YouMed

Viêm ruột thừa: Nguyên nhân, chuẩn đoán và điều trị

BS Huỳnh Quang Nghệ
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ
Chuyên khoa: Ngoại tiêu hóa

Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng cấp và là một trong những tình trạng được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nhiều nhất trên thế giới. Bệnh có cách điều trị và phòng ngừa ra sao. Hãy cùng Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ tìm hiểu về viêm ruột thừa qua bài viết sau.

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng khi mà ruột thừa bị nhiễm trùng và viêm tấy kèm sưng nề, trong một số tình huống có thể diễn tiến đến hoại tử và vỡ. Điều này rất nguy hiểm vì ruột thừa vỡ có thể gây nhiễm khuẩn trong ổ bụng. Hiện tại, đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng cấp và đồng thời là một trong những tình trạng được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nhiều nhất trên thế giới.1 2

Tìm hiểu sơ lược về ruột thừa

Ruột thừa là một cấu trúc thuộc về ống tiêu hóa, có hình dạng như một ngón tay nằm ở đáy manh tràng (phần đầu tiên của ruột già), gần van hồi manh tràng (van ngăn cách giữa ruột già và ruột non), cũng là nơi mà ba dải cơ dọc hội tụ lại tại manh tràng. Vị trí gốc ruột thừa đính vào manh tràng thường là cố định. Tuy nhiên, phần đầu ruột thừa có thể thay đổi ở nhiều vị trí khác nhau so với manh tràng như sau manh tràng, dưới manh tràng, trước hồi tràng, sau hồi tràng và ở vùng chậu (hay tiểu khung),… Đây đều là những biến thể sinh lý bình thường về vị trí của ruột thừa nhưng có thể gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán.1 2

Ruột thừa từng được xem như là “dấu tích” trong quá trình tiến hóa của loài người. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy bản thân ruột thừa là một tổ chức bạch huyết liên kết với niêm mạc ruột. Sự hiện diện của các tế bào lympho tại ruột thừa có vai trò đáng kể trong việc hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể. Nói cách khác, ruột thừa có các mô tế bào giúp tạo ra kháng thể cho hệ miễn dịch.3

Mô tả ruột thừa viêm
Mô tả ruột thừa viêm
Những vị trí khác nhau của ruột thừa. Nguồn: Sir C Wakeley.
Những vị trí khác nhau của ruột thừa

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa?

Theo một giả thuyết, cơ chế gây ra viêm ruột thừa là do tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa sau đó là quá trình nhiễm trùng. Khi có tắc nghẽn, trong lòng ống ruột thừa sẽ có hiện tượng tăng tiết nhầy, dẫn đến tăng áp suất trong lòng ống, kéo theo sự sinh sôi của vi khuẩn. Các chất nhầy sau đó sẽ thành mủ, càng tăng thêm áp suất trong lòng ống. Hậu quả là gây tắc nghẽn hệ thống mạch bạch huyết gây phù nề thành ruột thừa. Sau đó là tắc nghẽn của hệ thống tĩnh mạch, tiếp tục gây phù nề, thiếu máu, huyết khối tại các mạch máu nhỏ. Cuối cùng là hư hại đến động mạch, dẫn đến thành ruột thừa hoại tử và vỡ.1 2 Ngoài ra, một số tình huống có thể diễn tiến hình thành ổ áp xe (ổ mủ) ruột thừa, đám quánh ruột thừa hoặc diễn tiến mạn tính thành bệnh viêm ruột thừa mạn.2

Vậy các nguyên nhân gây tắc nghẽn lòng ống ruột thừa, viêm ruột thừa bao gồm:1 2

  • Ở trẻ em: phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc (theo sau một tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp, đường tiêu hóa,…).
  • Ở người lớn: sỏi phân.
  • Dị vật (đạn đinh, dụng cụ tránh thai, khuyên xỏ lưỡi, than hoạt, các loại hạt,…).
  • Các khối u tân sinh.
  • Ký sinh trùng (đặc biệt là các nước phương Đông: Sán lá máu, giun kim, giun đũa,…).
  • Vi khuẩn và virus (Yersinia, Adenovirus, CMV, Actinomyces, Mycobacteria, Histoplasma, lao,…).
Một số nguyên nhân gây tắc nghẽn lòng ống ruột thừa
Một số nguyên nhân gây tắc nghẽn lòng ống ruột thừa

Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa

Người bệnh viêm ruột thừa có thể có các triệu chứng sau:1 2 3

  • Đau bụng vùng ¼ dưới phải (hay vùng hố chậu phải).
  • Chán ăn.
  • Buồn nôn và nôn (thường theo sau đau bụng).
  • Sốt (thường xuất hiện muộn hơn sau đó).

Một số triệu chứng khác có thể gặp:

Triệu chứng đau bụng – Triệu chứng điển hình

Người bệnh thường đau bụng là triệu chứng khởi phát đầu tiên. Cảm giác đau bụng trước hết là ở thượng vị hay quanh rốn và sau đó di chuyển đến vùng ¼ dưới phải của bụng khi quá trình viêm tiếp tục diễn tiến. Mặc dù được coi như một dấu hiệu điển hình nhưng thực tế đặc điểm cơn đau di chuyển này chỉ xuất hiện ở 50-60% người bệnh bị viêm ruột thừa.1 2

Phân khu ổ bụng (4 vùng)
Phân khu ổ bụng (4 vùng)

Các triệu chứng khác

Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể thay đổi đa dạng tùy vào vị trí của ruột thừa. Ví dụ:

  • Ruột thừa viêm ở mặt trước thường có dấu hiệu chỉ điểm nổi bật là đau bụng khu trú ở vùng ¼ dưới phải.
  • Ruột thừa sau manh tràng có thể chỉ gây đau âm ỉ mơ hồ.
Phân khu ổ bụng (9 vùng)
Phân khu ổ bụng (9 vùng)

Vị trí đau có thể không còn điển hình ở người bệnh có ruột thừa nằm ở vùng chậu (vùng tiểu khung), vị trí đau sẽ xuống thấp hơn điểm McBurney. Cùng với đó, người bệnh có thể than phiền về vấn đề đi tiểu lắt nhắt, tiểu gắt buốt hay các triệu chứng về tiêu hóa như cảm giác mót rặn, són phân và tiêu chảy.1

Điểm McBurney
Điểm McBurney

Sau đau bụng bao lâu thì ruột thừa bị vỡ?

Một khi quá trình viêm của ruột thừa đã diễn tiến thì sau đó sẽ dẫn đến hoại tử, lúc này ruột thừa sẽ có nguy cơ vỡ dẫn đến tạo ổ áp xe (ổ mủ) khu trú hay viêm phúc mạc toàn thể. Khoảng thời gian đến khi ruột thừa vỡ thì thay đổi, không cố định. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 20% trường hợp ruột thừa vỡ trong khoảng thời gian ít hơn 24 tiếng kể từ lúc khởi phát triệu chứng. 65% trường hợp ruột thừa vỡ khi các triệu chứng đã kéo dài trên 48 tiếng.4

