Amidan là gì? Cấu tạo, chức năng và các bệnh thường gặp
Nội dung bài viết
Viêm amidan là một bệnh lý thường gặp, nhất là ở trẻ em. Bệnh có thể tái đi tái lại và đôi khi phẫu thuật cắt amidan là giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên nó vẫn là một phần quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Vậy thì thực chất amidan là gì? Cấu tạo ra sao? Làm thế nào để nó có thể bảo vệ cơ thể chúng ta? Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Amidan là gì?
Amidan là từ có nguồn gốc tiếng Pháp, tiếng Việt gọi là hạnh nhân khẩu cái. Đây là 2 khối mô lympho được bọc trong một lớp bao nằm ở thành bên họng miệng.
Amidan bình thường có màu hồng nhạt giống niêm mạc miệng. Bề mặt chúng không nhẵn mà có các hốc, các rãnh. Khi bị viêm sẽ sưng đỏ, có khi xuất tiết mủ trắng. Chúng ta có thể quan sát thấy amidan khi mở miệng, trừ trường hợp nó quá nhỏ.
Nguồn gốc và sự phát triển
Amidan phát triển từ tháng thứ 3 của thai kỳ với những tế bào lympho đầu tiên. Các nang lympho là thành phần quan trọng của amidan, bắt đầu hình thành vào tháng thứ 5. Khi hoàn thiện, kích thước của amidan thay đổi theo từng cá nhân, độ tuổi và tình trạng bệnh lí. Chúng thường bắt đầu hoạt động từ 3 tuổi và lớn nhanh nhất vào lúc 5-6 tuổi. Đến tuổi dậy thì sẽ đạt kích thước tối đa. Chiều cao trung bình khoảng 20 – 25 mm và bề ngang là 10 – 15 mm. Sau đó amidan teo nhỏ dần và về già chúng chỉ còn là một khối mô nhỏ.
Cấu tạo của amidan và các cấu trúc xung quanh
Amidan được bao phủ bởi một lớp bao sợi mỏng xuất phát từ mạc nền hầu. Lớp này còn đi sâu vào trong mô amidan, tạo nên các vách chia nó làm nhiều phần. Đây cũng là nơi đi vào của thần kinh và mạch máu. Mặt trong amidan lồi vào khoang miệng là mặt mà chúng ta có thể nhìn thấy khi mở miệng. Mặt này thường lồi lõm do có khoảng 10 – 20 hốc và các rãnh nhỏ.
Dưới lớp biểu mô phủ bề mặt là các nang lympho – thành phần quan trọng nhất của amidan, và các mô ngoài nang. Nhờ cấu tạo như vậy mà nó có khả năng sản xuất và phát triển các tế bào miễn dịch.
Bao amidan gắn vào các cơ vùng hầu họng qua một lớp mô liên kết lỏng lẻo. Đây là vị trí để phẫu thuật viên tách amidan ra trong các cuộc mổ.
Amidan nằm trong một hố gọi là hố amidan, được tạo thành từ 3 cơ:
- Thứ nhất là cơ khẩu cái lưỡi, tạo thành trụ trước amidan hay nếp lưỡi – khẩu cái.
- Thứ 2 là cơ khẩu cái hầu, tạo thành trụ sau amiđan hay nếp họng.
- Cuối cùng là cơ thắt hầu trên tạo thành một phần hố amidan.
Chức năng của amidan là gì?
Amidan là thành phần của một hệ thống mô bạch huyết ở vùng họng gọi là vòng Waldayer. Hệ thống này đóng vai trò như một hàng rào chống lại các mầm bệnh từ môi trường ngoài đi vào cơ thể qua mũi và miệng.
Nhờ cấu tạo như trên mà nó có khả năng sản xuất và phát triển các tế bào miễn dịch. Phần lớn trong số đó là tế bào lympho B và lympho T. Một số ít là tương bào trưởng thành.
Chức năng này thậm chí còn duy trì tới 80 tuổi nếu trước đó nó không bị viêm tái đi tái lại. Amidan còn đóng góp vào miễn dịch dịch thể bằng cách tiết ra các globulin miễn dịch để sử dụng tại chỗ và đưa tới vùng họng.
