Viêm tai giữa mạn tính: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng bệnh lý nhiễm trùng khá phổ biến trên thế giới. Đặc biệt ở trẻ em và có thể dẫn đến suy giảm thính lực. Viêm tai giữa mạn tính có khả năng phá hủy các cấu trúc tai giữa nhiều hơn bệnh lý viêm tai giữa cấp. Việc điều trị lâu dài, khó khăn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Hãy cùng Bác sĩ Tai Mũi Họng Nguyễn Bảo Sơn tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm tai giữa mạn tính qua bài viết sau.
Tổng quan về viêm tai giữa mạn tính
Khảo sát cho thấy, hơn 90% bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính sinh sống ở Đông Nam á, các vùng phía Tây Thái Bình Dương Châu Phi và nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng ven Thái Bình Dương. Bệnh lý này không phổ biến ở Châu Mỹ, Châu Âu, vùng Trung Đông và Úc.1
Viêm tai giữa mạn tính thường bắt đầu từ thuở nhỏ. Lỗ thủng màng nhĩ thường xuất hiện đột ngột trong đợt viêm tai giữa cấp hoặc là giai đoạn tiếp theo của các thể viêm tai ít nguy hiểm hơn như viêm tai giữa tiết dịch.1
Bệnh lý này thường xảy ra trong suốt 6 năm đầu đời của trẻ. Với đỉnh là quanh 2 tuổi. Thời điểm chính xác viêm tai giữa chuyển từ cấp tính sang mạn tính vẫn chưa được xác định chính xác. Nhìn chung thì bệnh nhân với lỗ thủng màng nhĩ kèm với tình trạng chảy tai kéo dài từ 6 tuần – 3 tháng thì được coi là có viêm tai giữa mạn tính.1 2
Tai giữa là gì?
Tai giữa gồm ba phần là xương chũm, hòm nhĩ và vòi nhĩ. Ba phần này được thông với nhau. Tai giữa được xem như một khoang chứa khí trong xương thái dương. Tai giữa có nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong thông qua các xương con.
Định nghĩa viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tình là tình trạng nhiễm trùng tái phát của tai giữa và/hoặc tế bào chũm và thường đi kèm với thủng màng nhĩ, thường biểu hiện triệu chứng chảy dịch tai kéo dài > 6 tuần dù có hay không điều trị. Theo WHO, chỉ cần chảy dịch tai kéo dài > 2 tuần thì đã có thể xác định chẩn đoán, mặc dù một số chuyên gia cho rằng nên xác định ở ngưỡng cao hơn (3 tháng).1
Phân loại viêm tai giữa mạn tính
Các thể viêm tai giữa mạn tính được phân loại thành 3 loại chính:1
- Viêm tai giữa mủ mạn.
- Viêm tai giữa tiết dịch mạn (Viêm tai giữa thanh dịch): có dịch trong tai giữa kéo dài nhưng không thủng màng nhĩ.
- Viêm tai giữa mạn tính không hoạt động: đặc trưng bởi lỗ thủng màng nhĩ không lành.
Đối tượng có nguy cơ viêm tai giữa mạn1 2 3 4
- Thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt < 2 tuổi.
- Tiền căn có nhiều đợt viêm tai giữa cấp.
- Điều kiện sống đông đúc, kém vệ sinh. Sinh hoạt trong nhà trẻ, gia đình đông con.
- Hút thuốc lá chủ động/thụ động.
- Suy giảm miễn dịch.
- Bất thường giải phẫu: sứt môi chẻ vòm, giãn rộng vòi nhĩ, bất thường cấu trúc sọ mặt…
- Chủng tộc và gene.