Dấu hiệu viêm ruột thừa

Các dấu hiệu bác sĩ thăm khám gợi ý bệnh thường được mô tả gồm:1 2

  • Điểm McBurney (điểm đau ruột thừa): điểm ấn đau trên thành bụng cách gai chậu trước trên khoảng 1.5-2 inch (khoảng 3.8-5cm) nằm trên đường nối từ gai chậu trước trên tới rốn.
  • Dấu Blumberg (phản ứng dội): sờ nhẹ và sâu vào vùng hố chậu phải, sau đó thả tay đột ngột, người bệnh cảm thấy đau chói tại vị trí đó.
  • Dấu Rovsing: cảm giác đau bụng vùng ¼ dưới phải khi sờ ở vùng ¼ dưới trái. Dấu hiệu này còn gọi là điểm ấn đau gián tiếp và gợi ý viêm phúc mạc khu trú phía bên phải.
  • Dấu cơ thắt lưng chậu: thường dùng trong chẩn đoán viêm ruột thừa sau manh tràng. Dấu này được mô tả là đau bụng vùng ¼ dưới phải khi duỗi thụ động khớp háng phải. Ruột thừa viêm có thể nằm đè lên cơ thắt lưng chậu bên phải, khiến người bệnh co cơ bằng cách rút gối phải lên. Duỗi thụ động cơ thắt lưng chậu với khớp háng bên phải gây đau bụng vùng ¼ dưới phải.
  • Dấu cơ bịt: thường dùng trong chẩn đoán viêm ruột thừa vùng chậu. Dấu này dựa trên nguyên tắc là ruột thừa có thể nằm đè lên cơ bịt trong bên phải. Khi bác sĩ khép khớp gốikhớp háng bên phải của bệnh nhân, theo sau đó là xoay trong khớp háng phải, động tác này kích thích đau bụng vùng ¼ dưới phải.
  • Dấu Dunphy: đau bụng nhiều vùng ¼ dưới phải khi ho, gợi ý viêm phúc mạc khu trú.
  • Dấu Markle: đau bụng ở một vị trí xác định khi cho người bệnh hạ gót chân xuống từ tư thế đứng nhón gót một cách đột ngột.

Thăm khám âm đạohậu môn trực tràng: Một số ý kiến cho rằng có ít bằng chứng ủng hộ việc thăm khám này trong đánh giá người bệnh nghi ngờ viêm ruột thừa vì thông tin mang lại rất ít. Tuy nhiên, số khác cho rằng động tác này có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa vùng chậu, khi mà người bệnh đau nhiều ở vùng này hơn so với vùng bụng. Ngoài ra, động tác này còn giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sản phụ khoa ở nữ.2

Các phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa

1. Các thang điểm chẩn đoán

Một số thang điểm như Alvarado score (cổ điển hay cải biên), Appendicitis Inflammatory Response (AIR) score, Adult Apppendicitis score có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc phân nhóm nguy cơ những đối tượng nghi ngờ viêm ruột thừa. Tuy nhiên các thang điểm này chỉ có tính chất gợi ý, không dùng để chẩn đoán xác định mà tùy trường hợp cụ thể cần phối hợp thêm nhiều thông tin và dữ kiện khác.5

Thang điểm Alvorado (MANTRELS) score cổ điển
Thang điểm Alvorado (MANTRELS) score cổ điển
Thang điểm AIR (Appendicitis Inflammatory Response) score
Thang điểm AIR (Appendicitis Inflammatory Response) score
Thang điểm Adult Apppendicitis score
Thang điểm Adult Apppendicitis score

2. Các xét nghiệm máu và sinh hóa khác

Tổng phân tích tế bào máu

Chỉ số bạch cầu (WBC) tăng nhẹ >10500 tế bào/µL ở hầu hết (80-85%) trường hợp viêm ruột thừa cấp và công thức bạch cầu chuyển trái tăng chủ yếu bạch cầu đa nhân trung tính %NEU >75% gặp trong khoảng 78% trường hợp.2 Chỉ số bạch cầu có thể cao hơn trong tình huống viêm ruột thừa hoại tử hay có biến chứng vỡ.

  • Viêm ruột thừa cấp: WBC ~ 14500 ± 7300 tế bào/µL.
  • Viêm ruột thừa hoại tử: WBC ~ 17,100 ± 3900 tế bào/µL.
  • Viêm ruột thừa vỡ (viêm phúc mạc): WBC ~ 17,900 ± 2100 tế bào/µL.

Protein phản ứng C (CRP)2

Chỉ số CRP thường tăng >1mg/dl trong viêm ruột thừa cấp, nếu chỉ số CRP tăng rất cao ở bệnh nhân viêm ruột thừa thì gợi ý đến tình huống viêm ruột thừa hoại tử, đặc biệt là khi kèm theo chỉ số bạch cầu tăng cao và công thức bạch cầu chuyển trái.

Một số nghiên cứu cho thấy, ở người trưởng thành có triệu chứng kéo dài hơn 24 tiếng mà chỉ số CRP bình thường thì có giá trị tiên đoán âm (loại trừ chẩn đoán viêm ruột thừa) chính xác đến 97-100%.

