YouMed

15 vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ nên biết

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Sơ sinh là giai đoạn có nhiều nguy cơ tổn thương nhất. Bởi vì trẻ có sự thay đổi từ trong bụng mẹ rất an toàn sang môi trường sống ở ngoài. Bên cạnh xuất hiện một số dị tật bẩm sinh, vấn đề thường gặp hơn là nhiễm trùng. Dù là lần đầu tiên đóng vai trò làm cha mẹ hay đã từng có kinh nghiệm, bạn nên biết những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh để có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất.

1. Chấn thương trong quá trình sinh

Đôi khi, trong lúc chuyển dạ, trẻ có thể bị chấn thương ảnh hưởng đến tổng trạng sau sinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra chuyện này. Chấn thương lúc sinh có thể do sử dụng dụng cụ y tế hỗ trợ để hút, kẹp giúp đưa em bé ra khỏi bụng mẹ. Hầu hết trẻ sơ sinh hồi phục nhanh chóng sau đó. Dấu hiệu nhận biết dễ phát hiện nhất là xuất hiện vùng sưng tấy trên da đầu. Thường gọi là bướu huyết thanh.

Vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh
Vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh là chấn thương trong quá trình sinh

2. Vàng da

Vàng da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó xảy ra khi có quá nhiều billirubin trong máu của trẻ. Đây chính là chất gây ra sắc tố vàng trên da. Nó xảy ra do gan của trẻ sơ sinh chưa đủ trưởng thành để loại bỏ lượng bilirubin dư thừa trong máu. Vàng da ở trẻ sơ sinh đa số có thể tự khỏi theo thời gian.

Trong hầu hết các trường hợp, vàng da sẽ biến mất trong vòng 2 đến 3 tuần tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 tuần, đó có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Cha mẹ nên đưa con mình đến bác sĩ để kiểm tra.

Vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da ở trẻ sơ sinh

3. Cơn khóc co thắt

Cơn khóc co thắt ở trẻ hay Colic rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nhưng điều đó lại khiến nhiều cha mẹ phiền lòng và lo lắng vì không thể xoa dịu trẻ. Khi trẻ quấy khóc liên tục không rõ lý do, đặc biệt là vào buổi tối, trẻ có thể đang xuất hiện cơn khóc co thắt. Nguyên nhân chính xác của cơn khóc co thắt vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Một số chuyên gia đặt ra giả thuyết cho rằng nó có thể là do nhiều hơi hoặc hormone làm co thắt dạ dày. Sự kích thích quá mức bởi ánh sáng, âm thanh hoặc đơn giản là hệ tiêu hóa của trẻ đang phát triển là những lí do có thể.

Cơn khóc co thắt thường bắt đầu từ 2 tuần tuổi ở trẻ đủ tháng và sẽ giảm dần khi trẻ được 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Có thể là do trẻ không dung nạp sữa công thức hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn khác.

 Cơn khóc co thắt thường bắt đầu từ 2 tuần tuổi ở trẻ đủ tháng và sẽ giảm dần khi trẻ được 3 tháng tuổi
Cơn khóc co thắt thường bắt đầu từ 2 tuần tuổi ở trẻ đủ tháng và sẽ giảm dần khi trẻ được 3 tháng tuổi

4. Chướng bụng

Chướng bụng là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ hay gặp, có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một trong những nguyên nhân phổ biến của triệu chứng này là do nuốt phải quá nhiều khí. Là cha mẹ, bạn cần chú ý quan sát bụng của trẻ sơ sinh. Bình thường, bụng của trẻ mềm và hơi phình ra trước. Nếu bạn sờ vào bụng của trẻ có cảm giác căng cứng và chướng to, đó có thể là do đầy hơi hoặc táo bón.

Khi cơ thể trẻ bắt đầu thích nghi với phản xạ bú nuốt, vấn đề trên sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, nếu bụng chướng nhiều, kèm lừ đừ, bỏ bú, sốt … điều đó có thể là trẻ đang có vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị.

5. Cơn ngưng thở

Trẻ sơ sinh thường có da bàn tay và bàn chân hơi xanh. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất dần theo thời gian khi lưu thông máu trong cơ thể trẻ được cải thiện. Nhưng nếu bạn nhận thấy môi trẻ hơi nhạt màu hoặc tím, kéo dài trong thời gian dài kèm theo thở mệt, điều đó có nghĩa là tim và phổi của trẻ không hoạt động tốt.

Cơn ngưng thở thường xuất hiện do phổi và não của trẻ chưa trưởng thành để điều khiển quá trình hô hấp. Ngoài phương pháp kích thích, nếu cơn ngưng thở kéo dài, lúc này trẻ cần được hỗ trợ oxy và thuốc.

6. Ọc sữa

Đôi khi trẻ bị nôn trớ hoặc ọc ra sữa mà trẻ bú. Đây là hiện tượng rất thường xảy ra. Do đó, các bà mẹ thường cho trẻ ợ hơi để ngăn nôn trớ. Tuy nhiên, sau khi được cho bú, ngoài ọc ra sữa, nếu có kèm theo dịch màu xanh lục hoặc vàng, thì đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Trẻ vẫn tiếp tục nôn thêm nhiều lần sau đó. Trẻ sơ sinh có thể bị mất nước rất nhanh. Do vậy, bạn cần tìm đến sự trợ giúp và điều trị ngay khi xuất hiện dấu hiệu này.

7. Ho

Nếu dòng sữa chảy quá nhanh, trẻ có thể bị ho trong khi bú. Ho dai dẳng và ọc trong khi bú có thể cho thấy phổi hoặc hệ tiêu hóa có vấn đề. Ho liên tục về đêm có thể là dấu hiệu của bệnh ho gà hoặc các bệnh về đường hô hấp. Nếu bé ho khi đang bú hoặc về đêm, triệu chứng tăng hơn khi nằm, trào ngược dạ dày thực quản cần được quan tâm.