Nguyên nhân viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa tái đi tái lại do các tác nhân thường là vi khuẩn gây nên.2 3
Phổ vi khuẩn viêm tai giữa cấp và mạn có sự khác nhau. Trong viêm tai giữa cấp, phổ vi khuẩn thường là Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae và Micrococcus catarrhalis. Đây là hệ vi khuẩn của đường hô hấp trên, xâm nhập vào niêm mạc tai giữa từ vùng mũi hầu thông qua või nhĩ (Vòi Eustache) do các đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Sau khi thủng màng nhĩ, đặc biệt lỗ thủng mạn tính không lành, khuẩn hệ vi khuẩn từ ống tai ngoài có thể sẽ xâm nhập vào tai giữa và dẫn đến khuẩn hệ chiếm ưu thế có thể là vi khuẩn hiếu khí (ví dụ Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, S. aureus, Streptococcus pyogenes, Proteus mirabilis, Klebsiella species hoặc vi khuẩn kỵ khí (ví dụ Bacteroides, Peptostreptococcus, Propionibacterium). Trong số các vi khuẩn trên, P.aeruginosa được cho là có sức tàn phá lớn nhất. Nó gây phá hủy cấu trúc tai giữa và xương chũm dựa vào các loại độc tố và enzyme.
Nấm và vi khuẩn kị khí có thể cùng tồn tại với vi khuẩn. Ngoài ra, cũng nên loại trừ lao trên bệnh nhân có viêm tai giữa mạn tính chảy dịch tai kéo dài.
Các nguyên nhân góp phần gây nên viêm tai giữa mạn tính:3
- Viêm mũi họng, viêm mũi xoang tái đi tái lại.
- Viêm tai giữa cấp tái đi tái lại.
- Trào ngược ngoài thực quản.
- Rối loạn chức năng vòi nhĩ.
Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính
Những triệu chứng phổ biến:2 5
- Chảy dịch, chảy mủ tai hôi kéo dài.
- Nghe kém.
- Thường không đau.
- Liệt mặt do liệt dây thần kinh VII.
- Có thể phù nề sau tai: Gợi ý biến chứng viêm tai xương chũm.
- Trong các đợt hồi viêm: sốt, đau tai, chảy tai nhiều hơn, nghe kém tăng lên, nhức đầu tăng.
Triệu chứng nghi ngờ biến chứng nội sọ (Viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên):
- Sốt: Sốt cao kéo dài, có thể sốt lạnh run.
- Nhức đầu: Nhức đầu liên tục, lan tỏa, có xu hướng tăng, uống thuốc giảm đau không bớt.
- Đau tai dữ dội: đặc biệt là đau sâu trong tai, đau lan lên nửa đầu cùng bên với bên chảy mủ.
- Buồn nôn, nôn mửa: lúc đói cũng như lúc no, nôn dễ dàng, không có bệnh lý tiêu hóa kèm theo. Nôn ói thường gặp trong áp xe não.
- Gầy sút nhanh, ngủ gà, chậm chạp, lú lẫn.
- Chóng mặt: có thể biến chứng của áp xe não, hoặc viêm mê đạo tai (biến chứng tai trong).
Khám qua nội soi hoặc đèn soi tai (otoscope) thấy lỗ thủng màng nhĩ, mủ trong hòm nhĩ, có thể quan sát thấy polyp hòm nhĩ hay cholesteatoma (khối sừng hóa, tích tụ các tế bào chết (vảy) nằm ở tai giữa hoặc xương chũm, có thể là tổn thương tiên phát hoặc thứ phát do thủng màng nhĩ hay phẫu thuật), niêm mạc hòm nhĩ phù nề, chuỗi xương con bị phá hủy. Hoặc có thể chỉ thấy dịch trong/ dịch đục trong hòm nhĩ trong thể viêm tai giữa thanh dịch.