Test thử thai qua xét nghiệm nước tiểu và máu dành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có tình trạng đau bụng nên được tiến hành xét nghiệm thử thai để xác định hoặc loại trừ sớm khả năng đang mang thai.1 Trong đó, thai ngoài tử cung là một chẩn đoán phân biệt cần được lưu ý.

3. Hình ảnh học

Siêu âm ổ bụng

Siêu âm ổ bụng có trọng điểm được khuyến cáo sử dụng như là một công cụ chẩn đoán đầu tay thích hợp nhất ở cả người trưởng thành và trẻ em.5 Một số đặc điểm gợi ý viêm ruột thừa cấp trên siêu âm gồm:1 2 6

  • Ruột thừa thành dày đè không xẹp với đầu dò siêu âm và đường kính >6mm.
  • Đau khu trú ở vị trí ruột thừa khi đè với đầu dò siêu âm.
  • Hình ảnh sỏi phân.
  • Thâm nhiễm mỡ và dịch quanh ruột thừa.
Hình ảnh siêu âm (mặt cắt ngang) mô tả viêm ruột thừa cấp. Cấu trúc giống hình bia do dày thành ruột thừa và thâm nhiễm mỡ khu trú xung quanh.
Hình ảnh siêu âm (mặt cắt ngang) mô tả viêm ruột thừa cấp. Cấu trúc giống hình bia do dày thành ruột thừa và thâm nhiễm mỡ khu trú xung quanh.
Hình ảnh siêu âm (mặt cắt đứng dọc) mô tả viêm ruột thừa cấp. Cấu trúc hình ống không đè xẹp, không có nhu động, đường kính lớn hơn 6mm. Dịch xung quanh ruột thừa tạo thành hình viền.
Hình ảnh siêu âm (mặt cắt đứng dọc) mô tả viêm ruột thừa cấp. Cấu trúc hình ống không đè xẹp, không có nhu động, đường kính lớn hơn 6mm. Dịch xung quanh ruột thừa tạo thành hình viền.

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có cản quang (CT)

Thường được dùng trong các tình huống viêm ruột thừa khó chẩn đoán, không điển hình, siêu âm ổ bụng cho kết quả không rõ ràng hay không nhất quán với thăm khám lâm sàng hoặc nghi ngờ viêm ruột thừa có biến chứng. CT liều xạ thấp có cản quang cũng được khuyến cáo dùng thay vì CT liều xạ tiêu chuẩn.5 Một số đặc điểm gợi ý viêm ruột thừa cấp trên CT gồm:1 2 6

  • Ruột thừa kích thước to, đường kính >10mm (trong khoảng 6-10mm thì nghi ngờ, cần phối hợp thêm nhiều dữ kiện khác để hỗ trợ chẩn đoán).
  • Ruột thừa thành dày >3mm, tăng bắt thuốc cản quang.
  • Thâm nhiễm mỡ xung quanh ruột thừa.
  • Hình ảnh sỏi phân.
Viêm ruột thừa cấp. Hình ảnh vùng chậu (A và B) từ chụp CT ổ bụng có cản quang cho thấy ruột thừa dày thành (mũi tên) có sỏi phân và dịch xung quanh gợi ý tình trạng viêm.
Viêm ruột thừa cấp. Hình ảnh vùng chậu (A và B) từ chụp CT ổ bụng có cản quang cho thấy ruột thừa dày thành (mũi tên) có sỏi phân và dịch xung quanh gợi ý tình trạng viêm.

Chụp cộng hưởng từ bụng chậu (MRI)

Độ chính xác của MRI cũng tương đối ngang bằng so với CT và cao hơn so với siêu âm nhưng MRI ít khi được lựa chọn trong chẩn đoán viêm ruột thừa vì giá thành cao, thời gian thực hiện lâu và ít được phổ biến rộng rãi nên khó tiếp cận. Tuy nhiên, vì không dùng đến tia xạ nên MRI có thể là một phương tiện chẩn đoán hữu ích cho thai phụ.2 Chính vì lợi ích này, MRI được khuyến cáo dùng ở những phụ nữ mang thai nghi ngờ viêm ruột thừa, nếu phương tiện này có sẵn, sau khi siêu âm cho kết quả không rõ ràng.5

