Viêm amidan cấp tính: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Viêm amidan cấp là một bệnh lý rất thường gặp trong cộng đồng, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Mặc dù đa phần người bệnh sẽ tự khỏi tuy nhiên trong một số ít trường hợp nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp bệnh có thể đưa đến những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh cũng thường tái đi tái lại gây ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy viêm amidan cấp là gì, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Tai Mũi Họng Trương Thanh Tâm tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Tổng quan về viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp là một quá trình viêm cấp tính của mô amidan (còn được biết đến như hai khối mô nằm phía sau họng) và nguyên nhân gây bệnh phần lớn là do nhiễm trùng.1 Bệnh thường kéo dài khoảng 3 – 4 ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 2 tuần.2 3
Bệnh nhiễm trùng cấp tính của mô amidan xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học và gần như tất cả trẻ nhỏ đều sẽ mắc ít nhất một đợt viêm amidan cấp trong đời. Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thường xảy ra nhất là vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân.1
Amidan khẩu cái (gọi tắt là amidan) là một thành phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer của vùng họng, chúng nằm ở ngã tư giữa đường ăn và đường thở. Vòng bạch huyết này có cấu tạo chủ yếu là mô lympho, bao gồm amidan vòm (hay còn gọi là V.A), amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi. V.A và amidan lúc sinh ra đã có và là tổ chức bình thường của con người, đóng vai trò như một chốt chặn miễn dịch đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh được nuốt hoặc hít vào.4 5
Tác nhân gây bệnh viêm amidan cấp bao gồm cả tác nhân vi khuẩn và tác nhân siêu vi, trong đó tác nhân siêu vi được xem là tác nhân gây bệnh phổ biến hơn.2 4
Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm amidan cấp bao gồm:
- Sưng tấy amidan.
- Đau họng.
- Nuốt khó.
- Sưng đau hạch cổ và sốt.
Lựa chọn điều trị viêm amidan cấp tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, vì thế cần chẩn đoán bệnh kịp thời và chính xác. Phẫu thuật cắt amidan thường được chỉ định cho những trường hợp viêm amidan tái phát thường xuyên, không đáp ứng với điều trị thuốc hoặc có những biến chứng nghiêm trọng.4
Nguyên nhân viêm amidan cấp tính
Siêu vi được xem là tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm amidan cấp, trong đó thường gặp một số tác nhân sau đây:6
- Adenovirus, cũng được xem là tác nhân thường gặp gây ra cảm lạnh và đau họng.
- Rhinovirus, là tác nhân siêu vi gây ra cảm lạnh phổ biến nhất.
- Influenza (virus cúm).
- Virus hợp bào hô hấp (RSV).
- Coronavirus.
Một số tác nhân siêu vi ít phổ biến hơn, có thể kể đến như:
- Epstein – Barr virus (EBV).
- Herpex simplex virus (HSV).
- Cytomegalovirus (CMV).
Bên cạnh tác nhân siêu vi, tác nhân vi khuẩn cũng có khả năng gây bệnh viêm amidan cấp, trong đó vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất là Streptococcus pyogenes (hay còn được biết đến với tên gọi liên cầu khuẩn). Viêm họng – amidan cấp do liên cầu có thể đưa đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số tác nhân vi khuẩn ít gặp hơn, có thể kể đến như:6
- Staphylococcus aureus.
- Mycoplasma pneumonia.
- Chlamydia pneumonia.
- Bordetella pertussis (vi khuẩn ho gà).
- Fusobacterium.
- Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn lậu).
- Cornybacterium diphtheria (vi khuẩn bạch hầu).
Các yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh viêm amidan cấp:5
- Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao).
- Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém.
- Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng.
- Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng như: sâu răng, viêm nướu, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.
Triệu chứng viêm amidan cấp
Triệu chứng chính của viêm amidan cấp là sưng tấy amidan, đôi khi tình trạng sưng tấy có thể nghiêm trọng đến mức gây khó thở. Những triệu chứng khác có thể gặp, bao gồm:2
- Đau họng, nuốt đau.
- Sốt lạnh run.
- Nhức đầu, mệt mỏi.
- Ăn uống không ngon miệng.
- Hơi thở hôi.
- Sưng đau hạch cổ.
- Amidan hai bên xung huyết, đỏ, có thể thấy những mảng trắng hoặc chấm mủ trên amidan.
- Vết loét hoặc chùm những mụn nước trong miệng.
Một số triệu chứng khác ít gặp hơn, bao gồm:4
- Đau dạ dày.
- Buồn nôn.