Điều trị/Xử lý tại nhà
Khi thấy có mủ trong tai chảy ra phía ngoài tai, người nhà có thể dùng tăm bông lau sạch ngoài tai. Không nên lau sâu vào trong lòng ống tai. Không nên tự ý bơm rửa, móc ngoáy tai. Nên giữ tai khô, không để nước vào tai. Hạn chế bơi lội trong thời gian đang điều trị (hoặc phải dùng vật liệu nút tai không để nước vào.6
Nếu đau tai, có thể chườm ấm khoảng 20 phút vào tai đau. Hoặc có thể sử dụng một số thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen.6
Không nên tự ý sử dụng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh không đúng có thể tăng nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn, làm mờ các dấu chứng của bệnh.6
Thường những trường hợp viêm tai giữa mạn tính nên theo dõi và tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ đến khi bệnh cải thiện hoàn toàn. Tự điều trị có thể không mang lại kết cục tốt mà làm tăng nguy cơ biến chứng. Dẫn đến khó khăn trong điều trị về sau cũng như tăng nguy cơ trở thành di chứng.6
Người bệnh nên tuân thủ điều trị, nhỏ tai đúng cách. Đồng thời theo dõi dấu hiệu nặng, tình trạng thính lực, ù tai có giảm hay không thay đổi.6
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi gặp tình trạng sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay:1
- Người bệnh có viêm tai giữa cấp biểu hiện các triệu chứng sốt, đau tai, ù tai, chảy mủ tai cấp tính nên đến gặp bác sĩ để điều trị tích cực, hạn chế nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa mạn sau này.
- Người bệnh viêm tai giữa mạn nếu đang trong thời gian điều trị nhưng thấy mủ tai chảy ra nhiều hơn, hôi thối hoặc các dấu hiệu gợi ý đợt hồi viêm hoặc biến chứng như sốt cao lạnh run, sưng đau sau tai, đau đầu nhiều hơn, nghe kém nhiều hơn, chóng mặt, nôn ói,.. thì nên đến gặp bác sĩ ngay để đánh giá và nhận được điều trị thích hợp.
- Người bệnh có lỗ thủng màng nhĩ khô, không lành ảnh hưởng đến thính lực.
Chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính
Chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính phụ thuộc vào triệu chứng lâm sàng, thời gian, diễn tiến bệnh, tiền căn và cận lâm sàng phù hợp.1 2
Chẩn đoán chính xác bệnh
Cần nhớ rằng không phải mọi trường hợp chảy tai kéo đều là viêm tai giữa mạn tính. Một số bệnh lý khác phổ biến như viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp…
Bệnh cảnh viêm tai giữa mạn tính thường biểu hiện chảy dịch tai kéo dài, không đau, không sốt trừ khi có các biến chứng ngoài sọ hay nội sọ. Người bệnh có tiền căn viêm mũi dị ứng hay nhiễm trùng hô hấp trên tái phát, hay viêm tai giữa cấp tái phát. Viêm tai giữa cấp thường có đau tai kèm theo. Nhưng trong một số trường hợp không đau. Khoảng thời gian chảy tai có thể sẽ giúp phân biệt giữa viêm tai giữa cấp hay mạn.
Ngoài ra một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể thực hiện thêm để củng cố chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính cũng như khảo sát các biến chứng liên quan nếu nghi ngờ.
Các xét nghiệm cần thực hiện2
- Lấy dịch/mủ trong hòm nhĩ đi cấy giúp đánh giá tác nhân gây bệnh và độ nhạy cảm với thuốc điều trị chuyên biệt.
- Công thức máu: bạch cầu có thể tăng, đặc biệt trong các đợt hồi viêm hoặc có thể gợi ý biến chứng nếu tăng cao.
- CT xương thái dương giúp đánh giá cấu trúc xương đá, tai giữa, xương con, tai trong và vùng cơ quan quan trọng lân cận; phát hiện các bất thường khác như nghi ngờ các khối tân sinh hay cholesteatoma. Nên chụp CT xương thái dương nếu như viêm tai giữa mạn không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa.
- MRI/CT sọ não, MRI xương thái dương khi nghi ngờ có biến chứng nội sọ hay trong xương thái dương.
- Đánh giá thính lực qua các test thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ gân cơ bàn đạp. Thường nên đánh giá trước phẫu thuật (nếu có chỉ định) và sau phẫu thuật. Ngoại trừ trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu.