4. Một số xét nghiệm khác

Một số xét nghiệm tiền phẫu (trước mổ) dù không có vai trò trong chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng cũng sẽ được tiến hành một cách thường quy nhằm đánh giá tổng quát trước khi phẫu thuật, tùy theo độ tuổi, cơ địa và bệnh nền của người bệnh như chức năng gan (AST/SGOT, ALT/SGPT máu), chức năng thận (Creatinin máu), chức năng đông máu (TQ, TCK), điện giải đồ (Na+, K+, Cl-), đường huyết mao mạch, điện tâm đồ và X quang ngực thẳng.

5. Chẩn đoán phân biệt

Do đặc điểm đa dạng về vị trí của ruột thừa và tùy vào từng tình huống cụ thể, có thể có rất nhiều bệnh lý cần được chẩn đoán phân biệt với viêm ruột thừa:1 2

Về đường tiêu hóa

Về đường niệu

Về sản phụ khoa

  • Áp xe phần phụ, viêm phần phụ, viêm vùng chậu, viêm tử cung.
  • Vỡ u nang buồng trứng, xoắn u nang buồng trứng, xoắn phần phụ.
  • Mittelschmerz (hội chứng đau bụng giữa kỳ kinh liên quan đến rụng trứng).
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Thoái hóa u xơ tử cung.
  • Thai ngoài tử cung.
  • Hội chứng quá kích buồng trứng.

Khác

  • Áp xe cơ thắt lưng chậu.

Những biến chứng của bệnh viêm ruột thừa

Tỷ lệ biến chứng chung của viêm ruột thừa là khoảng 10%. Đa số là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng. Bên cạnh đó, cũng như các cuộc phẫu thuật khác, các biến chứng sau phẫu thuật cũng được nhắc đến.1 2

Trước phẫu thuật

  • Viêm ruột thừa vỡ (viêm phúc mạc).
  • Áp xe ruột thừa.
  • Đám quánh ruột thừa.
  • Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

Sau phẫu thuật

  • Chảy máu.
  • Nhiễm trùng vết mổ, bục vết mổ.
  • Xì rò gốc ruột thừa, viêm gốc ruột thừa.
  • Áp xe ổ bụng tồn lưu.
  • Liệt ruột kéo dài, tắc ruột sau mổ.
  • Biến chứng hô hấp: xẹp phổi, viêm phổi.
  • Biến chứng tim mạch: thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm ruột thừa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn. Nguy cơ ruột thừa vỡ sẽ tăng cao hơn sau 24 tiếng kể từ khi khởi phát triệu chứng.4 Nếu ruột thừa vỡ, vấn đề điều trị và phẫu thuật sẽ phức tạp hơn và tất nhiên, thời gian nằm viện sẽ kéo dài hơn và nguy cơ biến chứng cũng cao hơn.

Kết quả xét nghiệm Huyết học (chỉ số bạch cầu) của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ)
Kết quả xét nghiệm Huyết học (chỉ số bạch cầu) của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ)
Kết quả xét nghiệm Sinh hoá (chỉ số CRP) của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ)
Kết quả xét nghiệm Sinh hoá (chỉ số CRP) của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ)
Ví dụ về kết quả xét nghiệm siêu âm ổ bụng của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ).
Ví dụ về kết quả xét nghiệm siêu âm ổ bụng của một trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ).

Các phương pháp điều trị viêm ruột thừa

Nhiều thế kỷ trước, phẫu thuật mổ mở cắt ruột thừa từng được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho viêm ruột thừa. Tuy nhiên, ngày nay, các phương pháp tiếp cận điều trị viêm ruột thừa đã trở nên tinh vi hơn và đa dạng hơn. Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa đã vượt mặt phẫu thuật mổ mở trở nên phổ biến hơn. Một vài trường hợp viêm ruột thừa vỡ có thể hưởng lợi từ liệu pháp điều trị kháng sinh ban đầu, theo sau đó là cắt ruột thừa trì hoãn. Một số nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng còn đề nghị rằng điều trị viêm ruột thừa cấp chưa biến chứng với kháng sinh đơn thuần (không mổ) là khả thi.1 2 5

Các thuốc trong điều trị – Phương pháp điều trị không mổ

Đây là chiến lược điều trị cho người bệnh dùng kháng sinh đường tĩnh mạch với mục tiêu tránh phẫu thuật mổ ruột thừa. Ở những người bệnh này, cắt ruột thừa sẽ được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với điều trị kháng sinh hoặc bị viêm ruột thừa tái phát.

