YouMed

Viêm bàng quang ở trẻ em: những thông tin bố mẹ cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Tất cả trẻ em khỏe mạnh đều có hệ vi khuẩn thường trú trên cơ thể và trong ruột. Đôi khi, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bàng quang gây nhiễm trùng. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm trùng bàng quang, kể cả trẻ sơ sinh. Cơ thể trẻ có nhiều cách để chống lại nhiễm trùng. Nhưng đôi khi cơ chế tự vệ của cơ thể không thành công và bị nhiễm trùng gây viêm bàng quang ở trẻ em. Bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích liên quan đến bệnh viêm bàng quang ở trẻ em.

Viêm bàng quang ở trẻ em là gì?

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm, thường do nhiễm trùng bàng quang.

Mỗi năm, khoảng 3 trong số 100 trẻ em bị nhiễm trùng tiểu, và hầu hết các trường hợp này là nhiễm trùng bàng quang. Các trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi trong vài ngày. Nhưng nhiều trường hợp diễn tiến thành các đợt viêm tiếp theo và cần được điều trị y khoa.

Viêm bàng quang có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em
Viêm bàng quang có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em

Vì sao trẻ bị viêm bàng quang?

Viêm bàng quang có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh và không có vấn đề gì về sức khỏe. Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm bàng quang:

  • Thói quen vệ sinh kém.
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài.
  • Vi khuẩn: đây là nhóm tác nhân khá phổ biến, chủ yếu do E.Coli từ đường ruột lây lan qua đường tiết niệu.1
  • Virus Adenovirus.1
  • Một số trẻ có thể bị viêm bàng quang do một số thuốc như cyclophosphamide trong điều trị ung thư.1

Triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ em

Rất khó để biết liệu một đứa trẻ có bị viêm bàng quang hay không, bởi vì các triệu chứng có thể mơ hồ. Và trẻ nhỏ thường khó bộc lộ cảm giác và các bất thường trên cơ thể mình cho cha mẹ.

Các triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ nhỏ có thể bao gồm:1

  • Sốt cao trên 38 độ.
  • Yếu người, mệt mỏi.
  • Dễ cáu gắt.
  • Chán ăn.
  • Ói mửa.

Trẻ em bị viêm bàng quang đôi khi cũng có thể có các triệu chứng thường thấy ở người lớn, chẳng hạn như đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều hơn bình thường.2

Khi trẻ sốt cao trên 38 độ, cha mẹ cần lưu ý để tìm ra nguyên nhân
Khi trẻ sốt cao trên 38 độ, cha mẹ cần lưu ý để tìm ra nguyên nhân

Chẩn đoán bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền căn của trẻ. Hãy kể với bác sĩ thật chi tiết về thời điểm triệu chứng bắt đầu, hoặc bất kỳ yếu tố nào làm triệu chứng trở nên tệ hơn. Nếu trẻ đang dùng thuốc/ thực phẩm chức năng nào, hãy thông báo với bác sĩ.

Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm nhất định, bao gồm:2

Tổng phân tích nước tiểu

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng, họ có thể sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu.

Một xét nghiệm khác được gọi là cấy nước tiểu có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm để tìm ra chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Chẩn đoán hình ảnh

Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thường không bắt buộc. Nhưng nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra các triệu chứng, thì nó có thể được chỉ định.

Nội soi bàng quang

Bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có đèn chiếu và một máy ảnh gọi là ống soi bàng quang vào bàng quang, đi qua niệu đạo để quan sát đường tiết niệu để tìm các dấu hiệu gây viêm nhiễm.

Cách điều trị viêm bàng quang ở trẻ em

Nhiễm trùng bàng quang ở trẻ em có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh.3

Các loại thuốc3

Tùy vào độ tuổi, tình trạng dị ứng và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu mà bác sĩ kê đơn kháng sinh.

Trẻ em trên 2 tháng tuổi thường dùng thuốc kháng sinh bằng đường uống – dạng lỏng hoặc dạng viên nhai.

Nếu trẻ dưới 2 tháng có thể tiêm tĩnh mạch. Triệu chứng sẽ cải thiện trong vòng 1 hoặc 2 ngày, nhưng quan trọng là phải uống kháng sinh đúng giờ và đủ liều. Nếu ngưng dùng kháng sinh quá sớm, nhiễm trùng có thể quay trở lại và gây bệnh.