Phương pháp điều trị
Viêm tai giữa mạn có thể điều trị ngoại trú hiệu quả sau khi loại trừ các biến chứng nguy hiểm ngoài sọ cũng như nội sọ. Hoặc nếu không đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường cần nhập viện để chuyển sang kháng sinh chích.2
Các phương pháp điều trị:2
Điều trị nội khoa
Viêm tai giữa mạn tính với liệu pháp điều trị tại chỗ bao gồm 3 yếu tố chính. Đó là lựa chọn kháng sinh nhỏ tai thích hợp, chăm sóc tai thường xuyên, và kiểm soát mô hạt:
- Thuốc nhỏ tai: Viêm tai giữa mạn tính đáp ứng tốt với điều trị nhỏ tai tai chỗ. Thường là các loại thuốc kháng sinh nhóm quinolon như ciprofloxacin (an toàn khi màng nhĩ thủng). Hoặc nhóm aminoglycosides như neomycin kết hợp với polymyxin B. Nhóm này có thể kèm theo thành phần steroid giúp giảm viêm, giảm sưng nề.
- Làm vệ sinh tai/chăm sóc tai thường xuyên (bởi các nhân viên y tế có chuyên môn). Chăm sóc tai giúp làm tăng hiệu quả của điều trị kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ tai).
- Kiểm soát mô hạt: Có thể cắt đốt mô hạt bằng bipolar hoặc hóa chất như bạc nitrat hoặc bằng các dụng cụ vi phẫu khác. Mô hạt ngăn sự xuyên thấu của kháng sinh tại chỗ vào vùng niêm mạc viêm nhiễm. Từ đó oại bỏ mô hát giúp tăng hiệu quả kháng sinh tai chỗ. Ngoài ra có thể lấy bỏ mô sùi viêm trong lúc phẫu thuật xương đá (tympanomastoidectomy).
Đường toàn thân: thuốc uống có thể được dùng chung với các thuốc nhỏ tai để tăng hiệu quả điều trị. Thuốc chích thường dùng với các trường hợp kém đáp ứng với điều trị thuốc uống và nhỏ tai. Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vào vòi nhĩ.
Điều trị ngoại khoa2
Mục tiêu là làm sạch bệnh tích và nếu có thể, sẽ giúp hồi phục phần nào khả năng nghe cho bệnh nhân.
Khi có chỉ định hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa thích hợp bao gồm các điều trị tại chỗ cũng như toàn thân. Mục tiêu hiện tại của phẫu thuật là giúp tai khô, an toàn. Đồng thời cố gắng bảo tồn được các cấu trúc thực hiện chức năng trong phạm vi cho phép.
Ở bệnh nhân không có cholesteatoma, phẫu thuật được cân nhắc với lỗ thủng không lành, tồn tại trong thời gian dài và còn triệu chứng lâm sàng như chảy dịch tai kéo dài tái phát và giảm nghe; hoặc đối với các lỗ thủng rộng không có khả năng lành.
Các yếu tố như tuổi, thể trạng, tổng trạng chung, bệnh lý khác trên bệnh nhân nên được cân nhắc trước khi phẫu thuật.
Chỉ định chung của điều trị ngoại khoa:
- Thủng màng nhĩ tồn tại trên 6 tuần.
- Chảy dịch tai kéo dài trên 6 tuần mặc dù đã được điều trị kháng sinh thích hợp
- Có cholesteatoma.
- Bằng chứng trên hình ảnh học có viêm tai xương chũm mạn tính.
- Nghe kém dẫn truyền.
Ở bệnh nhân có viêm tai giữa mạn có cholesteatoma ở giai đoạn sớm có thể hút rửa tai và và theo dõi:
- Phẫu thuật có thể chỉ là đặt ống dẫn lưu (tympanocentesis) dịch từ trong hòm nhĩ, hoặc phẫu thuật vá nhĩ đơn thuần.