Phương pháp điều trị không mổ có thể có những lợi ích nhất định như hồi phục nhanh, có thể quay lại làm việc sớm. Tuy nhiên, người bệnh cần được tư vấn kỹ và chấp nhận nguy cơ bệnh có thể diễn tiến nặng hơn không đáp ứng với kháng sinh, bị viêm ruột thừa tái phát và khả năng bỏ sót bệnh lý tân sinh (gồm cả ung thư).7 Thực tế, phương pháp điều trị này dành cho viêm ruột thừa chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam.

Nếu người bệnh được phẫu thuật cắt ruột thừa, bác sĩ có thể dùng kháng sinh đường tĩnh mạch dự phòng trước mổ (đối với trường hợp viêm ruột thừa cấp chưa biến chứng) và ngưng sau mổ. Đối với các trường hợp khác, kháng sinh có thể phải tiếp tục duy trì sau mổ để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.7 8 Một số thuốc khác như thuốc giảm đau, hạ sốt cũng có thể được sử dụng trước và sau mổ tùy thuộc vào tình trạng người bệnh và đánh giá của bác sĩ.

Phẫu thuật cắt ruột thừa

Phương pháp mổ cho viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt ruột thừa, có thể là mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi. Theo các nghiên cứu hiện tại, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa là phương pháp điều trị được ưu tiên hơn mổ mở cho cả tình trạng chưa biến chứng và có biến chứng (vỡ), nếu trang thiết bị phẫu thuật nội soi và trình độ chuyên môn của bác sĩ đủ điều kiện có thể đáp ứng.5

Mô tả phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa mổ mở
Mô tả phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa mổ mở
Mô tả phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa bằng nội soi
Mô tả phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa bằng nội soi

Trong một số tình huống ruột thừa vỡ hình thành áp xe ruột thừa hay đám quánh ruột thừa, các bác sĩ có thể tiến hành điều trị ban đầu với kháng sinh đường tĩnh mạch trong khoảng 7-10 ngày, kèm theo một thủ thuật hỗ trợ là chọc hút dẫn lưu ổ áp xe qua da dưới hướng dẫn của siêu âm (dùng một cây kim đâm xuyên từ bên ngoài vào trong bụng để chọc dẫn lưu mủ từ ổ áp xe trong bụng) rồi sau đó phẫu thuật cắt ruột thừa trì hoãn (sau một khoảng thời gian thường là 6-8 tuần) khi tình trạng người bệnh cải thiện ổn định hơn.1 2

Với những tình huống viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ), bên cạnh việc phẫu thuật cắt ruột thừa (mổ mở hay nội soi) các bác sĩ có thể thực hiện thêm một số kỹ thuật khác trong cuộc mổ như:7 8 9

  • Đường mổ rộng hơn (trong mổ mở cắt ruột thừa).
  • Rửa bụng (dùng nước muối sinh lý để hút rửa bên trong bụng).
  • Đặt ống dẫn lưu ổ bụng (đặt một ống nhựa để dịch trong bụng thoát ra ngoài).
  • Khâu da thưa hay khâu da hai thì (khâu da lại lần thứ hai).

Theo những nghiên cứu và hướng dẫn thực hành hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh phẩm ruột thừa của người bệnh sẽ được đưa đi làm xét nghiệm mô bệnh học một cách thường quy (để loại trừ khả năng bệnh lý tân sinh tại ruột thừa, kể cả ung thư).5 Một số u tân sinh thường gặp tại ruột thừa gồm: u thần kinh nội tiết (carcinoid), u biểu mô tuyến (adenocarcinoma), u nhầy ruột thừa (mucocele).1

Ruột thừa trong phuật mổ mở cắt ruột thừa
Ruột thừa trong phẫu thuật mổ mở cắt ruột thừa
Ruột thừa trong phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
Ruột thừa trong phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa

Sau phẫu thuật cắt ruột thừa bao lâu thì có thể phục hồi lại bình thường?

