Viêm mào tinh hoàn uống thuốc gì?
Nội dung bài viết
Viêm mào tinh hoàn là tình trạng sưng, đau rát ở vùng mào tinh hoàn. Nguyên nhân gây bệnh này đa phần do nhiễm trùng. Bệnh nhiễm trùng này không dẫn đến ung thư. Tuy nhiên nó lại gây đau đớn rất nhiều cho bệnh nhân. Vậy viêm mào tinh hoàn uống thuốc gì? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về viêm mào tinh hoàn
Mào tinh hoàn là một bộ phận dạng hình ống, cuộn thành hình chữ C nằm dọc ở bờ sau tinh hoàn. Hệ thống sinh sản nam tạo ra, lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. Tinh trùng được tạo ra bằng các nội tiết tố nam đặc biệt trong cơ thể. Tinh trùng bắt đầu phát triển trong tinh hoàn. Sau đó di chuyển và trưởng thành trong khi di chuyển qua mào tinh hoàn.
Dấu hiệu viêm mào tinh hoàn
Các dấu hiệu viêm mào tinh hoàn thường bị nhầm lẫn với tình trạng nhiễm trùng ở các bộ phận vùng sinh dục khác. Một số dấu hiệu đặc trưng có thể kể đến như là:
- Đau, nóng rát khi đi tiểu.
- Đau ở dương vật và vùng bẹn.
- Đau xung quanh vùng dưới bụng.
- Nhu cầu tiểu tiện nhiều bất thường.
- Sốt, cảm giác ớn lạnh.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Dương vật tiết dịch bất thường.
- Máu lẫn trong tinh dịch.
Viêm mào tinh hoàn có thể chỉ bắt đầu với một số triệu chứng nhẹ, Tuy nhiên, khi nó không được triệu chứng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn và có thế xuất hiện một số biến chứng như: Viêm tinh hoàn, mưng mủ vùng bìu hay ảnh hưởng đến tinh trùng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm mào tinh hoàn
STI (bệnh lây qua đường tình dục) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm mào tinh hoàn. Cụ thể là bệnh lậu và chlamydia. Các bệnh viêm này sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này sẽ đi xuống ống dẫn tinh đến mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn gây viêm.
Ngoài ra nguyên nhân viêm mào tinh hoàn còn có thể do nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Khi xuất hiện nhiễm khuẩn ở các vùng khác, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm mào tinh hoàn.
Các yếu tố nguy cơ sau cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Cấu trúc bất thường ở vùng sinh dục.
- Không cắt bao quy đầu.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Phẫu thuật can thiệp đường tiết niệu.
- Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài.
- Bị chấn thương vùng háng.
Viêm mào tinh hoàn ở trẻ em dấu hiệu giống như người lớn. Tuy nhiên tình trạng này ở trẻ em do nguyên nhân khác như:
- Chấn thương trực tiếp.
- Nhiễm trùng đường tiểu lây lan đến niệu đạo và mào tinh hoàn.
- Trào ngược nước tiểu vào mào tinh hoàn.
- Xoắn mào tinh hoàn.
Nhiều trường hợp viêm mào tinh hoàn ở trẻ em sẽ tự khỏi. Việc điều trị ở trẻ em được bác sĩ khuyến cáo là sử dụng thuốc giảm đau kết hợp với nghỉ ngơi. Nếu trẻ nhỏ bị viêm do nhiễm khuẩn cần sử dụng kháng sinh đúng liều tránh việc lạm dụng.
Viêm mào tinh hoàn uống thuốc gì?
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh chính xác giúp bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân chính xác hơn. Chẩn đoán viêm mào tinh hoàn bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: Cấy nước tiểu để tìm ra vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Tìm kiếm bằng chứng tồn tại vi khuẩn trong cơ thể.
- Kiểm tra trực tiếp: Kiểm tra sự bất thường của trực tràng hoặc tuyến tiền liệt.
- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu mâ hoặc quét phóng xạ bìu là các phương pháp hình ảnh điển hình.
Điều trị
Việc lựa chọn thuốc điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào nguyên nhân gây bệnh.
Kháng sinh
Đa phần bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Một số loại kháng sinh được khuyến cáo bệnh nhân sử dụng như:
- Ceftriaxone: 250 mg tiêm bắp liều duy nhất.
- Doxycycline: 100 mg uống 2 lần một ngày trong 10 ngày.
- Levofloxacin: 500 mg uống 1 lần mỗi ngày trong 10 ngày.
- Ofloxacin: 300 mg uống 1 lần mỗi ngày trong 10 ngày.
Các thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp nguyên nhân do bệnh lậu, chlamydia hoặc bất kỳ vi khuẩn khác. Thời gian điều trị kéo dài hơn nếu bệnh nhân viêm mào tinh hoàn mãn tính (thời gian viêm > 6 tuần) hoặc viêm tái đi tái lại.
Thuốc giảm đau, kháng viêm
Thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định để giảm bớt cảm giác đau đớn của bệnh nhân hoặc có thể để giảm tình trạng sốt do viêm. Một số nhóm thuốc như NSAIDs hoặc thuốc giảm đau bắt buộc kê đơn như morphine, codein được sử dụng kết hợp với thuốc kháng sinh.
Các phương pháp phẫu thuật
Khi bệnh nhân đã có dấu hiệu abces hay mưng mủ vùng bìu, bác sĩ sẽ phải dẫn lưu mủ. Tình trạng biến chứng quá nặng sẽ bắt buộc phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ mào tinh hoàn. Việc cắt bỏ phải được hội chẩn kỹ càng bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý khi điều trị viêm tuyến tiền liệt
Nguyên nhân viêm mào tinh hoàn đa phần nguyên nhân là do bệnh tình dục. Xác suất lây lan cho bạn tình khi quan hệ là rất cao. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm đó là điều trị cho đối tác tình dục của bạn.
Ngoài ra, nam giới cần kiêng quan hệ tình dục trong quá trình điều trị. Việc này giúp hạn chế lây lan nhiễm khuẩn sang vùng khác cũng như tránh đau đớn khi hoạt động mạnh khi quan hệ.
Nam giới khi điều trị viêm mào tinh hoàn nên thay đổi lối sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học và vận động nhẹ nhàng để có kết quả điều trị tốt nhất.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “Viêm mào tinh hoàn uống thuốc gì?”. Hy vọng rằng qua bài viết này nam giới sẽ hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị viêm mào tinh hoàn. Điều quan trọng là bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Epididymitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epididymitis/symptoms-causes/syc-20363853
Ngày tham khảo: 20/05/2021
-
Epididymitishttps://www.healthline.com/health/epididymitis
Ngày tham khảo: 20/05/2021