- Hoặc các phẫu thuật chỉnh hình tai giữa nhằm lấy bỏ bệnh tích trong tai giữa như các mô viêm sùi, cholesteatoma hay polyp +/- tái tạo chuỗi xương con nhằm phục hồi hệ thống dẫn truyền âm thanh.
- Hoặc phẫu thuật khác như mở sào bào thượng nhĩ, phẫu thuật tiệt căn xương chũm.
Chống chỉ định:
- Phẫu thuật trên bệnh nhân chỉ còn một tai duy nhất có thể nghe được.
- Tổng trạng chung kém, lớn tuổi, suy nhược, nguy cơ biến chứng do gây mê cao
- Bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
- Ở bệnh nhân đang có biến chứng cấp thứ phát do cholesteatoma. Ví dụ áp xe não nên ưu tiên giải quyết ổ áp xe.
Cách phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính
Sau đây là những cách có thể phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính:3
- Điều trị tích cực bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm tai giữa cấp. Có thể phẫu thuật nạo VA khi VA sưng to và gây viêm tai giữa kéo dài (thường là viêm tai giữa thanh dịch).
- Nên phẫu thuật vá nhĩ sớm nếu có lỗ thủng màng nhĩ không lành. Mục đích để ngăn vi trùng từ ống tai ngoài vào trong niêm mạc hòm nhĩ.
- Tiêm ngừa đầy đủ: phế cầu, H.influenzae.
- Khuyến khích mẹ nuôi con bằng sữa mẹ: sữa mẹ chưa các chất kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch.
- Môi trường sống không nên có khói thuốc lá.
- Cải thiện vệ sinh môi trường sống.
- Hạn chế sử dụng núm vú giả.
- Giữ tai khô, tránh vô nước khi tắm hoặc bơi lội trong trường hợp có thủng nhĩ.
- Người chăm sóc trẻ nên vệ sinh tay và điều trị bệnh lý đường hô hấp trên trước khi tiếp xúc với bé.
Viêm tai giữa mạn tính hiện nay vẫn là một gánh nặng bệnh tật cho nền y tế thế giới. Đặc biệt là những nước kinh tế chưa phát triển, kinh tế khó khăn. Nên tham vấn ý kiến chuyên môn của bác sĩ khi người bệnh có tình trạng chảy tai kéo dài cùng với các triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo như đã nêu. Đồng thời bạn nên:
- Điều trị tích cực viêm tai giữa cấp.
- Cải thiện môi trường sống.
- Hạn chế nhiễm trùng hô hấp trên để hạn chế tối thiểu nguy cơ viêm tai giữa mạn tính.
Bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính thường có tiên lượng khá tốt nếu kiểm soát được nhiễm trùng. Khả năng hồi phục vấn đề nghe kém còn tùy thuộc vào bệnh nguyên. Nghe kém dẫn truyền có thể cải thiện một phần nhờ vào phẫu thuật. Trên đây là những thông tin của bệnh này. Khi có những dấu hiệu bất thường, bạn nên khám bác sĩ để được phát hiện và điều tị bệnh kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Chronic suppurative otitis mediahttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/42941/9241591587.pdf
-
Chronic Suppurative Otitis Mediahttps://emedicine.medscape.com/article/859501-overview#a1
Ngày tham khảo: 09/09/2022
- Charles D.Bluestone and Jerome O.Klein (2014), Otitis Media and Eustachian Tube Dysfunction, Bluestone and Stool’s Pediatric Otolaryngology, 5th, vol 1.
-
Otitis Media (Middle Ear Infection) in Adultshttps://www.entcolumbia.org/health-library/otitis-media-middle-ear-infection-adults
Ngày tham khảo: 09/09/2022
- Lâm Huyền Trân, Võ Hiếu Bình (2004). Chảy tai - Viêm tai giữa và biến chứng nội sọ do tai, Bài giảng lâm sàng Tai Mũi Họng. NXB Y học.
-
What are some home remedies for home infections?https://www.everydayhealth.com/ear-infection/home-remedies/
Ngày tham khảo: 09/09/2022