- Nôn ói.
- Giọng nói thay đổi.
- Há miệng khó khăn.
Ở những trẻ nhỏ không có khả năng mô tả triệu chứng, có thể quan sát thấy:7
- Trẻ chảy nước dãi do nuốt đau hoặc không thể nuốt được.
- Trẻ từ chối ăn hoặc bú.
- Trẻ kích thích hoặc quấy khóc bất thường.
Điều trị viêm amidan cấp tại nhà có được không?
Vì tác nhân gây bệnh chủ yếu của viêm amidan cấp là tác nhân siêu vi và biến chứng của bệnh cũng tương đối ít gặp, do đó có thể điều trị bệnh lý này tại nhà. Một số phương pháp người bệnh có thể thực hiện để giảm triệu chứng qua đó có thể giúp bệnh hồi phục tốt hơn, bao gồm:2 4 8
- Uống nhiều nước, có thể chia nhỏ thành nhiều cữ uống trong ngày và uống một lượng nhỏ mỗi cữ.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
- Súc họng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày, có thể giúp giảm triệu chứng đau họng.
- Có thể sử dụng thuốc xịt họng, viên ngậm và nước súc họng.
- Ăn những thức ăn mềm, lạnh (chẳng hạn như kem, thạch và những thức ăn đông lạnh khác)
- Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong nhà.
- Tránh hút thuốc.
Để cải thiện triệu chứng đau họng, với người lớn có thể sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAIDs (chẳng hạn như ibuprofen), còn đối với phụ nữ mang thai và những đối tượng khác không thể sử dụng NSAIDs thì thuốc giảm đau paracetamol có thể là một lựa chọn. Có thể tham khảo liều lượng đúng dựa theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần để có thêm nhiều thông tin.
Cách súc họng với nước muối3
- Hòa nửa muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm và khuấy đều đến khi tan hết.
- Súc họng với nước muối đã pha (chú ý không nuốt), sau đó nhổ ra.
- Có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.
- Những trẻ quá nhỏ không nên súc họng với nước muối.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu con bạn có những triệu chứng nghi ngờ mắc viêm amidan cấp, cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thông thường, trẻ sẽ có những biểu hiện nghi ngờ sau:4 6 7
- Đau họng kèm sốt.
- Đau họng không khỏi sau 24 – 48 giờ.
- Nuốt đau hoặc nuốt khó.
- Cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc khó dỗ.
Lưu ý, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ bất kỳ một trong các biểu hiện sau:7
- Khó thở.
- Nuốt khó mức độ nghiêm trọng.
- Chảy nước dãi liên tục.
Chẩn đoán viêm amidan cấp
Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, kiểm tra amidan hai bên nhằm phát hiện những dấu hiệu như: sưng đỏ hoặc hiện diện những chấm mủ trên bề mặt. Họ cũng cần kiểm tra nhiệt độ để xem có bị sốt không. Ngoài ra, họ sẽ thăm khám kiểm tra thêm tai và mũi để tìm xem có những biểu hiện của nhiễm trùng không cũng như đánh giá vùng cổ có bị sưng đau hay nổi hạch không.
Các bác sĩ có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn như:2 6
Phết họng cấy
Các bác sĩ sẽ sử dụng một que phết đưa vào phía sau họng của bạn nhằm mục đích lấy được dịch và những tế bào ở vùng này. Việc này có thể làm bạn cảm thấy hơi khó chịu nhưng sẽ không đau. Que phết sau khi lấy xong có thể tiến hành xét nghiệm test nhanh hoặc đưa đến phòng thí nghiệm cấy để tìm xem có sự hiện diện của tác nhân gây bệnh vi khuẩn liên cầu không. Kết quả test nhanh thường có sau 10 – 15 phút và kết quả cấy thì lâu hơn thường có sau vài ngày.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm này có thể gợi ý xác định tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn.