Thời gian điều trị phụ thuộc vào:

  • Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
  • Sức để kháng của trẻ.
  • Có tình trạng tái nhiễm trùng bàng quang hay không?
  • Trẻ có bị trào ngược dịch niệu quản hoặc một bất thường ở đường tiết niệu hay không?

Xem thêm: Các nhóm thuốc kháng sinh và tác dụng

Điều trị tại nhà3

Trẻ em nên uống nhiều nước lọc và đi tiểu thường xuyên để đẩy nhanh quá trình lành thương.

Sử dụng đệm sưởi ấm trên lưng hoặc bụng của trẻ để giảm đau.

Phòng ngừa bệnh viêm bàng quang ở trẻ em3

Vệ sinh thân thể đúng cách và thường xuyên.

Quấn tã, mặc quần áo thoáng mát và điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ em.

Đảm bảo con bạn uống đủ nước3

Uống nhiều nước lọc có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu. Nên nói chuyện với bác sĩ về lượng nước lọc khuyên dùng cho trẻ.

Bổ sung đủ lượng nước giúp giảm nguy cơ viêm bàng quang ở trẻ em
Bổ sung đủ lượng nước giúp giảm nguy cơ viêm bàng quang ở trẻ em

Vệ sinh thân thể sạch sẽ và thay tã thường xuyên3

Trẻ nhỏ thường đi tiểu thường xuyên. Vi khuẩn có thể phát triển và gây nhiễm trùng khi nước tiểu lưu lại trong bàng quang quá lâu. Người lớn nên thay tã thường xuyên cho trẻ sơ sinh và trẻ tập đi.

Nên vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách. Hãy chọn các loại dung dịch vệ sinh dịu nhẹ không gây kích ứng da.

Con bạn phải luôn lau từ trước ra sau khi đi tiểu hoặc đi tiêu. Bước này là quan trọng nhất sau khi đi tiêu để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ cho trẻ giúp ngăn ngừa viêm bàng quang ở trẻ em.

Tránh táo bón3

Khó đi tiêu có thể ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu, từ đó làm vi khuẩn phát triển nhanh chóng hơn. Cha mẹ nên giúp trẻ đi tiêu đều đặn và ngăn ngừa táo bón.

Xem thêm: Táo bón: Dấu hiệu cảnh báo và bạn cần lưu ý

Mặc quần áo rộng rãi3

Trẻ em thường rất hiếu động và hoạt động rất nhiều trong ngày. Nên để con trẻ mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo thoáng mát để giữ khu vực niệu đạo khô ráo, tránh vi khuẩn xâm nhập.

Điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan

Khi bàng quang của trẻ không hoạt động bình thường, cần can thiệp y khoa để giúp bàng quang hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu tái phát.

Nếu con bạn bị trào ngược dịch niệu quản, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc một vấn đề về giải phẫu, hãy đến gặp bác sĩ tiết niệu nhi khoa. Khắc phục điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang tái phát.

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm, thường do nhiễm trùng bàng quang. Các triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ em có thể bao gồm: sốt cao trên 38 độ, yếu người, mệt mỏi, chán ăn, tiểu đau, tiểu buốt,… Nên cho trẻ uống đủ nước, vệ sinh thân thể đúng cách và thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát. Khi thấy con có các triệu chứng viêm bàng quang, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Viêm bàng quang ở trẻ em cần trị triệt đểhttps://suckhoedoisong.vn/viem-bang-quang-o-tre-em-can-tri-triet-de-169149139.htm

    Ngày tham khảo: 25/03/2022

  2. Nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) ở trẻ emhttps://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/nhi-khoa/các-bệnh-nhiễm-khuẩn-khác-ở-trẻ-nhũ-nhi-và-trẻ-nhỏ/nhiễm-khuẩn-tiết-niệu-nktn-ở-trẻ-em

    Ngày tham khảo: 25/03/2022

  3. Treatment for Bladder Infection in Childrenhttps://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/urinary-tract-infections-in-children/treatment

    Ngày tham khảo: 14/12/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người