Sau phẫu thuật cắt ruột thừa với ruột thừa chưa biến chứng, người bệnh có thể bắt đầu ăn lại thức ăn lỏng và sau đó nhanh chóng thích nghi lại với chế độ ăn bình thường của mình. Kháng sinh sau mổ thường không cần thiết nữa. Đa số người bệnh sẽ được xuất viện khoảng 24-48 tiếng sau phẫu thuật. Với phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, người bệnh thậm chí có thể xuất viện trong cùng ngày phẫu thuật.7 8 9

Với viêm ruột thừa có biến chứng, phẫu thuật sẽ phức tạp và khó khăn hơn nên thời gian nằm viện và theo dõi sau mổ sẽ kéo dài hơn. Kháng sinh sẽ tiếp tục được dùng theo đường tĩnh mạch trong 3-5 ngày. Những ngày đầu sau mổ, người bệnh thường gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống do đường tiêu hóa chưa hoạt động ổn định (liệt ruột, tắc ruột sau mổ …), tình trạng này sẽ từ từ cải thiện trong những ngày tới. Người bệnh thường được xuất viện sau khoảng 5-7 ngày khi đã thích nghi lại với chế độ ăn bình thường.7 8 9 

Khoảng 1-2 tuần sau xuất viện, người bệnh nên quay lại tái khám để đánh giá lại vết mổ và cùng bác sĩ thảo luận về kết quả giải phẫu bệnh của ruột thừa (do có tỷ lệ phát hiện bệnh lý tân sinh tại ruột thừa, kể cả ung thư). Người bệnh có thể hoạt động thể lực như bình thường 2 tuần sau phẫu thuật nếu mổ nội soi hoặc mổ mở theo đường McBurney ở vùng bụng ¼ dưới phải. Nếu người bệnh mổ mở theo đường giữa bụng, các hoạt động thể lực nên trì hoãn đến 6 tuần sau mổ.1

Phòng bệnh viêm ruột thừa như thế nào?

Ở thời điểm hiện tại, không có biện pháp triệt để nào để dự phòng viêm ruột thừa. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh ít gặp hơn ở những người có chế độ ăn giàu chất xơ như là trái cây và rau củ.3

Tuy chưa có biện pháp hữu hiệu để dự phòng viêm ruột thừa nhưng chúng ta có thể phòng ngừa không để xảy ra viêm ruột thừa có biến chứng (vỡ). Người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm ruột thừa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Với bài viết trên về bệnh viêm ruột thừa, Bác sĩ Huỳnh Quang Nghệ hi vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh lý này. Đây là một bệnh lý tiêu hoá rất thường gặp và cần can thiệp cấp cứu kịp thời. Việc chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng vì có thể cải thiện đáng kể trong việc phòng ngừa biến chứng của bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Inflammation of Vermiform Appendixhttps://emedicine.medscape.com/article/195652-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  2. Appendicitishttps://emedicine.medscape.com/article/773895-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  3. Appendicitishttps://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-appendicitis

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  4. Emergency Signs and Symptoms of Appendicitishttps://www.healthline.com/health/digestive-health/appendicitis-emergency-symptoms#1

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  5. Diagnosis and treatment of acute appendicitis: 2020 update of the WSES Jerusalem guidelineshttps://doi.org/10.1186/s13017-020-00306-3

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  6. Appendicitis Imaginghttps://emedicine.medscape.com/article/363818-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  7. Appendectomy Techniquehttps://emedicine.medscape.com/article/195778-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  8. Laparoscopic Appendectomyhttps://emedicine.medscape.com/article/1582228-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

  9. Open Appendectomyhttps://emedicine.medscape.com/article/1582203-overview

    Ngày tham khảo: 08/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người