Điều trị viêm amidan cấp tính
Nguyên tắc điều trị viêm amidan cấp
Điều trị viêm amidan cấp tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh là gì.4
Việc điều trị viêm amidan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, đồng thời nâng cao thể trạng của người bệnh. Bệnh nhân chỉ được chỉ định dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
Phương pháp điều trị viêm amidan cấp
Vì tác nhân gây bệnh phần lớn là virus do đó viêm amidan cấp thường được điều trị ngoại trú với điều trị nâng đỡ là chủ yếu, bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt và bù đủ nước. Hiếm khi nào viêm amidan cấp cần phải nhập viện. Những loại thuốc như paracetamol hoặc thuốc kháng viêm NSAIDs có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.4
Liên cầu khuẩn là tác nhân vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất, trong trường hợp này bạn cần được sử dụng kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh được lựa chọn cho điều trị bao gồm amoxicillin, azithromycin, cephalosporin. Thời gian điều trị có thể từ 5 đến 10 ngày. Đa phần các triệu chứng của bệnh sẽ cải thiện sau 2-3 ngày, tuy nhiên bạn cần phải hoàn thành đủ một đợt điều trị kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh không được tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.4
Biến chứng của viêm amidan cấp
Những biểu hiện của viêm amidan cấp chỉ xuất hiện và thuyên giảm trong vòng 7 ngày. Viêm amidan cấp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Những biến chứng của viêm amidan cấp như sau:8
1. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (bệnh sốt tuyến)
Biến chứng này do EBV gây ra. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng là một bệnh do virus toàn thân gây nên. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng đau họng và nổi hạch toàn thân. Biểu hiện điển hình của bệnh là tình trạng khó chịu và sốt. Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau họng và nổi hạch cổ. Khi khám, amidan người bệnh sẽ to ra, có màng nhầy và có thể có chấm xuất huyết ở vòm họng.
2. Hình thành áp xe quanh amidan
Áp xe phúc mạc (PTA) là một tập hợp mủ giữa xuất hiện quanh amidan vòm họng và cơ co thắt hầu họng trên. Nó thường xảy ra như một biến chứng của viêm amidan cấp, nhưng cũng có thể xảy ra một cách tự phát.9
3. Áp xe vòm họng
Mặc dù tình trạng này hiếm gặp tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra. Không những thế, nếu tình trạng nhiễm trùng không được phát hiện sớm, nó có thể lây lan qua các khu vực khác và dẫn đến tử vong.
Những biến chứng thường xảy ra ở đối tượng thanh niên. Do đó, bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và đi khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Phòng ngừa viêm amidan cấp
Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm amidan cấp là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, bao gồm:2 7
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không sử dụng chung đồ ăn, thức uống hoặc những vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng.
- Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người bệnh có biểu hiện đau họng hoặc mắc viêm amidan cấp.
Để giúp con bạn tránh việc lây lan vi khuẩn hoặc virus gây bệnh cho những người xung quanh, có thể thực hiện một số biện pháp sau:4 7
- Cho trẻ ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi trẻ khỏe lại.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để xem thời điểm thích hợp con bạn có thể quay trở lại trường học.
- Dặn con bạn ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc nếu không có, thì có thể ho và hắt hơi vào khuỷu tay và rửa tay sau đó.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý viêm amidan cấp. Khi nhận thấy bản thân hoặc con trẻ có những dấu hiệu bất thường. Bạn nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh. Từ đó, có phương pháp điều trị kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Viêm amidan cấp bao lâu thì khỏi?
Trong đa số trường hợp, các triệu chứng sẽ cải thiện sau 3 – 4 ngày 3. 9 trên 10 người bệnh sẽ cải thiện triệu chứng và cảm thấy khỏe hơn trong vòng 1 tuần.10
Viêm amidan cấp có lây không?
Viêm amidan cấp thì không lây, nhưng những tác nhân nhiễm trùng gây ra nó thì có thể lây từ người này sang người khác trong vòng 24 – 48 giờ trước khi người bệnh biểu hiện triệu chứng. Những tác nhân này thậm chí vẫn có thể lây lan khi các triệu chứng bệnh đã biến mất hoàn toàn.4
Bạn có thể bị viêm amidan cấp nếu ai đó mang mầm bệnh ho hoặc hắt hơi gần bạn và bạn hít phải những giọt bắn này từ họ. Nếu bạn chạm vào đồ vật có chứa những vi sinh vật gây bệnh, chẳng hạn như nắm cửa, sau đó đưa lên mũi hoặc miệng, thì bạn cũng có thể bị viêm amidan cấp.4
Tiếp xúc với nhiều người sẽ làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn hoặc virus gây bệnh. Đây là lý do tại sao trẻ em trong độ tuổi đi học thường xuyên mắc bệnh viêm amidan cấp. Nếu trẻ có triệu chứng, tốt nhất bạn nên để trẻ ở nhà để tránh lây lan mầm bệnh.4
Viêm amidan cấp có thể gây ra những biến chứng gì?
Những biến chứng thường xảy ra khi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, bao gồm:2 7
- Áp xe quanh amidan (một tổ chức đầy mủ bao xung quanh amidan).
- Nhiễm trùng tai giữa.
