Viêm gân Achilles: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Khi tham gia các môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao, cần lưu ý đến các vấn đề liên quan đến gân gót chân – hay còn gọi là gân Achilles. Vậy khi bị viêm gân Achilles cần được điều trị như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Viêm gân Achilles là bệnh gì?
Viêm gân Achilles là một chấn thương do sử dụng gân Achilles quá nhiều. Gân Achilles là dải mô nối các cơ cẳng chân (phía sau chân dưới) với xương gót chân.
Viêm gân Achilles là chấn thương thường gặp nhất ở những người chạy bộ đang trong quá trình tăng cường độ bài chạy hoặc kéo dài thời gian chạy những thay đổi quá nhanh, quá nặng. Dạng viêm này có thể gặp ở những người trung niên chơi thể thao, chẳng hạn như tennis hoặc bóng rổ.
Hầu hết các trường hợp mắc viêm gân Achilles có thể được điều trị bằng cách chăm sóc tại nhà. Bước điều trị ban đầu tương đối đơn giản dưới sự giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên cần có các phương pháp tự chăm sóc cần thiết để ngăn chặn các đợt viêm tái phát. Các trường hợp viêm gân Achilles nghiêm trọng hơn có thể gây rách gân và có thể phải can thiệp phẫu thuật.
>> Đau gót chân luôn gây khó chịu, phiền toái trong sinh hoạt và công việc hằng ngày. Vậy đau gót chân do những nguyên nhân gì gây ra? Cùng tìm hiểu ngay.
2. Triệu chứng viêm gân Achilles gồm những gì?
Cơn đau do viêm gân Achilles thường bắt đầu như một cơn đau mức độ nhẹ ở vùng phía sau chân hoặc phía trên gót chân sau khi chạy hoặc tham gia các hoạt động thể thao khác. Những cơn đau có thể dữ dội hơn sau khi chạy dài, leo cầu thang hoặc chạy nước rút.
Người bệnh cũng từng có những cơn đau nhức hay cứng khớp. Triệu chứng thường xuất hiện nhiều nhất là buổi sáng và cải thiện khi vận động chân nhẹ.
Nếu bạn cảm thấy cơn đau kéo dài, nhất là ở vùng gân Achilles, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ về vấn đề này. Nếu cơn đau trở nên nặng hơn và bạn không thể nào di chuyển chân, khả năng cao là gân Achilles đã bị đứt. Lúc này bạn cần phải nhập viện gấp.
3. Nguyên nhân gây nên viêm gân Achilles là gì?
Viêm gân Achilles là do sự kéo dãn lặp đi lặp lại hay kéo căng quá mức gân Achilles. Cấu trúc gân Achilles sẽ yếu dần theo thời gian. Do đó càng lớn tuổi, gân Achilles càng dễ bị chấn thương hơn. Đặc biệt ở những người chỉ tham gia thể thao vào cuối tuần hoặc đột nhiên gia tăng cường độ tập luyện như chạy bộ.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm gân Achilles, bao gồm:
- Giới tính: Viêm gân Achilles xảy ra phổ biến nhất ở nam giới
- Tuổi tác: Viêm gân Achilles là phổ biến hơn ở người lớn tuổi
- Vấn đề thể chất: Bàn chân dẹt bẩm sinh có thể làm gân Achilles phải căng dãn nhiều hơn. Béo phì và cơ bắp chân quá săn chắc cũng có thể làm căng gân hơn.
- Các yếu tố xung quanh lúc tập luyện: Chạy trong giày đế mòn có thể làm tăng nguy cơ viêm gân Achilles. Đau gân thường xảy ra hơn nếu tập luyện trong thời tiết lạnh so với thời tiết ấm áp. Nếu chạy trên địa hình đồi núi cũng có thể khiến người bệnh dễ bị chấn thương Achilles.
- Tình trạng sức khỏe bản thân: Những người bị bệnh vẩy nến hoặc cao huyết áp có nguy cơ mắc viêm gân Achilles cao hơn.
- Thuốc: Một số loại kháng sinh, được gọi là fluoroquinolones, làm gia tăng nguy cơ mắc viêm gân Achilles.
Biến chứng của viêm gân Achilles:
Viêm gân Achilles có thể làm suy giảm độ kéo dãn gân. Do đó, chúng sẽ dễ bị rách (đứt) gân. Đây là một chấn thương cực đau đớn và thường phải can thiệp phẫu thuật.
5. Các biện pháp ngăn ngừa viêm gân Achilles:
Mặc dù có thể không thể ngăn ngừa hoàn toàn viêm gân Achilles, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc phải:
- Tăng dần dần cường độ tập luyện: Nếu bạn mới bắt đầu một chế độ tập thể dục nào đó, hãy luôn chắc rằng bạn khởi đầu tập luyện ở mức vừa sức và tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện.
