Viêm giác mạc ở trẻ em: Liệu có nguy hiểm?
Nội dung bài viết
Bệnh viêm giác mạc là một bệnh lý phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn còn chưa hiểu rõ về bệnh. Vậy bệnh viêm giác mạc là gì? Đâu là những điều cần chú ý đối với viêm giác mạc ở trẻ em?
Viêm giác mạc là gì?
Giác mạc và các thành phần của mắt
Giác mạc vốn trong suốt và là một thành phần của vỏ bọc nhãn cầu. Giác mạc có nhiệm vụ bảo vệ nhãn cầu và tham gia vào chức năng khúc xạ của mắt.
Chính vì vậy nên những bệnh lý liên quan đến giác mạc ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của mắt.
Bệnh lý viêm giác mạc ở trẻ em
Viêm giác mạc là bệnh lý thâm nhiễm viêm tế bào giác mạc. Đây là một bệnh lý về mắt khá phổ biến. Tất cả lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Nguyên nhân của viêm giác mạc ở trẻ bao gồm các nguyên nhân liên quan đến nhiễm trùng và không liên quan đến nhiễm trùng.
Nguyên nhân liên quan đến nhiễm trùng
Những nguyên nhân phổ biến liên quan đến nhiễm trùng bao gồm do vi khuẩn, Nấm và Vi rút :
- Vi khuẩn là tác nhân thường gây ra bệnh khi mắt bị tổn thương. Trong đó những vi khuẩn thường gặp là P. aeruginosa, S. aureus, Streptococci
- Nấm là nguyên nhân chính gây mất thị lực. Đối với nguyên nhân do nắm đa số sẽ tiến triển âm thầm, khó điều trị. 2 loại nấm chính là nấm men và nấm sợi
- Vi rút hay điển hình hơn là do Herpes Simplex Virus (HSV) vốn là tác nhân nhiễm trùng thường gặp nhất gây bệnh lý giác mạc ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Người lớn đa số là do HSV-I và ở trẻ sơ sinh là do HSV-II
Nguyên nhân không liên quan đến nhiễm trùng
Nguyên nhân không liên quan đến nhiễm trùng phổ biến nhất là do các chấn thương về mắt. Tất cả những yếu tố tác động gây tổn thương đến giác mạc đều có thể gây ra viêm giác mạc.
Ở trẻ em đây là một nguyên nhân phụ huynh rất cần phải chú ý. Do trẻ còn chưa ý thức được việc bảo vệ mắt khỏi các vật bên ngoài.
Những trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc?
Hiện nay khá phổ biến ở trẻ em lứa tuổi thanh thiếu niên là việc mang kính áp tròng. Đây là nguy cơ cao mắc bệnh viêm giác mạc ở trẻ em do vệ sinh kính áp tròng không tốt. Việc không vệ sinh kỹ tay khi đeo kính hay kính áp tròng không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét giác mạc mà bạn cũng cần phải chú ý như:
- Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A
- Chấn thương mắt
- Khô mắt nặng, hở mi
- Các bệnh giác mạc: mất cảm giác, bọng
- Suy giảm miễn dịch tại mắt
Ở trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao bị mắc viêm loét giác mạc do tác nhân là HSV-II (Herpes Simplex Virus) vốn là tác nhân nhiễm trùng thường gặp nhất gây bệnh lý giác mạc.
Các triệu chứng của viêm giác mạc ở trẻ em là gì?
Tùy theo lứa tuổi của trẻ thì những triệu chứng biểu hiện sẽ có thể khác nhau. Các triệu chứng viêm giác mạc ở trẻ em thường là:
- Đau và đỏ mắt
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng (khó chịu khi nhìn vào ánh sáng)
- Chảy nước mắt nhiều
- Tiết dịch ở mắt
- Nhìn mờ, giảm thị lực
- Cảm giác có vật lạ trong mắt
Khi bé có các triệu chứng trên thì các phụ huynh cần lưu ý và đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra tình trạng của mắt.
Viêm giác mạc ở trẻ em liệu có nguy hiểm?
Viêm loét giác mạc ở trẻ em vốn rất nguy hiểm và cần được chú ý. Trong một số trường hợp nặng và không được điều trị kịp thời. Bệnh thậm chí có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa.
Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần phải chú ý để có thể đưa trẻ đến bác sĩ điều trị kịp thời trong giai đoạn sớm của bệnh.
Các biến chứng của viêm giác mạc có thể kể đến như:
- Sẹo giác mạc
- Loét giác mạc
- Ảnh hưởng thị lực
- Tăng nhãn áp
- …
Chẩn đoán viêm giác mạc ở trẻ em
Để chẩn đoán bệnh viêm giác mạc ở trẻ các bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử kèm thăm khám lâm sàng. Ngoài ra, có thể lấy mẫu dịch tiết ở mắt thực hiện kèm theo một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh như:
- Soi tươi
- Nhuộm Gram
- Nuôi cấy + kháng sinh đồ
- PCR
- ….
Và sau khi đã chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây ra bệnh viêm giác mạc. Từ đó sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
Cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe chung của trẻ. Ngoài ra cũng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các bậc phụ huynh nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ về phương pháp điều trị cho bé.
Cha mẹ cũng có thể chú ý để thực hiện các biện pháp phòng ngừa giúp hạn chế mắc viêm giác mạc ở trẻ qua các việc như:
- Cho trẻ đến khám bác sĩ khi bé có các triệu chứng của bệnh viêm giác mạc để có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh.
- Hạn chế đeo kính áp tròng ở trẻ. Nếu đeo thì cần chú ý vệ sinh kính, rửa kỹ tay trước khi đeo. Và dùng loại kính áp tròng đảm bảo chất lượng.
- Tuyệt đối không nên mang kính áp tròng ngủ qua đêm.
- ……
Viêm giác mạc là một bệnh nếu không được điều trị có thể đưa đến nhiều biến chứng và hậu quả nghiêm trọng như giảm thị lực và mù lòa. Chính vì vậy các bậc phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan. Và cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời để được điều trị đúng cách.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=90&contentid=P02093#:~:text=keratitis%20in%20children-,Keratitis%20is%20an%20inflammation%20or%20infection%20of%20the%20cornea%20of,about%20your%20child's%20health%20history
- https://www.uptodate.com/contents/herpes-simplex-keratitis