YouMed

Vàng đắng: Berberine và những công dụng chưa biết

Bác sĩ PHẠM THỊ LINH
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Linh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Tới trạm giao liên giáp Hạ Lào

Lưng đèo dạo bước gió lao xao

Bỗng đâu phát hiện cây Vàng đắng

Lá trắng thân vàng hoạt chất cao.

Câu thơ được viết trong Hồi ký hành quân của GS.TS Nguyễn Liêm, người rất tâm huyết với việc nghiên cứu về cây Vàng đắng. Là một trong những thảo dược điều chế ra hoạt chất Berberine, có hoạt tính kháng sinh chống viêm, đã giúp dập tắt dịch tả lỵ ở nước ta những năm đầu 1970. Cùng tìm hiểu Vàng đắng còn có công dụng gì nhé.

1. Mô tả dược liệu Vàng đắng

Vàng đắng (Coscinium fenestratum (Goetgh.) Colebr) thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), tên gọi khác là Vàng đằng, Hoàng đằng lá trắng, Dây đằng giang. 

Vàng đắng là cây leo to, phân nhánh, mọc bò trên mặt đất hoặc leo lên những cây gỗ cao. Thân hình trụ, đường kính 5 – 10cm. Thân non màu trắng bạc, thân già xù xì, có vết tích của lá rụng. Cắt ngang thân có hình bánh xe với những tia tủy như nan hoa bánh xe, màu vàng, giữa có vòng lõi tủy xốp.

Lá mọc so le, mặt trên xanh, mặt dưới màu trắng nhạt có lông tơ, dài 15 – 30 cm, rộng 10 – 20cm. Hoa màu trắng, phớt tím, mọc thành xim ở kẽ lá. Cuống hoa rất ngắn. Rễ hình trụ, mặt ngoài màu vàng, cắt ngang có hình bánh xe với những tia tủy hình nan hoa.

Cây tái sinh chủ yếu từ hạt, ngoài ra còn có khả năng tái sinh chồi từ phần gốc còn lại sau khi chặt.

Vàng đắng phân bố ở Việt Nam, trung và hạ Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, Vàng đắng thuộc loại cây nhiệt đới tương đối điển hình, ưa khí hậu nóng và ẩm. Trước đây mọc tương đối phổ biến ở vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên. Hiện tại vì bị khai thác ồ ạt và liên tục, nên từ năm 1996, Vàng đắng đã được đưa vào Sách Đỏ Việt nam để lưu ý bảo vệ và khai thác hợp lý.

Vàng đắng
Vàng đắng

2. Bộ phận sử dụng 

Thân và rễ, cạo vỏ, hái quanh năm, cắt thành đoạn 10 – 13cm, phơi hoặc sấy khô. Có thể chiết được Berberine.

3. Thành phần của Vàng đắng 

Trong thân và rễ Vàng đắng chứa nhiều ankaloid dẫn xuất của isoquinoline chủ yếu là Berberin. Tỷ lệ Berberin chiếm từ 1.5 đến 2- 3%.

4. Tác dụng theo Y học hiện đại 

4.1. Tác dụng kháng khuẩn 

Bằng phương pháp pha loãng hệ nồng độ thuốc trong môi trường nuôi cấy, Berberin chlorid có tác dụng ức chế một số vi khuẩn với những nồng độ sau:

  • 1: 32000 ức chế Streptococcus hemolyticus, Pneumococcus, Vibrio cholerae.
  • 1:16000 ức chế Staphylococcus aureus.
  • 1:8000 ức chế Shigella flexneri, Bacillus diphtheriae.
  • 1:4000 ức chế Bacillus proteus.
  • 1:1000 ức chế Escherichia coli, Salmonella typhi.

4.2. Tác dụng diệt Amip

Có tác dụng diệt Amip Entamoeba histolytica.

4.3. Tác dụng lợi mật 

Thí nghiệm trên mèo gây mê, Berberin liều 0.25 mg/kg làm tăng sự tiết mật, đặc biệt ở thời gian đầu.  

4.4. Các tác dụng khác 

  • Được thử nghiệm trên chó với 19mg/kg đường tiêm tĩnh mạch. Berberine có tác dụng tăng khả năng thực bào của bạch cầu đối với tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus aureus), bảo vệ được chó khỏi tử vong do nhiễm trùng huyết tụ cầu khuẩn vàng thực nghiệm.
  • Berberine với liều nhỏ gây kích thích tim, làm giãn động mạch vành tim và các mạch máu nội tạng, gây hạ huyết áp.

5. Tác dụng Vàng đắng theo Y học cổ truyền 

Vàng đắng có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng.

6. Công dụng của Vàng đắng 

Nhân dân thường dùng thân và rễ cây này để nhuộm màu vàng và dùng làm thuốc như vị Hoàng đằng chữa sốt, sốt rét, tả lỵ, đau mắt. Dùng dưới hình thức thuốc bột hoặc thuốc viên. Ngày dùng 4 – 6g.

Viên Berberine có loại 50 mg dùng cho người lớn, ngày uống 4 – 8 viên, chia làm 2 lần, dùng liên tục trong 5 ngày. Và viên loại 10 mg cho trẻ em, ngày uống 2 – 10 viên tùy theo tuổi chia làm 2 lần.

Ở Liên xô, một số tác giả đã dùng Berberine làm thuốc lợi mật, điều trị cho bệnh nhân viêm túi mật đạt kết quả tốt.

