Viêm dạ dày trào ngược thực quản: Những điều bạn nên biết
Nội dung bài viết
Viêm dạ dày trào ngược thực quản (GERD) là bệnh thường gặp trong các bệnh lý về tiêu hóa. Hầu hết bệnh nhân chỉ đến khám khi đã chịu đựng hoặc tự dùng thuốc trong một thời gian dài. GERD tuy không dễ dàng điều trị dứt điểm và có tỉ lệ tái phát cao. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng phác đồ điều trị kèm với các thay đổi về lối sống và thói quen ăn uống thì bệnh có thể kiểm soát được. Cùng tìm hiểu về căn bệnh GERD này qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên nhé.
Viêm dạ dày trào ngược thực quản là gì?
Viêm dạ dày trào ngược thực quản có tên tiếng Anh là Gastroesophageal reflux disease (viết tắt là GERD). Bệnh thường xảy ra khi dịch vị từ dạ dày thường xuyên chảy ngược vào thực quản. Sự trào ngược này gây kích ứng niêm mạc thực quản.
Người bệnh GERD thường có triệu chứng trào ngược ít nhất 2 lần một tuần. Đa số họ có thể chịu đựng các triệu chứng bằng cách tự mua thuốc uống.
Tuy nhiên, một số trường hợp mắc GERD có thể cần dùng thuốc mạnh hơn phải kê toa hoặc phẫu thuật để giảm bớt các triệu chứng.
Viêm dạ dày trào ngược thực quản cũng có thể được định nghĩa là:
- Có tăng dịch từ dạ dày lên thực quản.
- Sự trào ngược này gây ra hậu quả: triệu chứng khó chịu và/hoặc biến chứng (viêm loét hẹp thực quản, barrett thực quản).
Nguyên nhân
Thông thường, viêm dạ dày trào ngược thực quản là do sự trào ngược axit xảy ra cách thường xuyên.
Khi thực hiện động tác nuốt, một dải cơ tròn xung quanh đáy thực quản (cơ vòng thực quản dưới) sẽ giãn ra để tống thức ăn vào dạ dày. Sau đó cơ vòng đóng lại.
Nếu cơ vòng thực quản dưới này bị giãn ra bất thường hoặc yếu đi, dịch vị có thể trào ngược lên thực quản. Axit trong dịch vị này kích thích niêm mạc thực quản và thường gây viêm.
Các yếu tố rủi ro khác
Các nghiên cứu gần đây cho thấy GERD ở trẻ sơ sinh và trẻ em đã phổ biến hơn nhiều. Nó có thể gây ra tình trạng nôn mửa lặp đi lặp lại. Hoặc cũng có thể gây ho và các vấn đề về hô hấp khác. Một số nghiên cứu khác cho rằng thoát vị khe thực quản có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm dạ dày trào ngược thực quản.
Thoát vị khe thực quản xảy ra khi phần trên của dạ dày di chuyển lên ngực thông qua lỗ hoành. Các nghiên cứu gần đây cho thấy lỗ mở trong cơ hoành giúp hỗ trợ phần dưới của thực quản. Thoát vị khe thực quản có thể cho phép các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản dễ dàng hơn.
Một số yếu tố, điều kiện khiến tăng nguy cơ mắc GERD là:
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Phụ nữ mang thai.
- Sự chậm làm rỗng dạ dày (liệt dạ dày).
- Các bệnh về mô liên kết: viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì hoặc lupus.
Các yếu tố làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày trào ngược thực quản, bao gồm:
- Hút thuốc.
- Một số thực phẩm và thức uống như: sô cô la và đồ ăn béo hoặc chiên, cà phê và rượu.
- Ăn quá no trước khi đi ngủ.
- Một số loại thuốc như aspirin.
Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm dạ dày trào ngược thực quản là chứng ợ nóng (khó tiêu do axit).
Bạn thường có cảm giác như một cơn đau tức ngực bắt đầu sau xương ức và di chuyển lên cổ họng. Một số người có thể có cảm giác như thức ăn trào ngược vào miệng, để lại vị chua hoặc đắng.
Cảm giác nóng rát hoặc đau do ợ nóng, ợ chua có thể kéo dài 2 giờ. Triệu chứng này thường tồi tệ hơn sau khi ăn. Việc nằm xuống hoặc cúi xuống cũng có thể dẫn đến chứng ợ nóng.
Đôi khi có thể nhầm lẫn cơn đau do ợ chua với cơn đau của bệnh tim. Nhưng thực tế là chúng khác nhau.
- Hoạt động thể chất có thể làm cho cơn đau do bệnh tim trở nên trầm trọng hơn. Nghỉ ngơi có thể làm dịu cơn đau tim.
- Đau do ợ chua ít có khả năng đi cùng với các hoạt động thể chất.
Tuy vậy bạn cũng rất khó để phân biệt được chúng. Do đó, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn bị đau ngực.
Ngoài cơn đau, bạn cũng có thể có các triệu chứng khác như:
- Buồn nôn.
- Hôi miệng.
- Khó thở.
- Khó nuốt.
- Nôn mửa.
- Mòn men răng.
- Ho kéo dài.
- Viêm thanh quản.
- Bệnh hen suyễn đến đột ngột hoặc trở nên tồi tệ hơn.
- Các vấn đề về giấc ngủ.