8. Nghẹt mũi

Trẻ sơ sinh với cấu trúc đường thở rất nhỏ nên rất dễ bị tắc nghẽn, thường là ở đường mũi. Nếu không có đủ oxy cho em bé do nghẹt mũi, da hoặc môi của con bạn có thể tái nhợt vì thiếu oxy. Phải mất một vài giờ để trẻ sơ sinh học cách thở bình thường. Vì trẻ không thể thở khi bị nghẹt mũi, nên dẫn đến tình trạng trẻ bú giảm hoặc bỏ bú nếu mẹ không vệ sinh mũi cho trẻ trước cữ ăn. Nếu tình trạng thở khò khè hay bạn nghe tiếng thở rên và vẫn còn tình trạng da tái nhợt, đặc biệt là tím tái, bạn phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

 Vệ sinh mũi trước mỗi cữ bú của trẻ
Vệ sinh mũi trước mỗi cữ bú của trẻ

9. Thiếu máu

Trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ bị thiếu máu thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ thiếu máu. Đó là tình trạng các tế bào hồng cầu sản xuất ít hơn bình thường theo độ tuổi của trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Nhất là ở những trẻ có nhiều nguy cơ như sinh non, bệnh tim bẩm sinh …

Tùy vào mức độ, trẻ có thể cần điều trị hay theo dõi định kì. Nếu điều trị, có thể uống thuốc hay truyền máu. Thiếu máu nghiêm trọng nhưng không được điều trị có thể gây tử vong.

10. Sốt

Sốt là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang huy động các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng, là một trong số những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, sốt cao và dai dẳng trên 38°C ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến co giật và tổn thương não.

Nếu bé sốt cao, bạn phải đưa bé đi khám để được chích thuốc cần thiết. Nhiễm trùng ở sơ sinh có xu hướng nặng hơn và dễ có nguy cơ tử vong hơn so với những lứa tuổi khác.

 Sốt là một trong những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay
Sốt là một trong những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

11. Các vấn đề về da

Hăm tã và cứt trâu là những vấn đề về da phổ biến có thể làm trẻ khó chịu. Con bạn có thể bị hăm tã do mặc tã ướt hoặc bẩn trong thời gian dài. Hoặc do da trẻ nhạy cảm, dễ dị ứng với thuốc nhuộm hoặc chất vải trong tã.

Thay tã thường xuyên, vệ sinh và để thoáng vùng da bị hăm là những phương pháp được nhiều cha mẹ áp dụng thành công. Ngoài ra, sử dụng kem chống hăm hoặc dưỡng ẩm cũng rất hữu hiệu.

Một số trẻ nhỏ sau sinh ra đã xuất hiện nhiều vẩy trên da đầu. Nếu đội mũ lưỡi trai thường xuyên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện. Vì đó có thể là do các tuyến da đầu xung quanh nang lông tiết quá nhiều dầu.

Bạn có thể gội đầu cho trẻ bằng dầu gội dịu nhẹ hàng ngày để làm sạch và loại bỏ vảy trên da đầu của trẻ. Tình trạng này sẽ cải thiện trong vòng vài tháng. Nếu bạn thấy diễn tiến ngược lại, nên đưa trẻ đi kiểm tra nhé.

12. Nhiễm trùng tai

Khi bị nhiễm trùng tai, trẻ có thể giật mạnh tai bị nhiễm trùng và quấy khóc liên tục. Nhiễm virus khá phổ biến nhưng triệu chứng sẽ giảm dần trong vài ngày. Tuy nhiên, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể tồn tại lâu hơn. Thậm chí có thể dẫn đến mất thính giác và cần phải dùng kháng sinh.

13. Nấm miệng

Nấm miệng biểu hiện qua những mảng trắng xảy ra trong miệng, nhất là ở lưỡi của trẻ sơ sinh. Thường do nấm Candida sản sinh ở miệng. Nó gây ra các tổn thương trắng trên lưỡi hoặc trong 2 bên máng. Nếu sau khi rơ miệng với nước muối sinh lý nhưng mảng trắng vẫn còn, khi đó việc điều trị với thuốc là cần thiết.

14. Cảm lạnh và cúm

Mặc dù cảm lạnh và cúm có thể xuất hiện không để lại tác động đáng kể, nhưng không nên coi thường vì chúng có thể tiến triển thành viêm phổi. Nặng hơn, có thể gây nhiễm trùng thêm ở những cơ quan khác.

15. Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ phổ biến do dùng thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ bị tiêu chảy, hãy cung cấp cho trẻ đủ nước. Bằng cách cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước thêm. Ngoài ra, theo dõi tính chất phân của trẻ cũng rất quan trọng. Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi về màu sắc và của phân, sự tư vấn và điều trị từ ​​bác sĩ rất cần thiết.

Thông thường, các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh có thể tự biến mất theo thời gian khi trẻ lớn hơn. Nhưng các bậc cha mẹ hãy hết sức cẩn thận. Ngoài việc đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, giữ gìn vệ sinh, quan trọng hơn hết là có tâm lý bình tĩnh và thận trọng Nếu em bé của bạn có bất kỳ sự khó chịu nào, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 15 Common Health Problems and Diseases in Babieshttps://parenting.firstcry.com/articles/15-common-baby-problems-and-diseases/

    Ngày tham khảo: 30/10/2020

  2. Colichttps://kidshealth.org/en/parents/colic.html

    Ngày tham khảo: 30/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người