- Những vấn đề liên quan đến nhịp thở hoặc tình trạng khó thở, ngừng thở xảy ra khi ngủ (được biết đến với cái tên Hội chứng ngưng thở khi ngủ).
Ngoài ra, nếu tác nhân gây bệnh viêm amidan cấp là liên cầu khuẩn và bệnh không được điều trị hoặc điều trị không thích hợp có thể đưa đến những biến chứng nghiêm trọng như sốt thấp khớp, bệnh thấp tim, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng. Tuy nhiên, những biến chứng này tương đối hiếm gặp.2 4 6 7
Tự điều trị viêm amidan cấp tại nhà như thế nào?
Trong phần lớn trường hợp, các triệu chứng sẽ cải thiện sau vài ngày. Một số biện pháp có thể thực hiện tại nhà nhằm giúp giảm nhẹ triệu chứng, bao gồm:3
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước, ăn những thức ăn lạnh.
- Uống paracetamol hoặc ibuprofen (lưu ý không sử dụng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi).
- Súc họng với nước muối ấm, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày (trẻ quá nhỏ có thể không cần thực hiện biện pháp này).
Người lớn có bị viêm amidan cấp không?
Viêm amidan cấp xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, bởi vì chúng thường xuyên tiếp xúc gần với những trẻ khác ở trường học hoặc khu vui chơi. Điều này làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với những tác nhân gây bệnh virus hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh viêm amidan cấp.4
Thường xuyên tiếp xúc với người khác là một yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Sử dụng phương tiện công cộng hoặc thực hiện các hoạt động nhóm đông người đều sẽ làm gia tăng cơ hội tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.4
Biểu hiện triệu chứng và cách điều trị viêm amidan cấp ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ nhỏ. Nếu phẫu thuật cắt amidan được thực hiện ở người lớn thì có thể cần thời gian lâu hơn để hồi phục so với trẻ nhỏ.4
Viêm amidan cấp có cần sử dụng thuốc kháng sinh không?
Vì tác nhân gây bệnh viêm amidan cấp chủ yếu là virus, do đó điều trị nâng đỡ là chính và không cần sử dụng kháng sinh.
Trái lại, trong những trường hợp nghi ngờ tác nhân gây bệnh là vi khuẩn như amidan sưng to, xuất tiết mủ, không ho, sốt cao dai dẳng, sưng đau hạch cổ, các triệu chứng tăng nặng không cải thiện sau vài ngày thì các bác sĩ có thể cho bạn sử dụng kháng sinh.
Một điều lưu ý là người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ của thuốc cũng như góp phần làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Khi nào cần thực hiện phẫu thuật cắt amidan?
Amidan là một thành phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của bạn, vì vậy các bác sĩ sẽ cố gắng giúp bạn giữ nó.
Nhưng nếu hai amidan của bạn bị viêm tái đi tái lại nhiều lần (ít nhất 5 – 7 đợt trong 12 tháng qua) hoặc tình trạng sưng tấy amidan hai bên làm bạn khó khăn trong việc hít thở hay nuốt hoặc khi có những biến chứng (như áp xe quanh amidan) thì các bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan.2 4 6
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acute tonsillitishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22338587
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Tonsillitishttps://www.webmd.com/oral-health/tonsillitis-symptoms-causes-and-treatments
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Tonsillitishttps://www.nhs.uk/conditions/tonsillitis/
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Everything You Need to Know About Tonsillitishttps://www.healthline.com/health/tonsillitis
Ngày tham khảo: 18/09/2022
- Lâm Huyền Trân, Lý Xuân Quang (2021). Bài giảng Tai Mũi Họng. NXB Y học.
-
All you need to know about tonsillitishttps://www.medicalnewstoday.com/articles/156497
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Tonsillitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tonsillitis/symptoms-causes/syc-20378479
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Acute tonsillitis and its complications: an overviewhttps://www.researchgate.net/publication/281170544_Acute_tonsillitis_and_its_complications_an_overview
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Powell EL, Powell J, Samuel J et al. A review of the pathogenesis of adult peritonsillar abscess: time for a re-evaluation. Journal of Antimicrobial Chemotherapy 2013;68:1941-50https://www.researchgate.net/publication/236276525_A_review_of_the_pathogenesis_of_adult_peritonsillar_abscess_Time_for_a_re-evaluation
Ngày tham khảo: 18/09/2022
-
Tonsillitis and pharyngitis (patient fact sheet) https://www.safercare.vic.gov.au/clinical-guidance/emergency/tonsillitis-and-pharyngitis
Ngày tham khảo: 18/09/2022