Vị trí và cấu trúc của amidan giúp nó trở thành một nơi lý tưởng để chống lại mầm bệnh. Không khí hít vào qua mũi, thức ăn qua miệng có chứa các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus, dị nguyên… Khi tới họng, chúng sẽ mắc kẹt và bị bắt giữ nhờ bề mặt chứa nhiều hốc, rãnh của amidan. Sau đó mầm bệnh được đưa vào bên trong để nhận diện. Kháng thể nhanh chóng được sản xuất, đồng thời các tế bào miễn dịch cũng hoạt động. Hai yếu tố này giúp tiêu diệt mầm bệnh.
Ảnh hưởng của việc cắt amidan tới hệ miễn dịch vẫn còn một số tranh cãi. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là phẫu thuật này không gây ra sự suy giảm miễn dịch đáng kể nào.
Một số tình trạng bệnh lý liên quan tới amidan
Amidan là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm trùng từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chúng lại bị mầm bệnh xâm nhập. Một số bệnh lý có thể gặp ở amidan và mô xung quanh có thể kể đến là:
1. Viêm amidan cấp tính
Vi khuẩn hoặc virus gây nhiễm trùng amidan, một bên hoặc hai bên. Lúc này amidan bị sưng và đau, có thể xuất tiết dịch mủ trắng. Người bệnh thường cảm thấy đau họng, khó nuốt, sốt, nhức đầu, mệt mỏi… Bệnh có thể khỏi tự nhiên nhưng thường điều trị đặc hiệu sẽ nhanh chóng lành bệnh và hạn chế các biến chứng.
2. Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm hơn 4 đợt mỗi năm. Triệu chứng thường gặp nhất là đau họng tái đi tái lại. Bệnh cũng có thể do viêm amidan kéo dài hơn 4 tuần, gây ra khó nuốt, hơi thở hôi… Điều trị có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật cắt.
3. Áp-xe quanh amidan
Nhiễm trùng ở amidan có thể tạo ra các ổ mủ xung quanh amidan. Khối mủ này đẩy lệch amidan vào trong và có thể lan rộng tới các vùng khác ở cổ. Người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi, đau họng rõ rệt, đôi khi không há miệng được. Đây là một tình trạng cấp cứu, có thể cần tới chích rạch tháo mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu mủ. Điều trị kháng sinh tĩnh mạch là cần thiết.
4. Amidan quá phát
Chủ yếu gặp ở trẻ em. Đây là hậu quả của viêm mạn tính hoặc kích thích kéo dài từ các chất như khói thuốc lá, bụi bẩn. Amidan lớn gây hẹp đường thở dẫn tới ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc gây khó khăn trong ăn uống.
5. Ung thư
Ung thư amidan là một bệnh lý hiếm gặp và có thể không được chú ý ở giai đoạn sớm. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh lý này. Nhưng hầu hết có thể giảm thiểu nhờ vào chế độ sống khoa học của từng cá nhân. Bệnh lý có thể điều trị dễ dàng ở giai đoạn sớm nhưng lại có tiên lượng kém khi bệnh tiến xa. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng, cần đi đến bác sĩ để có chẩn đoán và phương thức điều trị hợp lí nhất.
Amidan là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Vai trò của chúng rõ nhất vào những năm đầu đời cho tới tuổi dậy thì, khi mà hệ miễn dịch của cơ thể còn chưa hoàn thiện. Vị trí và cấu tạo của amidan giúp chúng trở thành hàng rào đầu tiên bắt giữ mầm bệnh từ đường mũi và miệng. Nhưng cũng vì thế mà chúng hay bị viêm nhiễm. Do đó khi thấy amidan bất thường, bạn nên đi khám để được kiểm tra. Việc này giúp cho chúng giữ được chức năng đầy đủ và hoạt động một cách tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tonsil and Adenoid anatomyhttps://emedicine.medscape.com/article/1899367-overview
Ngày tham khảo: 21/08/2020
-
Picture of the Tonsilshttps://www.webmd.com/oral-health/picture-of-the-tonsils
Ngày tham khảo: 21/08/2020