YouMed

Bạn biết gì về thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng Omeprazol?

Dược sĩ TRẦN VÂN THY
Tác giả: Dược sĩ Trần Vân Thy
Chuyên khoa: Dược

Omeprazol là một loại thuốc rất thường được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày – thực quản và loét dạ dày – tá tràng. Vậy thuốc Omeprazol được dùng như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng tim hiểu những thông tin cần thiết về thuốc thông qua bài viết sau của dược sĩ Trần Vân Thy.

Thuốc chứa thành phần tương tự:

Nang giải phóng chậm: Prilosec 10-20-40mg, Losec 10-20-40mg, Helinzole, Kagasdine, Ausmezol, Alzole 20mg; Agimepzol 40, Pyme OM40.

Bột pha tiêm: Losec, Oraptic, Peptan, Auzomek 40

1. Omeprazol là thuốc gì?

Omeprazol là thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày bằng cách ức chế bơm proton ở tế bào thành của dạ dày. Tác dụng tối đa đạt được sau 4 ngày điều trị. Ở bệnh nhân loét tá tràng, có thể duy trì việc giảm 80% acid dịch vị trong 24 giờ.

Omeprazol có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) ở người loét tá tràng hoặc viêm thực quản trào ngược có nhiễm H. pylori. Phối hợp omeprazol với một số kháng sinh (như clarithromycin, amoxicilin) có thể tiệt trừ H. pylori và làm liền ổ loét, giúp thuyên giảm bệnh lâu dài.

Các dạng bào chế của Omeprazol:

  • Nang giải phóng chậm: 10 mg; 20 mg; 40 mg.
  • Viên nén giải phóng chậm: 10 mg; 20 mg; 40 mg.
  • Thuốc bột pha hỗn dịch uống: 2,5 mg/gói; 10 mg/gói; 20 mg/gói, 40 mg/gói.
  • Bột pha tiêm: 40 mg (dạng muối natri).
thuốc omeprazol
Thuốc Omeprazol

2. Chỉ định của thuốc Omeprazol

3. Hướng dẫn dùng thuốc Omeprazol

3.1. Đường uống

Cách dùng

Omeprazol phải uống lúc đói, trước khi ăn 30 phút hoặc 1 giờ, tốt nhất nên uống trước khi ăn sáng. Nếu dùng hai lần mỗi ngày, nên dùng liều đầu tiên trước bữa sáng và liều thứ hai trước bữa tối. Phải nuốt viên thuốc nguyên vẹn không được mở, nhai hoặc nghiền.

Liều dùng

  • Giảm chứng khó tiêu liên quan đến acid: uống hàng ngày với liều 10mg hoặc 20mg trong 2 – 4 tuần.
  • Điều trị trào ngược dạ dày – thực quản: thường dùng 20 mg omeprazol uống ngày một lần trong 4 tuần, thêm 4 đến 8 tuần nữa nếu chưa lành hẳn. Trường hợp viêm thực quản khó trị, có thể dùng liều hàng ngày là 40 mg. Điều trị duy trì 20 mg/ngày với viêm thực quản sau khi lành và 10 mg/ngày với trào ngược acid.
  • Điều trị loét dạ dày – tá tràng: uống hàng ngày một liều 20 mg hoặc 40 mg nếu nặng. Tiếp tục điều trị trong 4 tuần với loét tá tràng và 8 tuần với loét dạ dày.
  • Diệt H. pylori trong loét dạ dày – tá tràng: phối hợp omeprazol với kháng sinh trong phác đồ 3 hoặc 4 thuốc. Những phác đồ này thường dùng omeprazol 20 mg x 2 lần/ngày, thường uống trong 7 – 14 ngày. Riêng omeprazol có thể tiếp tục thêm 4 – 8 tuần.
  • Điều trị loét do thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Có thể dùng liều 20mg/ngày; liều này cũng có thể dùng để dự phòng loét nếu có tiền sử loét dạ dày – tá tràng mà vẫn phải tiếp tục điều trị bằng NSAID.
  • Người bệnh bị hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu thường là 60mg/lần/ngày. Đa số bệnh được kiểm soát với liều từ 20 đến 120 mg/ngày. Các liều trên 80 mg/ngày phải được chia nhỏ (thường là 2 lần).
  • Dự phòng chống sặc acid trong quá trình gây mê: một liều 40mg vào tối hôm trước khi mổ và một liều 40mg vào khoảng 2 – 6 giờ trước khi phẫu thuật.

Thuốc có thể cần giảm liều ở người suy gan.

3.2. Đường tĩnh mạch

Ở những người không phù hợp điều trị omeprazol bằng đường uống, natri omeprazol có thể dùng ngắn hạn bằng đường truyền tĩnh mạch với liều tương đương 40 mg omeprazol trong thời gian từ 20 đến 30 phút. Omeprazol 40 mg được pha trong 100 ml dung dịch natri clorid 0,9% hoặc glucose 5%. Thuốc cũng có thể dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm. Người bệnh bị hội chứng Zollinger – Ellison cũng đã được tiêm tĩnh mạch với các liều cao hơn.

3.3. Đối với trẻ em

Với trẻ em dưới 6 tuổi, vì sợ hóc do khó nuốt, có thể mở nang omeprazol rồi trộn với một loại thực phẩm hơi acid (pH < 5) như sữa chua, nước cam, nước táo rồi cho nuốt ngay mà không nhai.

Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ em trên 1 tuổi, liều lượng được xác định theo thể trọng như sau:

  • Từ 5 đến <10 kg: Uống 5 mg, ngày một lần.
  • Từ 10 đến 20 kg: Uống 10 mg, ngày một lần.
  • Trên 20 kg: 20 mg, ngày một lần.

Những liều này có thể tăng lên gấp đôi, nếu cần thiết. Việc điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần.

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, khó tiêu do acid, loét dạ dày – tá tràng lành tính, loét do dùng NSAID, dự phòng sặc acid, hội chứng Zollinger – Ellison, và giảm sự phá hủy của các chất bổ sung enzym tụy tạng ở trẻ em bị xơ nang tụy: có thể dùng liều omeprazol 700 microgam/kg x 1 lần/ngày ở trẻ sơ sinh và trẻ 1 tháng – 2 năm tuổi. Nếu cần thiết, sau 7 – 14 ngày có thể tăng liều lên 1,4 mg/kg hoặc tới 2,8 mg/kg, 1 lần/ngày. Ở trẻ tới 2 năm tuổi, liều có thể tăng lên tới 3 mg/kg (tới tối đa 20mg), 1 lần/ngày.

Với liều tiêm ở trẻ em, có thể tiêm tĩnh mạch 500 mcg/kg (tới tối đa 20 mg), 1 lần/ngày ở trẻ em từ 1 tháng đến 12 năm tuổi và có thể tăng lên tới 2 mg/kg (tới tối đa 40 mg), 1 lần/ngày.

4. Chống chỉ định của thuốc Omeprazol

Không dùng thuốc ở người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Omeprazol

Bạn phải loại trừ khả năng bị u ác tính trước khi người bị loét dạ dày dùng omeprazol, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm muộn chẩn đoán.

Với người cao tuổi, không cần thiết phải hiệu chỉnh liều. Ở người suy gan, sự đào thải của thuốc chậm hơn. Một liều 20 mg omeprazol mỗi ngày thường là đủ cho những người bệnh này.

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy khi dùng omeprazol trong thời gian dài với liều tương đối cao làm biến đổi hình thái niêm mạc dạ dày và có thể tăng tỷ lệ ung thư dạ dày. Tuy nhiên không thấy xảy ra trên người sau khi dùng omeprazol thời gian ngắn, khuyến cáo theo dõi khi sử dụng thuốc thời gian dài.

Việc sử dụng các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (thí dụ nhiễm Salmonella, Campylobacter).

6. Tác dụng phụ của thuốc Omeprazol

Các tác dụng không mong muốn của omeprazol tương đối ít gặp, thường lành tính và có hồi phục.

Các tác dụng có thể thường gặp:

  • Toàn thân: nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
  • Tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, trướng bụng.

Ít gặp:

  • Thần kinh: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi.
  • Da: Mày đay, ngứa, nổi ban.
  • Gan: Tăng transaminase nhất thời.

Hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ: Bạn phải ngừng thuốc khi có biểu hiện tác dụng không mong muốn nặng. Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

7. Tương tác thuốc khi dùng Omeprazol

Omeprazol không có tương tác nhiều khi dùng chung thức ăn, rượu, amoxicilin, bacampicilin, cafein, lidocain, quinidin hoặc theophylin. Thuốc có thể làm tăng nồng độ ciclosporin, diazepam, phenytoin và warfarin trong máu.

Omeprazol có thể làm tăng tác dụng của kháng sinh diệt H. pylori và tác dụng chống đông máu của dicoumarol, nifedipin. Clarithromycin làm nồng độ Omeprazol tăng cao gấp đôi.

8. Xử trí khi quá liều thuốc Omeprazol

Liều uống tới 160 mg/lần, liều tiêm tĩnh mạch tới 80 mg/lần hoặc tới 200 mg/ngày và liều 520 mg tiêm tĩnh mạch trong thời gian 3 ngày vẫn dung nạp tốt.

Các biểu hiện lâm sàng do quá liều chủ yếu là buồn ngủ, nhức đầu và tim đập nhanh. Các biểu hiện này có thể được hồi phục mà không cần điều trị đặc biệt.

9. Phụ nữ có thai và cho con bú

  • Thời kỳ mang thai: chưa thấy có tác dụng độc hại nào cho thai nhi trên lâm sàng. Mặc dù vậy, việc sử dụng omeprazol trong thời gian mang thai chỉ được xem xét khi thật cần thiết.
  • Thời kỳ cho con bú: vì thuốc phân bố trong sữa mẹ, nên cân nhắc giữa ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú.

10. Cách bảo quản thuốc Omeprazol

  • Tránh ánh sáng và độ ẩm.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ 15 – 30oC.
  • Dung dịch tiêm tĩnh mạch phải được dùng trong vòng 4 giờ sau khi pha.
  • Không được tiêm nếu dung dịch đã đổi màu hoặc có cặn tủa.

Thuốc Omeprazol là thuốc dùng để điều trị các bệnh như viêm loét dạ dày-tá tràng hay trào ngược dạ dày-thực quản. Trên đây là những thông tin tham khảo từ YouMed về thuốc omeprazol. Nếu có bất cứ vấn đề gì, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa hay dược sĩ để được tư vấn cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam (2018). "Omeprazol", trang 1080-1082.

  2. Omeprazolehttps://www.drugs.com/ppa/omeprazole.html

    Ngày tham khảo: 29/04/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người