Viêm gan mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Viêm gan mạn tính là một bệnh lí rất phổ biến ở nước ta do tỉ lệ nhiễm viêm gan B,C và tỉ lệ sử dụng rượu bia ở mức cao. Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm của gan kéo dài hơn 6 tháng. Vậy viêm gan mạn tính là gì? Do những nguyên nhân nào gây ra? Triệu chứng và điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Viêm gan mạn tính là gì?
Viêm gan mạn tính là tình trạng viêm của gan kéo dài hơn 6 tháng. Tình trạng viêm mạn tính này có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó nổi bật nhất là viêm gan siêu vi và lạm dụng rượu bia. Nó là bệnh lý dạng nhẹ và không gây ra tổn thương gan đáng kể. Tuy nhiên, ở một số người, tiến trình viêm phá huỷ cấu trúc và chức năng gan dần dần. Tình trạng này dẫn đến xơ gan, suy gan và có thể là ung thư gan.
Nguyên nhân của viêm gan mạn tính là gì?
Những nguyên nhân gây viêm gan mạn tính thường gặp bao gồm
- Viêm gan A: Là bệnh gan gây ra do virus, có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Virus viêm gan A (Hepatitis A Virus – HAV) được truyền thông qua đường tiêu hóa, từ nguồn thức ăn và nước uống nhiễm bẩn. Hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn và có được miễn dịch với bệnh suốt đời. Nguy cơ mắc bệnh viêm gan A liên quan đến sự thiếu hụt nước sạch và môi trường bị nhiễm bẩn. Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh viêm gan A hiệu quả và an toàn.
- Viêm gan B: Khoảng 5-10% người mắc viêm gan siêu vi B cấp tính trở thành mạn tính. Đôi khi, bệnh có thể đồng mắc với viêm gan siêu vi D, khiến cho tình trạng viêm gan nặng nề hơn. Ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ diễn tiến thành viêm gan mạn tính lên tới 90%. Do đó, việc chích ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh và dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con là vô cùng cần thiết.
- Viêm gan C: Đây là nguyên nhân chính gây ra viêm gan mạn tính. Viêm gan mạn do VGSV C chiếm tới 60 – 70% tổng số trường hợp viêm gan mạn. Người mắc viêm gan siêu vi C có 75% khả năng diễn tiến thành viêm gan mạn tính.
- Do rượu: Sau khi được hấp thu từ đường tiêu hoá, rượu được chuyển hoá tại gan. Quá trình này sản xuất ra các chất phả huỷ gan. Nếu bệnh nhân sử dụng rượu bia quá nhiều và thường xuyên, tình trạng này diễn ra liên tục, khiến gan bị viêm kéo dài. Hậu quả là gan không thể tự hồi phục và trở thành viêm gan mạn tính.
- Một số nguyên nhân khác: viêm gan tự miễn, bệnh gan nhiễm mỡ,…
Triệu chứng của viêm gan mạn tính là gì?
Ở khoảng 2/3 bệnh nhân, viêm gan mạn phá huỷ dần dần chức năng gan và không có triệu chứng.
Thông thường, bệnh gây mệt mỏi, chán ăn. Mệt mỏi tăng dần trong ngày và có thể gây suy nhược cơ thể. Một số triệu chứng khác bao gồm
- Khó chịu nhẹ vùng bụng trên rốn;
- Buồn nôn;
- Đau nhức người.
Nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, có thể xuất hiện các triệu chứng:
- Vàng da (da và tròng trắng mắt bị nhuốm vàng).
- Báng bụng (bụng phình to và chứa dịch).
- Sụt cân.
- Yếu cơ.
- Nước tiểu sậm màu.
- Dễ bầm da và hay chảy máu.
- Lú lẫn.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Các xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán viêm gan mạn tính gồm
- Xét nghiệm máu: Vì viêm gan mạn tính trong thời gian đầu rất it có triệu chứng. Nên cách tốt nhất để phát hiện bệnh là nên thực hiện kiểm tra chức năng gan định kì. Xét nghiệm máu bao gồm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như: men gan, bilirubin,…
- Nếu những xét nghiệm này nghi ngờ hoặc dương tính với viêm gan mạn tính, bạn nên thử VGSVB và C.
- Trong một số trường hợp, sinh thiết gan có thể được chỉ định. Sinh thiết gan giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ của viêm gan.
Những thông tin này giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị, giúp làm giảm tiến trình xơ gan và suy gan.
Nếu bạn đã biêt mình mắc VGSV B hoặc C, bạn nên tầm soát xơ gan hoặc ung thư gan mỗi 6 tháng bằng
- Siêu âm gan
- Đo nồng độ chất chỉ điểm ung thư gan.
Điều trị bệnh bằng cách nào?
Mục tiêu điều trị viêm gan mạn tính là ngăn ngừa bệnh tiến triển và ngăn ngừa xơ gan, suy gan.
- Viêm gan mạn do VGSV B,C thường được điều trị bằng thuốc kháng virus. Các thuốc gần đây cho thấy hiệu quả rất tốt.
- Đối với viêm gan mạn do rượu, cách tốt nhất là ngưng hoàn toàn việc uống rượu. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và giúp hồi phục chức năng gan một phần.
- Nếu viêm gan do các bệnh lí chuyên biệt, sẽ có điều trị đặc hiệu cho từng bệnh lí. Bạn có thể thảo luận điều này cùng với bác sĩ của mình để hiểu rõ hơn.
Nếu bạn đã có dấu hiệu của xơ gan, suy gan, nên kiểm tra chức năng gan định kì và thực hiện tầm soát ung thư gan như đã nêu ở trên.
Chế độ sinh hoạt trong viêm gan mạn tính
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Ngừng uống rượu: Như đã trình bày ở trên, rượu giải phóng ra các chất làm độc gan. Do đó, khiến tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây tổn thương gan: Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để xem lại các thuốc, kể cả thuốc không kê đơn cũng như các chế phẩm thảo dược, bổ sung chế độ ăn uống. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tránh một số thuốc;
- Tránh lây lan cho người khác.
Viêm gan mạn tính là bệnh lí thường gặp, có thể gây ra các hậu quả nguy hiểm. Tuy nhiên, những kiến thức về điều trị bênh, theo dõi bệnh cũng như lối sống phù hợp sẽ giúp làm giảm nguy cơ diễn tiến của bệnh. Hi vọng bài viết trên đã trang bị cho bạn những kiến thức bổ ích về viêm gan mạn tính.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chronic Hepatitishttps://www.drugs.com/health-guide/chronic-hepatitis.html
Ngày tham khảo: 19/11/2019
-
Overview of Chronic Hepatitishttps://www.msdmanuals.com/home/liver-and-gallbladder-disorders/hepatitis/overview-of-chronic-hepatitis
Ngày tham khảo: 19/11/2019