Viêm giác mạc và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Viêm giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm và có thể dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể điều trị và hồi phục tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó, việc nắm được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh và đi khám kịp thời là hết sức quan trọng để phòng tránh các hậu quả nặng nề về sau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến những điều cần biết về căn bệnh viêm giác mạc.
1. Giác mạc là gì?
Giác mạc là một lớp màng mỏng, trong suốt nằm ở phía trước của mắt. Nó cho phép ánh sáng đi qua, giúp chúng ta nhìn thấy được. Ngoài ra, giác mạc còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây bệnh (bụi bẩn, vi khuẩn, virus…).
2. Viêm giác mạc là như thế nào?
Viêm giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm. Nó xảy ra sau một chấn thương hay nhiễm trùng tạo nên phản ứng viêm tại giác mạc. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tổn thương sẽ lan rộng và để lại di chứng nặng nề (sẹo giác mạc, giảm hoặc mất thị lực…).
3. Nguyên nhân là gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới viêm giác mạc, cụ thể là:
- Chấn thương: Phản ứng viêm sẽ xuất hiện khi giác mạc bị tổn thương hoặc trầy xước bởi dị vật (thường là do kính áp tròng). Vi sinh vật cũng có thể thông qua vết thương xâm nhập vào giác mạc làm nặng hơn tình trạng bệnh.
- Nhiễm trùng: Tác nhân có thể gặp là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm… Bệnh thường xảy ra ở những người sử dụng kính áp tròng không đúng cách. Thông qua đó, vi sinh vật sẽ phát triển trên bề mặt kính và gây nên tình trạng nhiễm trùng tại giác mạc.
- Nguyên nhân khác: Thiếu hụt vitamin A, các bệnh lý làm suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS…), tình trạng khô mắt kéo dài… cũng có thể dẫn tới viêm giác mạc.
4. Triệu chứng
Dưới đây là những dấu hiệu nghi ngờ bị viêm giác mạc:
- Đau mắt.
- Đỏ mắt.
- Khó chịu, cảm giác có dị vật trong mắt hay cảm giác nóng rát.
- Chói mắt, sợ ánh sáng.
- Chảy nhiều nước mắt hay có nhiều ghèn (dử mắt) màu vàng hay trắng vàng.
- Sưng nề mi mắt, thậm chí khó mở mắt.
- Nhìn mờ.
Bạn cần nhanh chóng đến các phòng khám mắt hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt để được phát hiện kịp thời. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả mất thị lực vĩnh viễn.
5. Viêm giác mạc được điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân của viêm giác mạc, phương pháp điều trị có thể khác nhau, bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật.
Đối với nhóm không do nhiễm trùng, thông thường tình trạng viêm giác mạc sẽ tự giới hạn khi các tổn thương ở mắt hồi phục. Điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các nhiễm trùng mới phát triển.
Ngược lại, đối với nhóm nguyên nhân do nhiễm trùng, điều trị sẽ thay đổi theo tác nhân gây bệnh, cụ thể là:
- Tác nhân là vi khuẩn: Đối với viêm giác mạc mức độ nhẹ thường chỉ cần sử dụng kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên, mức độ vừa và nặng có thể phải cần đến kháng sinh đường uống.
- Tác nhân là virus: Điều trị có thể là thuốc kháng virus uống, nhỏ mắt hoặc chỉ điều trị triệu chứng (tùy loại virus gây bệnh).
- Tác nhân là ký sinh trùng: Trong số các ký sinh trùng gây bệnh, Acanthamoeba là tác nhân gây ra nhiều khó khăn nhất trong việc điều trị bởi khả năng kháng thuốc của nó. Một số trường hợp nặng có thể phải thay giác mạc.
- Tác nhân là nấm: Thuốc kháng nấm đường uống và nhỏ mắt thường được sử dụng phối hợp.
>> Xem thêm: 7 loại thuốc nhỏ mắt cho tình trạng khô mắt mà bạn cần biết.
6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm giác mạc?
Đối với bệnh nhân sử dụng kính áp tròng, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và vệ sinh thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa viêm giác mạc. Sau đây là một số điều mà bạn cần lưu ý:
- Không sử dụng kính áp tròng quá lâu.
- Không sử dụng kính áp tròng trong khi ngủ, khi tắm hoặc khi đi bơi.
- Rửa sạch và hong khô tay trước khi mang/tháo kính áp tròng.
- Sử dụng các dung dịch chuyên dùng để vệ sinh kính.
- Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ.
- Thường xuyên thay kính áp tròng mới theo lời khuyên của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng phải cẩn thận trọng với một số yếu tố nguy cơ khác, bao gồm:
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, khi di chuyển ngoài đường…
- Tránh dùng tay dụi mắt, không thoa hay đắp trực tiếp lên mắt các loại lá thuốc.
- Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.
- Cung cấp đủ vitamin A và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
Biểu hiện của viêm giác mạc khá đa dạng gồm đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt… Điều trị có thể là dùng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào độ nặng của bệnh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa theo lời dặn của bác sĩ là hết sức quan trọng. Sự chậm trễ trong chẩn đoán có thể dẫn tới các di chứng về sau. Do đó, nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến khám bác sĩ để được phát hiện và điều trị sớm bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What is keratitis?https://www.webmd.com/eye-health/keratitis-facts
Ngày tham khảo: 28/10/2019
-
Keratitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratitis/symptoms-causes/syc-20374110
Ngày tham khảo: 28/10/2019