- Hãy luôn bình tĩnh: Tránh các hoạt động làm gân gót bạn phải hoạt động quá mức, chẳng hạn như chạy trên đồi cao. Trước tập luyện, bạn hãy luôn làm nóng bằng các bài khởi động. Trong quá trình tập, nếu một bài tập nào đó làm bạn thấy đau, hãy dừng lại và nghỉ ngơi.
- Chọn giày thật cẩn thận: Những đôi giày bạn mang trong khi tập thể dục phải có đệm lót đầy đủ. Chúng sẽ giúp gót chân bạn có một vòm đệm vững chắc, từ đó giúp giảm độ căng cho gân Achilles. Bạn cũng nên thay những đôi giày nếu chúng quá cũ.
- Tập luyện mỗi ngày: Bạn nên kéo dãn cơ cẳng chân và gân Achilles vào mỗi buổi sáng, trước và sau khi tập luyện. Việc kéo dãn sẽ giúp duy trì độ dẻo dãi cũng chân bạn, cũng tránh gây viêm gân Achilles.
- Tăng sức mạnh cơ cẳng chân: Các bài tập tăng sức mạnh cơ cẳng chân sẽ giúp cẳng chân và cơ Achilles đủ sức vượt qua các bài tập luyện cường độ cao.
- Các bài tập thay thế: Thay vì tập các bài cường độ cao như chạy bộ hay nhảy tại chỗ bằng các bài tập cường độ nhẹ nhàng hơn, như đạp xe và đi bơi.
6. Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch Achilles?
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, khu trú lại vùng bị đau, sưng của gân cơ. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá độ dẻo dai, khả năng hoạt động của cẳng chân và bàn chân. Ngoài ra, bác sĩ còn thực hiện một số cận lâm sàng khác:
- X quang: Mặc dù X quang không thể giúp đánh giá mô mềm như gân, nhưng chúng sẽ giúp bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác gây ra những cơn đau bạn đang phải chịu đựng.
- Siêu âm: Máy siêu âm sẽ giúp đánh giá mô mềm như gân. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá tốt hơn những tổn thương của gân Achilles, và đồng thời đánh giá sự tưới máu tại vùng này.
- MRI: Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá chi tiết gân Achilles.
7. Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm bao hoạt dịch Achilles?
Thường bạn chỉ cần chăm sóc tại nhà gân cơ bị viêm. Tuy nhiên, nếu bạn đang chịu đựng những cơn đau quá sức chịu đựng hay dai dẳng, bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị chúng.
7.1 Thuốc điều trị gồm những gì?
Nếu bạn đã dùng các loại thuốc giảm đau như Ibuprofen (Advil, Motrin IB…) hoặc Naproxen (Aleve) nhưng không giảm được cơn đau. Lúc này, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc kháng viêm và giảm đau mạnh hơn.
7.2 Tập vật lí trị liệu:
Chuyên gia vật lí trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách tập luyện và phục hồi tốt nhất:
- Các bài tập luyện: Chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn các bài tập nhằm kéo dãn gân cơ cũng như bài tăng sức mạnh các cơ nhằm khôi phục và tăng sức mạnh gân Achilles cũng như các cấu trúc lân cận. Ngoài ra, còn có những bài tập chuyên biệt (eccentric), nâng hạ chân một cách chậm rãi với tạ, nhằm giúp tăng sức mạnh và sức bền gân Achilles
- Dụng cụ hỗ trợ: Một miếng đệm lót ở gót chân sẽ giúp giảm độ căng dãn gân, từ đó giảm khả năng mắc chân thương ở gân Achilles
>> Tìm hiểu thêm về các bài tập thể dục với bệnh nhân cơ xương khớp
7.3 Phẫu thuật
Nếu tình trạng viêm gân Achilles của bạn kéo dài nhiều tháng hoặc không được điều trị hợp lí hoặc đứt gân Achilles, bác sĩ sẽ cần phẫu thuật sửa lại gân Achilles cho bạn
7.4 Chế độ sinh hoạt phù hợp
- Nghỉ ngơi: Bạn cần ngừng tập luyện vài ngày hoặc chỉ vận động nhẹ nhàng không làm căng gân Achilles, như đi bơi. Trong nhiều trường hợp, có thể bạn cần dùng nạng để đi lại.
- Chườm đá: Đây là cách giúp giảm đau và sưng vùng gân gót. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút sau tập luyện hay khi chân bạn sưng đau.
- Băng ép: Bằng cách này sẽ giúp sưng và giúp gân Achilles bớt phải kéo dãn
- Kê cao chân: Đây là cách giúp giảm máu tới vùng gân, từ đó giảm sưng. Mỗi tối bạn nên ngủ kê cao chân
>> Hội chứng đau cẳng chân là một bệnh thường gặp ở những người tập luyện cường độ cao. Tìm hiểu thêm để ngăn chặn cơn đau xuất hiện và tái phát.
Bác sĩ Vũ Thành Đô
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/achilles-tendinitis/symptoms-causes/syc-20369020