Biến chứng
Biến chứng viêm dạ dày trào ngược thực quản thường là:
Hẹp thực quản
Tổn thương thực quản phần dưới do dịch vị gây hình thành mô sẹo. Các mô sẹo thu hẹp lòng thực quản, dẫn đến tình trạng khó nuốt. Tình trạng nuốt khó này sẽ ngày càng tăng nếu không được điều trị.
Hẹp thực quản đôi khi cũng có thể là triệu chứng đầu tiên của GERD.
Bác sĩ cần phải nội soi thực quản và sinh thiết để loại trừ ung thư thực quản thể nhiễm cứng gây chít hẹp thực quản.
Loét thực quản
Axit trong dịch vị dạ dày có thể làm mòn mô thực quản, gây ra vết loét. Vết loét thực quản có thể chảy máu bên trong thực quản, gây đau và nuốt khó.
Loét thực quản là tổn thương thường gặp trong viêm thực quản nặng.
Loét thực quản có thể gây ra tình trạng thiếu máu mạn tính.
Barrett thực quản
Cơ chế của hiện tượng này là biểu mô lát tầng bình thường của thực quản bị biến đổi thành biểu mô trụ đơn có tuyến tiết nhầy. Đây là phản ứng của niêm mạc thực quản đáp ứng với điều kiện tiếp xúc với axit dịch vị lâu ngày.
Trên lâm sàng, người bệnh thường không có triệu chứng gì. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi nội soi thực quản dạ dày.
Biến chứng barrett thực quản dễ gây loạn sản ở niêm mạc thực quản. Tình trạng loạn sản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Xem thêm: Bệnh ung thư thực quản có chữa được không?
Cách điều trị viêm dạ dày trào ngược thực quản
Bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh thử thay đổi lối sống và dùng thuốc không kê đơn. Nếu không thấy thuyên giảm trong vài tuần thì có thể chỉ định dùng thuốc theo toa hoặc phẫu thuật.
Thuốc không theo toa
Các loại thuốc không kê đơn điều trị viêm dạ dày trào ngược là:
- Thuốc kháng axit – trung hòa axit trong dạ dày (antacid). Tuy nhiên, việc lạm dụng antacid có thể gây ra các phản ứng phụ như tiêu chảy, bệnh lý thận…
- Thuốc chẹn thụ thể H2 – giảm sản xuất axit dạ dày. Thuốc chẹn thụ thể H2 không tác dụng nhanh như antacid. Tuy nhiên chúng giúp giảm đau lâu hơn và làm giảm sản xuất axit trong vòng 12 giờ.
- Thuốc thuốc ức chế bơm proton – ngăn chặn sản xuất axit và làm lành tổn thương thực quản.
Thuốc kê đơn
Các phương pháp điều trị GERD theo đơn thuốc bao gồm:
- Thuốc chẹn thụ thể H2 mạnh cần kê đơn. Những loại thuốc này thường được dung nạp tốt nhưng sử dụng lâu dài có thể làm tăng nhẹ nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 và gãy xương.
- Thuốc ức chế bơm proton mạnh cần kê đơn. Những loại thuốc này có thể gây tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn và thiếu hụt vitamin B-12.
- Thuốc để tăng cường cơ vòng thực quản dưới. Ví dụ như Baclofen có thể làm dịu GERD bằng cách giảm tần suất giãn cơ thắt thực quản dưới. Các tác dụng phụ có thể bao gồm mệt mỏi, nôn, buồn nôn.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Viêm dạ dày trào ngược thực quản thường có thể được kiểm soát bằng thuốc. Tuy nhiên nếu thuốc không có tác dụng hoặc bệnh nhân không muốn sử dụng thuốc lâu dài, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác như:
- Phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới (Fundoplication).
- Hệ thống LINX (LINX device) là một vòng các hạt từ tính nhỏ được quấn quanh cơ vòng thực quản dưới để giữ cho cơ vòng thực quản yếu luôn được đóng kín. Thiết bị này sẽ được cấy vào thực quản qua nội soi.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Một số thay đổi lối sống mà bác sĩ khuyên bệnh nhân nên thực hiện để giảm bớt triệu chứng của viêm dạ dày trào ngược thực quản:
- Hạn chế thực phẩm và đồ uống gây kích thích: sô cô la, bạc hà, thực phẩm béo, caffeine và đồ uống có cồn.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Ăn nhiều bữa nhỏ hơn cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Nhưng nên ăn trước 2 đến 3 giờ trước khi đi ngủ để axit trong dạ dày giảm xuống.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới. Ngừng hút thuốc là yếu tố quan trọng để giảm các triệu chứng GERD.
- Ngủ cao đầu: làm giảm sự trào ngược của các chất trong dạ dày vào thực quản.
- Giữ cân nặng hợp lý. Thừa cân thường làm trầm trọng thêm các triệu chứng GERD.
- Châm cứu. Nghiên cứu cho thấy điều trị bằng châm cứu ngăn trào ngược ở nhóm thử nghiệm tốt hơn sử dụng thuốc ức chế bơm proton.
Trên đây là thông tin về bệnh viêm dạ dày trào ngược thực quản. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh GERD cũng như biết được một số triệu chứng của bệnh để phát hiện bệnh sớm. Khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn nên đi khám để được tư vấn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gastroesophageal reflux disease (GERD)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gerd/symptoms-causes/syc-20361940
Ngày tham khảo: 07/07/2021
-
GERDhttps://www.webmd.com/heartburn-gerd/guide/reflux-disease-gerd-1
Ngày tham khảo: 07/07/2021