ho gà toàn tế bào.
- 1950 – 1985: giai đoạn nghiên cứu và phát triển các vaccine virus như vaccine phòng bệnh dại và bệnh bại liệt uống (sabin). Tiếp theo là sự ra đời của các vaccine virus khác như sởi, quai bị và rubella.
3. Có những loại vaccine nào?
Tất cả vaccine đều sử dụng các kháng nguyên để giúp kích thích phản ứng miễn dịch. Nhưng không phải tất cả các loại vaccine đều chung cấu tạo. Kháng nguyên nào và có bao nhiêu loại khác nhau, tùy thuộc vào loại vaccine và loại bệnh nào cần phòng ngừa.
3.1. Vaccine bất hoạt
Sử dụng virus bị bất hoạt hoặc bị giết chết ở phòng thí nghiệm. Bởi vì chúng không thể sao chép và lan rộng khắp cơ thể, vaccine bất hoạt cần được tiêm nhiều liều hơn. Đôi khi, cần tăng cường liều để duy trì khả năng miễn dịch. Người ta phân biệt:
- Vaccine chết toàn thể
Loại vaccine này chứa tất cả các thành phần của tác nhân nhiễm trùng. Chúng bị giết chết bằng nhiệt, formol hoặc b-propiolacton. Bao gồm: vaccine vi khuẩn như ho gà, thương hàn TAB, tả uống hoặc vaccine virus như cúm, bại liệt, dại…
- Vaccine giải độc tố
Những vaccine này chết nhưng chỉ chứa kháng nguyên tinh chế. Thành phần chỉ bao gồm bộ phận kháng nguyên quan trọng nhất về phương diện sinh miễn dịch của vi khuẩn hoặc virus được tinh khiết và làm bất hoạt. Ví dụ như vaccine chứa giải độc tố vi khuẩn bản chất protein (vaccine uốn ván, vaccine bạch hầu).
3.2. Vaccine sống, giảm độc lực
Những vaccine này sử dụng virus đã được làm yếu đi. Yếu tới mức, chúng hầu như vô hại đối với những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Bởi vì virus còn sống, chúng tạo nên phản ứng khá tương tự với một nhiễm trùng tự nhiên. Do đó, nó cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Đối với vaccine sống thường chỉ cần một lần chủng ngừa.
Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn người ghép tạng, bệnh nhân ung thư… không nên tiêm các loại vaccine này. Bởi vì, mặc dù virus đã bị suy yếu, hàng rào miễn dịch của những đối tượng trên có khả năng vẫn không thể chống lại được.
Vaccine đậu mùa là loại vaccine đầu tiên trong lịch sử, là một virus động vật (đậu bò) có khả năng đem lại sự bảo vệ chéo chống lại virus đậu mùa. Phần lớn những vaccine sống hiện có là những vaccine virus:
- Sốt vàng.
- Bại liệt, sởi, rubella, quai bị.
- Lao (BCG).
3.3. Vaccine tiểu đơn vị (vaccine tách chiết)
Vaccine tiểu đơn vị chỉ sử dụng các kháng nguyên chọn lọc. Chẳng hạn như một phần, một mảnh của mầm bệnh hoặc một mẩu protein, để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Những bất lợi
- Giá thành thường cao.
- Nguy cơ mẫn cảm.
- Lịch chủng ngừa cần nhiều lần và lặp lại.
Phân loại
- Tách lấy một phần vách (vỏ) chứa thành phần kháng nguyên đặc thù polysaccharide của vi khuẩn: vaccine não mô cầu, vaccine phế cầu.
- Vaccine chứa thành phần kháng nguyên virus: vaccine viêm gan B (được điều chế từ HBsAg có trong huyết tương những người nhiễm kháng nguyên này).
3.4. Vaccine kết hợp
Những vaccine này được sản xuất để bảo vệ chống lại một nhóm vi khuẩn có lớp áo ngoài giống như đường bao quanh chúng. Trong quá trình nhiễm trùng, lớp này che giấu các kháng nguyên khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, vaccine kết hợp liên kết kháng nguyên với lớp áo ngoài này để cơ thể biết những gì cần tìm. Nhờ đó, hệ miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt vi khuẩn khi bị nhiễm trùng hiệu quả hơn. Ví dụ gồm vaccine liên hợp màng não, có thể giúp bảo vệ chống lại vi khuẩn có thể gây viêm màng não.
3.5. Vaccine giải độc tố
- Là vaccine chế từ độc tố của vi khuẩn sau khi đã làm mất đi khả năng gây độc của nó nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên. Các ví dụ bao gồm thành phần uốn ván của vaccine DTaP và Tdap, vaccine giải độc tố bạch hầu.
- Một số người xếp nhóm này vào vaccine sống giảm, độc lực.