7. Các nghiên cứu về công dụng của hoạt chất Berberine trong cây Vàng đắng 

Ngoài công dụng điều trị tiêu chảy, tả, lỵ đã được báo cáo, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng Berberine sở hữu nhiều công dụng khác, đặc biệt trong điều trị các bệnh mãn tính, bao gồm Đái tháo đường ( hạ đường huyết); Bệnh tim mạch (giúp hạ huyết áp và mỡ máu); Ung thư (gây độc tế bào, ức chế sự tăng sinh và sinh sản của một số loài vi sinh vật và virus) và hiệu quả kháng viêm. [4].

7.1. Hỗ trợ điều trị Đái tháo đường type 2 

Nghiên cứu trên 2 nhóm: 36 người mới mắc ĐTĐ type 2 và 48 người mắc ĐTĐ type 2 kiểm soát kém, Berberine cho thấy hiệu quả điều trị tương đương với Metformine (liều 500mg/lần x 3) trong kiểm soát nồng độ HbA1c, đường huyết đói và đường huyết sau ăn trên người trưởng thành mới mắc ĐTĐ; và hiệu quả hỗ trợ kiểm soát trên người mắc ĐTĐ kiểm soát kém. [5]

7.2. Hỗ trợ điều trị Rối loạn mỡ máu 

Thông qua mười sau thử nghiệm với tổng số 2147 người tham gia, kết quả cho thấy Berberine làm giảm đáng kể nồng độ Cholesterol toàn phần, LDL-C và Triglycerid đồng thời làm tăng mức HDL-C. Qua nghiên cứu cũng cho thấy không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi điều trị với Berberine. [6]  

7.3. Hỗ trợ điều trị Tăng huyết áp

Nhiều nghiên cứu cho thấy Berberine có thể ngăn cạnh tranh thụ thể α1 của tế bào cơ trơn mạch máu, ức chế hoạt động của enzyme cholin phospholipid, tăng cường tác dụng của Acetylcholin. Qua đó Berberine có thể làm giãn mạch máu và giảm huyết áp [7]

7.4. Hỗ trợ điều trị Ung thư 

Trong số nhiều nghiên cứu xác định cơ chế hoạt động của Berberine. Nhiều bằng chứng cho thấy Berberine có thể điều chỉnh microRNA (miRNA).[8]

MiRNA là những phân tử RNA không mã hóa, có chức năng điều tiết biểu hiện gen, tham gia vào các quá trình sinh lý và bệnh lý của cơ thể ( sự hình thành, phát triển, biệt hóa và chết của tế bào). Qua quan sát trên nhiều loại ung thư ở người, miRNA có thể đóng vai trò là chất ức chế hoặc là chất gây ung thư. Thông qua điều chỉnh miRNA, Berberine hứa hẹn có thể hỗ trợ điều trị ung thư trong tương lai. 

7.5. Chiết xuất Berberine từ Vàng đắng 

Trong sản xuất công nghiệp, Berberine được chiết xuất từ thân, rễ Vàng đắng bằng dung dịch acid sulfuric loãng. Ngoài ra, Berberine có thể được chiết xuất bằng nước nóng dưới áp suất cao, bằng ethanol, carbon dioxyd hoặc dung dịch nước vôi trong.[9]

8. Báo cáo sử dụng trên lâm sàng của cây Vàng đắng 

  • Tác dụng điều trị của Berberin trên lâm sàng được thể hiện rõ rệt trong các vụ dập tắt dịch lỵ và tiêu chảy ở Việt nam vào những năm 1972, 1973.
  • Tác dụng điều trị bệnh tả của Berberin đã được chứng minh trong 2 vụ dịch ở Calcutal, Ấn độ vào những năm 1964 và 1965. Berberin đã được xác định có tác dụng điều trị các trường hợp tiêu chảy nặng, tả ( xét nghiệm thấy hoặc không thấy Vibrio cholerae), làm giảm tỷ lệ tử vong của người bện, giảm thời gian tiêu chảy. 
  • Về tác dụng điều trị viêm âm đạo do nấm và tạp trùng, tác giả Trương Thị Vinh, Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh( Bệnh viện phụ sản TW), đã dùng viên Berberin đặt âm đạo, 1 viên/ngày trong 20 ngày liên tiếp cho 60 bệnh nhân bị viêm âm đạo, kết quả tỷ lệ khỏi bệnh đạt thấp (26.7%) nhưng có ưu điểm là ít gây dị ứng.

Bài viết này đã làm rõ và sáng tỏ hơn về công dụng của cây Vàng đắng, chứa hoạt chất Berberine quen thuộc với tác dụng chữa tả lỵ, lợi mật đã được nghiên cứu. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn ít nghiên cứu về liều lượng cũng như thời gian điều trị. Độc giả cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để điều trị tại nhà.

>> Xem thêm:

Không nên ăn gì khi đang bị tiêu chảy?

Tiêu chảy cấp: nguy cơ đến từ thói quen ăn uống

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội

  3. Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Hải, Tạp chí Dược học, Tr. 57, S.1 (2017)

  4. Vuddanda PR et.al (2010), Berberine: a potential phytochemical with multispectrum therapeutic activities, Expert Opin Investig Drugs, 19(10): 1297 - 307

  5. Yin J et.al (2008), Efficacy of berberine in patients with type 2 diabetes mellitus, Metabolism, 57(5): 712 - 7

  6. Ju J et.al (2018), Efficacy and safety of berberine for dyslipidaemias: A systematic review and meta-analysis of randomized clinical trials, Phytomedicine, 50: 25 - 34

  7. Zhang L.S (2004). Clinical usage of berberine. Chin Rem Clin, 41:78

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người