4. Lợi ích khi tiêm phòng
Vaccine kích thích cơ thể tạo nên miễn dịch “bắt chước” giống như nhiễm trùng tự nhiên. Khi vaccine được đưa vào cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện nó như là “vật lạ”. Kết quả, hệ thống miễn dịch bị kích thích sản sinh ra kháng thể trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Quá trình tạo kháng thể thường mất khoảng vài tuần.
Sau khi quá trình nhiễm trùng “bắt chước” này kết thúc, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch. Chúng sẵn sàng đáp ứng nhanh khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong những lần sau. Nhờ vậy, cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.
Miễn dịch cá thể
Nhờ có vaccine, hàng triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh dịch gây ra.
Miễn dịch cộng đồng
Càng nhiều người được tiêm chủng trong một cộng đồng nhất định, càng ít người dễ bị nhiễm trùng, do đó ít lây lan bệnh. Nhiều vi khuẩn cần vật chủ để tồn tại. Nhưng nếu đủ người trong cộng đồng được tiêm phòng, những vi trùng đó sẽ không còn nơi nào để đi. Hệ quả, chúng sẽ chết. Vì vậy, điều quan trọng nhất của vaccine, không phải chỉ tiêm phòng đơn lẻ, mà là tiêm phòng toàn bộ cộng đồng.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của vaccine qua bài viết sau: Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm phòng Thế giới, nhìn về tầm quan trọng của vaccine.
5. Lưu ý gì khi tiêm phòng vaccine?
5.1. Nguyên tắc sử dụng
Việc sử dụng vaccine phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tiêm chủng trên phạm vi rộng, đạt tỉ lệ cao.
- Tiêm chủng đúng đối tượng.
- Bắt đầu tiêm chủng đúng lúc. Bảo đảm đúng khoảng cách giữa các lần tiêm chủng. Tiêm chủng nhắc lại đúng thời gian.
- Tiêm chủng đúng đường và đúng liều lượng.
- Nắm vững phương pháp phòng và xử trí các phản ứng không mong muốn do tiêm chủng.
- Bảo quản vaccine đúng quy định.
5.2. Phản ứng sau tiêm chủng
Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các vaccine. Hầu hết đều ở mức độ nhẹ, một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ).
Dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng
- Sốt cao > 39°C. Khó đáp ứng thuốc hạ sốt. Sốt kéo dài trên 24 giờ. Sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
- Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ. Trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.
- Co giật.
- Nôn trớ, bú kém, bỏ bú.
- Phát ban.
- Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi.
- Chi lạnh, da nổi vân tím.
- Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.
Phân loại phản ứng sau tiêm chủng
Phản ứng mức độ nhẹ:
- Đau tại nơi tiêm.
- Sốt nhẹ.
- Đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt giảm đau thông thường.
Phản ứng mức độ vừa:
- Sốt cao, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Sốt xuất hiện 12 giờ sau tiêm.
- Co giật.
- Phản ứng dị ứng.
Phản ứng mức độ nặng:
- Các biểu hiện của hội chứng sốc nhiễm độc
- Thân nhiệt bất thường.
- Hạ huyết áp.
- Nhịp tim nhanh.
- Nhịp thở nhanh.
- Thời gian làm đầy mao mạch bất thường.
- Tri giác bất thường.
- Trương lực mạch bất thường.
- Da bất thường.
- Phản ứng phản vệ
- Mày đay, phù mạch nhanh.
- Khó thở, thở rít.
- Đau bụng và nôn.
- Tụt huyết áp.
Xử trí phản ứng sau tiêm chủng
Mức độ nhẹ:
- Tiếp tục cho theo dõi tại nhà.
- Bú mẹ lượng ít, nhiều lần, uống thêm nước.
- Hạ nhiệt: paracetamol.
- Theo dõi trẻ. Nếu có các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Mức độ vừa:
- Nhập viện điều trị và theo dõi.
- Hạ nhiệt: paracetamol mỗi 4 – 6 giờ/lần.
- Corticoids.
- Diphenhydramin.
- Chống co giật.
- Bú mẹ ít, nhiều lần. Truyền dịch nếu bú kém, nôn trớ.
- Liên tục sàng lọc các dấu hiệu của sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ.
- Xuất viện khi trẻ tỉnh táo, bú tốt, hết sốt.
Mức độ nặng:
- Nhập cấp cứu điều trị và theo dõi.
- Thở oxy.
- Bù dịch cấp cứu.
- Adrenaline.
- Corticoid.
Chủng ngừa là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của bệnh dịch và suy giảm miễn dịch. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 loại vaccine cần thiết để dự phòng gần 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người lớn và trẻ em. Nhiều loại vaccine mới được nhập từ các hãng sản xuất uy tín trên thế giới như: Imojev phòng bệnh viêm não Nhật Bản; vaccine Prevenar 13 phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn… Để bảo vệ bản thân và cộng đồng, đừng lơ là tiêm ngừa bạn nhé!
Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.